Thứ Sáu, 16 tháng 4, 2021

Thư của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các tham dự viên trong Kỳ họp Mùa Xuân năm 2021 của nhóm Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế

Thư của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các tham dự viên trong Kỳ họp Mùa Xuân năm 2021 của nhóm Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế

Thư của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các tham dự viên trong Kỳ họp Mùa Xuân năm 2021 của nhóm Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế

[5-11 tháng Tư năm 2021]

 

Gửi Nhóm Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế

Tôi xin cảm ơn quý vị vì nhã ý mời tôi phát biểu với các tham dự viên trong Kỳ họp mùa Xuân năm 2021 của Nhóm Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế qua lá thư này, mà tôi đã ủy thác cho Đức Hồng y Peter Turkson, Tổng trưởng Bộ Thúc đẩy sự Phát triển Con người Toàn diện của Tòa Thánh.

Trong năm qua, do hậu quả của đại dịch Covid-19, thế giới của chúng ta đã buộc phải đối mặt với một loạt các cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội, sinh thái và chính trị nghiêm trọng và có sự tương quan với nhau. Tôi hy vọng rằng các cuộc thảo luận của quý vị sẽ đóng góp phần vào một mô hình “phục hồi” có khả năng tạo ra các giải pháp mới, toàn diện hơn và bền vững hơn để hỗ trợ nền kinh tế thực, hỗ trợ các cá nhân và cộng đồng đạt được những nguyện vọng sâu sắc nhất của họ và lợi ích chung toàn cầu. Khái niệm phục hồi không thể bằng lòng với việc quay trở lại mô hình bất bình đẳng và không bền vững của đời sống kinh tế và xã hội, nơi một thiểu số nhỏ bé trong dân số thế giới sở hữu một nửa tài sản của nó.

Vì niềm vững tin sâu sắc của chúng tôi rằng tất cả mọi người nam và nữ đều được tạo dựng bình đẳng, nhiều anh chị em của chúng ta trong gia đình nhân loại, đặc biệt là những người ở bên lề xã hội, bị loại trừ hoàn toàn khỏi thế giới tài chính. Tuy nhiên, đại dịch đã nhắc nhở chúng ta một lần nữa rằng không ai được cứu thoát một mình. Nếu chúng ta muốn thoát khỏi tình trạng này để trở nên một thế giới tốt đẹp hơn, nhân văn hơn và đoàn kết hơn, thì phải tìm ra được các hình thức và tính sáng tạo cho sự tham gia xã hội, chính trị và kinh tế, nhạy cảm với tiếng nói của người nghèo và cam kết đưa họ vào công cuộc xây dựng tương lai chung của chúng ta (xem Tông huấn Fratelli Tutti, 169). Là những chuyên gia trong lĩnh vực tài chính và kinh tế, quý vị biết rõ rằng lòng tin, được xây dựng bởi sự liên kết giữa con người với nhau, là nền tảng của tất cả các mối tương quan, bao gồm cả những mối tương quan tài chính. Những mối tương quan đó chỉ có thể được xây dựng thông qua việc phát triển một “nền văn hóa gặp gỡ” trong đó mọi tiếng nói đều có thể được lắng nghe và tất cả đều có thể phát triển, tìm kiếm các điểm tiếp xúc, xây dựng những cầu nối, và hình dung ra các dự án bao gồm lâu dài (xem sđd., 216).

Trong khi nhiều quốc gia hiện đang củng cố những chương trình phục hồi riêng, vẫn còn đó nhu cầu cấp thiết về một chương trình toàn cầu để có thể tạo ra những cơ cấu mới hoặc tái tạo lại những cơ cấu hiện có, đặc biệt là các cơ cấu quản trị toàn cầu, và giúp xây dựng một mạng lưới quan hệ quốc tế mới để thúc đẩy sự phát triển toàn diện của con người cho tất cả các dân tộc. Điều này có nghĩa là trao cho các quốc gia nghèo hơn và kém phát triển hơn một phần chia sẻ trong việc đưa ra quyết định và tạo điều kiện tiếp cận với thị trường quốc tế. Tinh thần đoàn kết toàn cầu cũng đòi hỏi ít nhất là giảm bớt đáng kể gánh nặng nợ nần cho các quốc gia nghèo nhất, vốn đã trở nên trầm trọng hơn do đại dịch. Giải tỏa gánh nặng nợ nần của rất nhiều quốc gia và cộng đồng ngày nay, là một nghĩa cử nhân ái sâu sắc có thể giúp mọi người phát triển, được tiếp cận với vaccine, y tế, giáo dục và việc làm.

Chúng ta cũng không thể xem nhẹ một món nợ khác: “món nợ sinh thái” tồn tại đặc biệt giữa các nước phát triển và kém phát triển. Trên thực tế, chúng ta đang mắc nợ chính thiên nhiên, cũng như con người và các quốc gia bị ảnh hưởng bởi sự suy thoái sinh thái và mất sự đa dạng sinh học do con người gây ra. Về vấn đề này, tôi tin rằng ngành tài chính, nổi bật bởi sự sáng tạo tuyệt vời, sẽ chứng tỏ có khả năng phát triển các cơ chế linh hoạt để tính toán khoản nợ sinh thái này, để các nước phát triển có thể chi trả cho nó, không chỉ bằng cách hạn chế đáng kể mức tiêu thụ năng lượng không tái tạo của họ hoặc bằng cách hỗ trợ các nước nghèo hơn ban hành những chính sách và chương trình phát triển bền vững, nhưng cũng bằng cách trang trải các chi phí đổi mới cần thiết cho mục đích đó (xem Tông huấn Laudato Si’, 51-52).

Trọng tâm hướng tới sự phát triển công bằng và hội nhập là sự đánh giá sâu sắc mục tiêu trọng yếu và đích đến cho mọi đời sống kinh tế, đó là ích chung phổ quát. Theo đó, tiền công không bao giờ được tách rời khỏi ích lợi công, và thị trường tài chính cần được củng cố bởi các luật và quy định nhằm bảo đảm rằng chúng thực sự hoạt động vì lợi ích chung. Do đó, cam kết về sự liên đới thuộc kinh tế, tài chính và xã hội đòi hỏi nhiều hơn cả việc tham gia các hoạt động ngẫu nhiên thể hiện sự quảng đại. “Nó có nghĩa là suy nghĩ và hành động vì cộng đồng. Nó có nghĩa là đời sống của mọi người phải được ưu tiên hơn sự kiếm lợi của một số ít người. Nó cũng có nghĩa là đấu tranh chống lại những nguyên nhân mang tính cơ cấu của tình trạng nghèo đói, bất bình đẳng, thiếu việc làm, thiếu đất và nhà ở, phủ nhận các quyền lao động và xã hội. … Liên đới, được hiểu trong ý nghĩa sâu xa nhất của nó, là một cách để làm lịch sử” (Tông huấn Fratelli Tutti, 116 ).

Đã đến lúc phải thừa nhận rằng các thị trường không tự chi phối – đặc biệt là thị trường tài chính. Thị trường cần được củng cố bởi các luật và quy định để bảo đảm rằng chúng hoạt động vì lợi ích chung, đảm bảo rằng nguồn tài chính hoạt động vì các mục tiêu xã hội rất cần thiết trong bối cảnh của tình trạng khẩn cấp về chăm sóc sức khỏe toàn cầu hiện nay – thay vì chỉ là đầu cơ hoặc tự cấp vốn. Liên quan đến vấn đề này, chúng ta đặc biệt cần một sự liên đới về vaccine được tài trợ một cách chính đáng, vì chúng ta không thể cho phép luật thị trường được ưu tiên hơn luật yêu thương và sức khỏe của tất cả mọi người. Đến đây, tôi xin lặp lại lời kêu gọi của tôi đối với các nhà lãnh đạo chính phủ, các doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế cùng hợp tác trong việc cung cấp vaccine cho tất cả mọi người, đặc biệt là cho những người dễ bị tổn thương nhất và thiếu thốn nhất (xem Sứ điệp Phép lành Urbi et Orbi, Giáng sinh 2020).

Tôi hy vọng rằng trong những ngày này, những thảo luận chính thức và những cuộc gặp gỡ cá nhân của quý vị sẽ mang đến kết quả dồi dào để phân định các giải pháp khôn ngoan cho một tương lai bền vững và toàn diện hơn.

Một tương lai nơi tài chính phục vụ cho lợi ích chung, nơi những người dễ bị tổn thương và những người bị gạt ra bên lề được đặt làm trung tâm, và nơi trái đất, ngôi nhà chung của chúng ta, được chăm sóc tốt.

Tôi xin gửi đến những lời nguyện chúc tốt đẹp nhất cho kết quả tốt lành của các cuộc họp, tôi khẩn xin những ơn phúc của sự khôn ngoan và thấu hiểu, dự định tốt đẹp, sức mạnh và sự bình an của Thiên Chúa tuôn đổ trên quý vị.


PHANXICÔ



[Nguồn: vatican.va]

Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 9/4/2021]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét