Thứ Hai, 30 tháng 1, 2023

Huấn từ Kinh Truyền tin của ĐTC Phanxicô, 29.1.2023: “Hãy học người có tâm hồn nghèo khó, biết trân quý những gì họ nhận được và không lãng phí”

“Hãy học người có tâm hồn nghèo khó, biết trân quý những gì họ nhận được và không lãng phí”

Đức Thánh Cha và huấn từ Kinh Truyền tin Chúa nhật

Huấn từ Kinh Truyền tin của ĐTC Phanxicô, 29.1.2023: “Hãy học người có tâm hồn nghèo khó, biết trân quý những gì họ nhận được và không lãng phí”

© Vatican Media


*******

Vào lúc 12 giờ trưa hôm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc trong Điện Tông tòa Vatican để đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu và khách hành hương tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Ngoài ra, hiện diện còn có các Thiếu niên Công giáo Tiến hành của Giáo phận Roma kết thúc tháng Một, tháng các em dành riêng cho chủ đề hòa bình theo truyền thống, với “Đoàn Lữ hành Hòa bình”. Cuối giờ đọc Kinh Truyền tin, các thiếu niên đọc một thông điệp thay mặt cho ACR của Rome.

Dưới đây là huấn từ của Đức Thánh Cha trước khi đọc Kinh truyền tin:

___________________________________________


Trước Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến, buongiorno!

Trong phụng vụ hôm nay, các Mối Phúc theo Tin Mừng Thánh Matthêu được công bố (x. Mt 5:1-12). Mối phúc đầu tiên là nền tảng. Đây là điều Mối phúc nói: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (c. 3).

Ai là những người “có tâm hồn nghèo khó”? Họ là những người biết rằng họ không thể dựa vào chính mình, rằng họ không đủ khả năng tự lực, và họ sống như “người ăn mày trước mặt Chúa”. Họ cảm thấy mình cần đến Thiên Chúa và nhận biết mọi sự tốt lành đến từ Người như một ân ban, như một ân sủng. Những người nghèo khó trong tâm hồn quý trọng những gì họ nhận được. Vì vậy, họ muốn rằng không có ân ban nào bị lãng phí. Hôm nay, cha muốn dừng lại ở khía cạnh điển hình này của tâm hồn nghèo khó: không lãng phí. Người có tâm hồn nghèo khó cố gắng không lãng phí bất cứ thứ gì. Chúa Giêsu cho chúng ta thấy tầm quan trọng của việc không lãng phí. Chẳng hạn, sau phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều, Chúa yêu cầu thu lại thức ăn thừa để không bị lãng phí (x. Ga 6:12). Không lãng phí cho phép chúng ta biết trân quý giá trị của chính mình, của mọi người và của mọi sự. Tuy nhiên, thật không may, có một nguyên tắc thường bị bỏ qua, đặc biệt là ở các xã hội giàu có hơn, nơi văn hóa lãng phí, văn hóa vứt bỏ chiếm ưu thế. Cả hai đều là một bệnh dịch. Vì vậy, cha muốn đưa ra cho anh chị em ba thách đố chống lại tâm lý lãng phí, tâm lý vứt bỏ.

Thách đố đầu tiên: không lãng phí món quà là chính con người chúng ta. Mỗi người chúng ta đều là một món quà tốt lành, độc lập. Mọi người nam, nữ đều giàu có không chỉ về tài năng mà còn về phẩm giá. Người đó được Thiên Chúa yêu thương, là giá trị, là quý báu. Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta được chúc phúc không phải vì những gì chúng ta có, mà vì chính con người chúng ta. Và khi một người buông xuôi và vứt bỏ chính mình, người đó đã tự lãng phí chính bản thân. Với sự trợ giúp của Chúa, chúng ta hãy chiến đấu chống lại những cám dỗ tin rằng mình là bất xứng, là sai lầm và cảm thấy tội nghiệp cho bản thân.

Tiếp đến là thách đố thứ hai: không lãng phí những món quà chúng ta có. Có một thực tế là khoảng một phần ba tổng sản lượng lương thực được sản xuất trên thế giới bị lãng phí hàng năm, trong khi rất nhiều người chết vì đói! Không thể sử dụng tài nguyên thiên nhiên theo cách đó. Sản phẩm phải được chăm sóc và chia sẻ để không ai thiếu những gì là cần thiết. Thay vì lãng phí những gì chúng ta có, chúng ta hãy truyền bá một hệ sinh thái công bằng và bác ái, hệ sinh thái chia sẻ!

Cuối cùng là thách đố thứ ba: không vứt bỏ người khác. Văn hóa vứt bỏ nói: “Tôi sử dụng bạn cho đến khi nào tôi còn cần bạn. Khi tôi không còn hứng thú với bạn nữa, hoặc bạn cản đường tôi, tôi sẽ ném bạn ra ngoài”. Những người bị đối xử như vậy đặc biệt là những người yếu đuối nhất – trẻ em chưa chào đời, người già, người túng thiếu và người thiệt thòi. Nhưng không bao giờ được vứt bỏ con người, không được loại trừ người thiệt thòi! Mỗi người là một món quà thánh thiêng, mỗi người là một món quà độc đáo, bất kể tuổi tác hay tình trạng của họ. Chúng ta hãy luôn tôn trọng và thúc đẩy sự sống! Đừng lãng phí sự sống!

Anh chị em thân mến, chúng ta tự hỏi mình một câu hỏi. Trên hết: Tôi sống tâm hồn khó nghèo như thế nào? Tôi có biết dành không gian cho Thiên Chúa không? Tôi có tin rằng Chúa là gia tài tốt lành, đích thực và lớn lao của tôi không? Tôi có tin rằng Chúa yêu tôi, hay tôi ném quăng mình vào nỗi buồn, quên rằng tôi là một ân ban? Và rồi – tôi có cẩn thận để tránh lãng phí không? Tôi có chịu trách nhiệm về cách tôi sử dụng đồ đạc, của cải không? Tôi có sẵn sàng chia sẻ mọi thứ với người khác hay tôi ích kỷ? Cuối cùng, tôi có coi những người yếu đuối nhất là những món quà quý giá mà Thiên Chúa yêu cầu tôi chăm sóc không? Tôi có nhớ đến những người nghèo, người bị tước đoạt những gì cần thiết không?

Xin Mẹ Maria, người Nữ của Các Mối Phúc, giúp chúng ta làm chứng cho niềm vui rằng sự sống là một món quà và, vẻ đẹp của việc trao tặng chính mình.

________________________________________


Lời chào của Đức Thánh Cha sau Kinh Truyền Tin

Anh chị em thân mến!

Tôi vô cùng đau buồn khi biết tin từ Đất Thánh, đặc biệt là về cái chết của mười người Palestine, trong đó có một phụ nữ, bị giết trong hoạt động chống khủng bố của quân đội Israel ở Palestine; và về những gì đã xảy ra gần Giêrusalem vào tối thứ Sáu khi bảy người Do Thái Israel bị một người Palestine sát hại và ba người khác bị thương khi họ rời khỏi hội đường Do Thái. Vòng xoáy chết chóc ngày càng gia tăng không làm được gì khác hơn là khép lại những tia tin tưởng ít ỏi còn tồn tại giữa hai dân tộc. Từ đầu năm đến nay, hàng chục người Palestine đã thiệt mạng trong các cuộc đọ súng với quân đội Israel. Tôi kêu gọi hai chính phủ và cộng đồng quốc tế ngay lập tức và không trì hoãn tìm ra những con đường khác bao gồm đối thoại và tìm kiếm hòa bình cách chân thành. Thưa anh chị em, chúng ta hãy cầu nguyện cho việc này.

Tôi nhắc lại lời kêu gọi về tình hình nhân đạo nghiêm trọng ở Hành lang Lachin, miền Nam Caucasus. Tôi gần gũi với tất cả những người phải đương đầu với các điều kiện vô nhân đạo này giữa mùa đông khắc nghiệt. Mọi nỗ lực phải được thực hiện trên bình diện quốc tế để tìm ra các giải pháp hòa bình vì lợi ích của người dân.

Hôm nay là Ngày Bệnh Phong Thế giới lần thứ 70. Thật không may, sự kỳ thị liên quan đến căn bệnh này tiếp tục gây ra những vi phạm nghiêm trọng về nhân quyền ở nhiều nơi trên thế giới. Tôi bày tỏ sự gần gũi với những người đau khổ vì căn bệnh và tôi khuyến khích cam kết hướng tới sự hội nhập hoàn toàn những anh chị em này.

Cha gửi lời chào đến tất cả anh chị em đến từ nước Ý và từ các quốc gia khác. Cha chào nhóm Quinceañeras đến từ Panama và các sinh viên từ Badajoz, Spagna. Cha chào anh chị em hành hương đến từ Moiano và Monteleone di Orvieto, anh chị em từ Acqui Terme và các thiếu niên nam nữ của Nhóm Agesci Cercola Primo.

Và bây giờ cha gửi lời chào thân ái đến các thiếu niên nam nữ Công giáo Tiến hành thuộc Giáo phận Roma! Các con đã đến trên “Đoàn lữ hành hòa bình”. Cha cảm ơn các con vì sáng kiến rất quý giá này trong năm nay, bởi vì khi nghĩ đến đất nước Ukraine bị chiến tranh tàn phá, cam kết và cầu nguyện cho hòa bình của chúng ta càng phải mạnh mẽ hơn. Chúng ta hãy nghĩ đến Ukraine và cầu nguyện cho người dân Ukraine, những người bị đối xử tàn tệ.



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 30/1/2023]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét