Thứ Sáu, 9 tháng 7, 2021

Những vị thánh với tính cách nhút nhát

Những vị thánh với tính cách nhút nhát


Những vị thánh với tính cách nhút nhát

Public Domain

Meg Hunter-Kilmer

03/07/21


Không cá tính nào có góc khuất trong sự thánh thiện. Người hướng nội cũng được gọi nên thánh!

Những câu chuyện về các vị thánh rao giảng phúc âm ở các góc phố, giúp những kẻ tội phạm cứng đầu ăn năn trở lại, và đi khắp thế giới để rao truyền danh thánh Chúa Giêsu có thể khiến người có tính cách rụt rè giữa chúng ta cho rằng sự nên thánh đòi hỏi một cá tính hướng ngoại. Mặt khác, những người ba hoa có thể đọc thấy những câu chuyện về sự hiền lành và kiên nhẫn đáng kính phục và tin rằng chỉ có người hiền lành mới được phong thánh. Ma quỷ thường thuyết phục chúng ta rằng bất kể tính cách của chúng ta như thế nào, chúng ta không thể nên thánh. Nhưng không có kiểu tính cách nào thiên về sự nên thánh nhiều hơn những tính cách khác. Nếu sự nhút nhát của bạn đã từng khiến bạn cảm thấy mình nhỏ bé khi ở bên cạnh những vị thánh có tính cách hướng ngoại như Thánh Philip Neri và Thánh Phanxicô Xaviê, hãy nghe câu chuyện của những vị thánh dưới đây, những người mà sự thánh thiện đồng nghĩa với sự nhút nhát, e dè và thậm chí là bẽn lẽn — và nhận ra rằng Chúa đã khiến họ theo con đường đó theo chủ đích.

Thánh Frances thành Rôma (1384-1440) là một người vợ và người mẹ thuộc giới quý tộc Ý đã khao khát cuộc sống tu trì khi còn là một thiếu nữ — chỉ để tránh sự giao tiếp xã hội liên tục theo lẽ thường của một phụ nữ quý tộc. Tính cách Frances quá hướng nội đến mức những trách nhiệm xã hội đã từng khiến thánh nữ suy nhược thần kinh. Chỉ sau khi chấp nhận số mệnh của cuộc sống, thánh nữ mới được chữa lành. Bị đưa trở lại thế giới của những buổi dạ tiệc và những tiếng gọi xã hội, một lần nữa Frances có thể lại bị quá sức chịu đựng, nhưng thánh nữ phát hiện ra người chị dâu là Vanozza cũng khao khát có được sự thinh lặng và cầu nguyện. Cả hai bắt đầu cùng nhau làm việc, giúp đỡ nhau trong công việc hàng ngày để mỗi người có thể tĩnh tâm trong thinh lặng thường xuyên hơn, tạo nên một tu viện nhỏ trong chính ngôi nhà của họ. Khoảng thời gian thinh lặng hàng ngày đã tiếp thêm sức cho thánh nữ trong cuộc sống xã hội thượng lưu và phát triển về sau.

Chân phước Maria Cristina Savoy (1812-1836) là công chúa của vùng Sardinia và cuối cùng trở thành nữ hoàng của Naples, mặc dù ngài muốn bước vào đời sống tu trì hơn. Maria Cristina rất xinh đẹp, nhưng ngài quá nhút nhát đến mức cảm thấy không thoải mái trong triều đình. Tuy nhiên, chân phước rất được người dân yêu quý, họ biết ơn vì những hành động bác ái cao cả của ngài, và vì ảnh hưởng của chân phước đối với một vị vua không quá quan tâm đến người nghèo. Maria Cristina qua đời vì biến chứng sau khi sinh con chỉ 4 năm sau kết hôn.

Thánh Magdalena Son So-byok (1800-1840) mồ côi cha mẹ khi còn nhỏ và được bà ngoại (nội) nuôi dưỡng, khiến thánh nữ trở nên khá nhút nhát và thận trọng giữa những người mới. Vì vậy, Magdalena không gặp bất kỳ người Kitô hữu nào khi còn nhỏ (mặc dù cha mẹ của thánh nữ từng là người Kitô hữu). Cuối cùng, thánh nữ được biết Chúa Giêsu và kết hôn với Thánh Peter Choe Chang-hub. Là một người nội trợ dịu dàng với tài may vá, thêu thùa, Magdalena sớm lên chức mẹ. Người con gái đầu lòng của thánh nữ rất khỏe mạnh, nhưng 9 người con tiếp theo của thánh nữ đều chết trong tuổi thơ ấu. Magdalena kiên cường giữa tất cả những đau khổ này và cuối cùng tử vì đạo cùng với chồng, con gái và con rể của ngài.

Chân phước Dina Bélanger (1897-1929) là một nghệ sĩ dương cầm, nhà soạn nhạc, và nhà thần bí người Canada, từng học tại một nhạc viện ở Thành phố New York trước khi trở thành Nữ tu và giáo viên âm nhạc. Mặc dù chân phước khiến khán giả khâm phục tài năng của mình, nhưng Dina không có hứng thú đặc biệt với những sự tán thưởng đó. Chân phước thích ở một mình hơn, mặc dù chị rất thích có sự bầu bạn của hai người bạn thân. Không có gì tiếc nuối khi chân phước đã bỏ lại sau lưng cuộc sống hào nhoáng của mình để trở thành một Nữ tu. Qua tất cả những điều này, Dina cũng nhận được các thị kiến thần bí, điều mà chị trải nghiệm cho đến cuối đời khi mới 32 tuổi.

Chân phước Mario Borzaga (1932-1960) là một linh mục truyền giáo người Ý tại Lào. Bị rào cản do không nói được ngôn ngữ địa phương, Cha Mario tiếp tục làm việc với các giáo lý viên địa phương để họ rao giảng. Nhưng sự khó khăn của ngài đối với tiếng Lào không đơn giản là vấn đề thuộc trí óc — ngài quá nhút nhát để thử, để viết, “Thánh giá của tôi là sự nhút nhát khiến tôi không thể phát âm một từ nào trong tiếng Lào.” Trong nỗi thất vọng này, ngài thấy mình được kết hợp với Thập giá của Chúa Giêsu, cuộc đấu tranh với tính rụt rè của ngài lại trở thành cơ hội của ân sủng. Cha Mario tiếp tục phục vụ người dân Lào cho đến khi ngài chịu tử đạo cùng với Chân phước Paul Thoj Xyooj bởi quân cộng sản nổi dậy.

Thánh Oscar Romero (1917-1980) là một giám mục người Salvador, người gần như vô cùng nhút nhát và ham đọc sách. Ngài cũng bị bệnh OCD (ND: obsessive compulsive disorder: rối loạn ám ảnh cưỡng chế), có thể đã làm xấu đi các cuộc đấu tranh xã hội của ngài. Chính tính cách có vẻ yếu ớt này đã tiến cử ngài với chính quyền lạm quyền vào thời điểm đó; họ yêu cầu vị linh mục nhút nhát đó được phong tổng giám mục của họ, tin chắc rằng ngài sẽ không gây rắc rối gì cho họ. Họ đã đúng — cho đến khi ngài Romero cầu nguyện trước thi hài của người bạn là Đấng Đáng kính Rutilio Grande, khi đó ngài xác định rằng ngài không thể quay lưng lại với những ngược đãi của chính phủ. Mặc dù đã tránh sự chú ý (và hầu hết các cuộc đối đầu) trong suốt 60 năm, Đức Tổng Giám mục Romero đã được biến đổi. Ngài tiếp tục là một người ăn nói nhẹ nhàng, nhưng bây giờ ngài đã trở nên can đảm và thậm chí nói tiên tri. Cuối cùng ngài đã bị sát hại khi đang cử hành thánh lễ.

Thánh Dulce Pontes (1914-1992) là một nữ tu người Brazil, người được đề cử giải Nobel vì công cuộc của thánh nữ với người nghèo. Mặc dù thánh nữ là một sức mạnh “đáng nể”, chiến đấu cho quyền lợi của những người bị áp bức ngay cả khi nó đồng nghĩa với việc phải đối mặt với giới giàu có và quyền lực, nhưng Sơ Dulce thật sự khá nhút nhát. Và mặc dù người ta thường nhìn thấy thánh nữ cõng người bệnh trên lưng, nhưng Sơ Dulce lại mắc một chứng bệnh khiến phổi của Sơ chỉ hoạt động được 30% công suất. Nhưng thánh nữ không cho phép tính dè dặt bẩm sinh hay khuyết tật cản trở công việc của mình, và việc đó cuối cùng đã thay đổi bộ mặt của các dịch vụ xã hội trên khắp Brazil.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 9/7/2021]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét