Thứ Ba, 8 tháng 12, 2020

‘Mùa vọng là một tiếng gọi hy vọng; Đức tin là một câu chuyện tình yêu' — Đức Thánh Cha Phanxicô giảng dạy trong Mùa Phụng vụ Mới ở Vatican (Toàn văn bài giảng)

‘Mùa vọng là một tiếng gọi hy vọng; Đức tin là một câu chuyện tình yêu' — Đức Thánh Cha Phanxicô chỉ dẫn trong Mùa Phụng vụ Mới ở Vatican (Toàn văn bài giảng)

‘Mùa vọng là một tiếng gọi hy vọng; Đức tin là một câu chuyện tình yêu' — Đức Thánh Cha Phanxicô giảng dạy trong Mùa Phụng vụ mới ở Vatican (Toàn văn bài giảng)

Ngày sau công nghị phong hồng y, kêu gọi cùng nhau cầu nguyện đơn sơ trong gia đình & luôn tỉnh thức

29 tháng Mười Một, 2020 14:38

DEBORAH CASTELLANO LUBOV


Mùa vọng là một tiếng gọi hy vọng liên tục: nó nhắc nhở chúng ta rằng Thiên Chúa hiện diện trong lịch sử để dẫn đưa nhân loại đến mục tiêu cuối cùng và viên mãn của nó, đó là Chúa Giêsu Kitô. Thiên Chúa ở với chúng ta, hiện diện trong toàn bộ lịch sử, ở bên cạnh chúng ta và hỗ trợ chúng ta. Ngài không bao giờ bỏ rơi chúng ta và giữa những giông tố của cuộc đời, Người mở rộng bàn tay và giải thoát chúng ta.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra lời an ủi này hôm nay, ngày 29 tháng Mười Một năm 2020, ngày đầu tiên của Mùa Vọng, một ngày sau Công nghị Thông thường tấn phong 13 vị tân hồng y tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô với giãn cách xã hội khi thế giới lại vật lộn với sự tái phát COVID19 trên toàn thế giới.

Các vị tân hồng y đồng tế thánh lễ với Đức Thánh Cha, ngoại trừ các đức Hồng Y Cornelius Sim, Đại diện Tông Tòa của Brunei, và Đức Cha Jose F. Advincula, Tổng Giám mục Capiz, Philippines, là không thể đến Roma tham dự công nghị vì tình hình dịch bệnh lây nhiễm, nhưng vẫn được phong hồng y ngày hôm qua. Theo sau công nghị hôm qua, Đức Thánh Cha và các tân hồng y đã được Đức Benedict XVI tiếp đón tại nơi ở của ngài tại Mater Ecclesiae, trong Vườn Vatican.

Với lời dạy của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Mùa Vọng hôm nay, Thánh lễ và Kinh Truyền Tin hôm nay có giá trị đặc biệt, vượt xa hơn việc đồng tế với các tân hồng y.

‘Mùa vọng là một tiếng gọi hy vọng; Đức tin là một câu chuyện tình yêu' — Đức Thánh Cha Phanxicô chỉ dẫn trong Mùa Phụng vụ Mới ở Vatican (Toàn văn bài giảng)

[...]

Thánh lễ cử hành với các tân Hồng y sáng nay, tham dự thánh lễ còn có các Hồng y đương nhiệm, 12 cha quản xứ và quản nhiệm các thánh đường tước hiệu của các Hồng y cùng khoảng 100 tín hữu, cùng đồng hành với các tân Hồng y.

Đức Thánh Cha lưu ý rằng các bài đọc hôm nay gợi ý hai từ ngữ chính cho Mùa Vọng, đó là sự gần gũi và canh thức. Tiên tri Isaia nói rằng Thiên Chúa ở gần chúng ta, và Đức Phanxicô nói thêm rằng trong Tin Mừng, Chúa Giêsu thúc giục chúng ta phải canh thức trong khi chờ đợi Người.

Ngài nói: “Mùa vọng, là thời gian để nhớ đến sự gần gũi của Thiên Chúa, Đấng đã đến với chúng ta.”

‘Mùa vọng là một tiếng gọi hy vọng; Đức tin là một câu chuyện tình yêu' — Đức Thánh Cha Phanxicô chỉ dẫn trong Mùa Phụng vụ Mới ở Vatican (Toàn văn bài giảng)

Bước đầu tiên của đức tin là thưa với Chúa rằng chúng ta cần Người, cần sự gần gũi của Người. Đây cũng là thông điệp đầu tiên của Mùa Vọng và của năm phụng vụ, để chân nhận rằng Thiên Chúa là Đấng ở gần và thưa với Người: “Xin ngự đến với chúng con!”

“Người muốn đến gần chúng ta, nhưng Người đề nghị, không áp đặt; tất cả tùy thuộc chúng ta không cảm thấy mệt mỏi khi thưa với Người: “Xin ngự đến!”. Điều đó tùy thuộc vào chúng ta, đó là lời cầu nguyện Mùa Vọng: “Xin ngự đến!”. Mùa Vọng nhắc nhở chúng ta rằng Chúa Giêsu đã đến giữa chúng ta và sẽ trở lại vào ngày tận thế. Nhưng chúng ta hãy tự hỏi mình, những lần đến này để làm gì nếu nó không đi vào đời sống của chúng ta hôm nay?”

Do đó, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: Chúng ta hãy mời Người. “Chúng ta hãy lấy lời nguyện cầu của Mùa Vọng làm của riêng mình: ‘Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến.’”

Rèn luyện sự tỉnh thức

“Chúng ta có thể dâng lời cầu nguyện đó vào đầu mỗi ngày và lặp lại nó thường xuyên, trước những buổi họp, học tập, làm việc và các quyết định sẽ được thực hiện, trong những thời điểm quan trọng nhất và trong những thử thách: Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến. Một lời cầu nguyện nhỏ, nhưng nó xuất phát từ trái tim. Chúng ta hãy nói điều đó trong thời gian Mùa Vọng này, chúng ta hãy lặp lại lời nguyện đó: “Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến.”

Bằng cách cầu xin sự gần gũi của Người, chúng ta sẽ rèn luyện sự tỉnh thức.

Đức Phanxicô nhắc nhở, “Điều quan trọng là hãy luôn tỉnh thức, vì một sai lầm trong cuộc sống là lạc bước trong một ngàn điều và không nhận ra Chúa. Thánh Augustinô nói: “Timeo Iesum transeuntem” (Sermones, 88,14,13), “Tôi sợ rằng Chúa Giêsu đi ngang qua và tôi không nhận ra.”

Đức Thánh Cha Phanxicô công nhận rằng mỗi ngày chúng ta thường bị lôi cuốn bởi những sở thích của mình, bị sao lãng bởi quá nhiều điều phù phiếm, đến nỗi chúng ta có nguy cơ đánh mất những điều trọng yếu, và nhắc nhở rằng sẽ đến ngày chúng ta sẽ đối diện với Chúa.

“Người sẽ đến,” Đức Giáo hoàng Dòng Tên nhấn mạnh và thúc giục: “Đừng mất tinh thần: đêm tối sẽ qua đi, Chúa sẽ trỗi dậy, Đấng đã chết trên thập giá vì chúng ta sẽ phán xét chúng ta. Tỉnh thức tức là chờ đợi điều này, không để cho sự ngã lòng xâm chiếm tâm hồn, và điều này được gọi là sống trong hy vọng”.

“Cũng như trước khi chào đời, chúng ta được những người yêu thương chờ đợi, và bây giờ chúng ta được chờ đợi bởi chính Đấng là Tình yêu.”

‘Mùa vọng là một tiếng gọi hy vọng; Đức tin là một câu chuyện tình yêu' — Đức Thánh Cha Phanxicô chỉ dẫn trong Mùa Phụng vụ Mới ở Vatican (Toàn văn bài giảng)

“Và nếu chúng ta được mong đợi ở trên Thiên đường, tại sao lại sống theo những đòi hỏi của thế gian? Tại sao phải bận tâm đến tiền, đến danh vọng, thành công, tất cả những thứ trôi qua? Tại sao lại lãng phí thời gian để phàn nàn về màn đêm, trong khi ánh sáng ban ngày đang chờ chúng ta? Trông chờ [vào những người bảo trợ] để được thăng tiến và leo lên, để thăng tiến sự nghiệp của chúng ta?”

Đức Phanxicô lưu ý, “Mọi thứ sẽ trôi qua. Chúa nói hãy tỉnh thức.”

Không dễ dàng để tỉnh thức

Vị Kế nhiệm Thánh Phêrô thừa nhận rằng tỉnh thức không phải là điều dễ dàng. Lưu ý rằng các môn đệ của Chúa Giêsu đã không thành công, Đức Phanxicô cảnh báo rằng tình trạng mệt mỏi tương tự cũng có thể bủa vây xuống chúng ta, cảnh báo về sự ngủ mê nguy hiểm của “tính tầm thường”.

“Nó đến khi chúng ta quên đi mối tình đầu của mình và đi vào tình trạng trì trệ, chỉ chú ý đến cuộc sống bình lặng. Nhưng nếu không có sự bộc phát tình yêu đối với Thiên Chúa, không chờ đợi tính mới mẻ của Người, người ta trở nên tầm thường, hờ hững, theo thế gian. Và điều này làm hao mòn đức tin, vì đức tin đối lập với tính tầm thường: nó là ước muốn cháy bỏng của Thiên Chúa, nó là sự can đảm liên tục hoán cải, nó là lòng can đảm để yêu thương, nó luôn luôn tiến bước tới.

Ngài tiếp tục, “Đức tin không phải là nước để dập tắt, nhưng nó là lửa làm bùng cháy; nó không phải là liều thuốc an thần cho những ai đang căng thẳng, nó là một câu chuyện tình cho những người đang yêu! Vì lý do này, Chúa Giêsu ghét sự hờ hững hơn bất cứ điều gì (xem Kh 3:16). Chúng ta thấy sự khinh rẻ của Thiên Chúa đối với người hờ hững.”

Các biện pháp để tỉnh thức thoát khỏi sự ngủ mê của chúng ta

“Vậy làm thế nào chúng ta có tỉnh giấc thoát khỏi cơn ngủ mê của tính tầm thường?” Đức Thánh Cha Phanxicô đặt câu hỏi, và trả lời: với sự tỉnh thức cầu nguyện.

“Cầu nguyện là bật ánh sáng trong đêm. Cầu nguyện đánh thức thoát khỏi sự hờ hững của một đời sống tầm thường, hướng ánh mắt nhìn của chúng ta lên trên, hướng chúng ta đến với Chúa. Cầu nguyện cho phép Chúa ở gần với chúng ta; vì thế nó giải thoát khỏi sự cô đơn và mang lại hy vọng. Cầu nguyện cung cấp dưỡng khí cho sự sống: cũng như người ta không thể sống mà không thở, vì vậy là người Kitô giáo không thể không cầu nguyện”.

Người Kitô hữu rất cần phải trông chừng những người ngủ mê, có những người tôn thờ, những người cầu thay nguyện giúp, những người ngày đêm mang bóng tối của lịch sử đến trước Chúa Giêsu, ánh sáng của thế giới. Cần có những người tôn thờ. Chúng ta đã đánh mất một chút ý thức về sự tôn thờ, về sự thinh lặng trước Chúa, tôn thờ. Đó là sự tầm thường, là sự hờ hững.

Ngài cũng cảnh báo về “sự ngủ mê trong lòng” thứ hai là “giấc ngủ của sự thờ ơ”.

Đức Phanxicô nói, để mang ánh sáng đến cho sự ngủ mê trong tính tầm thường, tính hờ hững, cần có sự tỉnh thức cầu nguyện, đồng thời nói thêm rằng để đánh thức chúng ta khỏi giấc ngủ thờ ơ này, cần có sự tỉnh thức của lòng bác ái. Ngài nói đầy cảm xúc, “Bác ái là trái tim đang đập của người Kitô hữu: cũng như một người không thể sống mà không có nhịp tim, thì một người cũng không thể là người Kitô hữu nếu không có lòng bác ái.”

Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “Cầu nguyện và yêu thương, đây là sự tỉnh thức.”

Ngài giải thích, “Khi Hội Thánh thờ phượng Thiên Chúa và phục vụ tha nhân, Giáo hội không sống trong đêm tối. Ngay cả khi Giáo hội mệt mỏi và phải cố gắng, Giáo hội tiến bước về phía Thiên Chúa. Chúng ta hãy khẩn xin Ngài: Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến, chúng con cần Người. Xin hãy ngự đến bên chúng con. Người là ánh sáng: xin hãy đánh thức chúng con khỏi sự ngủ mê của tính tầm thường, xin đánh thức chúng con thoát khỏi bóng tối của sự thờ ơ”.

Đức Thánh Cha kết luận bằng lời cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến, xin làm cho tâm hồn chúng con luôn tỉnh táo, hiện đang bị sao lãng: xin làm cho chúng con cảm thấy khao khát cầu nguyện và cần yêu thương”.

[...]

Do tình hình sức khỏe hiện tại, do đại dịch COVID-19, các cuộc thăm viếng theo nghi thức thông thường đã không diễn ra. Thông thường, các tín hữu, bao gồm cả một số người đến từ các quốc gia quê hương của các tân Hồng y, có cơ hội chào mừng các Vị Tân Chức giữa Khán phòng Phaolô VI của Vatican và Điện Tông Tòa của Vatican trong khoảng thời gian hai giờ.

Sau đây là bản dịch của Vatican (ND: bản tiếng Anh) toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha:

***

Các bài đọc hôm nay giới thiệu hai từ ngữ chính cho Mùa Vọng, sự gần gũi canh thức. Sự gần gũi của Thiên Chúa và sự canh thức của chúng ta. Tiên tri Isaia nói rằng Thiên Chúa ở gần chúng ta, trong khi trong Tin Mừng, Chúa Giêsu thúc giục chúng ta phải canh thức khi chờ đợi Người.

Sự gần gũi. Tiên tri Isaia bắt đầu bằng những lời nói riêng tư với Đức Chúa: “Ôi lạy Đức Chúa, quả chính Ngài là cha chúng con” (63:16). Ngôn sứ tiếp tục, “Người ta chưa nghe nói đến bao giờ, tai chưa hề nghe, mắt chưa hề thấy có vị thần nào, ngoài Chúa ra, đã hành động như thế đối với ai tin cậy nơi mình” (x. 64:3). Chúng ta được nhắc nhớ đến những lời của sách Đệ Nhị Luật: Có dân tộc vĩ đại nào được thần minh ở gần, như Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, ở gần chúng ta, mỗi khi chúng ta kêu cầu Người? (xem 4: 7). Mùa vọng, là thời gian để nhớ đến sự gần gũi của Thiên Chúa, Đấng đã đến giữa chúng ta. Ngôn sứ tiếp tục cầu xin Đức Chúa đến gần chúng ta một lần nữa: “Xin Chúa băng qua các tầng trời mà ngự xuống!” (Is 64: 1). Chúng ta đã nguyện xin điều này trong đáp ca thánh vịnh hôm nay: “xin thương trở lại … xin ngự tới để cứu độ chúng con” (Tv 80: 15.3). Chúng ta thường bắt đầu những lời cầu nguyện bằng lời khẩn cầu: “Lạy Chúa, xin hãy đến giúp con”. Bước đầu tiên của đức tin là thưa với Chúa rằng chúng ta cần Người, rằng chúng ta cần Người ở gần bên chúng ta.

Đây cũng là thông điệp đầu tiên của Mùa Vọng và của năm phụng vụ: chúng ta cần phải nhận ra được sự gần gũi của Thiên Chúa và thưa với Người: “Xin lại ngự đến với chúng con!” Thiên Chúa muốn đến gần chúng ta, nhưng Người không áp đặt; tất cả tùy thuộc chúng ta liên tục thưa với Người: “Xin hãy đến!” Đây là lời cầu nguyện Mùa Vọng của chúng ta: “Xin ngự đến!” Mùa Vọng nhắc nhở chúng ta rằng Chúa Giêsu đã đến giữa chúng ta và sẽ trở lại vào ngày tận thế. Nhưng chúng ta hãy tự hỏi mình hai lần ngự đến đó mang ý nghĩa gì, nếu Người không đi vào đời sống của chúng ta hôm nay? Vì vậy chúng ta hãy mời Người. Chúng ta hãy lấy lời nguyện cầu của Mùa Vọng làm của riêng mình: “Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến.” (Kh 22:20). Sách Khải Huyền kết thúc bằng lời cầu nguyện này: “Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến.” Chúng ta có thể dâng lời cầu nguyện đó vào đầu mỗi ngày và lặp lại nó thường xuyên, trước những buổi họp, những giờ học và công việc, và trước khi đưa ra các quyết định, ngay cả trong trong những thời điểm quan trọng hơn hoặc khó khăn trong cuộc đời của chúng ta: Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến. Chính lời cầu nguyện nhỏ này, nhưng nó xuất phát từ trái tim. Chúng ta hãy nói điều đó trong thời gian Mùa Vọng này. Chúng ta hãy lặp lại lời nguyện đó: “Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến.!”

Nếu chúng ta xin Chúa Giêsu ngự đến với chúng ta, chúng ta sẽ tự rèn luyện cho mình sự tỉnh thức. Tin mừng Thánh Máccô hôm nay trình bày cho chúng ta phần cuối của bài giảng dạy cuối cùng của Chúa Giêsu cho các môn đệ của Ngài, có thể tóm tắt trong hai từ: “Tỉnh thức!” Chúa lặp lại những lời này bốn lần trong năm câu (x. Mc 13:33-35.37). Điều quan trọng là phải biết canh thức, vì một sai lầm rất lớn trong cuộc sống là để bị cuốn hút vào hàng ngàn thứ và không nhận ra Chúa. Thánh Augustinô nói: “Timeo Iesum transeuntem” (Sermons, 88, 14, 13), “Tôi sợ rằng Chúa Giêsu đi ngang qua và tôi không nhận ra.” Bị cuốn hút vào những điều phải lưu tâm hàng ngày (chúng ta biết rõ điều này!) và bị sao lãng bởi những điều vô nghĩa. chúng ta có nguy cơ đánh mất tầm nhìn về điều trọng yếu. Đó là lý do tại sao Chúa lặp lại: “Thầy nói với hết thảy mọi người: phải canh thức!” (Mc 13:37). Phải canh thức, hãy chú ý.

Tuy nhiên, canh thức có nghĩa bây giờ đang là đêm tối. Không phải chúng ta đang sống trong ánh sáng ban ngày dài, nhưng đang chờ đợi bình minh, giữa bóng tối và sự mệt mỏi. Ánh sáng của ban ngày sẽ đến khi chúng ta ở với Chúa. Chúng ta đừng ngã lòng: ánh sáng ban ngày sẽ đến, những bóng tối của đêm đen sẽ bị xua tan, và Chúa là Đấng đã chết vì chúng trên thập giá, sẽ đứng lên làm thẩm phán xét xử chúng ta. Canh thức mong chờ Người đến có nghĩa là không cho phép bản thân bị lấn át bởi sự chán nản. Sống trong hy vọng. Cũng giống như trước khi chúng ta chào đời, những người thương yêu của chúng ta chờ đợi chúng ta bước vào thế giới, và bây giờ Đấng là Tình yêu đang chờ đợi chúng ta. Và nếu chúng ta được mong đợi ở trên Thiên đường, tại sao lại sống theo những đòi hỏi của thế gian? Tại sao phải bận tâm đến tiền bạc, danh vọng, thành công, tất cả những thứ trôi qua? Tại sao lại lãng phí thời gian để phàn nàn về màn đêm, trong khi ánh sáng ban ngày đang chờ chúng ta? Tại sao chúng ta lại trông chờ vào “những người đỡ đầu” để giúp thăng tiến trong sự nghiệp? Và rồi tất cả những điều này sẽ qua đi. Chúa nói với chúng ta hãy canh thức.

Canh thức không hề dễ dàng; thật sự nó rất khó. Vào ban đêm theo tính tự nhiên là ngủ. Thậm chí các môn đệ của Chúa Giêsu cũng không tìm được cách để tỉnh thức khi được bảo hãy canh thức “lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng” (x. c. 35). Đó là những lần họ không tỉnh thức: lúc chập tối, tại bữa Tiệc Ly, họ đã phản bội Chúa Giêsu; lúc nửa đêm, họ ngủ say; khi gà gáy, họ chối Người; lúc tảng sáng, họ để cho Ngài bị kết án tử. Họ không canh thức. Họ chìm trong giấc ngủ: nó là cơn ngủ mê của tính tầm thường. Nó đến khi chúng ta quên đi mối tình đầu của mình và trở nên thỏa mãn với sự thờ ơ, chỉ chú ý đến cuộc sống bình lặng. Không cố gắng để yêu mến Chúa hàng ngày và mong đợi sự mới mẻ mà Ngài liên tục mang đến, chúng ta trở nên tầm thường, hờ hững, theo thế gian. Và điều này gặm nhấm đức tin của chúng ta, vì đức tin đối lập với tính tầm thường: nó là ước muốn cháy bỏng với Thiên Chúa, nó là sự can đảm để hoán cải, can đảm để yêu thương, liên tục phát triển. Đức tin không phải là nước để dập tắt, nhưng nó là lửa làm bùng cháy; nó không phải là liều thuốc an thần cho những ai đang căng thẳng, nó là một câu chuyện tình cho những người đang yêu! Vì lý do này, Chúa Giêsu ghét sự hờ hững hơn bất cứ điều gì (xem Kh 3:16). Chúng ta thấy sự khinh rẻ của Thiên Chúa đối với người hờ hững.

Vậy làm thế nào chúng ta có tỉnh giấc thoát khỏi cơn ngủ mê của tính tầm thường? Đó là sự tỉnh thức cầu nguyện. Khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta thắp một ngọn nến trong đêm đen. Cầu nguyện đánh thức thoát khỏi sự hờ hững của một đời sống tầm thường, hướng ánh mắt nhìn của chúng ta về những điều cao cả hơn; nó hướng chúng ta đến với Chúa. Cầu nguyện cho phép Chúa ở gần với chúng ta; vì thế nó giải thoát khỏi sự cô đơn và mang lại hy vọng. Cầu nguyện là vô cùng quan trọng cho cuộc sống: cũng như chúng ta không thể sống mà không thở, thì chúng ta không thể là người Kitô giáo mà không cầu nguyện. Chúng ta rất cần những Kitô hữu biết trông chừng cho những người ngủ mê, những người tôn thờ cầu thay nguyện giúp đêm ngày, mang ánh sáng của thế gian, bóng tối của lịch sử đến trước Chúa Giêsu. Chúng ta rất cần có những người tôn thờ. Chúng ta đã đánh mất một chút ý thức về sự tôn thờ, về việc đứng thinh lặng tôn thờ trước Chúa. Đó là sự tầm thường, là sự hờ hững.

Cũng có một loại ngủ mê khác trong lòng: ngủ mê của sự thờ ơ. Những người thờ ơ nhìn thấy mọi sự đều giống nhau, dường như nhìn trong bóng đêm; họ chẳng quan tâm đến tất cả những gì xung quanh họ. Khi mọi thứ chỉ tập trung vào bản thân chúng ta và những nhu cầu của chúng ta, và chúng ta thờ ơ trước nhu cầu của người khác, thì đêm đen đã phủ bóng trong tâm hồn chúng ta. Tâm hồn chúng ta trở nên tối tăm. Chúng ta ngay lập tức bắt đầu phàn nàn về mọi điều và mọi người; chúng ta bắt đầu cảm thấy mình là nạn nhân của mọi người và cuối cùng là chất chứa tất cả mọi thứ. Nó là một vòng xoáy xấu xa. Ngày nay màn đêm đó dường như đã phủ bóng xuống quá nhiều người, những người chỉ đòi hỏi mọi thứ cho bản thân, và họ bị mù trước những thiếu thốn của người khác.

Làm sao chúng ta thức tỉnh thoát khỏi sự ngủ mê của tính thờ ơ? Đó là sự tỉnh thức của bác ái. Để đánh thức chúng ta khỏi cơn ngủ mê của tính thờ ơ và hờ hững, đó là sự tỉnh thức cầu nguyện. Để đánh thức chúng ta thoát khỏi cơn ngủ mê của tính thờ ơ, đó là sự tỉnh thức của bác ái. Bác ái là trái tim đang đập của người Kitô hữu: cũng như một người không thể sống mà không có nhịp tim, thì một người cũng không thể là người Kitô hữu nếu không có lòng bác ái. Một số người dường như nghĩ rằng lòng trắc ẩn, giúp đỡ và phục vụ người khác là dành cho những người thua cuộc. Tuy nhiên, đó lại là những điều duy nhất mang lại chiến thắng cho chúng ta, vì chúng hướng tới tương lai, đến ngày của Chúa, khi tất cả mọi sự sẽ qua đi và chỉ có tình yêu ở lại. Chính nhờ những việc làm của các mối phúc thương xót giúp chúng ta đến gần Chúa. Đây là điều chúng ta xin trong lời cầu nguyện đầu lễ hôm nay: “Xin ban cho [chúng con]… sự quyết tâm chạy đến để gặp Đức Kitô bằng những việc làm công chính khi Ngài đến”. Quyết tâm chạy đến để gặp Đức Kitô bằng những việc tốt. Chúa Giêsu đang đến, và con đường để gặp được Người được ghi dấu rõ ràng: nó đi qua các công cuộc bác ái.

Anh chị em thân mến, cầu nguyện và yêu thương: đó chính là ý nghĩa của việc canh thức. Khi Hội Thánh thờ phượng Thiên Chúa và phục vụ tha nhân, Giáo hội không sống trong đêm tối. Cho dù có yếu đuối và mệt mỏi, Giáo hội tiến bước về với Chúa. Chúng ta hãy khẩn xin Ngài: Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến, chúng con cần Người. Xin hãy ngự đến bên chúng con. Người là ánh sáng. Xin hãy đánh thức chúng con khỏi sự ngủ mê của tính tầm thường, xin đánh thức chúng con thoát khỏi bóng tối của sự thờ ơ. Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến, xin đón lấy những tâm hồn đang bị xao lãng của chúng con và khiến chúng trở nên tỉnh thức. Xin đánh thức trong chúng con khao khát cầu nguyện và cần yêu thương.

[Văn bản của Vatican (ND: Bản tiếng Anh)]


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 30/11/2020]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét