Thứ Hai, 25 tháng 5, 2020

Những vị thánh truyền cảm hứng đã chịu đau khổ và yêu thương qua những bệnh mạn tính

Những vị thánh truyền cảm hứng đã chịu đau khổ và yêu thương qua những bệnh mạn tính

Những vị thánh truyền cảm hứng đã chịu đau khổ và yêu thương qua những bệnh mạn tính

23 tháng Năm, 2020

Khó mà hình dung ra được những thập giá phải mang bởi căn bệnh mạn tính. Nhưng những người nam và nữ này đã tìm ra con đường lên thánh trong sự đau đớn của họ.

Khi các nhà thờ và doanh nghiệp bắt đầu mở cửa trở lại và mọi người quyết định về cách thức tốt nhất để bảo vệ cho bản thân và những người chung quanh, thì vẫn có hàng triệu người với những căn bệnh mạn tính mà với họ những quyết định này thậm chí còn phức tạp hơn. Nhưng Giáo hội luôn tôn vinh những hy sinh của những con người chịu đau khổ vì yêu mến Đức Kitô, và có một số những thánh nhân mang bệnh mãn tính là những vị chuyển cầu đầy hiệu lực cho những ai đang sống trong hoàn cảnh này (và những ai trong chúng ta yêu thương họ thật lòng).

Thánh Lidwina (1380-1433) đang trượt tuyết gần nhà của thánh nhân ở Hà Lan thì bị ngã và gãy một xương sườn. Mới chỉ 15 tuổi, thánh nhân chắc chắn sẽ phục hồi, nhưng vết thương của thánh nhân dường như bị hoại thư và cơ thể của thánh nhân ngày càng trở nên tàn phế. Một số người suy đoán rằng chứng bại liệt xảy ra sau đó thực ra là kết quả của bệnh đa xơ cứng, chính nó là nguyên nhân khiến thánh nhân ngã chứ không phải là kết quả của nó. Lidwina dành phần còn lại của đời mình (gần 40 năm) trên giường, đối phó với cơn đau làm yếu sức và chứng nôn nhưng được an ủi bởi những thị kiến thần bí. Người ta nói rằng thánh nhân đã sống chỉ nhờ Bí tích Thánh Thể trong 19 năm, nhận được các Dấu Thánh, và trở thành khí cụ mà qua đó Thiên Chúa đã làm việc nhiều phép lạ.

Chân phước Miguel Pro (1891-1927) nổi tiếng về những cách ngụy trang và láu lỉnh mà nhờ đó ngài đã thoát được sự săn lùng trong thời chiến tranh Cristero ở Mexico. Người linh mục trẻ này ở trong đất nước bị chiến tranh tàn phá nhưng trên hết vì căn bệnh bao tử kinh niên của ngài. Trong suốt thời gian đào tạo linh mục Dòng Tên ở Châu Âu, Cha Pro chịu những cơn đau bao tử kinh hoàng (cơn đau mà ngài thường che giấu bằng cách kể chuyện tiếu lâm, để ngài có thể kìm lại được bao tử khi ngài bật cười sau đó). Chẳng bao lâu sau khi được truyền chức, Cha Pro trải qua ba cuộc giải phẫu để điều trị viêm loét; trong một lần mổ, các bác sĩ cho rằng gây mê là quá mạo hiểm, vì thế người linh mục trẻ cười xin cho người đọc bộ Giáo luật trong suốt thời gian diễn ra cuộc giải phẫu. Khi sức khỏe của Cha Pro không cải thiện sau lần mổ thứ ba, các bề trên của ngài quyết định gửi ngài trở lại Mexico với hy vọng thời tiết sẽ làm cho ngài trở nên khá hơn. Ở đó, Cha Pro sống giấu mình suốt một năm rưỡi trước khi bị bắt và bị hành quyết.

Chân phước Carlos Manuel Rodriguez (1918-1963) là một người Puerto Rico bị chứng viêm loét ruột kết. Mặc dù bệnh của cậu làm chậm lại thời gian tốt nghiệp trung học cho mãi đến năm 21 tuổi và khiến cậu không vào được đại học, nhưng Carlos không cho phép nó cản trở công việc của mình cho Giáo hội ở Puerto Rico. Ngài vô cùng yêu mến phụng vụ, là điều ngài chia sẻ với mọi người qua những bản tin định kỳ ngài tạo ra, những buổi nói chuyện, các nhóm học tập mà ngài tổ chức, và các buổi tĩnh tâm do ngài hướng dẫn. Ngoài tất cả những việc này, ngài có một công việc được trả lương là làm thư ký văn phòng và dành thời gian rảnh rỗi đi bộ và chơi piano và organ. Ngài chết vì bệnh ung thư trực tràng khi mới 44 tuổi.

Chân phước Benedetta Bianchi Porro (1936-1964) bị chứng bại liệt từ nhỏ khiến chân phước phải đi khập khiễng suốt đời và phải đeo nẹp lưng. Chân phước bắt đầu mất thính giác khi còn là sinh viên y khoa, nhưng các bác sĩ tin rằng đó là bệnh căng thẳng thần kinh. Sở hữu một bộ óc y khoa xuất chúng, Porra tự chẩn đoán mình mắc bệnh von Recklinghausen, một tình trạng thần kinh cuối cùng sẽ cướp đi tất cả năm giác quan của chân phước. Trong bảy năm tiếp theo, chân phước bị mất thính giác, sau đó là thị lực, rồi không thể sử dụng đôi chân. Cuối cùng, toàn thân không thể cử động được ngoài tay trái và chỉ nhận được thông tin liên lạc qua những ký tự được viết trên má. Chân phước chiến đấu quyết liệt với bóng tối tâm hồn và sự cám dỗ đi đến tuyệt vọng, nhưng cuối cùng tìm được niềm vui, chị nói, “Tôi không thiếu hy vọng. Tôi biết rằng Chúa Giêsu đang đợi tôi ở cuối con đường … Tôi đã phát hiện ra rằng Thiên Chúa hằng hữu, rằng Ngài là tình yêu, là sự trung tín, niềm vui, sự chắc chắn, cho đến muôn đời. Những ngày của tôi không dễ dàng. Chúng rất nặng nề, nhưng trở nên ngọt ngào vì Chúa Giêsu ở với tôi.”

Tôi tớ Chúa Darwin Ramos (1994-2012) là một cậu bé người Phi Luật tân sinh trong cảnh nghèo khổ cùng cực. Mặc dù mẹ cậu làm việc vất vả với công việc của một người phụ nữ giặt ủi, người cha nghiện rượu của cậu đã uống gần như hết số tiền lương của bà. Là con cả trong số tám đứa trẻ bị đói, Darwin và em gái dành cả ngày để nhặt ve chai. Nhưng các cơ của cậu bị yếu dần khi lên khoảng năm tuổi và cuối cùng cậu mất khả năng đi lại. Sau đó, cậu được chẩn đoán mắc chứng loạn dưỡng cơ Duchenne. Khi đó, cha của Darwin bắt cậu đi ăn xin (dù Darwin rất xấu hổ) cho đến khi một nhóm hoạt động với trẻ em đường phố mời Darwin đến sống cùng họ tại nhà dành cho trẻ em khuyết tật. Ở đó, niềm vui bất tận của Darwin trở nên rõ rệt với mỗi người mà cậu gặp. Cậu không bao giờ than thở về căn bệnh đang dần dần giết chết mình, thay vì vậy còn gọi đó là sứ mệnh của mình, và là con đường để cậu học cách yêu mến và tin cậy vào Chúa. Cậu chết ở tuổi 17. Và những lời cuối cùng của cậu là gì? “Xin cảm ơn rất nhiều. Em rất hạnh phúc."



[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 24/5/2020]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét