Thứ Hai, 19 tháng 7, 2021

Nhà trí thức Kitô hữu đã qua mặt Viện Hàn lâm Xô Viết

Nhà trí thức Kitô hữu đã qua mặt Viện Hàn lâm Xô Viết

Nhà trí thức Kitô hữu đã qua mặt Viện Hàn lâm Xô Viết

© Sergey Ptitsyn / Sputnik via AFP

Denis Lensel

17/07/21


Học giả Sergei Averintsev người Nga đã tìm được những cách để đưa chân lý Kitô giáo vào các ấn phẩm chính thức của Xô Viết.

Là một học giả về văn học cổ và thi ca Byzantine, học giả Sergei Sergeevich Averintsev người Nga đã thành công trong việc lén lút đưa chân lý Kitô giáo vào trung tâm của các ấn phẩm chính thức của văn hóa Xô Viết. Ông dạy đức tin trong thâm cung của chủ nghĩa vô thần.

Sinh năm 1937, là con trai của một nhà sinh vật học người Moscow, ông Averintsev theo học ngành ngữ văn cổ điển. Năm 1968, ông nhận Giải thưởng Thanh niên Cộng sản Lênin với vai trò là dịch giả. 50 năm trước, năm 1971 ông được nhận làm thành viên của Viện Văn học Thế giới Gorky: Trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xô Viết (USSR), chính phủ Xô Viết thành lập tổ chức này vào năm 1932 dưới thời Stalin. Nhiệm vụ của nó là thúc đẩy nghiên cứu của các học giả và các cộng tác viên. Ông Averintsev vẫn ở đó cho đến năm 1991 là năm sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản.

Năm 1979, ông bảo vệ luận án tiến sĩ về thi ca Byzantine. Trong thập niên 1980, ông được nhiều người biết đến. Năm 1987, ông trở thành ký giả của Viện Hàn lâm Khoa học, nơi ông sẽ chính thức trở thành thành viên vào năm 2003. Năm 1989, ông được bổ nhiệm làm giáo sư tại Viện Lịch sử và “Lý thuyết Văn hóa” của Đại học Tổng hợp Lomonosov Moscow: sinh viên đổ xô đến nghe các bài giảng của ông.


Cùng với Đức Gioan Phaolô II

Năm 1994, sau vài lần gặp Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, ông Sergei Averintsev được mời đến Hàn Lâm viện Giáo hoàng về Khoa học Xã hội. Đó là cuộc gặp gỡ của “hai lá phổi của Giáo hội” — Byzantium và Rôma.

Đến năm 1970, ông Averintsev đã tìm cách để xuất bản trong Bách khoa toàn thư Xô Viết khoảng 30 bài viết về các chủ đề thần học, chẳng hạn như ơn cứu độ, sự Khôn ngoan, thần học, thần học về cánh chung và các chủ đề khác nhau của Kitô giáo. Vì mục đích này, ông phải ép mình vào khuôn mẫu của văn hóa chính thức, đồng thời đề cập đến cả triết học Hy Lạp và Kinh thánh.

Ông Averintsev lưu ý rằng việc phổ biến các bài báo có nội dung tôn giáo dưới sự kiểm soát của cơ quan kiểm duyệt chính thức dưới thời Brezhnev là “một bước ngoặt trong đời sống tư tưởng của đất nước”. Đứng trước sự phản đối đầy phẫn nộ của một số giáo viên theo chủ nghĩa Mác-Lênin, ông đã tham gia vào một cuộc chiến tranh du kích quan liêu với “Viện Khoa học Vô thần” của Liên Xô và cơ quan kiểm duyệt chính thức.

Ông khéo léo vượt qua tất cả các chướng ngại. Lợi dụng sự tham vọng của những công chức thất học của Ủy ban Trung ương, ông đã viết những bài cho họ đứng tên tác giả với nội dung đụng chạm đến vấn đề tâm linh, rồi ông lợi dụng sự ưu ái của họ để được phép viết tự do hơn.

Ông đã đăng một bài báo trên Pravda (khi đó là tờ báo chính thức của Đảng Cộng sản Liên Xô) về sự thật, được trình bày như là “công trình vĩ đại” của người biên tập bộ phận triết học. Điều này làm cho sự tấn công công khai vào ấn bản cuối cùng sẽ không thể thực hiện.

Năm 1986, ông chuẩn bị một quyển từ điển bách khoa toàn thư về thần học dự định cho Thiên niên kỷ Thiên chúa giáo ở Nga vào năm 1988. Tuy nhiên, dự án đã bị hủy bỏ do cái chết của Đức Tổng Giám mục giáo đô Antoni của Leningrad.

Trong khoảng thời gian 40 năm, từ 1960 đến 1991, ông Averintsev đã viết 50 bài báo cho hai tập sách của bộ Bách khoa toàn thư triết học, 60 bài cho quyển từ điển triết học chính thức, và hơn 80 bài về “Thần thoại của các quốc gia trên thế giới”. Bắt đầu từ năm 1964, ông viết một loạt bài báo về lịch sử Kitô giáo, với các tiêu đề đầy sự liên tưởng: “Tân Ước”, “Giáo phụ học”, “Sám hối”, “Khải huyền”, “Chính thống giáo”, “Tin lành”, “Tiền định”…

Những tác phẩm này đòi hỏi sự can đảm thật sự. Cáo phó của ông Averintsev cho biết ông là học trò của “nhà ngôn ngữ học Dmitrii Likhachev và triết gia Aleksei Losev, cả hai đều đã từng trải qua thời gian trong các trại của Stalin, và ngay cả sau khi được ‘cải tạo’, họ vẫn là đối tượng bị quấy rối.”

Thật vậy, các ấn phẩm của ông luôn gây ra một số xung đột với đội ngũ cảnh giới bảo vệ cho đền thờ của chủ nghĩa duy vật chính thống. Những sự tố giác đã giảm xuống, và một số bài viết của ông, chẳng hạn như “Thư của Phaolô” và “Ý niệm về sự hối cải” — một văn bản được mô tả là “tác phẩm của một giáo hoàng”, một thuật ngữ thường mang tính miệt thị trong tiếng Nga — đã bị xóa khỏi danh sách của bảng chú giải.

Một giám đốc của Viện Khoa học Vô thần đã cắt những dòng cuối cùng của bài viết về Chính thống giáo. Bài viết “Kitô giáo” đã bị một “nhà xã hội học tôn giáo” nhận chìm trong một phụ lục vô nghĩa. Nhưng ông Averintsev đã tìm cách xuất bản một số bài ngắn về Thánh Augustinô và Thánh Phanxicô Assisi, những người mà ông đã trình bày như những mốc lịch sử quan trọng của tư tưởng nhân loại, và về Vladimir Soloviev, nhà tư tưởng người Nga về sự hiệp nhất Kitô giáo.

Trong một văn bản về “Sự Khôn ngoan Nước trời”, ông suy niệm về dòng chữ khảm trên tượng Đức Mẹ Đồng trinh bằng vàng của Vương cung Thánh đường Thánh Sofia ở thành phố Kiev, dòng chữ nói về thành phố, “Thiên Chúa ở trong thành phố: Nó sẽ không bị lung lay.” Ông đến Pháp, đi bộ đến tỉnh Chartres trong khi đọc các bài thơ của Péguy, một đại thi sĩ của Pháp đã trở lại Công giáo Rôma từ thuyết bất khả tri.

Bản thân ông Averintsev cũng là một người trưởng thành trở lại cùng với vợ ông. Như cáo phó của ông viết, “Đối với một nhân vật công chức và giáo viên của Liên Xô, sự gắn kết thật cẩn trọng, đầy ý thức và cởi mở này với Giáo hội Chính thống Nga là một hành động không chỉ can đảm về chính trị và dân sự mà còn là sự dũng cảm rất lớn về đạo đức.”

Ông Averintsev qua đời vì một cơn đau tim vào năm 2003 sau một cuộc đời đấu tranh. Ông đã mang đến cho Liên Xô những thỏi vàng quý cho nền văn hóa Kitô-Do thái giáo, giống như những mảnh ghép của trò chơi ghép hình truyền tải niềm tin giữa những người “vô thần”. Ông thường nói, “Cụm từ ‘tự do tư tưởng’ là một cách dùng từ thừa thãi đáng tiếc, bởi vì tư tưởng chỉ tồn tại khi nó được tự do.”


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 19/7/2021]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét