Thứ Sáu, 21 tháng 5, 2021

Đức Thánh Cha Phanxicô khai mạc hội nghị General States of Birth, một sáng kiến trực tuyến được thúc đẩy bởi Diễn đàn các Hiệp hội Gia đình, ngày 14 tháng 05, 2021

Đức Thánh Cha Phanxicô khai mạc hội nghị General States of Birth, một sáng kiến trực tuyến được thúc đẩy bởi Diễn đàn các Hiệp hội Gia đình, ngày 14 tháng 05, 2021

Đức Thánh Cha Phanxicô khai mạc hội nghị General States of Birth, một sáng kiến trực tuyến được thúc đẩy bởi Diễn đàn các Hiệp hội Gia đình, ngày 14 tháng 05, 2021

*****

Sáng nay, Đức Thánh Cha Phanxicô rời Santa Marta và di chuyển bằng xe hơi đến Thính phòng della Conciliazione ở Rôma để tham dự buổi khai mạc phiên họp đầu tiên của Diễn đàn Stati Generali della Natalità, (General States of Birth - tạm dịch: Tình trạng chung về sinh đẻ) một sáng kiến trực tuyến do Diễn đàn các Hiệp hội gia đình tổ chức.

Khi đến nơi, Đức Thánh Cha Phanxicô đã được chào đón bởi Tiến sĩ Francesco Carducci, chủ tịch Thính phòng, ông Mario Draghi, Thủ tướng Cộng hòa Ý, và ông Gigi De Palo, chủ tịch quốc gia của Diễn đàn các Hiệp hội Gia đình. Sau đó, Đức Thánh Cha chào các nhà chức trách hiện diện và những người tham dự cuộc họp.

Sau lời chào giới thiệu của Chủ tịch De Palo và bài diễn văn của Thủ tướng, Đức Giáo hoàng đã đọc diễn từ tại tiền sảnh của Thính phòng.

Cuối cùng, sau khi chào một số gia đình có trẻ em, Đức Thánh Cha rời Thính phòng và trở về Vatican.

Sau đây là bài diễn từ của Đức Giáo hoàng tại buổi khai mạc cuộc họp General States of Birth:

Đức Thánh Cha Phanxicô khai mạc hội nghị General States of Birth, một sáng kiến trực tuyến được thúc đẩy bởi Diễn đàn các Hiệp hội Gia đình, ngày 14 tháng 05, 2021

Diễn từ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến,

Tôi gửi lời chào thân ái đến anh chị em và tôi xin cảm ơn ông Gianluigi De Palo, Chủ tịch Diễn đàn các Hiệp hội Gia đình, về lời mời và lời giới thiệu của ông. Tôi cảm ơn Tiến sĩ Mario Draghi, Chủ tịch quốc gia của Diễn đàn, vì những lời trình bày rõ ràng và đầy hy vọng của ông. Tôi xin cảm ơn tất cả anh chị em hôm nay đang phản ánh về vấn đề cấp bách của tỷ lệ sinh, nó là vấn đề cơ bản để đảo ngược xu hướng hiện tại và đưa nước Ý một lần nữa tiến lên, bắt đầu từ sự sống, bắt đầu từ con người. Và thật tốt lành khi anh chị em đang cùng nhau làm việc này, bao gồm các doanh nghiệp, ngân hàng, văn hóa, truyền thông, thể thao và giải trí. Trong thực tế, có rất nhiều người khác đang ở đây với anh chị em: trên hết, có những người trẻ tuổi mơ ước. Dữ liệu cho biết rằng hầu hết những người trẻ đều muốn có con. Nhưng ước mơ của họ về sự sống, những chồi non tái sinh cho đất nước, phải đối mặt với một mùa đông nhân khẩu vẫn còn lạnh lẽo và tăm tối: chỉ một nửa số người trẻ tin rằng họ sẽ có thể sinh hai con trong đời.

Do đó, trong suốt nhiều năm, nước Ý có tỷ lệ sinh thấp nhất ở Châu Âu, nơi đang trở thành lục địa già nua không còn vì lịch sử huy hoàng của nó, nhưng vì độ tuổi già. Đất nước của chúng ta, nơi giống như một thành phố với hơn hai trăm nghìn dân biến mất hàng năm, năm 2020 số sinh rơi xuống mức thấp nhất kể từ khi thống nhất đất nước: không chỉ vì Covid, mà còn vì xu hướng đi xuống liên tục, liên tục, một mùa đông ngày càng khắc nghiệt.

Tuy nhiên, tất cả những điều này dường như vẫn chưa thu hút được sự chú ý chung, mà vẫn chỉ tập trung vào hiện tại và trước mắt. Ngài Tổng thống nước Cộng hòa đã nhắc lại tầm quan trọng của tỷ lệ sinh, điều mà ông đã vạch rõ như là ‘điểm tham chiếu quan trọng nhất của mùa này’, ông nói rằng ‘gia đình không phải là mô liên kết của nước Ý, gia đình là nước Ý’ (Tiếp Diễn đàn của các Hiệp hội gia đình, ngày 11 tháng Hai năm 2020). Không biết bao nhiêu gia đình trong những tháng gần đây đã phải làm việc thêm giờ, phân chia nhà cửa vừa trở thành nơi làm việc vừa là trường học, cha mẹ trở thành thầy cô giáo, kỹ thuật viên máy tính, công nhân, nhà tâm lý! Và cần biết bao nhiêu sự hy sinh của ông bà, những huyết mạch thực sự của gia đình! Nhưng không chỉ có vậy: họ là ký ức mở ra cho chúng ta tương lai.

Vì vậy, để có tương lai tốt đẹp, chúng ta phải chăm sóc gia đình, đặc biệt là các gia đình trẻ, họ đang bị bủa vây bởi những lo lắng có nguy cơ làm tê liệt các chương trình đời sống của họ. Tôi đang nghĩ về sự bấp bênh của công việc, về nỗi sợ hãi vì chi phí nuôi con ngày càng vượt ngoài khả năng chi trả: đó là những nỗi sợ hãi có thể nuốt trọn tương lai, là đầm lầy cát có thể nhấn chìm cả một xã hội. Tôi cũng thật buồn khi nghĩ đến những người phụ nữ đi làm, chán nản chuyện có con hoặc phải giấu kín việc mang thai. Làm sao một người phụ nữ lại có thể phải cảm thấy xấu hổ về món quà đẹp nhất mà sự sống ban tặng? Chính xã hội phải cảm thấy xấu hổ, không phải là người phụ nữ, vì một xã hội không chào đón sự sống tức là không còn sống. Trẻ em là niềm hy vọng sinh ra một dân tộc! Cuối cùng, một quyết định đã được đưa thành luật với một khoản trợ cấp cho mỗi trẻ em chào đời, được định nghĩa là riêng biệt và phổ quát ở Ý. Tôi xin bày tỏ lòng cảm kích với các nhà chức trách và hy vọng rằng khoản trợ cấp này sẽ đáp ứng được nhu cầu cụ thể của các gia đình, những người đã và đang hy sinh rất nhiều, đồng thời sẽ đánh dấu bước khởi đầu của những sự cải tổ xã hội lấy trẻ em và gia đình làm trọng tâm. Nếu gia đình không ở trung tâm của hiện tại, sẽ không có tương lai; nhưng nếu gia đình bắt đầu lại, mọi thứ sẽ bắt đầu lại.

Bây giờ tôi nhìn đến sự khởi đầu mới này và đưa ra cho anh chị em ba ý tưởng mà tôi hy vọng sẽ hữu ích cho một mùa xuân đầy hy vọng, là mùa sẽ đưa chúng ta thoát khỏi mùa đông nhân khẩu. Ý nghĩ đầu tiên xoay quanh chữ món quà. Mọi món quà đều được đón nhận, và sự sống là món quà đầu tiên mà mỗi chúng ta nhận được. Không ai có thể tự tặng cho mình món quà đó. Trước hết đã có một món quà. Nó là điều “đến trước” mà chúng ta quên đi trong cuộc đời, mà chỉ chú ý hướng đến điều “đến sau”, đến những gì chúng ta có thể làm được và có được. Nhưng trước hết chúng ta đã nhận được một món quà và chúng ta được kêu gọi để truyền lại nó. Và một đứa trẻ là món quà lớn nhất đối với mọi người và luôn là món quà đầu tiên. Với một đứa trẻ, với mọi đứa trẻ, đều được gắn liền với từ này: đầu tiên. Cũng như một trẻ thơ được chờ đợi và được yêu thương trước khi nó được sinh ra, vì vậy chúng ta phải đặt trẻ em lên hàng đầu nếu chúng ta muốn nhìn thấy ánh sáng một lần nữa sau mùa đông dài. Thay vào đó, “sự suy giảm trong tỷ lệ sinh sản, dẫn tới tình trạng dân số già nua, cùng với sự hắt hủi người già khiến họ sống cô độc và buồn thảm, đó là một cách khéo léo để tuyên bố rằng chỉ chúng ta mới quan trọng” (Tông huấn Fratelli tutti, 19). Chúng ta đã quên đi tính tối thượng của món quà - tính tối thượng của món quà! -, là quy luật gốc của sự sống chung. Điều này đã xảy ra trước hết ở trong các xã hội giàu có hơn, hưởng thụ nhiều hơn. Thật vậy, chúng ta thấy rằng ở đâu có nhiều của cải hơn, ở đó thường có nhiều sự thờ ơ và ít tình liên đới hơn, khép kín hơn và ít quảng đại hơn. Chúng ta hãy giúp nhau để không đánh mất chính mình trong những điều của cuộc sống, để tìm lại sự sống là ý nghĩa của mọi loài.

Các bạn thân mến, chúng ta hãy giúp nhau để tìm lại lòng can đảm biết cho đi, lòng can đảm để chọn sự sống. Có một câu trong Tin mừng có thể giúp bất cứ ai định hướng cho lựa chọn của họ, ngay cả những người không tin. Chúa Giêsu nói: “Kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh cũng ở đó” (Mt 6, 21). Kho tàng của chúng ta ở đâu, kho tàng của xã hội chúng ta ở đâu? Nơi con cái hay tài chính? Điều gì lôi cuốn chúng ta, gia đình hay thu nhập? Phải có can đảm để chọn những gì là thứ nhất, bởi vì đó là nơi lòng chúng ta bị trói buộc vào. Lòng can đảm chọn sự sống là sáng tạo, vì nó không tích lũy hay nhân lên những gì đã có, mà rộng mở cho điều mới mẻ, cho những điều ngạc nhiên: mọi sự sống con người là một điều mới mẻ thực sự, nó không biết đến điều đến trước và đến sau trong lịch sử. Tất cả chúng ta đều đã nhận được món quà độc nhất và những tài năng mà chúng ta có được để truyền lại, từ thế hệ này sang thế hệ khác, món quà đầu tiên của Thiên Chúa, món quà sự sống.

Việc “truyền lại” này liên kết đến suy nghĩ thứ hai mà tôi muốn gợi ý cho anh chị em. Nó xoay quanh từ bền vững, một từ then chốt để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Chúng ta thường nói về sự bền vững của kinh tế, của công nghệ và môi trường, v.v. Nhưng chúng ta cũng cần phải nói về sự bền vững của thế hệ. Chúng ta sẽ không thể thúc đẩy việc sản xuất và giữ gìn môi trường nếu chúng ta không quan tâm đến gia đình và trẻ em. Phát triển bền vững bắt nguồn từ đây. Lịch sử dạy chúng ta điều này. Trong những giai đoạn tái thiết sau các cuộc chiến tranh tàn phá Châu Âu và thế giới trong những thế kỷ qua, không có cuộc tái khởi động nào lại không có sự bùng nổ tỷ lệ sinh nở, không có khả năng khơi dậy niềm tin và hy vọng cho các thế hệ trẻ. Chúng ta không thể chạy theo các mô hình tăng trưởng thiển cận, coi một vài điều chỉnh vội vàng như là cách duy nhất cần có để chuẩn bị cho ngày mai. Không phải vậy, tỷ lệ sinh quá thấp và những con số đáng sợ liên quan đến đại dịch đòi hỏi sự thay đổi và tính trách nhiệm.

Sự bền vững đi cùng với trách nhiệm: đã đến thời gian của trách nhiệm làm cho xã hội hưng thịnh. Ở đây, ngoài vai trò chính của gia đình, thì học đường là nền tảng. Nó không thể là một nhà máy với những khái niệm được rót đổ cho các cá nhân; nó phải là một khoảng thời gian đặc biệt cho sự gặp gỡ và trưởng thành của con người. Ở trường, con người không chỉ trưởng thành qua các cấp lớp, mà còn qua những khuôn mặt mà người đó gặp gỡ. Và đối với người trẻ, việc tiếp xúc với những mẫu gương cao quý để định hình cho tâm hồn và trí óc là điều vô cùng cần thiết. Trong giáo dục, gương mẫu là rất quan trọng, và ở đây tôi cũng nghĩ đến thế giới giải trí và thể thao. Thật đáng buồn khi thấy những “thần tượng” chỉ quan tâm đến ngoại hình đẹp, trẻ và cân đối. Người trẻ không trưởng thành nhờ vào ánh hào quang vụt qua của ngoại hình, họ sẽ trưởng thành nếu được cuốn hút bởi những người dũng cảm theo đuổi ước mơ lớn, hy sinh bản thân vì người khác, làm điều tốt đẹp cho thế giới mà chúng ta đang sống. Và giữ sự trẻ trung không đến từ việc chụp ảnh selfie rồi chỉnh sửa chúng, mà đến từ việc có khả năng nhìn vào đôi mắt những đứa con của anh chị em một ngày nào đó. Tuy nhiên, đôi khi thông điệp phát ra nói rằng sự thành đạt có nghĩa là kiếm tiền và thành công, trong khi con cái gần như là một sự phiền toái, là điều không nên cản trở những khát vọng riêng của con người. Tâm lý này là một sự hoại tử trong xã hội và làm cho tương lai không còn bền vững.

Sự bền vững cần một linh hồn, và linh hồn này là tình liên đới - là từ ngữ thứ ba tôi đề xuất. Cũng như chúng ta cần sự bền vững thế hệ, thì chúng ta cần tính liên đới về cấu trúc. Tình liên đới tự phát và quảng đại của nhiều người đã giúp rất nhiều gia đình vượt qua trong những thời điểm khó khăn này và chống chọi với tình trạng đói nghèo ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, chúng ta không thể ở mãi trong tình trạng khẩn cấp và tính tạm thời, chúng ta cần tạo sự ổn định cho các cấu trúc hỗ trợ gia đình và khuyến khích sinh đẻ. Chúng ta cần một chính sách, một nền kinh tế, thông tin và văn hóa can đảm thúc đẩy sự sinh đẻ.

Trước hết, cần có những chính sách gia đình mở rộng, có tầm nhìn xa: không dựa trên việc tìm kiếm sự đồng thuận trước mắt, nhưng dựa trên sự phát triển ích chung dài hạn. Đây là sự khác biệt giữa điều hành việc công và trở thành một chính trị gia giỏi. Nhu cầu cấp thiết hiện nay là cung cấp cho những người trẻ tuổi sự bảo đảm về việc làm ổn định, an ninh cho nhà cửa của họ, và động viên không rời bỏ đất nước. Nó là một nhiệm vụ cũng có những mối liên quan chặt chẽ đến thế giới kinh tế: thật tuyệt vời biết bao khi thấy sự gia tăng số lượng các doanh nghiệp và công ty thăng tiến đời sống, ngoài việc tạo ra lợi nhuận, những công ty thận trọng không bao giờ lợi dụng những người có tình trạng không bền vững và thời giờ, những doanh nghiệp có thể phân phát một phần lợi nhuận cho người lao động, nhằm đóng góp vào sự phát triển vô giá cho gia đình! Đây là một thách thức không chỉ đối với nước Ý, mà đối với nhiều quốc gia, thường là giàu về tài nguyên, nhưng nghèo về hy vọng.

Tính liên đới cũng phải được thể hiện trong sự phục vụ quý giá của thông tin, là điều có tác động mạnh đến cuộc sống và cách thức nó được truyền đạt. Cung cấp thông tin đang trở nên thịnh hành, nhưng tiêu chuẩn để rèn luyện và cung cấp thông tin không phải là khán giả, không phải tranh cãi, mà là sự phát triển con người. Điều cần thiết là ‘thông tin theo hình thức gia đình’, nơi mọi người nói về người khác với sự tôn trọng và tế nhị, xem họ như là người thân của chính họ. Đồng thời, phải đưa ra ánh sáng những vụ lợi, những âm mưu làm tổn hại ích chung, những thủ đoạn xoay quanh tiền bạc, hy sinh gia đình và cá nhân. Như vậy tình liên đới kêu gọi thế giới văn hóa, thể thao và giải trí thúc đẩy và đề cao tỷ lệ sinh. Nền văn hóa của tương lai không thể dựa trên cá nhân và sự thỏa mãn thuần túy cho các quyền và nhu cầu của họ. Điều cần thiết là một nền văn hóa nuôi dưỡng tính tổng thể, vẻ đẹp của sự cho đi, giá trị của sự hy sinh.

Các bạn thân mến, cuối cùng tôi xin được nói một lời đơn giản và chân thành nhất: cảm ơn các bạn. Cảm ơn các bạn về Hội nghị General States of Birth, xin cảm ơn từng người và tất cả những ai tin tưởng vào sự sống của con người và tương lai. Đôi khi các bạn sẽ cảm thấy mình như đang hét lên trong sa mạc, nghiêng mình để chống lại những chiếc cối xay gió. Nhưng hãy tiếp tục, đừng bỏ cuộc, vì ước mơ tốt đẹp, hãy cứ ước mơ và xây dựng tương lai. Và không có tỷ lệ sinh thì không có tương lai. Cảm ơn các bạn.


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 16/5/2021]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét