Thứ Sáu, 17 tháng 9, 2021

Chuyến Tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Budapest nhân dịp Thánh Lễ Bế mạc Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 52 - Thánh Lễ, Bài giảng của Đức Thánh Cha

Chuyến Tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Budapest nhân dịp Thánh Lễ Bế mạc Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 52 - Thánh Lễ, Bài giảng của Đức Thánh Cha

Chuyến Tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Budapest nhân dịp Thánh Lễ Bế mạc Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 52, và đến Slovakia

(12-15 Tháng Chín 2021)

Thánh Lễ
Bài giảng của Đức Thánh Cha

Quảng trường Anh hùng (Budapest)

Chúa nhật, 12 tháng Chín, 2021

_______________________________________


Tại Xêdarê Philípphê, Chúa Giêsu hỏi các môn đệ: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (Mc 8:29). Câu hỏi này đặt các môn đệ vào thế khó và đánh dấu một bước ngoặt trong hành trình của họ đi theo Thầy. Họ biết rõ về Chúa Giêsu, họ không còn là những người mới bắt đầu: họ đã quen thuộc với Ngài, họ đã chứng kiến nhiều phép lạ được thực hiện, họ rất ấn tượng về sự giảng dạy của Ngài, họ đi theo Ngài bất cứ nơi đâu. Tuy nhiên, họ vẫn không suy nghĩ như Ngài. Vẫn còn thiếu bước quyết định, đó là đi từ sự ngưỡng mộ Chúa Giêsu đến việc noi gương Chúa Giêsu. Ngay cả ngày hôm nay, Chúa đang chăm chú nhìn vào mỗi người chúng ta, và hỏi riêng mỗi người chúng ta: “Nhưng với con, Ta thực sự là ai?” Ta là ai đối với con? Đó là một câu hỏi đặt ra cho mỗi người chúng ta, không chỉ đòi hỏi một câu trả lời chính xác, từ trong giáo lý, nhưng đòi hỏi một câu trả lời cá nhân, một câu trả lời của cuộc sống.

Từ câu trả lời này dẫn đến việc đổi mới cương vị của người môn đệ. Nó diễn ra qua ba bước, mà các môn đệ đã thực hiện và chúng ta cũng cần phải thực hiện: thứ nhất là việc loan báo Chúa Giêsu, thứ hai là phân định với Chúa Giêsu, thứ ba là hành trình theo Chúa Giêsu.

1. Loan báo Chúa Giêsu. Trước câu hỏi “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Với tư cách là đại diện của cả nhóm, Phêrô trả lời: “Thầy là Đấng Kitô.” Phêrô nói lên tất cả bằng một vài từ, câu trả lời là đúng, nhưng thật ngạc nhiên, sau sự nhận biết này, Chúa Giêsu ra lệnh “cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người” (câu 30).

Chúng ta tự hỏi: tại sao lại có một lệnh cấm quyết liệt như vậy? Vì một lý do cụ thể: nói rằng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, là Đấng Mêsia, là đúng nhưng chưa đầy đủ. Luôn luôn có nguy cơ loan báo một đấng cứu thế sai lầm, theo cách loài người và không theo Thiên Chúa. Vì vậy, bắt đầu từ giây phút đó, Chúa Giêsu bắt đầu tiết lộ thân phận của Ngài, là Đấng Vượt qua, Đấng mà chúng ta tìm thấy trong Bí tích Thánh Thể. Ngài giải thích rằng sứ mệnh của Ngài sẽ lên đến đỉnh điểm trong vinh quang phục sinh, đúng vậy, nhưng phải trải qua sự nhục nhã của thập giá. Nghĩa là, nó sẽ diễn ra theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa, điều mà thánh Phaolô nói “không phải là lẽ khôn ngoan của thế gian, cũng không phải của các thủ lãnh thế gian này” (1 Cr 2:6). Chúa Giêsu bắt buộc giữ im lặng về thân phận đấng thiên sai của Ngài, nhưng không bắt im lặng về thập giá đang chờ đợi Ngài. Thật vậy - thánh sử ghi nhận - Chúa Giêsu bắt đầu giảng dạy một cách “công khai” (Mc 8:32) rằng “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại” (câu 31).

Đứng trước lời loan báo này của Chúa Giêsu, một sự loan báo vượt quá sức, cả chúng ta có thể vẫn còn kinh ngạc. Chúng ta cũng muốn một đấng cứu thế đầy quyền năng hơn là một người phục vụ bị đóng đinh. Thánh Thể ở trước mặt chúng ta để nhắc nhở chúng ta Thiên Chúa là ai. Ngài không làm điều đó bằng lời nói, nhưng cho chúng ta thấy Thiên Chúa một cách cụ thể như tấm Bánh bẻ ra, như Tình yêu chịu đóng đinh và trao hiến. Chúng ta có thể thêm rất nhiều nghi lễ, nhưng Chúa vẫn ở đó, trong sự đơn sơ của một tấm Bánh cho phép nó được bẻ ra, phân phát và ăn. Ngài ở đó: để cứu chúng ta Ngài trở thành một người phục vụ; để cho chúng ta được sống Ngài chịu chết. Thật tốt cho chúng ta khi cho phép mình bối rối trước lời loan báo của Chúa Giêsu. Và bất cứ ai mở lòng trước lời loan báo này của Chúa Giêsu thì sẽ mở ra chặng đường thứ hai.

2. Phân định với Chúa Giêsu. Đứng trước lời loan báo của Chúa, phản ứng của Thánh Phêrô thuần túy của con người: khi thập giá xuất hiện, trước viễn cảnh đau thương, con người nổi loạn. Còn Thánh Phêrô, sau khi đã tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Mêsia, thì bị kinh hoảng bởi những lời của Thầy và cố gắng khuyên can Ngài đừng tiếp tục con đường đó. Thập giá không bao giờ là mốt thời thượng. Anh chị em thân mến, thập giá không bao giờ là mốt thời thượng: ngày nay cũng như trong quá khứ. Nhưng thập giá chữa lành bên trong. Chính khi đứng trước Thánh Giá, chúng ta trải qua một cuộc đấu tranh nội tâm sinh lợi ích, sự xung đột gay gắt giữa “suy nghĩ theo Chúa” và “suy nghĩ theo loài người”. Về một mặt là luận lý của Thiên Chúa, đó là luận lý của tình yêu khiêm nhường. Đường lối của Chúa tránh xa mọi sự áp đặt, phô trương, mọi chủ nghĩa chinh phục, đường lối ấy luôn nhắm đến lợi ích của người khác, đến mức hy sinh bản thân. Mặt khác là lối “suy nghĩ theo loài người”: đó là luận lý của thế gian, của trần gian, gắn liền với danh vọng và đặc quyền, tập trung vào uy tín và sự thành công. Ở đây sự thích đáng và sức mạnh là đáng quan tâm, đó là những gì thu hút sự chú ý của nhiều người nhất và biết cách khẳng định mình trước người khác.

Lóa mắt trước viễn cảnh này, Thánh Phêrô kéo Chúa Giêsu sang một bên và trách móc Ngài (xem câu 32). Mới trước đó ông đã tuyên xưng, giờ ông lại trách móc Ngài. Điều cũng có thể xảy ra với chúng ta là kéo Chúa “sang một bên”, đặt Người vào một góc của tâm hồn, tiếp tục xem mình là rất ngoan đạo và tốt lành và đi trên con đường của chúng ta và không cho phép mình bị chinh phục bởi luận lý của Chúa Giêsu. Tuy nhiên có một sự thật: Ngài đồng hành với chúng ta, Ngài đồng hành với chúng ta trong những cuộc đấu tranh nội tâm này, bởi vì Ngài muốn chúng ta chọn phần của Ngài, giống như các Tông đồ. Có một phần của Chúa và có một phần của thế gian. Sự khác biệt không phải là giữa người ngoan đạo và người không. Sự khác biệt mang tính quyết định là giữa Thiên Chúa thật và vị thần của bản thân chúng ta. Thật vô cùng khác biệt giữa Đấng ngự trị âm thầm trên thập giá so với vị thần giả tạo mà chúng ta muốn cai trị bằng vũ lực và bịt miệng kẻ thù của chúng ta! Thật khác biệt biết bao giữa Đấng Kitô, Đấng tự hiến chính mình chỉ vì yêu, so với những cứu tinh đầy oai hùng và chiến thắng được thế gian tôn lên! Chúa Giêsu lay động chúng ta, Ngài chưa hài lòng với những lời tuyên xưng đức tin, Ngài yêu cầu chúng ta thanh tẩy lòng đạo đức của chúng ta trước thập giá của Ngài, trước Thánh Thể. Thật tốt lành cho chúng ta khi tôn thờ Thánh Thể để chiêm ngưỡng sự mong manh của Thiên Chúa. Chúng ta hãy dành thời gian để tôn thờ. Đó là một cách cầu nguyện bị lãng quên quá nhiều. Chúng ta hãy dành thời gian để tôn thờ. Hãy để Bánh Hằng Sống của Chúa Giêsu chữa lành những sự khép kín của chúng ta và mở lòng chúng ta để biết chia sẻ, chữa lành chúng ta khỏi sự cứng nhắc của mình và chỉ biết tập trung vào bản thân; giải phóng chúng ta khỏi tình trạng nô lệ trong việc bảo vệ hình ảnh của mình, thúc đẩy chúng ta đi theo Ngài đến nơi Ngài muốn dẫn dắt chúng ta, không phải nơi tôi muốn. Đến đây chúng ta bước đến bước thứ ba.

3. Hành trình theo Chúa Giêsu, cũng là lên đường với Chúa Giêsu. “Satan, lui lại đàng sau Thầy” (câu 33). Từ đó, Chúa Giêsu đưa Thánh Phêrô trở lại với chính con người của ông bằng một mệnh lệnh chân thành và mạnh mẽ. Nhưng khi ra lệnh một điều gì đó, Chúa thực sự ở đó, sẵn sàng ban tặng. Và Thánh Phêrô đón nhận ơn để “lùi một bước”. Hành trình của người Kitô hữu không phải là theo đuổi thành công, mà bắt đầu bằng việc một bước lùi - hãy nhớ điều này: hành trình của người Kitô hữu bắt đầu bằng việc một bước lùi - với việc giải phóng sự tập trung vào bản thân, với việc rút lui khỏi trung tâm cuộc sống. Sau đó, Thánh Phêrô nhận ra rằng trung tâm không phải là Chúa Giêsu của ông, mà là Chúa Giêsu đích thực. Ông sẽ vấp ngã trở lại, nhưng sau những lần tha thứ Thánh Tông đồ sẽ nhận ra khuôn mặt của Chúa ngày càng tốt hơn. Và Thánh Phêrô sẽ chuyển từ sự ngưỡng mộ Đấng Kitô sang việc noi gương Đấng Kitô một cách cụ thể.

Đi theo Chúa Giêsu có nghĩa là gì? Anh chị em hãy tiến bước trong cuộc sống với lòng vững tin nơi Ngài, rằng anh chị em là con cái yêu dấu của Thiên Chúa. Anh chị em đi cùng con đường của Thầy, đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ (xem Mc 10:45). Bước theo Chúa Giêsu là chúng ta lên đường mỗi ngày để gặp gỡ người anh em của chúng ta. Ở đó, Thánh Thể thúc giục chúng ta: để cảm nhận mình là một Thân thể, để bẻ ra cho tha nhân. Thưa anh chị em, chúng ta hãy để cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể biến đổi chúng ta, như nó đã biến đổi những vị Thánh vĩ đại và dũng cảm mà anh chị em tôn vinh, tôi nghĩ đến Thánh Stêphanô và Thánh Elizabeth. Cũng như các ngài, chúng ta đừng hài lòng với sự tầm thường; chúng ta đừng chấp nhận một đức tin sống theo nghi thức và lặp đi lặp lại, chúng ta hãy mở lòng đón nhận sự mới mẻ đầy tai tiếng của Thiên Chúa chịu đóng đinh và sống lại, bánh được bẻ ra để ban tặng sự sống cho thế gian. Chúng ta sẽ sống trong niềm vui; và chúng ta sẽ mang đến niềm vui.

Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần này là điểm đến của một hành trình, nhưng trên hết nó là một điểm khởi đầu. Bởi vì hành trình theo Chúa Giêsu mời gọi chúng ta nhìn về phía trước, để chào đón bước ngoặt của ân sủng, để làm sống lại mỗi ngày trong chúng ta câu hỏi mà Chúa gửi đến mỗi người môn đệ chúng ta, như ở Xêdarê Philipphê: Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?



[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 14/9/2021]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét