Thứ Hai, 24 tháng 8, 2020

Phêrô tuyên xưng niềm tin của mình vào Chúa Giêsu là Đấng Mêxia và là Con Thiên Chúa

Phêrô tuyên xưng niềm tin của mình vào Chúa Giêsu là Đấng Mêxia và là Con Thiên Chúa

© Vatican Media

Phêrô tuyên xưng niềm tin của mình vào Chúa Giêsu là Đấng Mêxia và là Con Thiên Chúa

Toàn văn huấn từ Kinh Truyền Tin Chúa nhật

23 tháng Tám, 2020 13:28

JIM FAIR

 
Đức Thánh Cha Phanxico phân tích về đoạn Tin mừng Chúa nhật ngày 23 tháng Tám năm 2020, trước giờ Kinh Truyền tin buổi trưa với số người giới hạn trong Quảng trường Thánh Phêrô.

Đức Thánh Cha nhắc nhở người nghe về tầm quan trọng của đoạn tin mừng này — Mátthêu 16:13-20 — trong đó Phêrô tuyên xưng niềm tin của ông rằng Chúa Giêsu thật là Con Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha Phanxico nói, “Niềm tin của Thánh Tông đồ được khơi gợi bởi chính Chúa Giêsu, Ngài mong muốn dẫn dắt các môn đệ đi đến bước quyết định dứt khoát trong mối tương quan với Ngài. Thật vậy, toàn bộ hành trình của Chúa Giêsu với những người đi theo Ngài, đặc biệt là với nhóm Mười Hai, là một hành trình giáo dục đức tin của họ.”

Dưới đây là toàn văn Huấn từ của Vatican cung cấp (ND: bản tiếng Anh):

******

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Bài đọc Tin mừng Chúa nhật này (xem Mt 16:13-20) trình bày thời khắc Phêrô tuyên xưng niềm tin của mình vào Chúa Giêsu là Đấng Mêxia và là Con Thiên Chúa. Lời tuyên xưng của Thánh Tông đồ được khơi gợi bởi chính Chúa Giêsu, Ngài mong muốn dẫn dắt các môn đệ đi đến bước quyết định dứt khoát trong mối tương quan với Ngài. Thật vậy, toàn bộ hành trình của Chúa Giêsu với những người đi theo Ngài, đặc biệt là với nhóm Mười Hai, là một hành trình giáo dục đức tin của họ. Trước hết, Người hỏi: “Người ta nói Con Người là ai?” (c. 13). Các Tông đồ thích nói chuyện về người khác, cũng giống như tất cả chúng ta. Chúng ta thích đồn thổi chuyện. Nói chuyện về người khác chẳng có gì quá khó khăn, đây là lý do tại sao chúng ta thích điều đó; thậm chí là “nhiếc móc” người khác. Trong trường hợp này đó là sự đòi hỏi về cái nhìn đức tin hơn là chuyện đồi thổi, và vì thế Người hỏi: “Người ta nói Con Người là ai?”. Và các môn đệ dường như tranh nhau báo cáo những ý kiến khác nhau, điều mà có lẽ theo phạm vi rộng hơn thì chính các ông cũng chia sẻ những ý kiến đó. Các ông cũng có những ý kiến đó. Về căn bản, Giêsu Nadarét được xem là một ngôn sứ (c. 14).

Với câu hỏi thứ hai, Chúa Giêsu đưa trọng tâm đụng chạm đến họ: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (c. 15). Lúc này, chúng ta có thể nhận thấy giây phút im lặng, khi từng người trong số những người có mặt được kêu gọi phải đặt mình lên tuyến đầu, để cho biết lý do tại sao họ lại đi theo Chúa Giêsu; vì vậy, có một chút lưỡng lự cũng là điều phải lẽ. Thậm chí nếu bây giờ cha hỏi anh chị em, “Với anh chị em, Chúa Giêsu là ai?”, thì sẽ có một chút ngập ngừng. Simon liền đưa các ông thoát khỏi sự lúng túng bằng việc tuyên bố một cách quả quyết, “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (c. 16). Câu trả lời này thật trọn vẹn và rõ ràng, nó không xuất phát từ con người của ông, tuy nhiên rất quảng đại – Phêrô là người quảng đại – nhưng là kết quả của ơn đặc biệt của Chúa Cha trên trời. Quả thật, chính Chúa Giêsu nói, “Không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy” – nghĩa là những gì mà anh đã học được từ văn hóa, nó không tiết lộ cho anh điều đó. Nó được mạc khải cho anh bởi “Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời” (c. 17). Tuyên xưng Chúa Giêsu là một ơn của Chúa Cha. Nói rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa hằng sống, là Đấng Cứu Chuộc, là một ơn mà chúng ta phải xin: “Lạy Cha, xin ban cho con ơn tuyên xưng Chúa Giêsu.” Đồng thời, Chúa khẳng định câu trả lời của Simon là sự khơi gợi của ân sủng và vì thế Ngài nói thêm, với giọng trịnh trọng, “Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi”. (c. 18). Với sự khẳng định này, Chúa Giêsu làm cho Simon ý thức về ý nghĩa của tên mới mà Ngài ban cho ông, “Phêrô”: niềm tin mà ông vừa thể hiện là “đá tảng” không hề lay chuyển mà Con Thiên Chúa mong muốn xây dựng Hội Thánh của Người trên đó, tức là cộng đoàn. Và Giáo hội luôn luôn tiến bước trên nền tảng đức tin của Phêrô, niềm tin mà Chúa Giêsu công nhận [nơi Phêrô] và điều làm cho ông trở thành người đứng đầu của Giáo hội.

Hôm nay, chúng ta nghe thấy câu hỏi của Chúa Giêsu đặt trực tiếp đến từng người chúng ta: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”. Với từng người chúng ta. Và mỗi chúng ta không được đưa ra một câu trả lời mang tính lý thuyết, nhưng là câu trả lời gồm trọn niềm tin, tức là đời sống, vì niềm tin là đời sống! “Với con, Người là …” và rồi tuyên xưng Chúa Giêsu. Một câu trả lời cũng đòi hỏi chúng ta phải lắng nghe tiếng nói của Chúa Cha trong thầm kín, như các môn đệ đầu tiên, và hòa hợp với những gì Giáo hội tiếp tục tuyên xưng, tập trung xung quanh Thánh Phêrô. Đó là vấn đề hiểu Đức Kitô là ai đối với chúng ta: Người có phải là trung tâm của đời sống chúng ta, hay Người có phải là mục tiêu cho cam kết của chúng ta trong Giáo hội, cam kết của chúng ta đối với xã hội. Chúa Giêsu Kitô là ai đối với tôi? Chúa Giêsu Kitô là ai đối với ông, với bà, với chị …? Một câu trả lời mà chúng ta phải có mỗi ngày.

Nhưng hãy lưu ý: điều tuyệt đối cần thiết và đáng khen ngợi là việc chăm sóc mục vụ của các cộng đoàn chúng ta phải mở rộng cho nhiều hình thức túng thiếu và khủng hoảng, là những vấn đề có ở khắp nơi. Bác ái luôn luôn là con đường cao tốc của hành trình đức tin, của sự hoàn thiện đức tin. Nhưng điều quan trọng là những công cuộc của tình liên đới, công cuộc bác ái mà chúng ta thực hiện không làm chúng ta đi lệch hướng trong mối tương quan với Chúa Giêsu. Bác ái Kitô giáo không chỉ đơn thuần là bố thí, nhưng về một mặt, nó là cách nhìn người khác qua con mắt của chính Chúa Giêsu, và về mặt khác, nhìn thấy Chúa Giêsu trong khuôn mặt của người nghèo. Đây là con đường đích thực của bác ái Kitô giáo, luôn luôn đặt Chúa Giêsu ở trung tâm. Xin Mẹ Maria Rất Thánh, Mẹ được diễm phúc vì đã tin, là người hướng dẫn và là mẫu gương trên hành trình đức tin của chúng ta trong Chúa Kitô và làm cho chúng ta ý thức rằng sự tín thác vào Ngài trao ý nghĩa trọn vẹn cho việc bác ái của chúng ta và cho toàn bộ cuộc sống của chúng ta.

_______________________________________________________

Sau Kinh Truyền Tin Đức Thánh Cha tiếp tục:

Anh chị em thân mến,

Hôm qua là ngày Thế giới Tưởng nhớ các Nạn nhân của các Hành động Bạo lực chống lại Tôn giáo và Niềm tin. Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người này, những người anh chị em của chúng ta, và chúng ta cũng hãy duy trì lời cầu nguyện và tình liên đới với những người hôm nay đang chịu bắt bớ vì niềm tin và tôn giáo của họ, và số đó có rất nhiều. Có rất nhiều người.

Ngày mai, 24 tháng Tám, là kỷ niệm mười năm vụ thảm sát 72 người di cư ở San Fernando, tại Tamaulipas, Mexico. Họ là những người từ nhiều quốc gia khác nhau đang đi tìm một đời sống tốt đẹp hơn. Tôi xin bày tỏ tình liên đới với gia đình các nạn nhân là những người đến hôm nay vẫn đang đòi sự thật và công bằng liên quan đến các biến cố. Chúa sẽ bắt chúng ta phải giải trình cho tất cả những người di cư đã bị ngã xuống trên hành trình hy vọng. Họ là nạn nhân của văn hóa loại bỏ.

Ngày mai là kỷ niệm năm thứ tư trận động đất tấn công miền Trung nước Ý. Cha cầu nguyện cho các gia đình và các cộng đoàn chịu đau khổ vì sự tàn phá quá lớn để họ có thể tiến bước trong tình đoàn kết và hy vọng, và tôi hy vọng rằng việc tái kiến thiết có thể được đẩy nhanh để người dân có thể trở về cuộc sống bình an trong vùng đất tuyệt đẹp của các ngọn đồi Apennine này.

Cha cũng muốn nhấn mạnh đến tình gần gũi của cha với người dân Cabo Delgado thuộc miền bắc Mozambique đang chịu đau khổ vì sự khủng bố quốc tế. Cha nhấn mạnh đến tình gần gũi với sự hồi tưởng sống động về chuyến viếng thăm của cha đến đất nước đó khoảng một năm trước.

Cha xin gửi lời chào đến tất cả anh chị em, người Roma và khách hành hương, và đặc biệt là các bạn trẻ của Cernusco Sul Naviglio, là các bạn mặc trang phục vàng ở đằng kia. Họ đã khởi hành từ Siena bằng xe đạp và họ đến Roma qua Francigena. Các con đã làm rất tốt! Và cha cũng gửi lời chào đến nhóm các gia đình từ Carobbo Degli Angeli (thuộc tỉnh Bergamo), là những người đến đây theo cuộc hành hương tưởng nhớ các nạn nhân coronavirus. Và chúng ta không quên, chúng ta không quên các nạn nhân coronavirus. Sáng nay cha nghe được chứng tá của một gia đình đã bị mất ông bà mà không thể nói lời từ biệt họ, trong cùng một ngày. Quá đau đớn, quá nhiều người đã mất mạng sống, những nạn nhân của căn bệnh này; và quá nhiều người thiện nguyện, bác sĩ, y tá, nữ tu, linh mục, cũng đã hy sinh mạng sống của họ. Chúng ta hãy nhớ đến các gia đình chịu đau khổ vì điều này.

Và cha chúc tất cả anh chị em một Chúa nhật hạnh phúc. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và tạm biệt!

© Libreria Editrice Vatican


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 24/8/2020]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét