Thứ Sáu, 24 tháng 9, 2021

Vị giáo hoàng đầu tiên đi du lịch bằng máy bay

Vị giáo hoàng đầu tiên đi du lịch bằng máy bay

Vị giáo hoàng đầu tiên đi du lịch bằng máy bay
AFP
Đức Giáo hoàng Phaolô VI chào đám đông từ trên cầu thang máy bay vào ngày 04 tháng Một năm 1964 tại Roma, trước khi khởi hành đến Jordan, Israel và Đất Thánh. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một vị giáo hoàng tới Đất Thánh (Jordan, Israel, Jerusalem và các vùng lãnh thổ của người Palestine) và là lần đầu tiên một vị giáo hoàng ra ngoài lãnh thổ Ý sau hơn 150 năm.. (Photo by AFP)

Daniel Esparza

15/09/21


Trước Công đồng Vatican II, các giáo hoàng hiếm khi ra khỏi Roma.

Đức Innocent XII là vị giáo hoàng cuối cùng để râu, Đức Clement VIII là vị giáo hoàng đầu tiên thử dùng cà phê, và Đức Leo X là vị đầu tiên (và cuối cùng) nuôi một chú voi làm thú cưng. Nhưng Đức Giáo hoàng Phaolô VI (được gọi là “Giáo hoàng Hành hương”) là vị đầu tiên đi du lịch bằng máy bay, là vị đầu tiên rời khỏi nước Ý kể từ năm 1809, và là người đầu tiên đến thăm tất cả các lục địa.

Ngài đã thực hiện những chuyến thăm mục vụ đến Uganda (do đó trở thành vị giáo hoàng lần đầu tiên trong lịch sử đến Châu Phi) và Philippines, tham dự các đại hội thánh thể ở Bombay (Ấn Độ) và Bogotá (Colombia), và phát biểu trước Liên Hợp Quốc tại Thành phố New York vào Tháng Mười năm 1965.

Chúng ta có thể đã quen nhìn thấy các giáo hoàng tông du khắp thế giới, nhưng trong nhiều thế kỷ một vị giáo hoàng đi du lịch ra ngoài Roma là khác thường. Trong 500 năm đầu tiên của Kitô giáo, các đức giáo hoàng chỉ rời khỏi Roma nếu bị bắt buộc — hầu hết là bị các nước đế quốc buộc lưu đày. Thật vậy, lưu đày dường như là quy luật trong những ngày đầu của Kitô giáo. Đức Giáo hoàng Clement I (vị giáo hoàng thứ tư, sau Thánh Phêrô, Đức Linus và Đức Cletus) đã bị hoàng đế Trajan bắt lưu đày, và sau đó tử đạo bị ném xuống Biển Đen vào khoảng năm 99, theo các tài liệu ngụy thư. Đức Giáo hoàng Pontian (230-235) chết lưu vong ở Sardinia. Đức Giáo hoàng Cornelius (251-253) cũng qua đời sau một năm lưu đày ở Civitavecchia (cách Roma 80 cây số). Đức Giáo hoàng Liberius (352-366) bị hoàng đế Constantius II đày đến Beroea. Nhưng lưu đày thì khó mà được coi là “du lịch”.

Từ thế kỷ thứ sáu trở đi, chúng ta thấy có ít nhất ba vị giáo hoàng đi từ Roma đến Constantinople: Đức Vigilius năm 547, Đức Agatho năm 680, và Đức Giáo hoàng Constantine năm 710. Đức Giáo hoàng Stephen II trở thành vị giáo hoàng đầu tiên vượt qua dãy Alps vào năm 752 để trao vương miện cho vua Pepin the Short, và Đức Pius VII cũng làm điều tương tự (khoảng một ngàn năm sau) để trao vương miện cho Napoléon. Nhưng, tất nhiên, không có vị nào có máy bay để đi.

Vị giáo hoàng đầu tiên đi du lịch bằng máy bay

Đức Phaolô VI, trong Đại hội Thánh Thể Quốc tế ở Bogotá, Colombia, năm 1968.

Quả thật, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã có nhiều chuyến đi mục vụ hơn tất cả các vị tiền nhiệm cộng lại: ngài đã đi khoảng 721.052 dặm (khoảng 1.160.420 km), gần tương đương với khoảng 31 chuyến đi vòng quanh thế giới. Nhưng Đức Phaolô VI vẫn giữ danh hiệu không những là vị giáo hoàng đầu tiên đi máy bay, mà còn là vị đầu tiên tông du bên ngoài Châu Âu. Các chuyến đi của ngài là tấm gương cho các vị giáo hoàng tiếp nối, và được tiếp tục bởi các đấng kế nhiệm của ngài là Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Đức Benedict XVI và Đức Phanxicô.

Chuyến đi đầu tiên của Đức Phaolô VI bên ngoài Châu Âu (ngài là vị giáo hoàng đầu tiên rời nước Ý kể từ năm 1809) là chuyến hành hương đầu tiên của Đức Giáo hoàng đến Đất Thánh trong lịch sử, đến thăm Jordan và Israel vào tháng Một năm 1964. Vào tháng Mười Hai cùng năm đó, ngài đã đến Li Băng và Ấn Độ. Vào tháng Mười năm 1965, ngài đến thành phố New York và gặp Tổng thống Lyndon B. Johnson, phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, và cử hành Thánh lễ tại Sân vận động Yankee.

Độc giả xem loạt ảnh dưới và khám phá 10 câu trích dẫn lời của Thánh Giáo hoàng Phaolô VI.

Vị giáo hoàng đầu tiên đi du lịch bằng máy bay

“Con người hiện đại sẵn sàng lắng nghe chứng nhân hơn là các nhà thuyết giáo, và nếu người ta lắng nghe các nhà thuyết giáo, đó là bởi vì họ là các chứng nhân.”

Vị giáo hoàng đầu tiên đi du lịch bằng máy bay

“Sứ mạng loan báo Tin Mừng cho tất cả mọi dân tộc là sứ mạng trọng yếu của Giáo Hội. Đó là một nhiệm vụ và sứ mạng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết trước những thay đổi rộng lớn và sâu sắc của xã hội ngày nay. Quả thật rao giảng Tin mừng là ân sủng và là ơn gọi thích đáng với Giáo hội, căn tính sâu sắc nhất của Giáo hội. Giáo hội tồn tại để rao giảng Tin mừng.”

Vị giáo hoàng đầu tiên đi du lịch bằng máy bay

“Nhân bản luận đích thực hướng con đường đến Thiên Chúa và chấp nhận nhiệm vụ mà chúng ta được kêu gọi, nhiệm vụ mang lại cho chúng ta ý nghĩa thực sự của cuộc sống con người. Con người không phải là thước đo cuối cùng của con người. Con người chỉ trở thành con người thực sự bằng cách vượt qua chính mình.”

Vị giáo hoàng đầu tiên đi du lịch bằng máy bay

“Thế giới kêu gọi và trông đợi ở chúng ta tính đơn sơ của cuộc sống, tinh thần cầu nguyện, bác ái đối với tất cả mọi người, đặc biệt là đối với những người hèn mọn và nghèo khó, vâng lời và khiêm nhường ... Nếu không có dấu ấn của sự thánh thiện này, lời nói của chúng ta sẽ khó chạm đến trái tim của con người hiện đại. Nó có nguy cơ trở nên vô ích và cằn cỗi.”

Vị giáo hoàng đầu tiên đi du lịch bằng máy bay

“Chúa Thánh Thần cũng ban cho anh chị em ân sủng để khám phá ra hình ảnh của Chúa trong tâm hồn con người, và dạy anh chị em yêu thương họ như anh chị em của mình. Một lần nữa, Người giúp anh chị em nhìn thấy những biểu lộ tình yêu của Người trong các biến cố. Nếu chúng ta khiêm nhường chú ý đến con người và mọi sự, thì Thần Khí của Chúa Giêsu soi sáng và cho chúng ta trở nên phong phú bằng sự khôn ngoan của Người, miễn là chúng ta được thấm nhuần tinh thần cầu nguyện.”

Vị giáo hoàng đầu tiên đi du lịch bằng máy bay

“Đức Maria không những là mẫu gương cho toàn thể Giáo hội trong việc thực hiện thờ phượng Thiên Chúa, mà còn là người thầy dạy về đời sống thiêng liêng cho các cá nhân Kitô hữu. Ngay từ thuở sơ khai, các tín hữu đã bắt đầu hướng đến Đức Maria và noi gương Mẹ trong việc biến cuộc sống của họ trở thành một hành động thờ phượng Thiên Chúa, và biến việc thờ phượng trở thành một cam kết của cuộc sống.”

Vị giáo hoàng đầu tiên đi du lịch bằng máy bay

“Bài học về đời sống gia đình: ước mong Nazareth dạy cho chúng ta biết ý nghĩa của đời sống gia đình, sự hòa hợp của tình yêu, sự đơn sơ và vẻ đẹp chân phương, đặc tính thiêng liêng và bất khả xâm phạm của nó; ước mong Nazareth dạy cho chúng ta biết rằng việc rèn luyện là ngọt ngào biết bao và không thể thay thế được, vai trò của gia đình là nền tảng và không thể so sánh được trên bình diện xã hội.”

Vị giáo hoàng đầu tiên đi du lịch bằng máy bay

“Không còn chiến tranh, không bao giờ là chiến tranh nữa. Nó chính là hòa bình, hòa bình phải dẫn dắt vận mệnh của các dân tộc và của toàn nhân loại.”

Vị giáo hoàng đầu tiên đi du lịch bằng máy bay

“Mệnh lệnh cho Nhóm Mười Hai ra đi loan báo Tin Vui cũng có giá trị đối với tất cả các Kitô hữu, mặc dù theo những cách khác ... Tin Vui của Nước Chúa đang đến và đã bắt đầu là cho tất cả mọi người trong mọi thời đại. Những ai đã đón nhận Tin Mừng và nhờ Tin Mừng được quy tụ vào cộng đoàn của ơn cứu độ phải truyền bá và lan tỏa Tin Mừng. "

Vị giáo hoàng đầu tiên đi du lịch bằng máy bay

“Thế giới chúng ta đang sống rất cần cái đẹp để không bị chìm trong tuyệt vọng. Chính cái đẹp, giống như chân lý, mang lại niềm vui cho tâm hồn con người và là hoa trái quý giá chống lại sự hao mòn của thời gian, là thứ gắn kết các thế hệ và khiến họ chia sẻ mọi điều với lòng ngưỡng mộ.”


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 24/9/2021]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét