Thứ Tư, 30 tháng 6, 2021

Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô: Lễ trọng hai Thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ

Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô: Lễ trọng hai Thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ

Thánh lễ và làm phép dây Pallium cho các Đức Tổng Giám mục Chính tòa
Lễ trọng hai Thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ
Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô


Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô

Thứ Ba, 29 tháng Sáu, 2021

_____________________________


Hai vị đại Tông đồ của Tin mừng và là hai rường cột của Giáo hội: Phêrô và Phaolô. Hôm nay chúng ta cử hành kỷ niệm hai ngài. Chúng ta cùng nhau có cái nhìn kỹ hơn về hai chứng nhân đức tin này. Trung tâm câu chuyện không phải là những tài năng và khả năng của họ; trung tâm đó là cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô đã thay đổi cuộc đời họ. Họ đã trải nghiệm một tình yêu chữa lành họ và giải thoát họ. Sau đó, họ trở thành những tông đồ và thừa tác viên về sự giải thoát cho người khác.

Phêrô và Phaolô được tự do vì họ đã được giải thoát. Chúng ta cùng suy gẫm về điểm trung tâm này.

Phêrô, một ngư phủ đến từ Galilê, được giải thoát khỏi cảm giác bất xứng và kinh nghiệm cay đắng của sự thất bại, nhờ tình yêu thương vô điều kiện của Chúa Giêsu. Dù là một người đánh cá lành nghề, rất nhiều lần giữa đêm khuya, ông đã nếm trải nỗi cay đắng thất vọng vì không đánh bắt được gì (xem Lc 5: 5; Ga 21: 5) và khi nhìn vào lưới trống không của mình, ông đã muốn gác mái chèo của mình. Dù mạnh mẽ và nóng nảy, nhưng Phêrô thường đầu hàng trước nỗi sợ hãi (xem Mt 14,30). Dù là một môn đệ nhiệt thành của Chúa, nhưng ông vẫn tiếp tục suy nghĩ theo những tiêu chuẩn thế gian, và do đó không hiểu và không chấp nhận ý nghĩa của thập giá Chúa Kitô (xem Mt 16:22). Ngay cả khi nói rằng mình đã sẵn sàng hy sinh mạng sống cho Chúa Giêsu, thì chỉ một nghi ngờ cho rằng ông là một trong các môn đệ của Chúa Kitô đã khiến ông hãi hùng chối bỏ Thầy (xem Mc 14: 66-72).

Nhưng Chúa Giêsu vẫn yêu thương Phêrô và sẵn sàng mạo hiểm với ông. Ngài động viên Phêrô không bỏ cuộc, thả lưới một lần nữa, bước đi trên mặt nước, tìm thấy sức mạnh để chấp nhận sự yếu đuối của mình, bước theo Ngài trên con đường của thập giá, hiến mạng sống cho anh chị em mình, để chăn dắt đoàn chiên của mình. Bằng cách này, Chúa Giêsu giải thoát Phêrô khỏi sự sợ hãi, khỏi những tính toán chỉ dựa trên các điều quan tâm của thế gian. Ngài đã cho ông lòng can đảm để mạo hiểm trong tất cả mọi thứ và niềm vui trở thành ngư phủ chài lưới người. Chính Phêrô là người được Chúa Giêsu kêu gọi để củng cố đức tin cho anh em mình (xem Lc 22,32). Như chúng ta nghe trong Tin Mừng, Ngài đã trao cho ông chìa khóa để mở những cánh cửa dẫn đến cuộc gặp gỡ với Chúa và quyền bính để cầm buộc và tháo cởi: để ràng buộc anh chị em của ông với Chúa Kitô và tháo cởi những nút thắt và xiềng xích trong cuộc đời họ (xem Mt 16,19).

Tất cả những điều đó chỉ có thể xảy ra – như chúng ta đã nghe trong bài đọc một – vì chính Phêrô đã được giải thoát. Những xiềng xích trói buộc ông làm một tù nhân đã bị vỡ tan, và như buổi đêm khi dân Israel được giải thoát khỏi ách nô lệ ở Ai Cập, ông được gọi hãy hối hả trỗi dậy, thắt dây lưng và xỏ dép để đi ra ngoài. Rồi Chúa đã mở những cánh cửa trước mặt ông (xem Cv 12: 7-10). Ở đây chúng ta nhìn thấy một lịch sử mới của việc mở cửa, giải phóng, những xiềng xích bị phá vỡ, cuộc xuất hành ra khỏi ngôi nhà nô lệ. Phêrô có kinh nghiệm về Lễ Vượt Qua: Chúa đã giải thoát cho ông.

Thánh Tông đồ Phaolô cũng trải nghiệm được sự tự do của Đức Kitô mang đến. Ông được giải phóng khỏi hình thức nô lệ áp bức nhất, đó là sự nô lệ cho cái tôi. Từ Saun, là tên của vị vua đầu tiên của Israel, ông trở thành Phaolô, có nghĩa là “nhỏ bé”. Ông cũng được giải thoát khỏi lòng nhiệt thành tôn giáo đã khiến ông trở thành một người sốt sắng bảo vệ các truyền thống của cha ông (xem Gl 1:14) và là một kẻ bắt bớ tàn khốc đối với người Kitô hữu. Được giải thoát. Việc tuân giữ theo tôn giáo chính thức và sự quyết tâm bảo vệ truyền thống, thay vì khiến ông mở lòng đón nhận tình yêu của Thiên Chúa và của anh chị em mình, đã khiến ông trở nên cứng lòng: ông là một người theo phái chính thống. Thiên Chúa đã giải thoát ông khỏi điều này, nhưng Ngài không cất khỏi ông những yếu đuối và gian khổ để làm cho sứ mạng loan báo Tin Mừng của ông thêm hiệu quả: sự căng thẳng của việc tông đồ, sự đau yếu về thể xác (xem Gl 4, 13-14); bạo lực và bách hại, đắm tàu, đói khát, và như chính ông nói với chúng ta, như một cái dằm đâm vào da thịt đau đớn (xem 2 Cr 12, 7-10).

Từ đó, Thánh Phaolô nhận ra rằng “những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh” (1 Cr 1,27), để chúng ta có thể làm được mọi sự nhờ Đấng ban sức cho chúng ta (xem Pl 4:13), và không điều gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Người (xem Rm 8,35-39). Vì lý do này, vào cuối đời – như chúng ta nghe trong bài đọc hai – Thánh Phaolô đã có thể nói: “Có Chúa đứng bên cạnh,” và “Ngài sẽ cứu tôi khỏi mọi sự tấn công của sự dữ” (2 Tm 4:17). Phaolô có kinh nghiệm về Lễ Vượt Qua: Chúa đã giải thoát cho ông.

Anh chị em thân mến, Giáo hội nhìn đến hai con người phi thường của đức tin này và nhìn thấy hai vị Tông đồ đã giải phóng sức mạnh của Tin Mừng trong thế giới của chúng ta, chỉ vì trước hết chính các ông đã được giải thoát nhờ sự gặp gỡ với Chúa Kitô. Chúa Giêsu không xét đoán họ hay làm nhục họ. Thay vào đó, Ngài chia sẻ cuộc sống của họ với tình thương yêu và sự gần gũi. Ngài hỗ trợ các ông bằng lời cầu nguyện của mình, và thậm chí có những lúc khiển trách các ông để khiến các ông thay đổi. Với Phêrô, Chúa Giêsu nhẹ nhàng nói: “Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin” (Lc 22,32). Và với Phaolô: “Saun, Saun, tại sao ngươi bắt bớ Ta?” (Cv 9: 4). Ngài cũng làm như vậy với chúng ta: Ngài bảo đảm với chúng ta về sự gần gũi của Ngài bằng cách cầu nguyện và chuyển cầu cho chúng ta trước mặt Chúa Cha, và nhẹ nhàng khiển trách chúng ta mỗi khi chúng ta đi lạc đường, để chúng ta có thể tìm thấy sức mạnh mà trỗi dậy và tiếp tục hành trình.

Chúng ta cũng đã được Chúa chạm đến; chúng ta cũng đã được giải thoát. Tuy nhiên, chúng ta cần được giải thoát hết lần này đến lần khác, vì chỉ một Giáo hội được giải thoát mới là Giáo hội khả tín. Như Phêrô, chúng ta được kêu gọi cho phép mình được giải thoát khỏi cảm giác ngã lòng trước việc thả lưới có lúc thất bại của chúng ta. Để được giải thoát khỏi nỗi sợ hãi làm tê liệt chúng ta, khiến chúng ta tìm kiếm nơi ẩn náu trong những sự an toàn của bản thân, và cướp mất lòng can đảm của chúng ta để nói lời tiên tri. Như Phaolô, chúng ta được kêu gọi cho phép mình được giải thoát khỏi sự phô trương bề ngoài giả hình, thoát khỏi sự cám dỗ muốn thể hiện mình bằng sức mạnh của thế gian hơn là bằng sự yếu đuối để tạo không gian cho Thiên Chúa, thoát khỏi tính tôn giáo khiến chúng ta trở nên cứng nhắc và thiếu linh hoạt; thoát khỏi những liên kết đáng ngờ với quyền lực, và thoát khỏi nỗi sợ hãi bị hiểu lầm và bị tấn công.

Thánh Phêrô và Phaolô để lại cho chúng ta hình ảnh một Giáo hội được giao phó trong tay chúng ta, nhưng được Chúa hướng dẫn với sự trung tín và tình yêu dịu dàng, vì chính Ngài là Đấng hướng dẫn Giáo hội. Một Hội Thánh yếu đuối, nhưng tìm thấy sức mạnh trước sự hiện diện của Thiên Chúa. Hình ảnh của một Giáo hội được giải thoát và có khả năng mang đến cho thế gian sự giải thoát mà bản thân thế gian không thể trao tặng: sự giải thoát khỏi tội lỗi và cái chết, thoát khỏi sự buông xuôi, khỏi cảm giác bất công và mất hy vọng đã chà đạp lên đời sống của những người nam và nữ của thời đại chúng ta.

Hôm nay trong lễ này và cả về sau, chúng ta hãy đặt câu hỏi rằng các thành phố của chúng ta, những xã hội của chúng ta và thế giới của chúng ta cần giải thoát tới mức độ nào? Phải phá vỡ bao nhiêu xiềng xích và phải mở ra bao nhiêu cánh cửa đã đóng chặt bấy lâu nay! Chúng ta có thể giúp mang đến sự giải thoát này, nhưng chỉ khi nào chúng ta trước hết cho phép bản thân được giải thoát bởi sự mới mẻ của Chúa Giêsu, và bước đi trong sự tự do của Chúa Thánh Thần.

Hôm nay, các vị Tổng Giám mục anh em của chúng ta nhận dây pallium. Dấu hiệu của sự hiệp nhất với Phêrô nhắc lại sứ mệnh của người mục tử hiến mạng sống mình vì đoàn chiên. Chính khi hiến mạng sống của mình, người mục tử được giải thoát, trở thành phương cách để mang lại sự giải thoát cho anh chị em của mình. Hôm nay, chúng ta cũng có sự tham dự của một Phái đoàn từ Tòa Thượng phụ Đại kết, được hiền huynh Bartholomew thân yêu của chúng ta cử đến nhân dịp này. Sự hiện diện chào đón của anh em là một dấu hiệu quý giá cho sự hiệp nhất trên hành trình giải phóng của chúng ta thoát khỏi những khoảng cách làm chia cắt những người tin Đức Kitô. Cảm ơn sự hiện diện của anh em.

Chúng tôi cầu nguyện cho anh em, cho tất cả các Mục tử, cho Giáo hội và cho tất cả chúng ta: xin được Chúa Kitô giải thoát, để chúng ta có thể trở thành những tông đồ giải thoát trên khắp thế giới.



[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 29/6/2021]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét