Thứ Ba, 21 tháng 12, 2021

Đức Thánh Cha Phanxicô gọi sự bạo hành trong gia đình là ‘Satan’ trong chương trình truyền hình đặc biệt

Đức Thánh Cha Phanxicô gọi sự bạo hành trong gia đình là ‘Satan’ trong chương trình truyền hình đặc biệt

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Điều đầu tiên xuất hiện trong đầu tôi là một câu trong Kinh thánh. Thiên Chúa không ở trên quỹ đạo, mà là Thiên Chúa ở bên cạnh anh em, bởi vì phong cách của Chúa là gần gũi, từ bi và dịu dàng.”

Đức Thánh Cha Phanxicô gọi sự bạo hành trong gia đình là ‘Satan’ trong chương trình truyền hình đặc biệt

Đức Thánh Cha Phanxicô trong lần xuất hiện trên chương trình “Giáo hoàng Phanxicô và những người vô hình” (Pope Francis and the Invisible People), được phát sóng trên kênh truyền hình TG5 của Ý vào ngày 19 tháng Mười Hai năm 2021. (photo: null / Screenshot/TG5)

Hannah Brockhaus/CNA

Vatican 20 tháng Mười Hai, 2021


THÀNH VATICAN — Trong một cuộc phỏng vấn mới của đài truyền hình được phát sóng vào Chủ nhật, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói chuyện với bốn người phải đương đầu với những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống, trong đó có một bà mẹ của bốn đứa con là nạn nhân của tình trạng bạo lực gia đình.

“Số lượng các phụ nữ bị đánh đập, bạo hành trong gia đình là rất, rất lớn, thậm chí là bởi chính chồng của họ. Vấn đề là đối với tôi, nó gần như là satan, bởi vì nó đang lợi dụng sự yếu đuối của một người không thể tự vệ”, Đức Giáo hoàng nói để trả lời cho câu hỏi của một phụ nữ người Ý tên Giovanna.

Giovanna và ba người khác đã được lên sóng trên kênh TG5 của Ý vào ngày 19 tháng Mười Hai. Trong chương trình đặc biệt dài 45 phút, có tên “Giáo hoàng Phanxicô và những người vô hình”, Đức Giáo hoàng đã trả lời các câu hỏi của Giovanna, người đã mất nhà cửa và việc làm trong đại dịch COVID-19.

Ngài động viên chị nhớ đến phẩm giá của mình, chỉ vào bức ảnh Pieta của Michelangelo miêu tả Đức Maria âu sầu bồng Con của Mẹ, Chúa Giêsu, đã chết và trần trụi. Ngài nói với chị: “Chị có phẩm giá, chị có khuôn mặt, khuôn mặt đau khổ của một người đang gánh vác cuộc đời của chính mình và của những đứa con của chị.”

Đức Phanxicô cũng nói chuyện với Maria, một phụ nữ vô gia cư đã ngủ trên đường phố trong nhiều năm; Maristella, một thanh niên 18 tuổi bị cô lập vì đại dịch; và Pierdonato, người đã ngồi tù 25 năm sau khi bị hai bản án chung thân.

Pierdonato cho biết sau khi học tập và suy ngẫm trong tù, anh đã có “một hành trình tâm linh trong lòng.”

Anh ấy nói sau khi đã suy nghĩ rất kỹ về những hành động của mình trong quá khứ, “Tôi đã tự chấp nhận bản thân mình.”

Anh nói: “Tôi đã ở tù 25 năm, Pierdonato của 30 năm trước không còn nữa, tôi là một người khác. Sám hối, theo nghĩa sâu sắc nhất của thuật ngữ này trên quan điểm Kitô giáo, là sự sám hối khiến người sám hối trở thành người tố cáo cay đắng nhất chính bản thân mình, và không muốn được đáp lại điều gì. Anh ấy hối hận vì những gì mình đã làm”.

Pierdonato hỏi Đức Thánh Cha Phanxicô: “Có niềm hy vọng cho những ai muốn thay đổi không?”

Đức Thánh Cha trả lời bằng những lời trong thư gửi tín hữu Roma 5:5, “hy vọng không bao giờ làm thất vọng.”

Ngài nói: “Điều đầu tiên xuất hiện trong đầu tôi là một câu trong Kinh thánh. Thiên Chúa không ở trên quỹ đạo, mà là Thiên Chúa ở bên cạnh anh em, bởi vì phong cách của Chúa là gần gũi, từ bi và dịu dàng.”

Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng Thiên Chúa ở với mọi người tù nhân: “Thiên Chúa luôn tha thứ, Chúa luôn tha thứ. Hãy khắc ghi điều này trong đầu chúng ta, bất cứ tội lỗi nào tôi đã phạm, Người đều tha thứ vì Người đến để tha thứ chứ không phải để lên án.”

Ngài thách đố mọi người không nên phán xét những ai bị kết án, mà hãy nhìn vào bên trong chính con người họ, nơi họ sẽ “tìm thấy nhiều điều sai quấy, nhiều điều, nhiều tội, nhiều lỗi lầm, nhiều điều không đẹp”.

“Nhưng sức mạnh của chúng ta nằm ở niềm hy vọng vào Thiên Chúa là Đấng gần gũi, từ bi và dịu dàng,” ngài nói.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã khép lại chương trình với lời kêu gọi người xem truyền hình tập trung vào Chúa Giêsu trong lễ Giáng sinh.

Ngài nói: “Tôi cầu chúc cho tất cả anh chị em đang ở nhà, tôi chúc anh chị em một Lễ Giáng sinh bên Chúa Giêsu, một Lễ Giáng sinh đúng nghĩa. Có phải điều này có nghĩa là chúng ta không được ăn uống? Chúng ta không được tiệc tùng? Không, hãy ăn mừng, ăn uống mọi thứ, nhưng hãy làm việc đó với Chúa Giêsu, tức là với sự bình an trong tâm hồn”.

“Và gửi đến tất cả anh chị em đang lắng nghe tôi, tôi chúc anh chị em một Giáng sinh vui. Ăn mừng, tặng quà, nhưng đừng quên Chúa Giêsu.”


[Nguồn: ncregister]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 21/12/2021]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét