Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô
Quảng trường Thánh Phêrô
Chúa nhật, 6 tháng Hai, 2022
Trưa hôm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của ngài trong Điện Tông tòa Vatican để đọc Kinh Truyền tin với các tín hữu và khách hành hương tập trung trong Quảng trường Thánh Phêrô.
Sau đây là huấn từ của Đức Thánh Cha trước khi đọc kinh dâng Đức Maria:
*****
Trước Kinh Truyền tin
Anh chị em thân mến, buongiorno!
Tin mừng của Phụng vụ hôm nay đưa chúng ta đến bờ biển Galilê. Đám đông tập trung xung quanh Chúa Giêsu, trong khi một số người ngư phủ thất vọng, bao gồm cả Simon Phêrô, đang giặt lưới của họ sau một đêm đánh bắt tồi tệ. Và đó chính là lúc Chúa Giêsu bước xuống thuyền của ông Simon; rồi Ngài mời gọi ông ra khơi thả lưới lần nữa (x. Lc 5:1-4). Chúng ta dừng lại ở hai hành động này của Chúa Giêsu: thứ nhất Ngài bước xuống thuyền, và tiếp theo là hành động thứ hai, Ngài mời gọi ông chèo ra xa bờ. Đó là một đêm tồi tệ, không có cá, nhưng Thánh Phêrô tin tưởng và chèo thuyền ra xa.
Trước hết, Chúa Giêsu bước xuống thuyền của ông Simon. Để làm gì? Để giảng dạy. Ngài yêu cầu chính chiếc thuyền đó, chiếc thuyền không đầy cá nhưng đã trở vào bờ trống không, sau một đêm vất vả và thất vọng. Đó cũng là một hình ảnh đẹp cho chúng ta. Hàng ngày con thuyền cuộc sống của chúng ta rời bến ngôi nhà để chèo ra khơi với các hoạt động hàng ngày; mỗi ngày chúng ta đều cố gắng “đánh bắt ngoài khơi,” để vun đắp những ước mơ, để theo đuổi các dự án, để trải nghiệm tình yêu thương trong các mối tương quan của chúng ta. Nhưng cũng như Thánh Phêrô, chúng ta thường trải qua “đêm chài lưới trống rỗng” – đêm chài lưới trống rỗng – thất vọng vì đã cố gắng quá nhiều và không nhìn thấy kết quả mong muốn: “Chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả” (c. 5), ông Simon nói. Chúng ta cũng rất thường bị bỏ lại với cảm giác thất bại, trong khi sự thất vọng và cay đắng nổi lên trong lòng chúng ta. Hai con mọt rất nguy hiểm.
Chúa làm gì khi đó? Ngài chọn cách bước xuống thuyền của chúng ta. Từ đó Ngài muốn công bố Tin mừng. Chính từ chiếc thuyền trống không, biểu tượng cho sự bất lực của chúng ta, đã trở thành “giảng tòa” của Chúa Giêsu, là bục giảng nơi Ngài công bố Lời. Và đây là điều Chúa thích làm – Ngài là Chúa của những điều bất ngờ, của những phép lạ bất ngờ: bước xuống con thuyền cuộc đời của chúng ta khi chúng ta chẳng có gì để dâng lên Ngài; đi vào những vùng trống của chúng ta và lấp đầy chúng với sự hiện diện của Ngài; dùng sự nghèo khó của chúng ta để công bố sự giàu có của Ngài, những đau khổ của chúng ta để công bố lòng thương xót của Ngài. Chúng ta hãy nhớ điều này: Thiên Chúa không muốn một con tàu du lịch: một con thuyền “xiêu vẹo” là đủ cho Ngài, miễn là chúng ta chào đón Ngài. Chào đón Ngài; con thuyền không là quan trọng, nhưng là việc chúng ta chào đón Ngài. Nhưng, cha tự hỏi, chúng ta có để cho Ngài bước xuống con thuyền cuộc đời chúng ta không? Chúng ta có sẵn sàng dành sự ít ỏi chúng ta có cho Ngài không? Đôi khi chúng ta cảm thấy bất xứng đối với Ngài vì chúng ta là tội nhân. Nhưng đây là cái cớ mà Chúa không thích, vì nó làm Ngài xa cách chúng ta! Ngài là Thiên Chúa gần gũi, từ bi, dịu dàng, và Ngài không tìm kiếm chủ nghĩa hoàn mỹ: Ngài tìm kiếm sự chào đón của chúng ta. Ngài cũng nói với chúng ta: “Hãy cho Ta bước xuống con thuyền cuộc đời của con,” “Nhưng lạy Chúa, Người xem…” – “Ta thích điều đó, cho Ta vào, cứ để như vậy”. Hãy suy nghĩ về điều này.
Bằng cách này, Chúa đã xây dựng lại lòng tin của Thánh Phêrô. Khi Ngài bước xuống thuyền sau khi đã giảng dạy, Ngài nói: “Chèo ra chỗ nước sâu” (c. 4). Đó không phải là một thời điểm tốt để đánh bắt cá, vào ban ngày, nhưng Thánh Phêrô tin tưởng Chúa Giêsu. Ông không đặt niềm tin của mình vào những chiến lược của người ngư phủ mà ông biết rất rõ, nhưng ông tìm đặt niềm tin vào sự mới mẻ của Chúa Giêsu. Sự ngạc nhiên đó đã thúc đẩy ông làm những gì Chúa Giêsu nói. Với chúng ta cũng như vậy: nếu chúng ta chào đón Chúa vào trong thuyền của chúng ta, chúng ta có thể ra khơi xa. Cùng với Chúa Giêsu, chúng ta đi trên biển cuộc đời mà không sợ hãi, không buông xuôi trước thất vọng khi chúng ta không đánh bắt được gì, và không đầu hàng và nói “chẳng còn làm được gì nữa.” Trong đời sống cá nhân cũng như trong đời sống của Giáo hội và xã hội, luôn luôn có điều gì đó rất đẹp và can đảm để làm, luôn luôn. Chúng ta luôn có thể bắt đầu trở lại – Chúa luôn mời gọi chúng ta đứng dậy trên đôi chân của mình vì Ngài mở ra những cơ hội mới. Vì vậy chúng ta hãy đón nhận lời mời gọi: chúng ta hãy xua đi chủ nghĩa bi quan và ngờ vực, và chèo ra khơi xa với Chúa Giêsu! Con thuyền nhỏ bé trống không của chúng ta cũng sẽ chứng kiến một cuộc đánh bắt kỳ diệu.
Chúng ta dâng lời cầu nguyện lên Mẹ Maria: Đấng đã chào đón Chúa vào con thuyền cuộc đời của Mẹ cách đặc biệt. Xin Mẹ khuyến khích chúng ta và cầu bầu cho chúng ta.
__________________________________
Sau Kinh Truyền tin
Anh chị em thân mến,
Hôm nay là Ngày Quốc tế không Khoan dung về việc cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ. Khoảng ba triệu thiếu nữ đã phải trải qua cuộc phẫu thuật này hàng năm, thường trong những điều kiện rất nguy hiểm cho sức khỏe của các em. Thật đáng buồn, tục lệ này lại phổ biến ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới, hạ thấp phẩm giá của phụ nữ và làm suy giảm nghiêm trọng sự toàn vẹn về thể chất của họ.
Và vào Thứ Ba tới, lễ nhớ Thánh Josephine Bakhita, chúng ta sẽ kỷ niệm Ngày Thế giới Cầu nguyện và Suy niệm chống lại Nạn buôn người. Đây là một vết thương cắt sâu, bị gây ra do việc theo đuổi đáng hổ thẹn đối với những lợi ích kinh tế mà không có bất kỳ sự tôn trọng nào đối với con người. Rất nhiều cô gái – chúng ta thấy họ trên đường phố – là những người không có tự do, họ là nô lệ của những kẻ buôn người bắt họ đi làm và nếu họ không mang tiền về, sẽ đánh đập họ. Việc này đang xảy ra ở các thành phố của chúng ta ngày nay. Chúng ta hãy suy nghĩ về nó.
Đứng trước những tai họa của nhân loại, tôi bày tỏ sự đau buồn và tôi kêu gọi tất cả những người có trách nhiệm hãy hành động dứt khoát để ngăn chặn việc bóc lột và các hành vi làm nhục phụ nữ và thanh thiếu nữ nói riêng.
Hôm nay cũng là Ngày Vì sự sống tại Ý, với chủ đề “Bảo vệ mọi sự sống”. Lời kêu gọi này có giá trị với tất cả mọi người, đặc biệt là với những người dễ bị tổn thương nhất: người già, người bệnh và ngay cả các trẻ em bị ngăn chặn chào đời. Tôi tham gia cùng các giám mục Ý trong việc thúc đẩy văn hóa sự sống như là câu trả lời cho luận lý từ chối và sự suy giảm nhân khẩu. Mọi sự sống phải được bảo vệ, luôn luôn!
Chúng ta đã quen với việc nhìn và đọc trên các phương tiện truyền thông rất nhiều điều xấu, tin xấu, tai nạn, giết người ... quá nhiều thứ. Nhưng hôm nay tôi muốn đề cập đến hai điều đẹp. Một ở Maroc, tất cả mọi người tập hợp lại với nhau để cứu bé Rayan. Tất cả những người ở đó, nỗ lực để cứu một đứa trẻ! Họ đặt mọi thứ họ có vào đó. Thật không may, bé đã không qua khỏi. Nhưng tấm gương đó - hôm nay tôi đọc trên Il Messaggero - các bức ảnh chụp những người ở đó, chờ đợi để cứu một đứa trẻ .... Cảm ơn những người này với chứng tá này!
Và một chuyện khác xảy ra ở nước Ý đây, và sẽ không xuất hiện trên báo. Ở Monferrato: John, một thanh niên người Ghana, 25 tuổi, một người di cư, người đã phải chịu đựng mọi thứ mà nhiều người di cư phải chịu để đến được đây, và cuối cùng anh đã định cư ở Monferrato, anh bắt đầu làm việc để tạo dựng tương lai của mình, trong một công ty rượu. Và rồi anh đổ bệnh vì căn bệnh ung thư quái ác; anh hấp hối. Và khi người ta nói cho anh biết sự thật, anh thích làm gì, [anh trả lời:] “Trở về nhà để ôm cha tôi trước khi chết”. Trong lúc hấp hối, anh nghĩ về cha mình. Và tại ngôi làng đó ở Monferrato, họ ngay lập tức quyên góp và dùng morphin tiêm, họ đưa anh và một người bạn đồng hành lên máy bay và chuyển anh về nhà để anh được chết trong vòng tay của cha anh. Điều này cho chúng ta thấy rằng ngày nay, giữa bao nhiêu tin xấu, có những điều tốt lành, vẫn có những “vị thánh bên cạnh”. Cảm ơn vì hai chứng tá này rất tốt cho chúng ta.
Cha gửi lời chào đến tất cả anh chị em người Roma và khách hành hương! Đặc biệt là anh chị em đến từ nước Đức, Ba Lan và Valencia, Tây Ban Nha, cũng như các sinh viên đại học từ Madrid – những sinh viên Tây Ban nha đang ồn ào! – và các tín hữu của giáo xứ Thánh Phanxicô Assisi ở Roma. Xin gửi lời chào đặc biệt đến các nữ tu thuộc nhóm Talitha Kum, là những người đang hoạt động chống lại nạn buôn người. Xin cảm ơn vì những gì các Sơ đang làm với lòng can đảm. Cảm ơn các Sơ. Tôi khuyến khích các Sơ trong công việc và tôi làm phép tượng Thánh Josephine Bakhita.
Và cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật phúc lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng, và arrivederci.
[Nguồn: vatican.va]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 7/2/2022]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét