Thứ Sáu, 3 tháng 2, 2023

Vùng ngoại vi quý giá: Chuyến hành hương đại kết vì hòa bình của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Nam Sudan

Vùng ngoại vi quý giá: Chuyến hành hương đại kết vì hòa bình của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Nam Sudan

PHÂN TÍCH BẢN TIN: Năm lý do Tòa Thánh đặt ưu tiên cho chuyến đi này.

Vùng ngoại vi quý giá: Chuyến hành hương đại kết vì hòa bình của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Nam Sudan

Đức Thánh Cha Phanxicô vẫy chào khi đến Sân bay Quốc tế N'djili ở Kinshasa, Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC), vào ngày 31 tháng Một năm 2023. - Đức Thánh Cha Phanxicô hạ cánh xuống Cộng hòa Dân chủ Congo, ca ngợi chuyến đi tuyệt đẹp của ngài tới Châu Phi khi ngài mang thông điệp hòa bình đến quốc gia đang bị xung đột tàn phá, trước khi đến nước láng giềng Nam Sudan đang gặp khó khăn. (photo: Alexis Huguet / AFP/Getty)

Victor Gaetan

31 tháng Một, 2023



Đức Thánh Cha Phanxicô giữ lời hứa với Nam Sudan.

Một lý do chính khiến ngài đến quốc gia châu Phi nghèo khó, bị chiến tranh tàn phá hôm thứ Năm là vì ngài đã bảo đảm với Tổng thống Salva Kiir rằng nếu ông Kiir và các đối thủ chính trị của ông thành lập một chính phủ đoàn kết cam kết vì hòa bình — việc mà họ đã làm vào tháng Một năm 2020 — thì Đức Thánh Cha , cùng với các nhà lãnh đạo từ Giáo hội Anh và Giáo hội Scotland, sẽ cố gắng đích thân đến để khuyến khích quốc gia non trẻ nhất thế giới, nơi số người tín hữu Kitô giáo và Công giáo chiếm số lượng lớn nhất.

Ý tưởng này đầu tiên được đưa ra bởi Hội đồng các Giáo hội Nam Sudan (SSCC), một nhóm đại kết nổi tiếng đã đến thăm Roma vào năm 2016 để trình bày hoàn cảnh khốn khổ của quốc gia này với Đức Phanxicô. SSCC được thành lập năm 1965 bởi các nhà lãnh đạo Công giáo, Anh giáo và Trưởng lão — ba truyền thống đức tin đã hợp tác liên tục kể từ đó, bỏ qua vạ tuyệt thông lẫn nhau đã kéo dài hàng thế kỷ.

Để tìm hiểu bản chất lịch sử của Chuyến Hành hương đại kết vì hòa bình đến Nam Sudan sắp diễn ra, và cách thức chuyến đi thể hiện hoạt động ngoại giao của Đức Phanxicô, năm lý do khiến Tòa thánh đặt ưu tiên cho chuyến hành trình này rất đáng để khám phá.

Đức Thánh Cha Phanxicô vẫy chào khi đến Sân bay Quốc tế N'djili ở Kinshasa, Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC), vào ngày 31 tháng Một năm 2023. - Đức Thánh Cha Phanxicô hạ cánh xuống Cộng hòa Dân chủ Congo, ca ngợi chuyến đi tuyệt đẹp của ngài tới Châu Phi khi ngài mang thông điệp hòa bình đến quốc gia đang bị xung đột tàn phá, trước khi đến nước láng giềng Nam Sudan đang gặp khó khăn. (photo: Alexis Huguet / AFP/Getty)

Nội chiến Nam Sudan là cuộc nội chiến nhiều bên ở Nam Sudan giữa lực lượng chính phủ và các lực lượng đối lập.

Lời hứa, và giữ lời hứa

Ai có thể quên được cảnh Đức Phanxicô quỳ xuống hôn chân các nhà lãnh đạo chính trị hàng đầu của Nam Sudan? Đức Thánh Cha đã thực hiện cử chỉ bất ngờ này trước sự sửng sốt của mọi người trong phòng tại một cuộc tĩnh tâm được triệu tập tại Santa Marta vào ngày 11 tháng Tư năm 2019.

Đức Tổng giám mục Justin Welby của Canterbury, nhà lãnh đạo của Giáo hội Anh và là người “đầu tiên trong số những người bình đẳng” của Hiệp thông Anh giáo toàn cầu, đã có mặt ở đó và nhắc lại: “Mọi người ở đó đều rơi nước mắt, kể cả người quay phim của BBC,” khi họ chứng kiến hành động khẩn cầu này của Kitô giáo.

Tổng thống Kiir và đối thủ của ông, cựu và hiện tại là Phó Tổng thống Riek Machar, nằm trong số những người được chọn cho “nụ hôn hòa bình” của Đức Phanxicô. Đức Phanxicô gần như phủ phục trước các nhà lãnh đạo này để bày tỏ lời yêu cầu sâu xa của ngài rằng họ hãy đoàn kết và vượt qua những khác biệt chính trị nhằm tập trung vào lợi ích của quốc gia.

Cha Barthelemy Bazemo, thuộc Hội Thừa sai Châu Phi và là phó giáo sư tại Trường Đối ngoại thuộc Đại học Georgetown, giải thích về cuộc xung đột từ lâu và ý nghĩa của những hình ảnh này với Register: “Hành trình của Nam Sudan đến quyền tự trị là một kinh nghiệm đầy chông gai và đau đớn.”

Cha nói: “Sau những cuộc nội chiến tàn khốc [giữa miền Bắc Sudan với đa số là người Hồi giáo và miền Nam có đa số người Kitô giáo] năm 1955-1972 và 1983-2005, cuộc trưng cầu dân ý vào tháng Một năm 2011 đã mở đường cho nền độc lập chính trị của Nam Sudan.

Cha Bazemo nói tiếp: “Thật đáng buồn, niềm phấn khởi về thành tích quan trọng đó chỉ tồn tại trong thời gian ngắn khi các cuộc tranh giành quyền lực giữa Tổng thống Kiir và Phó Tổng thống Machar về các vấn đề chưa được giải quyết đối với doanh thu từ dầu mỏ, quyền đại diện sắc tộc và luật công dân đã dẫn đến tình trạng bất ổn chính trị chưa từng có gây khó khăn cho người dân kể từ tháng Mười Hai năm 2013.”

Ông Kiir là người Dinka, nhóm sắc tộc lớn nhất trong nước, trong khi ông Machar đến từ cộng đồng người Nuer lớn thứ hai. Sự cạnh tranh của họ đã biến thành bạo lực sắc tộc, gieo rắc sự tàn phá trên khắp đất nước nghèo khó trong giai đoạn 2013 và 2018.

Ông Machar thậm chí không sống ở Nam Sudan khi tham dự kỳ tĩnh tâm năm 2019. Ông ta bay đến từ Khartoum, Sudan, bởi vì, ông ta nói, ông sợ bị giết ở quê nhà.

Do các mối ràng buộc mới được hình thành ở Roma và những sự khích lệ đa phương, ông Kiir và ông Machar đã thành lập một chính phủ thống nhất vào tháng Hai năm 2020, chính phủ này đã được tổ chức. Cho dù có những trở ngại, bằng chứng về sự tiến bộ bao gồm việc thành lập gần đây lực lượng an ninh thống nhất đầu tiên của quốc gia.

Cuộc hành hương đại kết đầu tiên

Ông John Ashworth, cố vấn lâu năm của Giáo hội và là nhà cựu truyền giáo đã trải qua khoảng 40 năm làm việc ở Nam Sudan. Ông xác nhận rằng Tổng thống Kiir, một người Công giáo vẫn đi lễ, đã “rất xúc động” trước thách đố của Đức Giáo hoàng Phanxicô ở Roma: “Mong rằng việc hết lòng tìm kiếm hòa bình sẽ giải quyết được các tranh chấp, ước mong tình yêu chiến thắng hận thù và mong rằng sự trả thù được hóa giải bằng sự tha thứ.”

Tuy nhiên, ông Ashworth cảnh báo, Tổng thống Kiir bị chôn vùi bởi những lợi ích cạnh tranh với mối lợi dồi dào từ cuộc xung đột liên miên, cũng như các chương trình hành động mang tính cướp bóc của các nước láng giềng. Rất ít nhà quan sát có niềm tin vào tầng lớp chính trị.

Ông Ashworth nói với Register: “Đây không phải là một chuyến viếng thăm của Đức Giáo hoàng, mà là một cuộc hành hương đại kết. Hãy nhớ điều đó.”

Tại Nam Sudan, Đức Phanxicô sẽ được đồng hành cùng với Đức Welby, cũng như đại sứ quốc tế của Giáo hội Scotland, được biết đến trong vai trò là người điều hành Giáo hội, Mục sư Iain Greenshields thuộc Giáo hội Trưởng lão. Đức Thánh Cha gọi đó là một “hành trình đại kết vì hòa bình” trong giờ Kinh Truyền tin Chúa nhật ngày 29 tháng Giêng.

Việc các nhà lãnh đạo Công giáo, Thánh Công hội và Trưởng lão cùng đến có nghĩa là tập hợp lại các tổ chức đại diện cho người dân Nam Sudan đang bị khốn khổ — khoảng 6,7 triệu người trong tổng số 11 triệu dân Kitô giáo. Hơn 600.000 (khoảng 6%) là người Hồi giáo. Dân số còn lại chủ yếu theo thuyết hữu linh truyền thống.

Điều đó cũng có nghĩa là đưa ra một giải pháp thay thế thống nhất cho vòng xoáy bạo lực vô tận mà giới tinh hoa dường như không thể phá vỡ.

Các giám mục Kitô giáo ở Nam Sudan được tôn trọng hơn nhiều so với các nhân vật chính trị, là những người bị người dân lên án vì tình trạng bạo lực, theo “The Religious Landscape in South Sudan” (2019) của Viện Hòa bình Hoa Kỳ.

Trên thước đo về tầm quan trọng đối với tiến trình hòa bình, các tổ chức và chủ thể tôn giáo được mô tả là rất quan trọng (83%) hoặc quan trọng (16%) — gần như là một sự khẳng định thống nhất.

Giống như lời mời mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi tới Đức Thượng phụ Đại kết Chính thống Bartholomew tham gia cuộc gặp gỡ tại Vatican với Tổng thống Shimon Peres của Israeli và Tổng thống Mahmoud Abbas của Palestine vào năm 2014, mục tiêu của Đức Thánh Cha là mở đường cho cuộc đối thoại với đại diện tôn giáo mở rộng.

Đó là một chiến lược nhằm làm giảm bớt sự xuất hiện của Giáo hội Công giáo khi thực hiện một số quyền bính thuộc thể chế, ở một quốc gia mà truyền thống hợp tác đại kết tốt đẹp đã được thực hành trong gần 60 năm.

Sự hiện diện năng động của Công giáo

Bằng chứng về sự thất bại của chính phủ cũng trở nên rõ ràng như bằng chứng về một Giáo hội kiên trì.

Việc tổ chức cuộc hành hương đại kết là một cách để ghi nhận công việc phi thường đang được thực hiện trong nước. Ví dụ, đứng trước rất nhiều nhu cầu khác nhau, các nam nữ tu sĩ Công giáo từ 30 cộng đoàn đã sáng tạo ra một cách thức mới để phục vụ: Được gọi là Liên đới với Nam Sudan, thừa tác vụ cộng tác giữa các dòng tu và tập trung các chương trình chuyên sâu nhất vào việc đào tạo giáo viên, nhân viên chăm sóc sức khỏe và nữ hộ sinh.

Tại Hoa Kỳ, công việc này được điều phối bởi tổ chức Friends in Solidarity. Nữ tu Joan Mumaw, chủ tịch của tổ chức, thuộc Dòng Nữ Tu Tôi tớ Trái tim Vô nhiễm, đã cho Register biết về những việc đã hoàn thành của họ, dù có nhiều trở ngại.

Sơ báo cáo rằng có khoảng 700 giáo viên, được đào tạo hai năm tại trường cao đẳng sư phạm ở Yambo, đã được chứng nhận từ năm 2013 trong khi 290 sinh viên tốt nghiệp Viện Đào tạo Y tế Công giáo ở Wau, chủ yếu là y tá và nữ hộ sinh. Cả hai trường đều nằm cách xa thủ đô Juba.

Thật đáng buồn, hơn 70% trẻ em của đất nước không được đến trường.

(Đại học Công giáo Nam Sudan, một trong những trường danh tiếng nhất của đất nước, đã có từ trước khi giành được độc lập. Trường mở cửa vào năm 2008 theo sáng kiến của hội đồng giám mục Sudan. Trường có hơn 1.800 sinh viên theo học tại Juba và Wau. Trong chiến tranh, đại học này là trường đại học duy nhất mở cửa cho sinh viên sau đại học.)

Sơ Joan nói: “Chúng tôi rất tự hào rằng khoảng 90% sinh viên tốt nghiệp của chúng tôi đang làm việc trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe ở Nam Sudan”. Giáo viên phải đối mặt với sự sắp xếp công việc khó khăn hơn vì chính phủ không trả lương cho họ “vì vậy rất nhiều sinh viên tốt nghiệp cuối cùng đến với các tổ chức phi chính phủ nhưng họ vẫn là những người lãnh đạo trong cộng đồng,” đó là một mục tiêu chính.

Sơ Joan cũng làm nổi bật ích lợi của hai trường khi quy tụ những người từ các vùng miền và nguồn gốc sắc tộc khác nhau đến với nhau: Bởi vì sinh viên sống và làm việc cùng nhau trong nhiều năm, “họ sẽ biết tôn trọng sự khác biệt và coi mình là người Nam Sudan, một dân tộc.”

Sơ Joan sẽ từ nhiệm vào tháng tới. Người thay thế Sơ là Sơ Mumbi Kigutha thuộc Dòng Precious Blood Sisters ở Dayton, Ohio, sẽ có mặt ở Juba khi Đức Thánh Cha Phanxicô đến. Sơ Joan lưu ý: “Đức Giáo hoàng có thể giúp hồi sinh tiến trình hòa bình.

Một vùng ngoại vi trên bờ vực tuyệt vọng

Nam Sudan là quốc gia non trẻ nhất — và nghèo nhất — trên trái đất.

Cuộc nội chiến đã giết chết hơn 400.000 người và khiến hơn 4,5 triệu người khác phải di tản, đẩy một quốc gia vốn đã nghèo đói xuống đáy của tình trạng sức khỏe toàn cầu: Nam Sudan có một trong những quốc gia có tỷ lệ tử vong bà mẹ cao nhất thế giới; 88% phụ nữ không biết đọc hay biết viết; 82% dân số sống trong trong cảnh nghèo đói; và chỉ có 10% được tiếp cận với điều kiện vệ sinh cơ bản.

Hầu như không có một giọt dầu mỏ nào của quốc gia chảy xuống cho công dân của đất nước. Sau nhiều thập kỷ chiến đấu để giải phóng miền Nam khỏi sự kìm kẹp của miền Bắc, tân chính phủ đã thất bại trong việc xoay trục sang xây dựng thể chế và cung cấp dịch vụ. Các tổ chức quốc tế và các tổ chức có nền tảng tôn giáo đã phải thay thế vai trò.

Trong năm ngoái, cuộc xung đột mới cộng với tình trạng lũ lụt tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ đã dẫn đến nguy cơ đói kém cùng cực: 2/3 người dân Nam Sudan đang trải qua tình trạng nạn đói nghiêm trọng, mức độ mất an ninh lương thực cao nhất kể từ năm 2011. Trong khi đó, cuộc chiến ở Ukraine đã chuyển hướng đồng đô la tài trợ sang một cuộc khủng hoảng mới, làm suy giảm phản ứng nhân đạo ở Nam Sudan.

Một số người mô tả cuộc viếng thăm của Đức Giáo hoàng giống như đến một đất nước đang trên bờ vực của thảm họa.

Người ta không thể tưởng tượng được một nơi nào nằm ở ngoại vi hơn nữa, đó chính là nơi mà Đức Phanxicô nói rằng Chúa gọi chúng ta đến. Trong Tông huấn Evangelii Gaudium, ngài viết, “Tất cả chúng ta được yêu cầu tuân theo tiếng gọi của Người để bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân để đến với tất cả các ‘vùng ngoại vi’ đang cần ánh sáng của Tin Mừng.”

Do đó, tình trạng nằm ở ngoài lề của Nam Sudan đã thu hút sự chú ý của Đức Thánh Cha.

Đi bộ hành hương

Có rất nhiều phép lạ nhỏ cho những ai nhìn thấy chúng.

Đây là tin vui: Hai năm trước, Đức Giám mục Christian Carlassare của Rumbek đã bị bắn vào chân bởi những kẻ tấn công lúc nửa đêm đột nhập vào nhà xứ Rumbeck trong một hành động đe dọa kỳ quái. Cần thực hiện nhiều lần phẫu thuật để khôi phục khả năng đi lại của ngài.

Tuy nhiên, vào ngày 25 tháng Một, Đức Cha bắt đầu cuộc đi bộ hành hương kéo dài 9 ngày từ Rumbeck đến Juba, cùng với khoảng 80 bạn trẻ, sinh viên và các thành viên ủy ban công lý và hòa bình.

Đức Cha Carlassare viết trong một email gửi tới Register: “Chúng tôi sẽ đi từ giáo xứ này sang giáo xứ khác trên lộ trình để chia sẻ thông điệp về sự hiệp thông và hòa giải của Đức Thánh Cha”.

Đức Cha giải thích: “Đức Thánh Cha hiện đang đến như một người hành hương hòa bình cùng với các nhà lãnh đạo tôn giáo của các tông phái Kitô giáo khác. Ngài thách đố từng người Nam Sudan cùng tham gia với ngài trong một cuộc hành hương này. Hòa bình không phải là mục tiêu của cuộc hành trình, mà là chính cuộc hành trình”.

Ngài mô tả sự chú ý của Đức Phanxicô là “mang lại cho chúng tôi sức mạnh và lòng can đảm rất lớn,” với những kết quả tích cực trong tương lai.

Đức Cha nói: “Người ta sẽ mạnh dạn đấu tranh cho hòa bình hơn và sẽ không dễ dàng bị thao túng bởi những cá nhân bạo lực. Chính phủ sẽ nỗ lực hơn nữa để thực hiện các thỏa thuận của tiến trình hòa bình và sẵn sàng đối thoại nhiều hơn giữa các bên. Các nhà lãnh đạo Giáo hội sẽ tiếp tục công bố Tin mừng rằng Chúa Giêsu Kitô đã hòa giải chúng ta với nhau.”

Đức Giám mục Carlassare kết thúc thông điệp đầy hy vọng của ngài với lời cầu nguyện rằng: “Việc giải trừ quân bị bắt đầu từ việc giải trừ quân bị tâm hồn chúng ta…”

Hòa giải, đồng thời chống lại sự cướp phá

Tầm nhìn của Đức Giám mục Carlassare không phải là xa vời. Đức Giáo hoàng Phanxicô đã đến thăm Kenya vào năm 2015. Bài diễn từ của ngài chống chủ nghĩa bộ lạc kêu gọi mọi người trong sân vận động nắm tay nhau, lan tỏa khắp nền văn hóa quốc gia và giúp ngăn chặn một cuộc bầu cử tổng thống chia cắt đất nước.

Nhiều giáo sĩ Công giáo ở Nam Sudan hy vọng cuộc hành hương sẽ gây được tiếng vang ở nhiều cấp độ.

Cha Jim Greene thuộc dòng truyền giáo Châu Phi đã chia sẻ điều này với Register, “Chúng tôi hy vọng rằng Đức Thánh Cha cũng sẽ nói về sự hòa giải, không chỉ ở cấp độ chính trị và quốc gia. Ngài cần nói về sự hòa giải giữa những người hàng xóm, giữa những người thuộc các sắc tộc khác nhau, và đặc biệt là về sự hòa giải nội tâm với những biến cố trong quá khứ.”

Chắc chắn, Đức Giáo Hoàng sẽ nhắc đi nhắc lại lời kêu gọi hòa giải.

Đồng thời, ngài đang chuẩn bị phê phán gay gắt nạn cướp phá lục địa vốn đã bị vơ vét kiệt quệ.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong một cuộc phỏng vấn ngày 15 tháng Mười Hai: “Có một điều mà chúng ta phải lên án: có một sự vô thức tập thể… nói rằng Châu Phi là để bóc lột. Lịch sử đã cho chúng ta biết như vậy, với nền độc lập đã đi được nửa chặng đường. Người ta trao cho họ sự độc lập về kinh tế từ mặt đất trở lên, nhưng người ta giữ lại lòng đất để bóc lột nó, chúng tôi nhìn thấy ác tâm của các quốc gia khác khi chiếm đoạt tài nguyên của Châu Phi.”


[Nguồn: ncregister]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 1/2/2023]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét