Thứ Bảy, 23 tháng 10, 2021

Thông điệp của Đức Thánh Cha gửi Giám đốc FAO nhân dịp kỷ niệm Ngày Lương thực Thế giới, 15.10.2021

Thông điệp của Đức Thánh Cha gửi Giám đốc FAO nhân dịp kỷ niệm Ngày Lương thực Thế giới, 15.10.2021

Thông điệp của Đức Thánh Cha gửi Giám đốc FAO nhân dịp kỷ niệm Ngày Lương thực Thế giới, 15.10.2021


Sau đây là thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi tới Tổng Giám đốc Tổ chức Lương-Nông (FAO), Ngài Qu Dongyu, nhân ngày kỷ niệm diễn ra tại Rome:

*****

Thông điệp của Đức Thánh Cha

Thưa ngài,

Lễ kỷ niệm Ngày Lương thực Thế giới đưa chúng ta đến cuộc đối mặt với một trong những thách thức lớn nhất của nhân loại: vượt qua nạn đói một lần và cho tất cả là một mục tiêu đầy tham vọng. Hội nghị Thượng đỉnh về Hệ thống Lương thực của Liên Hợp quốc tại New York vào ngày 23 tháng Chín đã nhấn mạnh đến tính cấp thiết của việc áp dụng các giải pháp sáng tạo có khả năng thay đổi cách chúng ta sản xuất và tiêu thụ thực phẩm vì lợi ích của con người và hành tinh. Đây là mệnh lệnh để tăng tốc phục hồi sau đại dịch, chống mất an ninh lương thực và hướng tới việc đạt được tất cả các mục tiêu của Chương trình Nghị sự 2030.

Chủ đề đề xuất của FAO năm nay là: “Hành động của chúng ta là tương lai của chúng ta. Sản xuất tốt hơn, dinh dưỡng tốt hơn, môi trường tốt hơn và cuộc sống tốt hơn”, nhấn mạnh sự cần thiết phải có hành động phối hợp để bảo đảm rằng tất cả mọi người đều có thể tiếp cận với các chế độ ăn uống duy trì tối đa tính bền vững về môi trường và vừa đầy đủ dưỡng chất vừa phải chăng về giá cả. Mỗi người trong chúng ta đều có vai trò trong việc biến đổi các hệ thống lương thực vì lợi ích của con người và hành tinh, và “tất cả chúng ta đều có thể cộng tác [...] để chăm sóc tạo vật, mỗi người theo văn hóa, kinh nghiệm, sự tham gia và tài năng của riêng mình” (Tông huấn Laudato Si', 14).

Chúng ta hiện đang chứng kiến một nghịch lý thật sự về sự tiếp cận lương thực: một mặt, hơn 3 tỷ người không được tiếp cận với chế độ ăn uống đủ dinh dưỡng, mặt khác, gần 2 tỷ người thừa cân hoặc béo phì do chế độ ăn uống không tốt và lối sống lười vận động. Nếu chúng ta không muốn gây nguy hiểm cho sức khỏe của hành tinh và toàn bộ dân số của chúng ta, chúng ta cần tích cực tham gia vào sự thay đổi ở mọi cấp độ và tổ chức lại các hệ thống lương thực nói chung.

Tôi muốn chỉ ra bốn lĩnh vực cần hành động khẩn cấp: trên đồng ruộng, trên biển, tại bàn ăn và giảm thất thoát và lãng phí thực phẩm. Lối sống và cách tiêu dùng hàng ngày của chúng ta ảnh hưởng đến các động lực toàn cầu và môi trường, nhưng nếu chúng ta muốn tạo ra sự khác biệt thật sự, chúng ta phải khuyến khích các nhà sản xuất và người tiêu dùng đưa ra các lựa chọn có đạo đức và mang tính bền vững, đồng thời nâng cao nhận thức của các thế hệ trẻ về vai trò quan trọng của họ trong việc xây dựng một thế giới không có nạn đói trở thành hiện thực. Mỗi người chúng ta đều có thể góp phần vào sự nghiệp cao cả này, bắt đầu từ cuộc sống hàng ngày và những cử chỉ đơn giản nhất. Hiểu biết Ngôi nhà chung của chúng ta, bảo vệ nó và ý thức được tầm quan trọng của nó là bước đầu tiên để trở thành những người quản lý và thúc đẩy môi trường.

Đại dịch cho chúng ta cơ hội để thay đổi hướng đi và đầu tư vào một hệ thống lương thực toàn cầu có thể đối phó cách hợp lý và có trách nhiệm với các cuộc khủng hoảng trong tương lai. Về vấn đề này, sự đóng góp có giá trị của các hộ sản xuất quy mô nhỏ là rất quan trọng, tạo điều kiện để họ tiếp cận với sự đổi mới mà khi áp dụng vào lĩnh vực nông nghiệp thực phẩm, có thể tăng cường khả năng phục hồi trước biến đổi khí hậu, gia tăng sản lượng lương thực và hỗ trợ những người làm việc trong chuỗi giá trị thực phẩm.

Cuộc chiến chống lại nạn đói đòi hỏi chúng ta phải vượt qua luận lý lạnh lùng của thị trường, vốn chỉ tập trung một cách tham lam vào lợi nhuận kinh tế và biến lương thực thành món hàng thương mại, và củng cố luận lý của tính liên đới.

Thưa ông Tổng Giám đốc, Tòa thánh và Giáo hội Công giáo luôn sát cánh cùng FAO và những cơ quan, các cá nhân khác đã nỗ lực hết mình để bảo đảm rằng những quyền căn bản của con người không bị làm suy yếu hoặc bị coi thường. Ước mong những người gieo hạt giống hy vọng và hòa hợp cảm nhận được sự hỗ trợ của lời cầu nguyện của tôi để những sáng kiến và dự án của họ có thể ngày càng hiệu quả và thành công. Với những tình cảm này, tôi khẩn xin phúc lành của Thiên Chúa Toàn năng đổ xuống trên ngài và tất cả những người đang chống lại nạn đói nghèo trên thế giới với lòng kiên trì và quảng đại.

Vatican, 15 tháng Mười, 2021

GH Phanxicô



[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 17/10/2021]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét