Vương quốc Bahrain: “Chúng ta cùng nhau làm việc vì sự hiệp nhất, vì niềm hy vọng!”
Những suy tư của Đức Giáo hoàng với các nhà chức trách, xã hội dân sự và các đoàn ngoại giao
Vatican Media
*******
Nghi thức đón tiếp chính thức tại Căn cứ Không quân Sakhir ở Awali và chuyến thăm xã giao Quốc vương Bahrain tại Cung điện Hoàng gia Sakhir
Khi đến Căn cứ Không quân Sakhir ở Awali, Đức Thánh Cha Phanxicô được chào đón bởi Quốc vương Bahrain, Hoàng thân Hamad bin Isa bin Salman Al Khalifa, Thái tử và Thủ tướng, ba người con trai của Quốc vương và một cháu gái. Một số thiếu nhi trong trang phục truyền thống tung những cánh hoa hồng khi Đức Thánh Cha và Hoàng gia duyệt Đội Danh dự, chào các Phái đoàn và tiến đến Đại sảnh Hoàng gia, nơi diễn ra một cuộc gặp gỡ riêng ngắn.
Cuối cùng, Đức Thánh Cha và Hoàng gia Bahrain đến chào Đức Ahmad Muhammad Al-Tayyeb, Đại Imam của Đại học al-Azhar. Sau đó, Đức Thánh Cha đi xe đến Cung điện Hoàng gia Sakhir để thăm xã giao Đức Vua Bahrain.
Sau đó hai vị cùng đến Green Hall. Cuộc họp riêng cũng có sự tham dự của Đức Hồng y Pietro Parolin, Bộ trưởng Ngoại giao Tòa Thánh; Đức ông Paul Richard Gallagher, Trưởng phòng Quan hệ với các Quốc gia và Tổ chức Quốc tế; Đức ông Eugene Martin Nugen, Sứ thần Tòa thánh; và ngài Thư ký Tòa Khâm sứ.
Sau phần chụp ảnh chính thức và gặp gỡ riêng diễn ra nghi thức tặng quà.
Cuối cùng, Hoàng gia tháp tùng Đức Thánh Cha đến sân của Cung điện Hoàng gia để tham dự Nghi thức Chào đón và cuộc gặp gỡ với các Nhà Chức trách, Xã hội Dân sự và Ngoại giao đoàn.
Nghi thức đón tiếp và gặp gỡ các Nhà Chức trách, Xã hội Dân sự và Ngoại giao đoàn tại sân của Cung điện Hoàng gia Sakhir
Kết thúc cuộc thăm viếng xã giao Quốc vương Bahrain, Nghi thức Đón tiếp sẽ diễn ra trong sân của Cung điện Hoàng gia Sakhir. Sau các bài quốc ca và duyệt Đội Danh dự, lúc 6h30 tối. (16:30 giờ Roma) Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các Nhà chức trách, Xã hội Dân sự và Ngoại giao đoàn.
Sau diễn văn của Quốc vương Bahrain, Đức Giáo hoàng đã đọc diễn từ của ngài. Cuối cùng, sau khi rời Hoàng gia, Đức Thánh Cha di chuyển bằng xe hơi đến Nơi ở của Giáo hoàng, và ngài dùng bữa riêng.
Dưới đây là diễn từ của Đức Thánh Cha phát biểu trong cuộc gặp gỡ với các nhà Chức trách, Xã hội dân sự và Ngoại giao đoàn:
____________________________________________
Diễn từ của Đức Thánh Cha
Thưa Quốc vương,
Thưa các Thành viên Hoàng gia,
Thưa các Thành viên Chính phủ và Ngoại giao đoàn,
Thưa các vị Hữu trách tôn giáo và Dân sự,
Thưa quý ông quý bà,
As-salamu alaikum!
Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới Quốc vương về lời mời thăm Vương quốc Bahrain, sự đón tiếp nồng hậu và ân cần cùng những lời tốt đẹp của Ngài. Tôi xin chào thân ái tất cả quý vị. Tôi xin gửi lời chào của tình bạn và tình cảm tới tất cả mọi người sống trên đất nước này: tới từng tín đồ và từng cá nhân cũng như các thành viên của mọi gia đình, là thành phần mà Hiến pháp Bahrain xác định là “nền tảng của xã hội”. Tôi xin bày tỏ niềm vui mừng khi được ở giữa tất cả các bạn.
Ở đây, nơi các dòng nước biển bao quanh những bãi cát sa mạc, và những tòa nhà chọc trời sừng sững mọc lên bên cạnh những khu chợ Đông Phương truyền thống, những thực tại rất khác nhau cùng gặp gỡ: cổ xưa và hiện đại hội tụ; truyền thống và sự tiến bộ hòa trộn; và trên hết, mọi người từ nhiều nguồn gốc khác nhau tạo ra một bức tranh khảm đặc biệt của đời sống. Để chuẩn bị cho chuyến thăm viếng, tôi đã tìm hiểu về một “biểu tượng của sức sống” nổi bật ở đất nước này, đó là “Cây sự sống” (Shajarat-al-Hayat). Tôi muốn lấy nó làm nguồn cảm hứng để chia sẻ một vài suy nghĩ với quý vị. Bản thân cây là một loài cây keo đồ sộ đã tồn tại qua nhiều thế kỷ trong vùng sa mạc với lượng mưa rất ít. Dường như không thể có một loại cây ở tuổi này lại có thể sống và phát triển trong những điều kiện như vậy. Theo nhiều người, bí mật nằm ở rễ của nó, đâm sâu hàng chục mét dưới mặt đất, hút lấy nước từ tầng nước ngầm dưới các tầng đất.
Cội rễ. Vương quốc Bahrain cam kết ghi nhớ và trân quý quá khứ của mình, nó kể về một vùng đất vô cùng cổ xưa, nơi mà hàng nghìn năm trước các dân tộc đã đặt chân đến, bị cuốn hút bởi vẻ đẹp của nó, đặc biệt là do có nhiều suối nước ngọt đã mang đến cho nó tiếng thơm là một thiên đường. Do đó, vương quốc cổ đại Dilmun được gọi là “vùng đất của sự sống”. Khi chúng ta đi lên từ cội nguồn bao la đó – trải dài hơn 4.500 năm với sự hiện diện không gián đoạn của con người – chúng ta thấy rằng vị trí địa lý của Bahrain, tài năng và khả năng thương mại của người dân, cùng với các sự kiện lịch sử, đã giúp đất nước trở thành ngã tư đường cho việc làm phong phú lẫn nhau giữa các dân tộc. Một điều nổi bật trong lịch sử của vùng đất này: nó luôn là nơi gặp gỡ giữa các dân tộc khác nhau.
Trên thực tế, đây là nguồn nước ban tặng sự sống mà ngày nay nguồn cội của Bahrain vẫn tiếp tục được nuôi dưỡng. Sự giàu có lớn lao nhất của đất nước thể hiện ở tính đa dạng về sắc tộc và văn hóa, cũng như sự chung sống hòa bình và lòng hiếu khách truyền thống của người dân. Sự đa dạng, không vô vị nhưng bao trùm, là tài sản quý giá của mọi quốc gia phát triển thực sự. Trên những hòn đảo này, chúng ta có thể thán phục một xã hội tổng hợp, đa sắc tộc và đa tôn giáo, có khả năng vượt qua nguy cơ bị cô lập.
Điều này rất quan trọng trong thời đại của chúng ta, khi xu thế quy hướng vào bản thân và các lợi ích riêng của chúng ta đã cản trở việc nhận biết giá trị quan trọng của tổng thể lớn hơn. Nhiều nhóm quốc gia, dân tộc và tôn giáo cùng tồn tại ở Bahrain chứng minh rằng chúng ta có thể sống và phải sống cùng nhau trong thế giới, nơi mà trong những thập kỷ qua đã trở thành một ngôi làng toàn cầu. Thật vậy, mặc dù sự toàn cầu hóa đã bén rễ nhưng về nhiều mặt, chúng ta vẫn thiếu “tinh thần của một ngôi làng”, được thể hiện qua sự hiếu khách, quan tâm đến người khác và tình huynh đệ. Thay vào đó, chúng ta đang vô cùng lo ngại chứng kiến sự lan rộng của sự thờ ơ và không tin tưởng lẫn nhau, gia tăng những sự kình địch và xung đột mà chúng ta hy vọng rằng chúng đã là dĩ vãng, và các hình thức của chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa đế quốc gây nguy hiểm cho an ninh của tất cả mọi người. Cho dù đã có sự tiến bộ và rất nhiều hình thức thành tựu của khoa học và xã hội, sự cách biệt về văn hóa giữa các khu vực khác nhau trên thế giới ngày càng gia tăng, và các hành vi xung đột mang tính hủy diệt được ưu tiên hơn là những cơ hội gặp gỡ mang đến kết quả tốt.
Thay vì vậy, chúng ta hãy nghĩ đến Cây Sự Sống, và chúng ta hãy mang đến nguồn nước của tình huynh đệ cho những sa mạc khô cằn của sự chung sống của con người. Ước mong rằng chúng ta không bao giờ để cho những cơ hội gặp gỡ giữa các nền văn minh, tôn giáo và văn hóa bị tàn lụi, hoặc cội nguồn của con người chúng ta trở nên khô héo và không còn sự sống! Chúng ta hãy làm việc cùng nhau! Chúng ta làm việc để phục vụ cho sự đoàn kết và niềm hy vọng! Tôi đến đây, trong vùng đất của Cây Sự sống này, như một người gieo hạt hòa bình, để trải nghiệm được những ngày gặp gỡ này và tham gia trong Diễn đàn đối thoại giữa phương Đông và phương Tây vì mục tiêu chung sống hòa bình của con người. Tôi xin cảm ơn những người đồng hành của tôi, đặc biệt là quý vị đại diện của các tôn giáo. Những ngày này đánh dấu một giai đoạn quý giá trong hành trình của tình bạn đã được củng cố trong những năm gần đây với các nhà lãnh đạo Hồi giáo, một hành trình huynh đệ, dưới ánh mắt nhìn của Thượng đế, tìm cách thúc đẩy hòa bình trên mặt đất.
Về vấn đề này, tôi bày tỏ sự đánh giá cao đối với các Hội nghị Quốc tế và khả năng gặp gỡ mà Vương quốc này tổ chức và thúc đẩy, đặc biệt nhấn mạnh đến các chủ đề tôn trọng, khoan dung và tự do tôn giáo. Đây là những chủ đề căn bản, được công nhận bởi Hiến pháp của đất nước, trong đó nói rằng "sẽ không có sự phân biệt đối xử ... trên cơ sở giới tính, nguồn gốc, ngôn ngữ, tôn giáo hoặc tín ngưỡng" (Điều 18), rằng "tự do lương tâm là tuyệt đối" , và rằng “nhà nước bảo đảm quyền bất khả xâm phạm của việc thờ phượng” (Điều 22). Trên hết, đây là những cam kết cần được thực hiện liên tục để tự do tôn giáo trở nên trọn vẹn và không bị giới hạn ở quyền tự do thờ phượng; rằng phẩm giá bình đẳng và cơ hội bình đẳng sẽ được công nhận cách cụ thể cho mỗi nhóm và cho mọi cá nhân; rằng không có hình thức phân biệt đối xử nào tồn tại và các quyền cơ bản của con người không bị vi phạm nhưng được thúc đẩy. Tôi nghĩ trước hết là quyền được sống, cần phải bảo đảm quyền đó luôn luôn, kể cả đối với những người bị trừng phạt, những người không nên bị lấy đi mạng sống.
Chúng ta trở lại Cây Sự sống. Theo thời gian, nhiều cành cây với kích thước khác nhau của nó đã tạo ra những tán lá phong phú, do đó làm tăng chiều cao và bề rộng của cây. Ở đất nước này, chính sự đóng góp của rất nhiều cá nhân từ các dân tộc khác nhau đã giúp đáng kể vào khả năng sản xuất. Điều này trở nên khả thi qua việc nhập cư. Vương quốc Bahrain đáng tự hào có mức độ nhập cư cao nhất trên thế giới: khoảng một nửa cư dân là người nước ngoài, rõ ràng làm việc cho sự phát triển của một quốc gia mà ở đó, mặc dù phải rời bỏ quê hương, họ vẫn cảm thấy như ở nhà. Đồng thời, chúng ta phải thừa nhận rằng tỷ lệ thất nghiệp trên thế giới vẫn ở mức quá cao, và nhiều công việc trên thực tế không còn nhân tính. Điều này không chỉ dẫn đến nguy cơ mất ổn định xã hội nghiêm trọng, mà còn là mối đe dọa đối với nhân phẩm. Vì lao động không chỉ là điều cần thiết để có sinh kế mà còn là quyền không thể thiếu cho sự phát triển bản thân toàn diện và hình thành một xã hội thực sự nhân văn.
Từ đất nước này, một đất nước quá hấp dẫn với những cơ hội việc làm mà nó cung cấp, một lần nữa tôi muốn kêu gọi sự chú ý đến cuộc khủng hoảng lao động toàn cầu. Lao động thì quý giá như bánh mì; như bánh mì, nó thường bị thiếu, và nhiều khi nó là một loại bánh mì bị nhiễm độc, vì nó bị trở thành nô lệ. Trong cả hai trường hợp, trung tâm không còn là con người, thay vì là mục tiêu thiêng liêng, bất khả xâm phạm của công việc, thì đã bị hạ xuống trở thành phương tiện sản xuất của cải. Chúng ta hãy bảo đảm rằng các điều kiện làm việc ở mọi nơi đều an toàn và đúng phẩm giá, rằng chúng thúc đẩy sự phát triển văn hóa và tinh thần của con người hơn là cản trở; và chúng phục vụ để thúc đẩy sự gắn kết xã hội, để mang đến ích lợi cho cuộc sống chung và sự phát triển của mỗi quốc gia (xem Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 9, 27, 60, 67).
Bahrain có thể tự hào về những đóng góp quan trọng trong lĩnh vực này: chẳng hạn tôi nghĩ về trường học đầu tiên dành cho phụ nữ được thành lập ở Vùng Vịnh và việc xóa bỏ chế độ nô lệ. Ước mong đất nước là một ngọn đèn dẫn đường trong khu vực về việc thúc đẩy quyền bình đẳng và cải thiện điều kiện cho người lao động, phụ nữ và thanh niên, đồng thời bảo đảm sự tôn trọng và quan tâm đến tất cả những người bị gạt ra bên lề xã hội nhiều nhất, chẳng hạn như người nhập cư và tù nhân. Vì sự phát triển đích thực, nhân văn và toàn diện được đo lường trên hết bằng sự quan tâm được thể hiện đối với những người đó.
Cây Sự Sống, vươn lên từ bối cảnh sa mạc, cũng khiến tôi nghĩ đến hai lĩnh vực quan trọng đối với mọi người, nhưng thách thức trên hết đối với những người trong vai trò quản lý, có trách nhiệm phục vụ lợi ích chung. Trước hết là vấn đề về môi trường. Có bao nhiêu cây đã bị đốn hạ, bao nhiêu hệ sinh thái bị tàn phá, bao nhiêu biển cả bị ô nhiễm bởi lòng tham vô độ của con người, những thứ rồi sẽ quay lại cắn chúng ta! Chúng ta hãy làm việc miệt mài để đối phó với tình huống khẩn cấp nặng nề này và đưa ra những quyết định cụ thể và có tầm nhìn xa, lấy cảm hứng từ sự quan tâm đối tới các thế hệ tương lai, trước khi quá muộn và tương lai của họ bị tổn hại! Mong rằng Hội nghị về Biến đổi Khí hậu của Liên hợp quốc (COP27), diễn ra tại Ai Cập trong vài ngày tới, sẽ đánh dấu một bước tiến trong vấn đề này!
Thứ hai, Cây Sự Sống, có bộ rễ đâm sâu trong lòng đất, cung cấp nước sự sống cho thân cây, từ thân cây đến cành và sau đó là lá cung cấp oxy cho các sinh vật, khiến tôi nghĩ đến ơn gọi của con người chúng ta, ơn gọi của từng con người trên mặt đất, để làm cho cuộc sống triển nở. Tuy nhiên, ngày nay chúng ta ngày càng chứng kiến những hành động và mối đe dọa chết người. Tôi đặc biệt nghĩ đến thực tế kỳ quái và vô nghĩa của chiến tranh, thứ gieo rắc sự hủy diệt và nghiền nát mọi hy vọng ở khắp nơi. Chiến tranh làm xuất hiện những điều tồi tệ nhất trong con người: ích kỷ, bạo lực và bất lương. Vì chiến tranh, mọi cuộc chiến đều mang đến cái chết của sự thật. Chúng ta hãy bác bỏ luận lý của vũ khí và thay đổi hướng đi, chuyển các khoản chi tiêu quân sự khổng lồ sang đầu tư chống lại nạn đói và tình trạng thiếu y tế và giáo dục. Tôi vô cùng đau buồn trước tất cả những tình huống xung đột này. Quan sát Bán đảo Ả Rập, nơi có các quốc gia mà tôi gửi lời chào với sự tôn trọng chân thành, suy nghĩ của tôi hướng về Yemen một cách đặc biệt, bị xé nát bởi một cuộc chiến bị lãng quên, giống như mọi cuộc chiến, vấn đề không phải là chiến thắng mà chỉ là thất bại cay đắng cho tất cả mọi người. Tôi đặc biệt nhớ đến trong lời cầu nguyện của tôi những người dân thường, những trẻ em, người già và người bệnh. Và tôi cầu xin: Hãy chấm dứt cuộc đụng độ vũ khí! Chúng ta hãy cam kết xây dựng hòa bình cách cụ thể ở mọi nơi!
Về mặt này Tuyên ngôn của Vương quốc Bahrain thừa nhận rằng “niềm tin tôn giáo là một phúc lành cho tất cả nhân loại và là nền tảng cho hòa bình trên thế giới”. Hôm nay tôi ở đây với tư cách là một tín hữu, một người Kitô hữu, một con người và như một người hành hương vì hòa bình, bởi vì ngày nay, hơn bao giờ hết, ở khắp mọi nơi, chúng ta được kêu gọi cam kết cách nghiêm túc vào công cuộc xây dựng hòa bình. Thưa Quốc vương, thưa quý vị Hoàng thân, thưa các nhà chức trách và các bạn, tôi xin ghi nhớ và chia sẻ với các quý vị một trích đoạn tốt lành của Tuyên ngôn, như niềm hy vọng và lời cầu nguyện của tôi cho những ngày tôi đến thăm Vương quốc Bahrain. Bản văn viết: “Chúng ta cam kết làm việc cho một thế giới nơi những người có niềm tin chân thành cùng nhau hiệp sức để loại bỏ điều gây chia rẽ chúng ta, và thay vào đó là chú ý đến việc tôn vinh và mở rộng điều hiệp nhất chúng ta”. Ước mong điều này được thực hiện, cùng với phúc lành của Đấng Tối Cao! Shukran! [Xin cảm ơn quý ngài!]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 4/11/2022]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét