Thứ Hai, 22 tháng 6, 2020

Trong giờ Kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha động viên các tín hữu không sợ hãi trước nghịch cảnh

Trong giờ Kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha động viên các tín hữu không sợ hãi trước nghịch cảnh
© Vatican Media

Trong giờ Kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha động viên tín hữu không sợ hãi trước nghịch cảnh

‘Giúp chúng ta không bao giờ đầu hàng tuyệt vọng’

21 tháng Sáu, 2020 15:04

Chúa Giêsu báo trước cho các tông đồ của Người rằng họ sẽ phải đối mặt với những khó khăn và động viên họ không hãi sợ.

Đây là một sự thật quan trọng Đức Thánh Cha Phanxico tập trung trong huấn từ của ngài tại giờ Kinh Truyền Tin giữa trưa ngày 21 tháng Sáu năm 2020, với các tín hữu trong Quảng trường Thánh Phêrô. Ngài liệt kê ra ba thách đố mà các tông đồ sẽ phải đối mặt.
  1. Đầu tiên và trên hết, sự thù nghịch của những người muốn dập tắt Lời Chúa bằng cách thêu dệt nó, bằng cách hạ thấp nó hoặc bằng cách bắt những người tuyên xưng phải im lặng.
  2. Khó khăn thứ hai mà các nhà thừa sai của Đức Kitô sẽ gặp phải đó là mối đe dọa về thân xác, tức là sự bắt bớ, đến mức bị giết.
  3. Thử thách thứ ba mà Chúa Giêsu cho các Tông đồ biết sẽ phải đối mặt đó là cảm giác, một số người có thể cảm nhận, rằng Chúa đã bỏ rơi họ, xa cách và im lặng.
Đức Thánh Cha khuyến khích các tín hữu hãy hướng về Mẹ Maria khi họ đối mặt với những khó khăn tương tự: “xin giúp chúng con không bao giờ đầu hàng sự tuyệt vọng, nhưng luôn phó thác cho Người và cho ân sủng của Người, vì ân sủng của Chúa luôn luôn mạnh mẽ hơn sự dữ.”


Dưới đây là toàn văn huấn từ của Đức Thánh Cha, do Vatican cung cấp (bản tiếng Anh):

Anh chị em thân mến,

Chào anh chị em!

Trong Tin mừng Chúa nhật hôm nay (x. Mt 10:26-33) lời mời gọi của Chúa Giêsu gửi đến các môn đệ của Người lại vang lên: đừng sợ, hãy mạnh mẽ và vững tin trước những thách đố của cuộc sống, khi Người báo trước cho các ông về những nghịch cảnh đang chờ đợi các ông. Trình thuật hôm nay là một phần của bài giảng truyền giáo, qua đó Chúa chuẩn bị kinh nghiệm đầu tiên của việc loan báo Nước Thiên Chúa cho các Tông đồ. Chúa Giêsu liên tục nói với các ông “đừng sợ”, “đừng hãi sợ,” và Chúa Giêsu mô tả ba hoàn cảnh cụ thể mà các ông sẽ đối mặt.

Đầu tiên và trên hết, sự thù nghịch của những người muốn dập tắt Lời Chúa bằng cách thêu dệt nó, bằng cách hạ thấp nó hoặc bằng cách bắt những người tuyên xưng phải im lặng. Trong trường hợp này, Chúa Giêsu khuyến khích các Tông đồ hãy loan truyền thông điệp ơn cứu độ mà Ngài đã trao phó cho các ông. Lần này, Ngài truyền lại một cách cẩn trọng, phần nào đó có vẻ thu hẹp trong nhóm nhỏ các môn đệ. Nhưng họ sẽ ra đi để loan báo Tin mừng của Ngài “giữa ban ngày”, tức là mở rộng; và sẽ loan báo nó “trên mái nhà” – như cách nói của Chúa Giêsu – tức là công khai.

Khó khăn thứ hai mà các nhà thừa sai của Đức Kitô sẽ gặp phải đó là mối đe dọa về thân xác, tức là sự bắt bớ, đến mức bị giết. Lời tiên tri của Chúa Giêsu luôn đúng trong mọi thời đại: nó là một thực tại đau đớn, nhưng nó chứng thực lòng trung thành của các chứng nhân. Thậm chí cả ngày nay không biết bao nhiêu người Kitô hữu bị bắt bớ trên khắp thế giới! Họ chịu đau khổ vì Tin mừng với tình yêu, họ là những vị tử đạo của thời đại chúng ta. Và chúng ta có thể nói chắc chắn rằng con số những vị đó còn nhiều hơn các vị tử đạo của thời gian lúc đầu: quá nhiều các vị tử đạo, đơn giản chỉ vì họ là người Kitô hữu. Chúa Giêsu khuyên các môn đệ thuở xưa và ngày nay là những người chịu bách hại: “Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn” (c. 28). Chẳng có gì phải sợ những người tìm cách dập tắt sức mạnh rao giảng phúc âm bằng sự kiêu căng và bạo lực. Quả thật, họ chẳng có thể làm được gì đối với linh hồn, tức là chống lại sự kết hiệp với Thiên Chúa: không ai có thể lấy mất điều này khỏi các môn đệ, vì nó là một ân ban của Thiên Chúa. Một lo ngại duy nhất mà người môn đệ cần có đó là đánh mất ân sủng của Chúa, sự gần gũi và tình bằng hữu với Thiên Chúa, không sống phù hợp với Tin mừng, từ đó mang lấy cái chết về luân lý, nó là hậu quả của tội.

Thử thách thứ ba mà Chúa Giêsu cho các Tông đồ biết sẽ phải đối mặt đó là cảm giác, một số người có thể cảm nhận, rằng Chúa đã bỏ rơi họ, xa cách và im lặng. Ở đây cũng vậy, Chúa Giêsu khuyên dạy họ đừng sợ, vì ngay cả khi đang trải qua những hoàn cảnh này hoặc những nguy khốn khác, đời sống của các môn đệ vẫn tựa vững chắc trong bàn tay của Chúa là Đấng yêu thương chúng ta và chăm sóc chúng ta. Chúng giống như ba cám dỗ: thêu dệt Tin mừng, thứ hai là hạ thấp xuống, và thứ ba là cảm giác Chúa bỏ rơi chúng ta. Ngay cả Chúa Giêsu cũng chịu sự thử thách này trong vườn cây dầu và trên thập giá: “Lạy Cha, sao Ngài bỏ rơi con?”, Chúa Giêsu thốt lên. Trong những lúc chúng ta cảm thấy sự khô cằn thiêng liêng này, chúng ta đừng sợ hãi nó. Chúa Cha chăm sóc chúng ta, vì chúng ta vô cùng quý giá trước mắt Người. Điều quan trọng đó là sự ngay thẳng, lòng can đảm làm chứng, làm chứng đức tin của chúng ta: “làm chứng về Chúa Giêsu trước mặt mọi người” và tiếp tục làm việc thiện.

Xin Mẹ Maria rất Thánh, mẫu gương của sự tin tưởng và phó thác cho Chúa trong những thời khắc nghịch cảnh và hiểm nguy, giúp chúng ta không bao giờ đầu hàng tuyệt vọng, nhưng luôn luôn phó thác bản thân cho Ngài và cho ân sủng của Ngài, vì ân sủng của Chúa luôn luôn mạnh mẽ hơn sự dữ.

_______________________________________________


Anh chị em thân mến,

Hôm qua Liên Hiệp quốc kỷ niệm Ngày Người Tị nạn Thế giới. Cuộc khủng hoảng coronavirus đã cho thấy tính cần cấp bách phải có sự bảo vệ cần thiết cho người tị nạn, để bảo đảm cho phẩm giá và sự an toàn của họ. Tôi mời gọi anh chị em cùng hiệp ý với tôi cầu nguyện cho một cam kết đổi mới và hiệu quả về phía tất cả chúng ta, để bảo vệ hữu hiệu tất cả mọi con người, đặc biệt những người đã bị buộc phải chạy trốn vì những hoàn cảnh vô cùng nguy hiểm đối với họ và gia đình họ.

Một khía cạnh khác mà đại dịch khiến chúng ta phải suy tư đó là mối tương quan giữa con người và môi trường. Việc phong tỏa đã làm giảm bớt sự ô nhiễm và một lần nữa cho thấy vẻ đẹp của rất nhiều nơi thoát khỏi cảnh giao thông và ồn ào. Bây giờ, với việc khôi phục lại các hoạt động, tất cả chúng ta phải có trách nhiệm hơn trong việc chăm sóc cho ngôi nhà chung. Tôi cảm kích trước nhiều sáng kiến “thường dân” nổi lên liên quan đến việc này trên khắp thế giới. Chẳng hạn ở Roma hôm nay có một sáng kiến cho dòng sông Tiber. Nhưng có nhiều sông trong các nơi khác! Ước mong rằng họ thúc đẩy một vai trò công dân ngày càng ý thức về ích chung quan trọng này.

Hôm nay ở quê nhà của cha và ở nhiều nơi khác, chúng ta mừng ngày của những người cha, của các ông bố. Cha bảo đảm sự gần gũi và lời cầu nguyện cho tất cả những người cha. Tất cả chúng ta biết rằng làm cha không phải là một trách vụ dễ dàng: vì vậy chúng ta hãy cầu nguyện cho họ. Tôi nhớ một cách đặc biệt đến những người cha của chúng ta tiếp tục bảo vệ chúng ta từ trên thiên đàng.

Và cha xin gửi lời chào tất cả anh chị em, các tín hữu Roma thân thương và anh chị em hành hương đến từ nhiều vùng của nước Ý – bây giờ chúng ta bắt đầu được nhìn thấy họ, những người hành hương, từ những quốc gia khác, một số người: cha nhìn thấy những lá cờ, ở đằng kia … cha đặc biệt gửi lời chào các bạn trẻ: hôm nay chúng ta kính nhớ Thánh Aloysius Gonzaga, một thanh niên tràn đầy lòng yêu mến Thiên Chúa và yêu thương anh em; ngài chết lúc còn trẻ, ở đây tại Roma này, vì chăm sóc cho các nạn nhân đại dịch. Cha phó dâng giới trẻ trên toàn thế giới cho sự chuyển cầu của ngài.

Và cha chúc anh chị em một Chúa nhất tốt lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và arrivederci!

© Libreria Editrice Vatican



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 22/6/2020]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét