Thứ Bảy, 4 tháng 12, 2021

Cái nhìn tổng quan về chuyến đi của Đức Thánh Cha đến Đảo Síp (Phỏng vấn nhà tổ chức)

Cái nhìn tổng quan về chuyến đi của Đức Thánh Cha đến Đảo Síp (Phỏng vấn nhà tổ chức)

Cái nhìn tổng quan về chuyến đi của Đức Thánh Cha đến Đảo Síp (Phỏng vấn nhà tổ chức)

VINCENZO PINTO | AFP

I.Media for Aleteia

01/12/21


Hầu hết người Công giáo theo nghi lễ Latinh ở Đảo Síp đều là công nhân lao động nước ngoài.

Đức Thánh Cha Phanxicô chuẩn bị bắt đầu chuyến tông du ra nước ngoài thứ 35, trước tiên ngài sẽ đến đảo Síp, từ ngày 2 đến ngày 4 tháng Mười Hai, và sau đó đến Hy Lạp, cho đến ngày 6 tháng Mười Hai. Tại Síp, ngài sẽ có cơ hội gặp gỡ những người tị nạn và di cư trong buổi cầu nguyện đại kết vào ngày 3 tháng Mười Hai tại một nhà thờ ở Nicosia.

Cha Jerzy Kraj Dòng Phanxicô là đại diện thượng phụ của Síp trong Tòa Thượng phụ Latinh của Jerusalem từ năm 2013. Cha là một trong những người tổ chức chuyến thăm của Đức Giáo hoàng tới đảo này. Cha nói chuyện với I.MEDIA một tuần trước khi Đức Giáo hoàng người Argentina đến.

Đây là đoạn trích cuộc trò chuyện của chúng tôi.


Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ dành hai ngày ở Síp. Những điểm nổi bật trong chuyến thăm của ngài là gì?

Thời khắc quan trọng nhất của chuyến thăm này chắc chắn sẽ là thánh lễ tại sân vận động GSP ở Nicosia. Trong sân vận động lớn nhất Nicosia này, chúng tôi có 7.000 chỗ ngồi dành cho các tín hữu. Chúng tôi không mời riêng người Công giáo (người theo nghi lễ Latinh và Maron); chúng tôi mời người dân Síp. Trong số đó, một số người theo Hồi giáo đã nhận lời mời. Việc cử hành của Công giáo không phải là một vấn đề.

Một thời khắc quan trọng khác trong dự đoán của tôi sẽ là buổi cầu nguyện đại kết với sự hiện diện của những người di cư và tị nạn. Nó sẽ diễn ra vào lúc 4 giờ chiều ngày 3 tháng Mười Hai với tất cả đại diện của các cộng đồng Kitô giáo trên đảo: Chính thống giáo, Armenia, Anh giáo, Phái Tin mừng, Latinh và Maron. Đây sẽ là buổi cử hành cuối cùng của Đức Giáo hoàng Phanxicô trên đảo.

Tôi nghĩ sẽ có khoảng 150 người trong nhà thờ, trong đó có khoảng 60 người di cư. Họ hầu hết là những người xin tị nạn, không nhất thiết là người Kitô hữu. Nhiều người đến từ Châu Phi: Algeria, Nigeria, Congo hoặc Cameroon. Cũng có một số người đến từ Syria. Cũng sẽ có người Philippines và người Sri Lanka làm việc tại Síp. Họ là những người di cư kinh tế có thị thực thông thường.

Đức Giáo Hoàng đến đây trên hết là để lắng nghe họ. Hai người sẽ đến làm chứng trước Đức Thánh Cha.


Có thể Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ đưa những người di cư về với ngài không?

Chúng tôi đang làm việc về tiến trình này. Chúng tôi hy vọng như vậy, nhưng tôi không có thông tin chi tiết chính xác. Về mặt tượng trưng, Đức Giáo hoàng có thể đưa một nhóm người tị nạn về để biểu thị cho việc mở các hành lang nhân đạo. Đây sẽ là một lời nhắc nhở về sự cần thiết phải giúp những người di cư cách cụ thể; nó sẽ là cử chỉ lặp lại mà ngài đã được thực hiện trong chuyến đi Hy Lạp lần trước.


Chuyến đi của Đức Thánh Cha Phanxicô cũng có thể được gọi là một “chuyến đi đại kết” không?

Đương nhiên. Đức Thánh Cha Phanxicô đang đến các vùng ngoại vi, đến các vùng ngoại vi của Châu Âu, đến những vùng ngoại vi của các cộng đồng Kitô giáo. Vào ngày 3 tháng Mười Hai, sẽ có một cuộc gặp gỡ với Đức Chrysostom II, Tổng Giám mục Chính thống của Síp. Ngài sẽ có bài diễn từ trong Nhà thờ Chính tòa Chính thống giáo trước Hội đồng Thánh. Cũng sẽ có một buổi cầu nguyện với Chính thống giáo như một dấu hiệu của sự đối thoại và cởi mở. Đức Giáo hoàng đến để chứng kiến, để gieo hạt giống cho sự hiểu biết lẫn nhau nhiều hơn giữa các Kitô hữu.


Tại Síp, Đức Giáo hoàng Phanxicô có thể gửi một thông điệp cho sự thống nhất của hòn đảo không?

Tôi không nghĩ ngài sẽ làm như vậy cách trực tiếp, nhưng một trong những thông điệp của Đức Giáo hoàng có thể là tìm kiếm sự đối thoại và thấu hiểu giữa mọi người. Như ngài thường làm, ngài có thể kêu gọi xây dựng những cầu nối chứ không phải những bức tường, và giải thích rằng chúng ta phải chân nhận phẩm giá của mỗi người.

Bằng cách này, ngài khuyến khích chúng ta làm việc để sống trong hòa bình và hòa hợp, theo gương của Thánh Barnabas là biểu tượng của hành trình này, tên của ngài có nghĩa là “đứa con của sự an ủi”.


Có bao nhiêu người Công giáo sống ở Síp?

Cộng đoàn Công giáo ở Síp có hai nhóm: theo nghi lễ Latinh và Maron. Theo thống kê tổng hợp vào năm 2011, có khoảng 25.000 người theo nghi lễ Latinh và 5.000 người Maron. Các con số có thể đã thay đổi, nhưng tôi nghĩ không có những thay đổi lớn.

Đa số người theo nghi lễ Latinh là công nhân từ nước ngoài, chủ yếu từ Philippines, Ấn Độ, Sri Lanka và sau đó là một số nước châu Âu. Vì vậy, cộng đoàn Latinh của chúng tôi được hình thành từ các văn hóa, ngôn ngữ và nguồn gốc khác nhau. Đây là một yếu tố rất quan trọng đối với chúng tôi.

Ở phía bắc của đảo, cũng có những người Kitô giáo sinh sống thành cộng đồng, đặc biệt là sinh viên, chủ yếu là người châu Phi. Họ không được phép vượt qua biên giới vì họ đến Síp bằng thị thực từ Cộng hòa Bắc Síp thuộc Thổ Nhĩ Kỳ. Họ không thể đến Síp để tham dự những cử hành của chúng tôi. Vì vậy, mỗi Chúa Nhật, chúng tôi đi về phía bắc để cử hành thánh lễ ở ba nơi khác nhau. Chúng tôi gặp gỡ khoảng 500 tín hữu ở đó vào mỗi Chúa nhật.


Như vậy một số người Kitô giáo không được phép vượt qua biên giới từ bắc vào nam?

Đây là một vấn đề liên quan đến thị thực không được cấp, vì những lý do chính trị. Việc này liên quan đến những người đã đến khu vực này dưới sự quản lý và giám sát của Cộng hòa Bắc Síp thuộc Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhóm này bao gồm các sinh viên hoặc khách du lịch. Họ không nhận được thị thực thông thường cho Síp và không thể qua biên giới. Một số người tìm cách vượt qua cách bất hợp pháp, nhưng họ không được chấp nhận.

Những người ở phía bắc nhưng đã đăng ký là công dân Síp của Hy Lạp có thể qua biên giới mà không gặp vấn đề gì.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 2/12/2021]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét