Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2020

TOÀN VĂN TIẾP KIẾN CHUNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA: Lời cầu nguyện của Vua Đavít

TOÀN VĂN TIẾP KIẾN CHUNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA: Lời cầu nguyện của Vua Đavít

TOÀN VĂN TIẾP KIẾN CHUNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA: Lời cầu nguyện của Vua Đavít

‘Được Thiên Chúa ưu ái ngay từ khi còn nhỏ, vua được chọn cho một sứ mạng duy nhất sẽ đóng vai trò trung tâm trong lịch sử của dân Chúa và đức tin của chúng ta’

24 tháng Sáu, 2020 16:19

Tiếp Kiến chung sáng nay diễn ra lúc 9.25 trong Thư viện của Điện Tông tòa Vatican.

Trong huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha tiếp tục loạt bài giáo lý của ngài về cầu nguyện, tập trung vào chủ đề: “Lời cầu nguyện của Vua Đavít” (Tv 18: 2-3, 29, 33).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các tín hữu.

Buổi Tiếp Kiến chung kết thúc với bài hát Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.

Dưới đây là bản dịch của Vatican (tiếng Anh):


***

Bài Giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trên hành trình giáo lý về việc cầu nguyện, hôm nay chúng ta gặp Vua Đavít. Được Thiên Chúa ưu ái ngay từ khi còn nhỏ, vua được chọn cho một sứ mạng duy nhất sẽ đóng vai trò trung tâm trong lịch sử của dân Chúa và đức tin của chúng ta. Trong các Tin mừng, một số lần Chúa Giêsu được gọi là “con vua Đavít”; thật ra, cũng giống vua, Ngài sinh ra ở Bêlem. Theo những lời hứa, Đấng Mêxia sẽ xuất thân từ dòng dõi Vua Đavít: một vị vua hoàn toàn như lòng Chúa mong muốn, hoàn toàn vâng phục Đức Chúa, hành động của vua trung thành thể hiện chương trình cứu độ của Người (xem Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2579).

Câu chuyện của vua Đavít bắt đầu trên những ngọn đồi chung quanh Bêlem, nơi vua chăn đàn chiên của cha mình là Giêse. Vua vẫn còn là một cậu bé, là con út với nhiều anh trai. Tới mức khi tiên tri Samuen, làm theo lệnh truyền của Chúa, đi tìm vị vua mới, thì gần như cha của cậu đã quên đứa con trai út của mình (xem 1 Sm 16:1-13). Lúc đó cậu đang làm việc ngoài đồng: chúng ta có thể nghĩ đến cậu như một người làm bạn với gió, với những âm thanh của thiên nhiên, với những tia nắng mặt trời. Cậu chỉ có một người bạn đồng hành để an ủi linh hồn: chiếc đàn hạc của cậu; và trong suốt những ngày dài trải qua trong cô độc, cậu rất thích chơi đàn và ca hát dâng lên Đức Chúa, cậu cũng chơi với chiếc ná của mình.

Vì vậy, trước hết Đavít là một mục đồng: một người chăm sóc cho các con vật, người bảo vệ chúng trước những mối hiểm nguy đang đến, người cung cấp cho chúng thức ăn bổ dưỡng. Theo thánh ý của Chúa, khi vua Đavít phải chăm sóc cho dân tộc của ông, thì mọi việc ông làm sẽ không có gì khác. Đây là lý do tại sao hình ảnh của người chăn chiên thường xuất hiện trong Kinh Thánh. Ngay cả Chúa Giêsu cũng miêu tả Ngài là “người mục tử nhân lành,” với thái độ rất khác so với kẻ làm thuê; Ngài hiến mạng sống thay cho đàn chiên, Ngài hướng dẫn chúng, Ngài biết từng con chiên (xem Ga 10:11-18).

Đavít học được rất nhiều từ công việc trước đây của nhà mình. Vì vậy, khi tiên tri Nathan quở trách vua về trọng tội của vua (xem 2 Sm 12:1-15), Vua Đavít ngay lập tức hiểu rằng vua đã là một người chăn chiên xấu, rằng vua đã tước đoạt từ một người đàn ông khác con chiên duy nhất mà người đó yêu quý, rằng nhà vua không còn là một người phục vụ khiêm nhường nữa, nhưng là một con người tham lam quyền lực, một kẻ xâm phạm cướp bóc và làm hại người khác.

Một đặc điểm tiêu biểu thứ hai trong ơn gọi của Đavít là tâm hồn của một thi sĩ. Từ quan sát nhỏ này, chúng ta có thể luận ra rằng Đavít không phải là một người thiếu óc thẩm mỹ, như trường hợp thường xảy ra với những cá nhân buộc phải sống thời gian dài cách ly khỏi xã hội. Ngược lại, vua là một người nhạy cảm yêu âm nhạc và ca hát. Cây đàn hạc của vua luôn đồng hành với ông: thỉnh thoảng cất lên bài tụng ca niềm vui của Thiên Chúa (xem 2 Sm 6:16), lúc khác lại diễn tả lời ta thán, hoặc thú tội của riêng mình (xem Tv 51:3).

Thế giới hiện ra trước mắt vua không phải là một khung cảnh im lặng: khi những điều mở ra trước mắt vua thì vua quan sát thấy một mầu nhiệm lớn hơn. Đó chính là nơi sự cầu nguyện trỗi lên: từ niềm vững tin rằng cuộc sống không phải là một điều tình cờ đến với chúng ta, nhưng là một mầu nhiệm huyền diệu truyền cảm hứng thi ca, âm nhạc, lòng biết ơn, lời ngợi khen, thậm chí là lời ca thán và khẩn xin cho chúng ta.. Khi một con người thiếu chiều kích thi sĩ đó, chúng ta có thể nói là khi tính thơ bị mất đi, thì tâm hồn của người đó trở nên khuyết tật. Do đó, truyền thống nói rằng Vua Đavít là người nghệ sĩ vĩ đại qua những tác phẩm Thánh vịnh. Nhiều Thánh vịnh ngay từ đầu đã có sự liên hệ rõ ràng đến đức vua Israel, và về một số biến cố cao quý trong cuộc đời của ngài.

Vì thế, vua Đa vít có một ước mơ: đó là trở thành một người chăn chiên tốt lành. Đôi lúc vua sống đúng theo trách vụ đó, có những lúc khác thì ít hơn; tuy nhiên, điều quan trọng là trong bối cảnh lịch sử của ơn cứu độ, thì vua là một sứ ngôn của một vị Vua khác, là Đấng ông chỉ công bố và báo trước.

Hãy nhìn đến Đavít, hãy suy nghĩ về Đavít. Thánh thiện và tội lỗi, bị bắt bớ và là người bắt bớ, là nạn nhân và là kẻ sát nhân, đó là một nghịch lý. Đavít bao gồm tất cả trong điều này. Và chúng ta cũng đã để lại những biến cố trong cuộc đời thường đối chọi nhau; trong vở kịch cuộc đời, tất cả mọi người thường phạm tội vì sự mâu thuẫn. Có một sợi chỉ vàng đan kết suốt cuộc đời của vua Đavít: lời cầu nguyện của vua. Đó là tiếng nói không bao giờ bị dập tắt. Đavít thánh nhân cầu nguyện: Đavít tội nhân cầu nguyện: Đavít bị bắt bớ cầu nguyện; Đavít là kẻ bắt bớ cầu nguyện. Thậm cả Đavít kẻ sát nhân cầu nguyện. Đây là sợi chỉ vàng chạy xuyên suốt cuộc đời của ngài. Một con người cầu nguyện. Đó là tiếng nói không bao giờ bị câm lặng. Bất kể nó mang âm hưởng của sự hân hoan hay kêu cầu thì vẫn cùng là một lời cầu nguyện, chỉ có âm hưởng của nó thay đổi. Khi làm như vậy, Vua Đavít dạy chúng ta hãy để mọi sự đi vào cuộc đối thoại với Thiên Chúa: niềm vui cũng như sai phạm, yêu thương cũng như đau khổ, tình bạn cũng như đau bệnh. Mọi sự đều có thể trở thành một lời dâng lên với “Ngài” là Đấng luôn lắng nghe chúng ta.

Đavít, người hiểu được sự cô độc, thực sự lại không bao giờ cô đơn! Cuối cùng, đây là sức mạnh của việc cầu nguyện trong tất cả những người dành không gian cho nó trong cuộc sống của họ. Cầu nguyện trao cho anh chị em sự cao quý, và Đavít là cao quý vì ông cầu nguyện. Nhưng ông là một kẻ sát nhân cầu nguyện; ông sám hối và sự cao quý trở lại với ông nhờ lời cầu nguyện. Cầu nguyện trao cho chúng ta sự cao quý. Nó có khả năng bảo đảm mối tương quan với Thiên Chúa, Đấng là Bạn đường thật sự trên hành trình của mỗi người nam và nữ, giữa hàng ngàn nghịch cảnh cuộc đời, tốt hay xấu: nhưng luôn luôn cầu nguyện. Tạ ơn Chúa. Lạy Chúa con đang sợ. Lạy Chúa xin hãy giúp con. Chúa ơi, xin tha thứ cho con. Niềm tin tưởng của Đavít quá lớn đến nỗi khi vua bị bắt bớ và phải chạy trốn, vua đã không để cho ai bảo vệ mình: “Nếu Chúa hạ nhục tôi theo cách như vậy, Người biết Người đang làm gì,” vì tính cao quý của cầu nguyện đặt chúng ta trong bàn tay của Chúa. Đôi bàn tay đã bị thương tích vì yêu: đôi bàn tay vững chắc nhất mà chúng ta có.


Lời chào bằng tiếng Anh

Cha gửi lời chào các tín hữu nói tiếng Anh đang hiệp thông với chúng tôi qua phương tiện truyền thông. Cha khẩn xin niềm vui và sự bình an của Chúa đổ trên anh chị em và gia đình. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em!


Lời chào bằng tiếng Tây Ban nha

Trong lời chào với các tín hữu nói tiếng Tây Ban nha, Đức Thánh Cha nhắc đến trận động đất lớn tấn công phía nam Mexico ngày hôm qua, gây thương vong và thiệt hại rất lớn. Ngài nói, “Chúng ta cầu nguyện cho tất cả mọi người. Xin sự trợ giúp của Chúa và của anh em ban cho họ sức mạnh và sự hỗ trợ. Thưa anh chị em, cha rất gần gũi với anh chị em.”



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 25/6/2020]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét