Thứ Ba, 21 tháng 12, 2021

10 điều Đức Thánh Cha Phanxicô muốn chúng ta học tập từ cảnh Chúa giáng sinh

10 điều Đức Thánh Cha Phanxicô muốn chúng ta học tập từ cảnh Chúa giáng sinh

10 điều Đức Thánh Cha Phanxicô muốn chúng ta học tập từ cảnh Chúa giáng sinh

Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành Thánh lễ Giáng sinh tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, 24 tháng Mười Hai, 2020. | Vatican Media.


CNA Staff

Greccio, Ý, 17 tháng Mười Hai, 2021 / 04:00 am


Năm 2019, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành một tông thư về ý nghĩa và tầm quan trọng của cảnh Chúa Giáng sinh. Ngài ký tông thư, Admirabile signum (“Dấu chỉ tuyệt vời”), vào ngày 1 tháng Mười Hai năm đó, tại Đền thờ Chúa Giáng sinh ở Greccio, một thị trấn trên đồi trong vùng Lazio của Ý.

Sự lựa chọn Greccio rất có ý nghĩa, bởi vì chính nơi đó vào năm 1223, Thánh Phanxicô Assisi đã tạo ra cảnh Chúa giáng sinh đầu tiên trong lịch sử.

Trong tông thư, được nhiều người coi là một trong những văn kiện xúc động nhất trong triều đại giáo hoàng của Đức Phanxicô, Đức Giáo hoàng “khuyến khích truyền thống tốt đẹp của gia đình là chuẩn bị cảnh Chúa giáng sinh trong những ngày trước lễ Giáng sinh”.

Dưới đây là 10 điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô muốn chúng ta học được từ cảnh Chúa giáng sinh, được rút ra từ Tông thư Admirabile signum.

1. Cảnh Chúa Giáng sinh giống như một Tin mừng sống động. Đức Thánh Cha viết: việc mô tả về sự ra đời của Chúa Giêsu là “một lời công bố đơn sơ và hân hoan về mầu nhiệm Nhập thể của Con Thiên Chúa”. Khung cảnh Chúa Giáng sinh mời gọi tất cả những ai chiêm ngưỡng “đi vào một hành trình thiêng liêng, được lôi kéo bởi sự khiêm nhường của Thiên Chúa, Đấng đã trở thành người phàm để gặp gỡ mọi người nam và người nữ.”

10 điều Đức Thánh Cha Phanxicô muốn chúng ta học tập từ cảnh Chúa giáng sinh

Cảnh Chúa Giáng sinh của Vatican. Agencia Andina


2. Phong tục bắt nguồn từ Kinh thánh. Đức giáo hoàng nhấn mạnh rằng khung cảnh Chúa Giáng sinh xuất phát từ “các trang Kinh thánh”. Tin Mừng Thánh Luca kể rằng Mẹ Maria “sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ” (2:7). Máng cỏ là tâm điểm của cảnh Chúa Giáng sinh. Thật vậy, từ ngữ trong tiếng Ý để chỉ cảnh Chúa Giáng sinh là “presepe”, xuất phát từ tiếng Latinh là “praesepium,” có nghĩa là “máng cỏ”.

10 điều Đức Thánh Cha Phanxicô muốn chúng ta học tập từ cảnh Chúa giáng sinh

Đức Thánh Cha Phanxicô viếng địa điểm diễn ra cảnh Chúa giáng sinh đầu tiên ở Greccio, Ý, ngày 4 tháng Một, 2015. Vatican Media.


3. Truyền thống được sinh ra tại một thị trấn khiêm tốn của Ý. Thánh Phanxicô Assisi dừng chân tại Greccio vào tháng Mười Một năm 1223, có lẽ trên đường từ Roma trở về sau khi nhận được sự phê chuẩn của Đức Giáo hoàng cho Luật dòng của ngài. Mười lăm ngày trước lễ Giáng sinh, ngài đã nhờ một người đàn ông địa phương tên John giúp ngài “làm sống lại ký ức về Hài nhi sinh tại Bêlem, để tận mắt được chứng kiến sự thiếu thốn đối với nhu cầu của một trẻ sơ sinh, cách Hài nhi nằm trong máng cỏ, và làm thế nào mà Hài nhi được đặt trên một cái giường bằng cỏ khô, với một con bò và một con lừa đứng bên cạnh.” Vào ngày lễ Giáng sinh, Thánh Phanxicô cùng với các tu huynh anh em của ngài và những người trong khu vực lân cận đứng trước một máng cỏ đầy cỏ khô, trông xem một con bò và một con lừa.

10 điều Đức Thánh Cha Phanxicô muốn chúng ta học tập từ cảnh Chúa giáng sinh

Đức Thánh Cha Phanxicô làm phép cảnh Chúa Giáng sinh gần Vatican ngày 9 tháng Mười Hai năm 2019.


4. Cảnh Chúa giáng sinh đầu tiên được kết nối với Bí tích Thánh Thể. Mô tả khung cảnh ở Greccio ngày hôm đó, Đức Thánh Cha Phanxicô viết: “Tất cả những người có mặt đều trải nghiệm một niềm vui mới và khó tả trước khung cảnh Giáng sinh. Sau đó, vị linh mục đã long trọng cử hành Thánh Lễ trên máng cỏ, thể hiện mối liên kết giữa sự Nhập thể của Con Thiên Chúa và Bí tích Thánh Thể.” Không giống như những cảnh Chúa Giáng sinh ngày nay, Đức Thánh Cha nói, lúc đó không có tượng. Thay vào đó, “cảnh Chúa giáng sinh được diễn tả và trải nghiệm bởi tất cả những người có mặt.”

10 điều Đức Thánh Cha Phanxicô muốn chúng ta học tập từ cảnh Chúa giáng sinh

Cảnh Chúa Giáng sinh. Ben White Photography via Unsplash.com.


5. Cảnh Chúa giáng sinh ban đầu đã truyền cảm hứng cho một thị kiến. Đức Giáo hoàng nhắc lại rằng một trong những người chứng kiến cảnh Chúa giáng sinh đầu tiên đã nhìn thấy “một thị kiến huyền diệu”. Tu sĩ Thomas of Celano, người viết tiểu sử đầu tiên của Thánh Phanxicô, đã viết rằng “một trong những người có mặt đã nhìn thấy chính Hài nhi Giêsu nằm trong máng cỏ.”

10 điều Đức Thánh Cha Phanxicô muốn chúng ta học tập từ cảnh Chúa giáng sinh

. fotorutkowscy / Shutterstock.


6. Cảnh Chúa giáng sinh là một phương tiện rao giảng Tin mừng. Đức Giáo hoàng nói rằng bằng việc tạo ra khung cảnh Chúa giáng sinh, Thánh Phanxicô đã “thực hiện công cuộc rao giảng Tin mừng vĩ đại” vẫn tiếp tục chạm đến các tâm hồn cho đến ngày nay. Thánh nhân đã khám phá ra “một phương tiện đơn giản nhưng chân thực để miêu tả vẻ đẹp đức tin của chúng ta” mà tất cả mọi người đều có thể tiếp cận được.

10 điều Đức Thánh Cha Phanxicô muốn chúng ta học tập từ cảnh Chúa giáng sinh

Đức Thánh Cha Phanxicô xông hương cảnh Chúa Giáng sinh trong Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô ngày 24 tháng Mười Hai, 2017. Vatican Media.


7. Máng cỏ là dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa. Đức Thánh Cha Phanxicô viết rằng cảnh Chúa giáng sinh gây được tiếng vang sâu sắc vì nó thể hiện tình yêu thương dịu dàng của Thiên Chúa. Những cảnh Chúa Giáng sinh công bố rằng “Đấng Tạo Hóa của vũ trụ đã hạ mình xuống để mang lấy sự nhỏ bé của chúng ta.” Cảnh giáng sinh cuốn hút các giác quan và trí tưởng tượng, giúp con người “cảm nhận” và “chạm vào” sự nghèo khó mà Con Thiên Chúa đã mang lấy khi nhập thể.”

10 điều Đức Thánh Cha Phanxicô muốn chúng ta học tập từ cảnh Chúa giáng sinh

Một chi tiết trong cảnh Chúa Giáng sinh cổ của Castelli. YouTube.


8. Cảnh Chúa giáng sinh chứa đựng một lời kêu gọi phục vụ. Đức Giáo hoàng nói rằng máng cỏ Giáng sinh ẩn chứa một thông điệp. Ngài viết: “Máng cỏ kêu gọi chúng ta theo Người trên con đường khiêm nhường, khó nghèo, và từ bỏ bản thân dẫn đi từ máng cỏ Bêlem đến thập giá.” Cảnh đó yêu cầu chúng ta gặp gỡ Ngài và phục vụ Ngài bằng cách tỏ lòng thương xót đối với những người anh chị em của chúng ta đang cần sự giúp đỡ nhất.”

10 điều Đức Thánh Cha Phanxicô muốn chúng ta học tập từ cảnh Chúa giáng sinh

Cảnh Chúa Giáng sinh, của Rogier van der Weyden, một phần của Bàn thờ Bladelin. Public Domain.


9. Ngay cả phông cảnh mở rộng cho cảnh Chúa Giáng sinh cũng có ý nghĩa. Đức Giáo hoàng lưu ý rằng các mô tả trong cảnh Chúa giáng sinh thường bao gồm “những tàn tích của các căn nhà hoặc tòa nhà cổ.” Ngài viết: “Hơn bất cứ điều gì, những tàn tích là dấu hiệu hữu hình của nhân loại sa ngã, của mọi thứ chắc chắn sẽ rơi vào cảnh đổ nát, suy tàn và thất vọng. Khung cảnh tuyệt đẹp này cho chúng ta biết rằng Chúa Giêsu là sự mới mẻ giữa một thế giới già nua, Ngài đến để chữa lành và xây dựng lại, để phục hồi thế giới và sự sống của chúng ta trở về vẻ huy hoàng ban đầu.”

10 điều Đức Thánh Cha Phanxicô muốn chúng ta học tập từ cảnh Chúa giáng sinh

Courtney Mares.


10. Cảnh Chúa giáng sinh nuôi dưỡng lòng sùng kính Mẹ Maria và Thánh Giuse. Đức Giáo hoàng nhận xét rằng Đức Trinh nữ Maria được thể hiện là “một người mẹ chiêm ngắm con mình và giới thiệu cho mọi người thấy”. Nơi Mẹ, “chúng ta nhìn thấy Mẹ Thiên Chúa không giữ Con Mẹ cho riêng mình, nhưng mời gọi mọi người vâng nghe lời Người và đem ra thực hành.” Thánh Giuse đứng bên cạnh Mẹ Maria, bảo vệ Mẹ và Hài Nhi Giêsu. Cảnh Chúa giáng sinh nhắc nhở chúng ta rằng Thánh Giuse “luôn phó thác cho thánh ý của Thiên Chúa, và thi hành ý muốn của Người”, khuyến khích chúng cũng làm như vậy.




[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 19/12/2021]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét