Thứ Hai, 15 tháng 6, 2020

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha: giá trị kép của Thánh Thể

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha: giá trị kép của Thánh Thể
© Vatican Media

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha: giá trị kép của Thánh Lễ

Kết hiệp với Đức Kitô và hiệp thông với những người được nuôi dưỡng bởi Ngài

14 tháng Sáu, 2020 15:44

Trong huấn từ Kinh Truyền tin ngày 14 tháng Sáu, 2020, Đức Thánh Cha Phanxico nói về giá trị kép của Thánh Lễ: “giá trị mầu nhiệm và giá trị hiệp thông.”

Ngài nói với đám đông hạn chế số lượng vì coronavirus trong Quảng trường Thánh Phêrô từ cửa sổ phòng làm việc của ngài, nhắc nhở các tín hữu tập trung ở đó về Lễ trọng Mình Máu Thánh Chúa Kitô.

Đức Thánh Cha giải thích, “Giá trị kép của Thánh Lễ: trước hết là sự kết hiệp với Đức Kitô, và thứ hai là sự hiệp thông giữa những người được nuôi dưỡng bởi Ngài, sinh ra và liên tục đổi mới cộng đoàn Kitô hữu. Chính Giáo hội thực hiện Thánh Lễ, nhưng điều quan trọng hơn là Thánh Lễ làm nên Giáo hội, và cho phép Giáo hội thực hiện sứ mạng của mình, ngay cả trước khi Giáo hội hoàn tất nó.

“Đây là mầu nhiệm của sự hiệp thông của Thánh Thể: đón nhận Chúa Giêsu để Ngài có thể biến đổi chúng ta từ bên trong và đón nhận Chúa Giêsu để trong Ngài chúng ta được hiệp nhất, không bị chia rẽ.”



Dưới đây là toàn văn huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha, do Vatican cung cấp (bản tiếng Anh):


Anh chị em thân mến, chúc anh chị em ngày tốt lành!

Hôm nay tại Ý và những quốc gia khác cử hành Lễ trọng Mình và Máu Chúa Kitô, Corpus Christi. Trong bài đọc hai của phụng vụ hôm nay, Thánh Phaolô mô tả về việc cử hành Thánh Lễ (xem 1 Cr 10:16-17). Ngài làm nổi bật hai giá trị của chén thánh được chia sẻ và tấm bánh bẻ ra: giá trị mầu nhiệm và giá trị hiệp thông.

Trước hết, Thánh Tông đồ trình bày: “Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Kitô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao?” (c. 16). Những lời này mô tả giá trị mầu nhiệm, hay chúng ta gọi là giá trị thiêng liêng của Thánh Thể: nó liên quan đến sự kết hiệp với Đức Kitô, Đấng ngự trong bánh và rượu trao tặng chính mình Ngài vì ơn cứu độ cho tất cả mọi người. Chúa Giêsu hiện diện trong Bí tích Thánh Thể để nuôi dưỡng chúng ta, để được kết hiệp nên một, và để trở thành sức mạnh đổi mới trong chúng ta để một lần nữa trở thành nguồn năng lượng và khát khao khởi hành trở lại sau mỗi lần dừng lại hoặc vấp ngã. Nhưng điều này đòi phải có sự đồng ý của chúng ta, sự sẵn sàng cho phép bản thân được biến đổi – cách suy nghĩ và hành động của chúng ta. Bằng không việc cử hành Bí tích Thánh Thể mà chúng ta tham dự trong đó chỉ đơn thuần là những nghi thức trống rỗng và theo hình thức. Và rất nhiều lần, có người đi Lễ chỉ vì họ phải đi, dường như đó là một sự kiện xã hội, tôn trọng nhưng chỉ mang tính xã hội. Nhưng mầu nhiệm là một điều khác. Chính Chúa Giêsu hiện diện, Ngài đến để nuôi dưỡng chúng ta.

Giá trị thứ hai là tính hiệp thông và được Thánh Phaolô diễn tả bằng những lời này: “Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (c. 17). Chính sự hiệp thông với nhau của những người tham dự Thánh Lễ, tới mức độ trở thành một thân thể, theo cùng cách đó một tấm bánh được bẻ ra và được chia sẻ. Chúng ta là một cộng đoàn, được nuôi dưỡng bởi mình và máu của Đức Kitô. Kết hiệp với thân thể của Đức Kitô là một dấu chỉ hữu hiệu của sự hiệp nhất, của sự hiệp thông, của sự chia sẻ. Một người không thể tham dự Thánh Lễ mà không cam kết bản thân với tình huynh đệ với nhau – là chân thành. Nhưng Chúa biết rõ rằng chỉ riêng sức mạnh con người của chúng ta thì không đủ cho điều này. Ngược lại, Người biết rằng sẽ luôn luôn có tính ganh đua, ghen tức, thành kiến, chia rẽ … giữa các môn đệ của Ngài. Tất cả chúng ta đều ý thức về những điều này. Vì lý do đó, Người để lại cho chúng ta Bí tích của chính sự Hiện diện thật, hữu hình và muôn đời, để khi duy trì sự kết hiệp với Ngài, chúng ta có thể luôn đón nhận được ân sủng của tình yêu huynh đệ. Chúa Giêsu nói, “Hãy ở lại trong tình thương của Thầy” (Ga 15:9). Và điều đó có thể có được nhờ Thánh Thể. Hãy ở lại trong tình bạn, trong tình thương.

Giá trị kép của Thánh Lễ: trước hết là sự kết hiệp với Đức Kitô, và thứ hai là sự hiệp thông giữa những người được nuôi dưỡng bởi Ngài, sinh ra và liên tục đổi mới cộng đoàn Kitô hữu. Chính Giáo hội thực hiện Thánh Lễ, nhưng điều quan trọng hơn là Thánh Lễ làm nên Giáo hội, và cho phép Giáo hội thực hiện sứ mạng của mình, ngay cả trước khi Giáo hội hoàn tất nó. Đây là mầu nhiệm của sự hiệp thông của Thánh Thể: đón nhận Chúa Giêsu để Ngài có thể biến đổi chúng ta từ bên trong và đón nhận Chúa Giêsu để trong Ngài chúng ta được hiệp nhất, không bị chia rẽ.

Xin Đức Nữ Đồng Trinh Đầy Ân phúc giúp chúng ta luôn biết chào đón với sự ngạc nhiên và lòng biết ơn ân huệ lớn lao mà Chúa Giêsu ban tặng cho chúng ta bằng cách để lại cho chúng ta Bí tích Mình và Máu của Ngài.



Anh chị em thân mến,

Tôi đang theo dõi tình hình bi thảm ở Libya với sự lo sợ và đau buồn. Nó hiện hữu trong lời cầu nguyện của tôi trong những ngày này. Tôi thúc giục các cơ quan quốc tế và những người có trách nhiệm chính trị và quân sự hãy bắt đầu trở lại với sự vững tin và quyết tâm tìm kiếm con đường tiến đến chấm dứt bạo lực, dẫn đến hòa bình, ổn định và thống nhất trong nước. Tôi cũng cầu nguyện cho hàng ngàn người di cư, người tị nạn, người tìm nơi nương náu, và người di tản trong nước ở Libya. Tình hình sức khỏe đã làm trầm trọng thêm những hoàn cảnh bấp bênh của họ, làm cho họ trở nên dễ bị tổn thương trước những hình thức bóc lột và bạo lực. Có sự tàn bạo. Tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế xin hãy khắc ghi cam kết, vạch ra những con đường và cung cấp phương tiện thực hiện sự bảo vệ mà họ đang cần, một điều kiện có phẩm giá, và một tương lai đầy hy vọng. Thưa anh chị em, tất cả chúng ta đều chịu trách nhiệm về việc này. Không ai có thể coi mình là không có trách nhiệm trong việc này. Tất cả chúng ta cùng thinh lặng cầu nguyện cho Libya.

Hôm nay là Ngày Hiến máu Quốc tế. Nó là một cơ hội để khuyến khích xã hội có tình liên đới và nhạy cảm với những người đang cần giúp đỡ. Tôi xin chào các thiện nguyện viên có mặt và bày tỏ sự cảm kích đối với tất cả những người thực hiện hành động đơn giản nhưng rất quan trọng này để giúp đỡ người khác: hiến máu.

Cha xin chào tất cả anh chị em, các thành viên tín hữu Roma và khách hành hương. Cha chúc anh chị em, và tất cả những người kết nối thông qua các phương tiện truyền thông, ngày Chúa nhật tốt lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng, và arrivederci.

© Libreria Editrice Vatican



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 15/6/20202]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét