Thứ Sáu, 8 tháng 10, 2021

Thông điệp Video của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân dịp sự kiện thế giới lần thứ hai: “Nền Kinh tế của Thánh Phanxicô”

Thông điệp Video của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân dịp sự kiện thế giới lần thứ hai: “Nền Kinh tế của Thánh Phanxicô”

Thông điệp Video của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân dịp sự kiện thế giới lần thứ hai: “Nền Kinh tế của Thánh Phanxicô”

[Assisi, 2 tháng Mười, 2021]

_______________________________________________


Các bạn trẻ thân mến,

Cha thân ái chào các con, thật vui được gặp các con - dù là qua internet - trong sự kiện lần thứ hai của các con. Trong những tháng gần đây, cha đã nhận được rất nhiều tin tức về những kinh nghiệm và sáng kiến mà các con đã cùng nhau xây dựng, và cha cảm ơn các con đã nhiệt tình thực hiện sứ mệnh thổi hồn mới cho nền kinh tế.

Đại dịch Covid-19 không chỉ làm lộ rõ cho chúng ta thấy những bất bình đẳng sâu sắc đang ảnh hưởng đến xã hội của chúng ta: nó còn làm những bất bình đẳng đó thêm trầm trọng. Kể từ khi xuất hiện một loại virus từ thế giới động vật, các cộng đồng của chúng ta đã gánh chịu sự gia tăng rất lớn về tình trạng thất nghiệp, nghèo khổ, bất bình đẳng, đói kém và không được chăm sóc sức khỏe cần thiết. Chúng ta đừng quên rằng một số ít người đã lợi dụng đại dịch để làm giàu và xa lánh khỏi thực tại của họ. Tất cả những đau khổ này rơi vào những anh chị em nghèo nhất của chúng ta cách không tương xứng.

Trong hai năm qua, chúng ta đã phải đối mặt với tất cả những thất bại của mình trong việc chăm sóc cho ngôi nhà và gia đình chung. Chúng ta thường quên đi tầm quan trọng của sự hợp tác giữa con người và sự liên đới toàn cầu; chúng ta cũng thường quên sự tồn tại của mối quan hệ tương hỗ có trách nhiệm giữa chúng ta và thiên nhiên. Trái đất có trước chúng ta và đã được ban tặng cho chúng ta, và đây là yếu tố then chốt trong mối tương quan của chúng ta với của cải trên Trái đất và đó là tiền đề nền tảng cho các hệ thống kinh tế của chúng ta. Chúng ta là người quản lý của cải, không phải là những ông chủ. Mặc dù vậy, nền kinh tế bệnh tật giết người sinh ra từ sự giả định cho rằng chúng ta là chủ sở hữu của tạo vật, có thể khai thác tạo vật vì lợi ích và sự phát triển của chúng ta.

Đại dịch nhắc nhở chúng ta về mối quan hệ tương hỗ sâu sắc này; nó nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta đã được kêu gọi để canh giữ của cải mà Đấng Tạo hóa ban tặng cho tất cả mọi người; nhắc nhở chúng ta về bổn phận làm việc và phân phối những của cải này để không ai bị gạt ra ngoài. Cuối cùng nó cũng nhắc nhở chúng ta rằng, đã hòa mình vào biển chung, chúng ta phải chấp nhận sự cần thiết của một tình huynh đệ mới. Đây là thời điểm tốt để một lần nữa chúng ta cảm nhận rằng chúng ta cần nhau, rằng chúng ta có trách nhiệm với nhau và với thế giới.

Chất lượng phát triển của các dân tộc và của Trái đất trước hết phụ thuộc vào ích chung. Đây là lý do tại sao chúng ta phải tìm kiếm những con đường mới để tái tạo nền kinh tế trong thời kỳ hậu Covid-19 để nó trở nên công bằng hơn, bền vững hơn và hỗ trợ hơn, tức là phổ quát hơn. Chúng ta cần nhiều quy trình mang tính tuần hoàn nhiều hơn, để sản xuất và không lãng phí các nguồn tài nguyên của Trái đất, những cách bán và phân phối hàng hóa công bằng hơn và những hành vi tiêu dùng có trách nhiệm hơn. Cũng cần có một mô hình toàn diện mới, có khả năng đào tạo các thế hệ kinh tế gia và doanh nhân mới, đồng thời tôn trọng mối liên hệ giữa chúng ta với Trái đất. Trong “Nền kinh tế của Thánh Phanxicô” cũng như nhiều nhóm người trẻ khác, các con đang làm việc với cùng một mục đích. Các con có thể đưa ra cái nhìn mới và minh họa về nền kinh tế mới này.

Ngày nay, mẹ Trái đất của chúng ta đang rên rỉ và cảnh báo rằng chúng ta đang tiến đến những ngưỡng nguy hiểm. Có lẽ các con là thế hệ cuối cùng có thể cứu thoát chúng ta, cha không cường điệu hóa. Trong tình trạng khẩn cấp này, sự sáng tạo và khả năng phục hồi của các con mang một trách nhiệm lớn lao. Cha hy vọng các con có thể sử dụng những món quà đó của mình để sửa chữa những sai lầm trong quá khứ, và đưa chúng ta hướng tới một nền kinh tế mới, hỗ trợ nhiều hơn, bền vững hơn và bao gồm hơn.

Tuy nhiên, sứ mệnh này của nền kinh tế bao gồm việc tái tạo lại tất cả các hệ thống xã hội của chúng ta: bằng cách làm cho các giá trị của tình huynh đệ, tính liên đới, sự quan tâm đến Trái đất của chúng ta và ích chung thấm đẫm trong tất cả những cấu trúc của chúng ta, thì chúng ta mới có thể đối mặt với những thách thức lớn nhất của thời đại mình, từ nạn đói và suy dinh dưỡng đến việc phân phối công bằng vaccine chống Covid-19. Chúng ta phải làm việc cùng nhau và ước mơ lớn. Với cái nhìn chăm chú vào Chúa Giêsu, chúng ta sẽ tìm thấy nguồn cảm hứng để thiết kế một thế giới mới và lòng can đảm để cùng nhau bước tới một tương lai tốt đẹp hơn.

Gửi đến các con, những người trẻ tuổi, cha nhắc lại nhiệm vụ đặt tình huynh đệ trở lại trung tâm của nền kinh tế. Chưa bao giờ như lúc này chúng ta thấy cần đến những người trẻ hiểu biết, thông qua việc nghiên cứu và thực hành, để chứng minh rằng một nền kinh tế khác biệt đang tồn tại. Đừng nản chí: hãy để bản thân các con được hướng dẫn bởi tình yêu của Tin Mừng, đó là động lực thúc đẩy mọi thay đổi và thúc giục chúng ta đi vào vết thương của lịch sử và trỗi dậy. Hãy cho phép bản thân được khơi nguồn sáng tạo trong công cuộc xây dựng thời đại mới, nhạy cảm với tiếng nói của người nghèo và cam kết đưa họ vào trong công cuộc xây dựng tương lai chung của chúng ta. Do tầm quan trọng và tính cấp bách của nền kinh tế, thời đại của chúng ta cần một thế hệ kinh tế gia mới, những người sống Phúc Âm trong các công ty, trường học, nhà máy, ngân hàng và thị trường. Hãy làm theo lời chứng của những người buôn bán mới mà Chúa Giêsu không đuổi ra khỏi đền thờ.

Các bạn trẻ thân mến, hãy đưa ra những ý tưởng, những ước mơ của các con, và thông qua những ý tưởng và ước mơ đó, các con đưa vào thế giới, đưa vào Giáo hội và đưa đến cho các bạn trẻ khác sứ ngôn và vẻ đẹp mà các con có. Các con không phải là tương lai, các con là hiện tại. Một hiện tại khác. Thế giới lúc này đang cần sự can đảm của các con. Cảm ơn các con!



[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 3/10/2021]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét