Thứ Bảy, 4 tháng 4, 2020

Hãy xem & cầu nguyện với Thánh Teresa Calcutta (Toàn văn bài giảng Lễ sáng của Đức Thánh Cha Phanxico)

Hãy xem & cầu nguyện với Thánh Teresa Calcutta (Toàn văn bài giảng Lễ sáng của Đức Thánh Cha Phanxico)
© Vatican Media

Hãy xem & cầu nguyện với Thánh Teresa Calcutta (Toàn văn bài giảng Lễ sáng của Đức Thánh Cha Phanxico)

Tại Nhà nguyện Thánh Marta, cầu nguyện cho người vô gia cư


02 tháng Tư, 2020 16:37

Cầu nguyện với Mẹ Thánh Teresa Calcutta và học từ mẹ … 

Hôm nay ngày 2 tháng Tư, Đức Thánh Cha Phanxico động viên như trên khi ngài dâng Lễ riêng cho các nạn nhân của Coronavirus tại Nhà nguyện Thánh Marta trong khu ngài ở.

Hôm nay, Đức Thánh Cha cầu nguyện cho những người vô gia cư, ngài cảm thán rằng “trong những ngày đau thương và buồn bã đã làm lộ ra quá nhiều vấn đề bị che khuất.”

Đặc biệt, Đức Giáo hoàng người Argentine đề cập đến một tấm ảnh đăng trên các nhật báo, ngài nói nó chạm đến tâm hồn.

Ngài nói, “Quá nhiều người vô gia cư trong thành phố, nằm ngổn ngang trong một bãi đậu xe…,” và nhận xét: “Ngày nay có quá nhiều người vô gia cư.”

Theo Vatican News, Đức Thánh Cha mời gọi tín hữu xin với Thánh Teresa Calcutta đánh thức trong mỗi người chúng ta tình liên đới với “những người sống, ẩn núp, trong những vết nứt của xã hội,” chẳng hạn như người vô gia cư và những người trong thời gian khủng hoảng này thì cảnh khốn khổ của họ trở nên quá rõ ràng.

Bài giảng của Đức Thánh Cha trong sáng Thứ Năm này tập trung vào các bài đọc trong ngày trích Sách Sáng thế và Tin mừng Thánh Gioan. Đức Giáo hoàng Dòng Tên phân tích rằng cả hai bài đều tập trung vào hình ảnh A-bra-ham, vào Giao ước với Thiên Chúa và Chúa Giê-su đến để “tái tạo lại” công trình sáng tạo bằng cách tha thứ tội của chúng ta.

Ngài nói, “Thiên Chúa đã cho chúng ta một lời hứa và bây giờ Ngài mời gọi chúng ta thực hiện Giao ước, một Giao ước của lòng trung tín.”

Đức Phanxico nhắc nhở rằng người Ki-tô hữu chúng ta là những người Thiên Chúa đã chọn.

Đức Thánh Cha Phanxico kết luận bài giảng rằng: “Đây là sự mạc khải mà Lời Chúa nói cho chúng ta biết hôm nay về đời sống người Ki-tô hữu chúng ta. Đời sống đó phải giống như đời sống của Tổ phụ chúng ta: ý thức mình được chọn, vui mừng tiến bước về miền đất hứa và trung thành với Giao ước.”

Trước khi kết thúc, Đức Thánh Cha mời gọi tín hữu tham dự Rước Lễ Thiêng liêng trong giai đoạn khó khăn này, và kết thúc thánh Lễ với nghi thức tôn thờ Thánh Thể và Phép lành.

***


***

TOÀN VĂN BÀI GIẢNG

Thiên Chúa luôn luôn nhớ Giao ước của Người. Chúng ta lặp lại điều đó trong Đáp Ca. Chúa không quên; Người không bao giờ quên. Có, Người chỉ quên trong một trường hợp duy nhất là khi Người tha thứ tội. Sau khi đã tha thứ Người bị mất trí nhớ, Người không nhớ các tội. Trong tất cả các trường hợp khác, Chúa không quên. Sự trung tín của Người là sự ghi nhớ; sự trung tín với dân Người. Sự trung tín với A-bra-ham chính là sự ghi nhớ những lời hứa Người đã nói. Chúa đã chọn A-bra-ham để cam kết một con đường. A-bra-ham là người được chọn; ông là người được chọn. Chúa đã chọn ông. Rồi trong việc tuyển chọn đó, Người hứa với ông sự thừa kế, và hôm nay trong trích đoạn Sách Sáng Thế ký, có một bước đi xa hơn. “Phần Ta, đây là giao ước của Ta với ngươi” — Giao ước. Một Giao ước cho ông nhìn thấy sự sinh sản nhiều của mình: “Ngươi sẽ làm cha của vô số dân tộc.”

Sự tuyển chọn, lời hứa và Giao ước là ba chiều kích của đời sống đức tin, ba chiều kích của đời sống Ki-tô giáo. Mỗi người chúng ta là một người được chọn. Chẳng ai chọn để trở thành người Ki-tô hữu giữa tất cả những cơ hội mà “thị trường” tôn giáo cung cấp cho người đó. Người đó là một người được chọn. Chúng ta là người Ki-tô hữu vì chúng ta được chọn. Trong sự tuyển chọn này có một lời hứa; có một lời hứa của hy vọng, tín hiệu của sự sinh sản nhiều: “A-bra-ham sẽ làm cha của vô số dân tộc, và … và ngươi sẽ trổ sinh đầy hoa trái đức tin. Đức tin của ngươi sẽ đơm bông qua những công việc, những công việc tốt lành, trong những việc đầy hiệu quả – một đức tin đầy hoa trái. Tuy nhiên, ngươi phải — trình thuật thứ ba — thi hành Giao ước với ta.” Và Giao ước là sự trung tín, trổ sinh hoa trái. Chúng ta đã được chọn; Chúa ban cho chúng ta một lời hứa, bây giờ Người đòi hỏi chúng ta một Giao ước, một Giao ước của sự trung thành. Chúa Giê-su nói rằng ông A-bra-ham hân hoan mừng vui, nhìn thấy ngày của ông, ngày của sự sinh sản đông đúc, thấy người Con của ông — Chúa Giê-su là con của A-bra-ham — Đấng đến để tái tạo lại công trình Tạo dựng, đó là điều khó thực hiện hơn, phụng vụ cho biết — Người đến để chuộc lại tội của chúng ta, để giải thoát chúng ta. Người Ki-tô hữu trở thành người Ki-tô hữu không bởi vì người đó đưa ra chứng minh thư đức tin của Phép Rửa tội, đức tin của Phép Rửa tội là một tờ giấy. Anh chị em là người Ki-tô hữu vì anh chị em đã nói lời xin vâng trước sự tuyển chọn mà Chúa thực hiện với anh chị em, nếu anh chị em luôn thực thi những lời hứa mà Chúa đã thực hiện với anh chị em, và nếu anh chị em sống Giao ước với Thiên Chúa: đây là đời sống Ki-tô hữu. Tội luôn luôn chống lại ba chiều kích này: không chấp nhận sự tuyển chọn, và chúng ta “chọn” các ngẫu tượng, quá nhiều thứ chẳng phải là Thiên Chúa; không chấp nhận sự hy vọng trong lời hứa, đi tìm, đi nhìn đến những lời hứa viển vông, rất nhiều lần – như trong Thư gửi tín hữu Do thái nói – tung hô chúng từ đằng xa và hành động như thể đó là những lời hứa với các ngẫu tượng nhỏ bé mà chúng ta làm ra; và để quên đi Giao ước, để sống không có Giao ước, dường như chúng ta chẳng có Giao ước. Sự trổ sinh hoa trái là niềm vui, niềm vui của A-bra-ham là người nhìn thấy ngày của Chúa Giê-su và ngập tràn mừng vui. Đây là sự mạc khải mà Lời Chúa hôm nay cho chúng ta biết về sự sống của người Ki-tô hữu. Nguyện xin nó sẽ trở thành như đời sống của Tổ phụ: ý thức mình được chọn, mừng vui tiến đến miền đất hứa và trung thành thực thi Giao ước.

Đức Thánh Cha kết thúc Thánh Lễ với Chầu Thánh Thể và Phép Lành, mời gọi tín hữu Rước Lễ Thiêng Liêng.



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 3/4/2020]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét