Thứ Năm, 11 tháng 6, 2020

Toàn văn Huấn từ Tiếp Kiến Chung của Đức Thánh Cha ‘Đây là một lời mời gọi rất đẹp là hãy cho phép bản thân được biến đổi bởi Thiên Chúa’

Toàn văn Huấn từ Tiếp Kiến Chung của Đức Thánh Cha ‘Đây là một lời mời gọi rất đẹp là hãy cho phép bản thân được biến đổi bởi Thiên Chúa’
© Vatican Media

Toàn văn Huấn từ Tiếp Kiến Chung của Đức Thánh Cha ‘Đây là một lời mời gọi rất đẹp là hãy cho phép bản thân được biến đổi bởi Thiên Chúa’

Đức Phanxico suy tư về lời cầu nguyện của Giacóp

10 tháng Sáu, 2020 14:15

Tiếp Kiến chung sáng nay diễn ra lúc 9:30 trong Thư viện của Điện Tông tòa Vatican.

Trong huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha tập trung vào loạt bài giáo lý về việc cầu nguyện, tập trung vào chủ đề: “Lời cầu nguyện của Giacóp” (St 32: 25-30).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các tín hữu. Sau đó ngài đưa ra lời kêu gọi gửi tới các cơ quan nhân ngày Thế giới Chống Lao động Trẻ em, được tổ chức vào Thứ Sáu 12 tháng Sáu.

Tiếp Kiến Chung kết thúc với bài hát Kinh Lạy Cha và Phép lành Tòa Thánh.

Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của Vatican bài giảng của Đức Thánh Cha:


***

Anh chị em thân mến,

Chào anh chị em!

Chúng ta tiếp tục bài giáo lý về chủ đề cầu nguyện. Sách Sáng thế, qua những biến cố xảy ra của những người nam và nữ ở một thời xa xôi xưa kia, kể cho chúng ta những câu chuyện mà chúng ta có thể suy ngẫm trong cuộc sống của chính mình. Trong thời các Tổ phụ, chúng ta cũng tìm thấy một con người đã phát triển được tài năng tốt nhất của mình: Giacóp. Trình thuật Kinh thánh kể cho chúng ta biết về mối quan hệ khúc mắc của Giacóp với người anh là Êsau. Ngay từ khi còn bé đã có một sự kình địch giữa hai người, và về sau không bao giờ vượt qua được. Giacóp sinh sau – họ là anh em sinh đôi – nhưng qua mánh khóe ông đã tìm cách nhận được lời chúc phúc và quyền thừa kế của cha là Isaac (x. St 25:19-34). Đó là trò đầu tiên trong một chuỗi dài những thủ đoạn mà con người này có khả năng. Ngay cả cái tên “Giacóp” cũng có nghĩa là một con người tinh ranh trong những hành động của mình.

Bị buộc phải trốn khỏi người anh của mình, ông dường như thành công trong mọi công việc trong đời sống. Ông rất giỏi kinh doanh: ông tự mình làm giàu, trở thành người sở hữu đàn chiên đông đảo. Với sự gan lỳ và kiên nhẫn ông đã tìm cách cưới được người con gái đẹp nhất của ông Laban, là người ông thật lòng yêu thương. Giacóp – như chúng ta nói theo ngôn ngữ hiện đại – là con người “tự tay làm nên”; với tài khéo léo, mánh khóe của mình, ông đã tìm cách đạt được mọi điều ông muốn. Nhưng ông còn thiếu một điều. Ông thiếu một mối tương quan sống động với nguồn cội của mình.

Và một ngày kia ông nghe thấy tiếng gọi của gia đình, của miền đất quê cha đất tổ thuở xưa, nơi Êsau là người anh mà ông luôn luôn có một mối quan hệ rất xấu, và vẫn còn sống. Giacóp lên đường, thực hiện một hành trình dài với một đoàn người và thú vật đông đảo, cho tới khi ông đến được bước chân cuối cùng, sông Giápbốc. Đến đây Sách Sáng thế cho chúng ta một trang ký ức (x. 32: 23-33). Trang miêu tả rằng tổ phụ, sau khi đã cho tất cả đoàn người và mọi gia súc – và con số là rất đông – vượt qua sông, vẫn ngồi lại một mình trên bờ sông phía bên kia. Và ông tự hỏi: điều gì đang chờ đợi ông ngày tiếp theo? Người anh Êsau của ông, là người ông đã lấy mất quyền thừa kế, sẽ có thái độ như thế nào? Tâm trí Giacóp quay cuồng những suy nghĩ … Và, khi trời dần tối, thình lình một người lạ mặt tóm lấy ông và bắt đầu vật lộn với ông. Giáo lý giải thích: “truyền thống tinh thần của Giáo hội vẫn duy trì biểu tượng của sự cầu nguyện như là một cuộc chiến đấu của đức tin, và như là cuộc khải hoàn của sự kiên trì” (CCC, 2573).

Giacóp vật lộn suốt đêm, không chịu buông địch thủ của ông. Cuối cùng ông bị đánh bại, khớp xương hông của ông bị đánh bởi địch thủ, và từ đó về sau ông sẽ phải bước đi khập khiễng trong suốt phần đời còn lại. Người vật lộn lạ mặt đó hỏi tên của tổ phụ và nói với ông: “Người ta sẽ không gọi tên ngươi là Giacóp nữa, nhưng là Israel, vì ngươi đã đấu với Thiên Chúa và với người ta, và ngươi đã thắng” (St 32:28). Dường như là nói rằng: ngươi sẽ không bao giờ là người bước đi theo cách như vậy nữa, thẳng thắn. Người đó đổi tên của ông, người đó thay đổi cả đời sống của ông, người đó thay đổi thái độ của ông. Ngươi sẽ được gọi là Israel. Rồi Giacóp cũng hỏi người kia: “Xin cho tôi biết tên ngài.” Người kia không tiết lộ tên cho ông, nhưng thay vì vậy lại chúc phúc cho ông. Rồi Giacóp hiểu rằng ông đã được gặp Đức Chúa “mặt đối mặt” (cc. 29-30).

Vật lộn với Thiên Chúa: một phép ẩn dụ của việc cầu nguyện. Những lần khác Giacóp cho thấy ông có thể đối thoại với Đức Chúa, cảm nhận Người là một sự hiện diện thân mật và gần gũi. Nhưng đêm hôm đó, qua một cuộc vật lộn khiến ông gần như không chống cự nổi, tổ phụ được biến đổi. Thay đổi tên gọi, thay đổi lối sống và thay đổi tính cách: ông thoát ra như là một con người được biến đổi. Vì một khi ông không còn làm chủ được tình huống – mánh khóe không còn hữu dụng đối với ông – ông không còn là một con người mưu mô và tính toán. Thiên Chúa đưa ông trở lại với sự thật là một con người ắt phải chết biết run sợ và hãi hùng, vì trong cuộc vật lộn, Giacóp đã rất sợ hãi. Vì một khi Giacóp chỉ còn sự mỏng giòn và bất lực, và cả những tội lỗi, để trình diện với Thiên Chúa. Và chính con người Giacóp này mới là người đón nhận được sự chúc phúc của Chúa, là người đi khập khiễng vào miền đất hứa: yếu đuối và bị tổn thương, nhưng với một tâm hồn mới. Có một lần cha nghe một cụ ông – một cụ ông tốt lành, một Kitô hữu tốt lành, nhưng là một tội nhân có niềm tin tưởng mãnh liệt vào Chúa – ông nói: “Đức Chúa sẽ trợ giúp tôi; Người sẽ không để tôi một mình. Tôi sẽ vào nước Thiên Đàng; khập khiễng, nhưng tôi sẽ tiến vào.” Ban đầu ông là một con người tự tin vào chính mình; ông tin vào sự thông minh lanh lợi của mình. Ông là một con người không thẩm thấu được ân sủng, miễn nhiễm với lòng thương xót; ông không biết lòng thương xót là gì. “Tôi ở đây, tôi đang chỉ huy!” Ông không nghĩ rằng ông đang rất cần lòng thương xót. Nhưng Thiên Chúa cứu những gì đã mất. Người làm cho ông hiểu rằng ông bị giới hạn, rằng ông là một tội nhân đang cần lòng thương xót, và Người đã cứu ông.

Tất cả chúng ta đều có một cuộc hẹn trong đêm với Thiên Chúa, trong đêm đen của cuộc đời, trong nhiều đêm đen của cuộc đời: những thời khắc đen tối, những giây phút tội lỗi, những thời gian mất phương hướng. Và ở đó chúng ta có một cuộc hẹn với Thiên Chúa, luôn luôn như vậy. Người sẽ làm chúng ta ngạc nhiên ngay giây phút chúng ta ít mong đợi nhất, khi chúng ta thấy mình hoàn toàn cô đơn. Đúng trong đêm đen đó, cuộc chiến đấu chống lại người không quen, chúng ta sẽ nhận ra rằng chúng ta chỉ là những con người đáng thương – “những vật đáng thương”, cha dám nói như vậy – nhưng chính khi đó, chính trong giây phút chúng ta cảm thấy mình chỉ là “những vật đáng thương”, thì chúng ta đừng sợ hãi: vì Chúa sẽ ban tặng cho chúng ta một tên gọi mới, nó chứa đựng ý nghĩa cho toàn bộ cuộc sống chúng ta; Người sẽ biến đổi tâm hồn chúng ta và Người sẽ ban cho chúng ta lời chúc phúc chỉ dành cho những ai cho phép bản thân được biến đổi bởi Người. Đây là một lời mời gọi rất đẹp là hãy cho phép bản thân được biến đổi bởi Thiên Chúa. Người biết cách thực hiện điều đó như thế nào, vì Người biết rõ từng người chúng ta. “Lạy Chúa, Người biết rõ con,” tất cả mọi người chúng ta hãy cùng thưa: “Lạy Chúa, Người biết rõ con. Xin hãy biến đổi con.”



Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha

Thứ Sáu này, ngày 12 tháng Sáu, là Ngày Thế giới chống lao động Trẻ em, một thực tại cướp đi tuổi thơ của các thiếu nhi và thiếu niên nam nữ và gây nguy hiểm cho sự phát triển toàn diện của các em. Bất kể cuộc khủng hoảng sức khỏe hiện tại ở nhiều quốc gia, nhiều trẻ em vẫn bị bắt buộc làm những công việc không phù hợp với tuổi của các em, để giúp đỡ gia đình trong hoàn cảnh đói nghèo cùng cực. Nhiều hình thức nô lệ và giam hãm, gây ra sự đau khổ về thân xác và tâm lý. Tất cả chúng ta đều chịu trách nhiệm về điều này.

Tôi kêu gọi tất cả mọi nỗ lực từ các cơ quan đoàn thể để bảo vệ trẻ vị thành niên, bằng cách lấp đầy những khoảng cách kinh tế và xã hội ẩn dưới sự năng động bị bóp méo mà không may các em phải tham dự vào. Trẻ em là tương lai của gia đình nhân loại: tất cả chúng ta đều có trách nhiệm thăng tiến sự phát triển, sức khỏe và sự bình an của các em.

[Bản dịch tiếng Anh của Vatican]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 11/6/2020]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét