Thứ Ba, 25 tháng 8, 2020

Những vị thánh đã phải đối mặt với sự hắt hủi của người thân yêu để theo Chúa

Những vị thánh đã phải đối mặt với sự hắt hủi của người thân yêu để bước theo Chúa

Những vị thánh đã phải đối mặt với sự hắt hủi của người thân yêu để theo Chúa

Montecappio/CC BY 3.0 | NORBERTO DUARTE/AFP | Public Domain

 

Meg Hunter-Kilmer

Aug 22, 2020


Ngay cả những người không theo đuổi đời sống thánh hiến cũng thường thấy mình mâu thuẫn với bạn bè và gia đình.

Những người khước từ hôn nhân vì lợi ích nước trời chủ tâm ôm lấy một đời sống hy sinh. Đối với nhiều người, sự hy sinh này cũng bao gồm cả sự phản đối của bạn bè và gia đình của họ, sự phản đối có thể là cố tình làm lung lay ý chí, khinh bỉ, đến lạm dụng tình cảm và đe dọa làm tổn hại về thể xác.

Ngay cả những người không theo đuổi đời sống thánh hiến cũng thường thấy mình mâu thuẫn với bạn bè và gia đình về đức tin Công giáo của họ, hoặc con đường đặc biệt mà họ đã chọn để sống cuộc đời theo gương Đức Kitô. Cho dù sự đau khổ vì bị những người thân yêu hiểu lầm và từ chối là gánh nặng khó mang nổi, nhưng những ai từng trải qua sự phản đối này có thể tìm thấy tình bạn nơi nhiều vị thánh, những người từng gặp khó khăn tương tự.

Thánh Eugenia của Roma (183-258) là một nữ quý tộc Ai Cập đã trốn chạy một cuộc hôn nhân sắp đặt sau khi trở lại đạo. Không thể sống như một phụ nữ độc lập, thánh nữ cải trang thành đàn ông và bắt đầu sống như một tu sĩ; sự khôn ngoan và thánh thiện của thánh nữ đã khiến ngài được chọn làm tu viện trưởng (trước đó vị trí như vậy được dành cho các linh mục). Bị buộc tội là cha một đứa trẻ, Eugenia từ chối biện hộ cho mình. Khi bị đưa ra tòa để trả lời về tội danh bị cáo buộc của mình, thẩm phán là cha của thánh nữ. Ông nhận ra con gái mình và niềm vui đoàn tụ đã khiến ông và thân mẫu của thánh nữ trở lại đạo. Eugenia cuối cùng đã tử vì đạo.

Chân phước Godfrey Cappenberg (1097-1127) là một nhà quý tộc bình thường đã kết hôn trước khi con tim hối cải thuyết phục chân phước rằng ngài cần phải biến lâu đài của Đức của mình thành Tu viện Norbertine và sống trong đó (bất chấp vợ của ngài là Jutta). Cả vợ và anh trai của ngài đều cố gắng can gián, và cha vợ của ngài là Frederick đã tổ chức một lực lượng tấn công lâu đài nhằm chiếm đoạt nó bằng vũ lực. Bao vây lâu đài, Frederick đe dọa sẽ treo cổ Godfrey trên các bức tường; cuối cùng, ông ta đã phải từ bỏ nỗ lực của mình và Godfrey trở thành một tu sĩ, trong khi Jutta trở thành một nữ tu.

Thánh Magdalene Yi Yong-hui (1809-1839) xuất thân từ một gia đình các vị thánh: mẹ, chị gái và cháu gái của thánh nữ đều được phong thánh. Nhưng thân phụ thánh nữ là một người Hàn Quốc truyền thống ghét đạo Công giáo, vì vậy vợ và con gái của ông đã bí mật thực hành đức tin của họ. Sự bí mật này trở nên rắc rối khi đến thời điểm các cô gái phải kết hôn. Em gái của Magdalene là Thánh Barbara Yi Chong-hui đã giả vờ bị ốm và không chịu ra khỏi giường trong suốt ba năm cho đến khi không ai trong số những người đàn ông không theo Kitô giáo lấy được thánh nhân. Mặt khác, Magdalene đã giả chết thay vì kết hôn khi biết mình có ơn gọi gọi sống độc thân. Bỏ lại bộ quần áo bị xé rách dính các vết máu của chính thánh nữ, Magdalene trốn đến nhà của một người dì Công giáo. (Vài tháng sau) Khi biết rằng con gái mình vẫn còn sống, cha của Magdalene rất vui mừng và cho thánh nữ sống cuộc đời của một phụ nữ thánh hiến không bị làm phiền; sau đó thánh nữ đã tử vì đạo.

Thánh Maria Chiara Nanetti (1872-1900) là một cô gái hấp tấp, có tinh thần mạnh mẽ và dường như không phù hợp với đời sống tu trì. Khi thánh nữ tìm cách đi tu thì cha mẹ thánh nữ phân tích về điểm này, thánh nữ đã rất tức giận. Khi họ từ chối không cho phép ngài trở thành một nữ tu, thánh nhân đã đấu tranh chống lại sự cay đắng, tuyệt vọng và căm ghét. Ơn gọi của thánh nhân vẫn duy trì trong thời gian đầy cám dỗ này, và khi giành phần thắng trước cha mẹ mình, thánh nữ đã trở thành một nữ tu dòng Phanxicô, một nhà truyền giáo đến Trung Quốc, và là một vị tử vì đạo trong cuộc Cách mạng Boxer (Phong trào Nghĩa Hòa Đoàn).

Chân phước María Guggiari Echeverría (1925-1959) thực hiện lời khấn cá nhân sống nghèo khó khi 18 tuổi trước sự thất vọng của cha mẹ. Tuy nhiên, thánh nữ vẫn năng nổ và vui tươi, phục vụ trẻ em, người già và người bệnh, vì vậy gia đình đành chấp nhận ơn gọi của thánh nhân. Tuy nhiên, khi thánh nữ quyết định trở thành một nữ tu Dòng Cát Minh, họ khó có thể chấp nhận được. Maria rất hoạt bát; thánh nữ ghét sự im lặng và yêu công việc phục vụ. Gia đình cô không thể hiểu được lý do tại sao ơn gọi đan tu có thể khiến thánh nữ hạnh phúc. Các linh mục Paraguay tán thành, và nhấn mạnh rằng một người tài năng và làm việc đầy hiệu quả như Maria không có việc gì phải khóa mình trong một đan viện. Maria biết họ yêu mình, nhưng thánh nữ phải đi theo Đấng yêu thương mình hơn nữa. Thánh nữ qua đời chỉ vài năm sau đó, là một nàng dâu rạng rỡ vui tươi của Đức Kitô ở Carmel.

Tôi tớ Chúa Maurice Michael Otunga (1923-2003) là con trai của một tù trưởng bộ lạc ở Kenya. Cha của ngài có hàng chục người vợ, nhưng đã chọn Otunga là người kế vị làm tù trưởng. Khi Otunga muốn được rửa tội năm 12 tuổi, cha của cậu đã từ chối suốt một thời gian, nhưng cuối cùng vẫn bằng lòng. Khi cậu bé muốn vào chủng viện, cha cậu đã im lặng trong suốt 24 giờ, sau đó nói một cách khinh thường rằng cậu có thể đi nhưng chắc chắn sẽ bỏ học. Mặc dù tộc trưởng đã dành nhiều năm tiếp theo để thuyết phục Otunga từ bỏ ơn gọi của mình và trở về nhà cai trị bộ tộc, Otunga đã được thụ phong linh mục, sau đó làm giám mục chỉ ở tuổi 33. Gần 30 năm sau khi Otunga trở lại đạo, cha mẹ của ngài cũng đã được rửa tội, và cuối cùng rất tự hào về ơn gọi của con trai họ. Otunga là một nhà hoạt động vì công bằng xã hội và bảo vệ sự sống và hoạt động với các nhà lãnh đạo Hồi giáo địa phương để phản đối việc sử dụng các biện pháp tránh thai. Ngài trở thành hồng y người Kenya đầu tiên.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 24/8/2020]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét