Chủ Nhật, 4 tháng 6, 2023

“Hướng đến sự hiện diện trọn vẹn. Suy tư mục vụ về sự tham gia trên các mạng xã hội”, 29.05.2023 (Phần 2)

 “Hướng đến sự hiện diện trọn vẹn. Suy tư mục vụ về sự tham gia trên các mạng xã hội”, 29.05.2023 (Phần 2)

“Hướng đến sự hiện diện trọn vẹn. Suy tư mục vụ về sự tham gia trên các mạng xã hội”, 29.05.2023

PHẦN 2

*******

BỘ TRUYỀN THÔNG

Hướng tới sự hiện diện trọn vẹn
Suy tư mục vụ về sự tham gia trên các mạng xã hội


II. Từ nhận thức đến gặp gỡ thực sự
Học từ người có lòng trắc ẩn (xem Lc 10:33).

Người nghe có chủ ý

25) Suy tư về sự tham gia của chúng ta trên các mạng xã hội bắt đầu từ nhận thức về cách thức hoạt động của các mạng này cũng như những cơ hội và thách đố mà chúng ta gặp phải trong đó. Nếu các mạng xã hội trực tuyến mang tính cám dỗ vốn có đối với chủ nghĩa cá nhân và sự tự đề cao bản thân, như được mô tả trong chương trước, thì dù muốn hay không chúng ta không bị lên án khi rơi vào những thái độ này. Người môn đệ đã gặp được ánh mắt đầy thương xót của Chúa Kitô cảm nhận được một điều khác. Người đó biết rằng sự giao tiếp tốt đẹp bắt đầu từ việc lắng nghe và ý thức rằng một người đang ở trước mặt tôi. Lắng nghe và ý thức nhằm thúc đẩy sự gặp gỡ và vượt qua những trở ngại hiện có, kể cả trở ngại của sự thờ ơ. Lắng nghe theo cách này là một bước vô cùng quan trọng để thu hút người khác; nó là thành phần đầu tiên không thể thiếu cho truyền thông và là một điều kiện cho việc đối thoại thật sự.[13]

26) Trong dụ ngôn Người Samari tốt lành, người đàn ông bị đánh đập và bỏ mặc cho chết đã được giúp đỡ bởi một người ít được mong đợi nhất: vào thời Chúa Giêsu, người Do Thái và người Samari thường xảy ra mâu thuẫn. Nếu có điều gì xảy ra thì sự thù địch sẽ là hành vi xảy đến. Tuy nhiên, người Samari không xem người bị đánh kia là một “người khác”, mà chỉ là người cần được giúp đỡ. Ông cảm thấy thương xót, đặt mình vào tình cảnh của người khác; và đã dành hết mình, thời gian và tiền bạc để lắng nghe và đồng hành với người mà ông gặp.[14]

27) Câu chuyện dụ ngôn có thể truyền cảm hứng cho các mối quan hệ trên mạng xã hội vì nó minh họa khả năng xảy ra sự gặp gỡ có ý nghĩa sâu sắc giữa hai người hoàn toàn xa lạ. Người Samari đã phá vỡ “sự chia rẽ xã hội”: ông vượt qua ranh giới của sự đồng thuận và bất đồng. Trong khi thầy tư tế và thầy Lêvi chỉ đi ngang qua người đàn ông bị thương, thì người lữ khách Samari nhìn thấy người kia và động lòng trắc ẩn (x. Lc 10:33). Lòng trắc ẩn có nghĩa là cảm thấy người khác là một phần của tôi. Người Samari lắng nghe câu chuyện của người đàn ông; ông ấy đến gần vì ông xúc động trong lòng.

28) Tin Mừng Thánh Luca không ghi lại bất kỳ lời đối thoại nào giữa hai người. Chúng ta có thể tưởng tượng cảnh người Samari tìm thấy người đàn ông bị thương và có lẽ hỏi ông ta: “Chuyện gì xảy ra với ông vậy?” Nhưng ngay cả khi không có lời nói, qua thái độ cởi mở và hiếu khách của người Samari, một cuộc gặp gỡ bắt đầu. Cử chỉ đầu tiên đó là cách thể hiện sự quan tâm, và điều này vô cùng quan trọng. Khả năng lắng nghe và sẵn sàng đón nhận câu chuyện của người khác mà không quan tâm đến những định kiến về văn hóa thời bấy giờ đã giúp người đàn ông bị thương tích không bị bỏ mặc đến chết.

29) Sự tương tác giữa hai người thôi thúc chúng ta thực hiện bước đầu tiên trong thế giới kỹ thuật số. Chúng ta được mời gọi nhìn thấy giá trị và phẩm giá của những người có sự khác biệt với chúng ta. Chúng ta cũng được mời gọi có cái nhìn xa hơn mạng lưới an toàn, những giới hạn và bong bóng của chúng ta. Trở thành một người lân cận trong môi trường mạng xã hội đòi hỏi sự chủ tâm. Và tất cả bắt đầu với khả năng lắng nghe chăm chú, để cho thực tế của người khác chạm đến chúng ta.

Cướp mất sự chú ý của chúng ta

30) Lắng nghe là một kỹ năng căn bản cho phép chúng ta đi vào các mối tương quan với người khác, chứ không chỉ là tham gia vào việc trao đổi thông tin. Tuy nhiên, các thiết bị của chúng ta thừa mứa thông tin. Chúng ta thấy mình bị chìm ngập trong một mạng lưới thông tin, kết nối với người khác qua những bài đăng được chia sẻ bằng văn bản, hình ảnh và âm thanh. Các nền tảng mạng xã hội cho phép chúng ta cuộn liên tục khi khám phá bối cảnh này. Mặc dù video và âm thanh chắc chắn làm tăng thêm tính phong phú của phương tiện truyền thông kỹ thuật số, nhưng những tương tác gián tiếp của chúng ta với nhau vẫn còn hạn chế. Chúng ta thường bắt gặp thông tin một cách nhanh chóng và không có ngữ cảnh đầy đủ và cần thiết. Chúng ta có thể phản ứng cách dễ dàng và nhanh chóng với thông tin trên màn hình mà không cần tìm kiếm trọn vẹn câu chuyện.

31) Lượng thông tin dồi dào này có nhiều lợi ích: khi chúng ta là một phần của mạng lưới, thông tin sẽ được truy cập nhanh chóng và rộng rãi cũng như được cá nhân hóa theo sở thích của chúng ta. Chúng ta có thể có được thông tin thực tế, duy trì những kết nối xã hội, khám phá các tài nguyên, đào sâu và mở rộng kiến thức của mình. Việc dễ dàng tiếp cận thông tin và liên lạc cũng có khả năng tạo ra những không gian hòa nhập trao tiếng nói cho những người trong cộng đồng của chúng ta, những người bị gạt ra ngoài lề do bất công xã hội hoặc kinh tế.

32) Đồng thời, nguồn thông tin vô tận sẵn có cũng tạo ra một số thách thức. Chúng ta gặp phải tình trạng quá tải thông tin vì khả năng xử lý nhận thức của chúng ta bị ảnh hưởng bởi lượng thông tin sẵn có quá mức cho chúng ta. Theo cách tương tự, chúng ta gặp phải tình trạng quá tải trong tương tác xã hội vì chúng ta phải chịu mức độ chào mời xã hội quá nhiều. Các trang web, các ứng dụng và nền tảng khác nhau được lập trình để đánh vào khao khát được công nhận của chúng ta, và chúng không ngừng tranh giành sự chú ý của mọi người. Sự chú ý đã trở thành tài sản và mặt hàng quý giá nhất.

33) Trong môi trường này, sự chú ý của chúng ta không tập trung, khi chúng ta cố gắng điều hướng mạng lưới tương tác xã hội và thông tin tràn ngập này. Thay vì tập trung vào một vấn đề tại một thời điểm, sự chú ý phân mảnh liên tục của chúng ta nhanh chóng chuyển từ chủ đề này sang chủ đề khác. Trong tình trạng “luôn bật”, chúng ta đối mặt với cám dỗ phải đăng tải ngay lập tức, vì về mặt sinh lý chúng ta bị cuốn vào sự kích thích của kỹ thuật số, luôn muốn có nhiều nội dung hơn khi liên tục cuộn xuống, và thấy thất vọng khi thiếu thông tin cập nhật. Một thách đố đáng kể về nhận thức của văn hóa kỹ thuật số là chúng ta mất khả năng suy nghĩ sâu sắc và có chủ đích. Chúng ta lướt qua trên mặt và dừng lại trên bề mặt nông cạn, thay vì suy ngẫm sâu sắc về thực tại.

34) Chúng ta phải lưu tâm hơn về vấn đề này. Không có sự thinh lặng và không gian để suy nghĩ chậm rãi, sâu sắc và có chủ đích, chúng ta có nguy cơ mất đi không chỉ khả năng nhận thức mà còn cả chiều sâu của những tương tác giữa con người và Thiên Chúa. Không gian để chú tâm lắng nghe, chú ý và phân định sự thật đang trở nên hiếm hoi.

Tiến trình được gọi là chú ý-quan tâm-ham muốn-hành động, được các nhà quảng cáo biết rõ, tương tự như tiến trình cám dỗ xâm nhập vào tâm hồn con người và lôi kéo sự chú ý của chúng ta ra khỏi Lời duy nhất thực sự có ý nghĩa và mang lại sự sống, đó là Lời Chúa. Bằng cách này hay cách khác, chúng ta vẫn đang chú ý đến con rắn xưa kia, kẻ chỉ cho chúng ta thấy những trái cây mới mỗi ngày. Chúng có vẻ “ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn” (St 3:6). Như những hạt giống rơi ở vệ đường, nơi Lời được gieo xuống, chúng ta để cho ma quỷ đến cướp đi Lời đã được gieo trong chúng ta (x. Mc 4:14-15).

35) Với quá nhiều tác nhân kích thích và dữ liệu mà chúng ta nhận được, sự thinh lặng là một thứ quý giá, vì nó bảo đảm không gian cho sự tập trung và phân định.[15] Động lực tìm kiếm sự thinh lặng trong văn hóa kỹ thuật số nâng cao tầm quan trọng của việc tập trung và lắng nghe. Trong môi trường giáo dục hoặc làm việc cũng như trong gia đình và cộng đồng, nhu cầu thoát mình ra khỏi các thiết bị kỹ thuật số ngày càng lớn. “Thinh lặng” trong trường hợp này có thể được so sánh với việc “cai nghiện kỹ thuật số”, không đơn thuần là rút lui mà là một cách để gắn kết sâu sắc hơn với Thiên Chúa và với tha nhân.

36) Việc lắng nghe phát xuất từ sự thinh lặng và là nền tảng cho sự quan tâm đến người khác. Bằng cách lắng nghe, chúng ta chào đón một ai đó, chúng ta bày tỏ lòng hiếu khách và thể hiện sự tôn trọng với người đó. Lắng nghe cũng là một hành động khiêm nhường từ phía chúng ta, khi chúng ta chân nhận sự thật, sự khôn ngoan và giá trị vượt ra ngoài tầm nhìn hạn chế của bản thân. Nếu không có tâm hồn lắng nghe, chúng ta không thể nhận được món quà của người khác.

Bằng đôi tai của trái tim

37) Với tốc độ và tính tức thời của văn hóa kỹ thuật số, nó kiểm tra sự chú ý và khả năng tập trung của chúng ta, thì việc lắng nghe càng trở nên quan trọng hơn trong đời sống tinh thần của chúng ta. Một cách tiếp cận chiêm niệm là phản văn hóa, thậm chí mang tính tiên tri, và có thể đào tạo không chỉ cho con người mà còn cho toàn bộ nền văn hóa.

Cam kết lắng nghe trên các mạng xã hội là khởi điểm căn bản để hướng tới một mạng lưới không quá quan tâm đến số lượng byte, hình đại diện và “lượt thích” nhưng quan tâm đến con người.[16] Theo cách này, chúng ta chuyển từ phản ứng nhanh, giả định sai lầm và nhận xét hấp tấp thành những cơ hội đối thoại, đặt câu hỏi để tìm hiểu thêm, thể hiện sự quan tâm và lòng trắc ẩn cũng như nhận ra phẩm giá của những người chúng ta gặp.

38) Văn hóa kỹ thuật số đã tăng đáng kể khả năng tiếp cận của chúng ta với những người khác. Điều này cũng cho chúng ta cơ hội lắng nghe nhiều hơn. Thông thường, khi nói về việc “lắng nghe” trên mạng xã hội, người ta nhắc đến các quy trình giám sát dữ liệu, thống kê mức độ tương tác và các hành động nhằm phân tích tiếp thị các hành vi xã hội hiện diện trên mạng. Tất nhiên, điều này là không đủ để mạng xã hội trở thành một môi trường lắng nghe và đối thoại. Lắng nghe có chủ đích trong bối cảnh kỹ thuật số đòi hỏi phải lắng nghe bằng “đôi tai của trái tim”. Lắng nghe bằng “đôi tai của trái tim” vượt ngoài khả năng nghe âm thanh về mặt thể chất. Thay vào đó, nó thúc đẩy chúng ta mở lòng với người khác với toàn bộ con người chúng ta: một sự mở rộng trái tim khiến cho sự gần gũi trở nên khả thi.[17] Đó là tư thế của sự chăm chú và lòng hiếu khách, là nền tảng để thiết lập sự giao tiếp. Sự khôn ngoan này không chỉ áp dụng cho việc cầu nguyện chiêm niệm mà còn cho những người đang tìm kiếm các mối quan hệ đích thực và cộng đồng đích thực. Mong muốn được ở trong mối tương quan với những người khác và với Thiên Chúa vẫn là một nhu cầu căn bản của con người, một nhu cầu cũng thể hiện rõ trong mong muốn được kết nối trong văn hóa kỹ thuật số.[18]

39) Đối thoại nội tâm và một mối tương quan với Thiên Chúa, được thực hiện nhờ món quà đức tin của Thiên Chúa, là điều cần thiết cho phép chúng ta phát triển khả năng lắng nghe tốt. Lời Chúa cũng có một vai trò nền tảng trong cuộc đối thoại nội tâm này. Việc lắng nghe Lời Chúa trong Kinh Thánh trong tinh thần cầu nguyện qua việc thực hành đọc các văn bản Kinh Thánh, chẳng hạn như trong lectio divina, có thể hình thành cách sâu sắc vì nó cho phép một trải nghiệm chậm rãi, khoan thai và suy tư.[19]

40) “Lời Chúa trong ngày” hoặc “Tin mừng trong ngày” là một trong những chủ đề được người Kitô hữu tìm kiếm nhiều nhất trên Google và có thể nói rằng môi trường kỹ thuật số đã mang đến cho chúng ta nhiều khả năng mới và dễ dàng hơn để “gặp gỡ” thường xuyên với Lời Chúa. Sự gặp gỡ của chúng ta với Lời Chúa hằng sống, ngay cả trên mạng, sẽ thay đổi cách tiếp cận của chúng ta từ việc xem thông tin trên màn hình sang gặp một người đang kể câu chuyện. Nếu chúng ta ghi nhớ rằng chúng ta đang kết nối với những người khác đằng sau màn hình, thì việc luyện tập lắng nghe có thể mở rộng lòng hiếu khách trước những câu chuyện của người khác và bắt đầu tạo dựng các mối quan hệ.

Phân định sự hiện diện trên mạng xã hội của chúng ta

41) Theo cái nhìn của đức tin, truyền thông cái gì và truyền thông như thế nào không chỉ là một vấn đề thực tế mà còn là một vấn đề thiêng liêng. Có mặt trên các nền tảng truyền thông xã hội thúc đẩy sự phân định. Giao tiếp tốt trong những bối cảnh này là một bài luyện tập sự thận trọng và kêu gọi sự cân nhắc cầu nguyện về cách tương tác với những người khác. Tiếp cận câu hỏi này qua lăng kính câu hỏi của người kinh sư, “Ai là người lân cận của tôi?” kêu gọi sự phân định về sự hiện diện của Thiên Chúa trong cách và qua cách chúng ta liên hệ với nhau trên các nền tảng truyền thông xã hội.

42) Trên các mạng xã hội, lân cận là một khái niệm phức tạp. “Người lân cận” trên mạng xã hội rõ ràng là những người chúng ta duy trì kết nối. Đồng thời, người lân cận của chúng ta cũng thường là những người chúng ta không thể nhìn thấy, vì các nền tảng ngăn chúng ta không nhìn thấy họ hoặc đơn giản là vì họ không có ở đó. Môi trường kỹ thuật số cũng được chia sẻ bởi những người tham gia khác, chẳng hạn như “internet bots” và “deepfakes”, các chương trình lập trình tự động hoạt động trực tuyến với các nhiệm vụ được giao, thường mô phỏng hành động của con người hoặc thu thập dữ liệu.

Ngoài ra, các nền tảng truyền thông xã hội được kiểm soát bởi một “cơ quan có thẩm quyền” bên ngoài, thường là một tổ chức tìm kiếm lợi nhuận phát triển, quản lý và thực hiện những thay đổi về cách nền tảng được lập trình để hoạt động. Theo nghĩa rộng hơn, tất cả những thứ này đều “sống trong” hoặc đóng góp vào “sự lân cận” trên mạng.

43) Nhận ra người lân cận trong môi trường kỹ thuật số của chúng ta là nhận ra rằng cuộc sống của mỗi người đều liên quan đến chúng ta, ngay cả khi sự hiện diện (hoặc vắng mặt) của người đó được điều khiển bởi các phương tiện kỹ thuật số. Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong Tông huấn Laudato si’: “Các phương tiện truyền thông ngày nay cho phép chúng ta giao tiếp và chia sẻ kiến thức cũng như tình cảm của chúng ta, nhưng đôi khi chúng cũng che chắn chúng ta không tiếp xúc trực tiếp với những nỗi đau, nỗi sợ hãi và niềm vui của người khác và tính phức tạp trong những kinh nghiệm cá nhân của họ.”[20] Trở thành người lân cận trên các mạng xã hội có nghĩa là hiện diện với câu chuyện của người khác, đặc biệt là những người đang đau khổ. Nói cách khác, chủ trương môi trường kỹ thuật số tốt hơn không có nghĩa là không đặt trọng tâm vào các vấn đề cụ thể mà nhiều người gặp phải – ví dụ như tình trạng đói, nghèo, di cư cưỡng bức, chiến tranh, bệnh tật và cô đơn. Ngược lại, nó có nghĩa là chủ trương một tầm nhìn toàn diện về đời sống con người ngày nay, bao gồm cả lĩnh vực kỹ thuật số. Trên thực tế, mạng xã hội có thể là một cách để thu hút sự chú ý nhiều hơn đến những thực tế này và xây dựng tình liên đới giữa những người gần xa.44) Khi xem các mạng xã hội như một không gian không chỉ dành cho những kết nối nhưng là các mối quan hệ, thì việc “kiểm tra lương tâm” thích đáng về sự hiện diện của chúng ta trên mạng xã hội phải bao gồm ba mối tương quan chính: với Thiên Chúa, với người lân cận và với môi trường xung quanh chúng ta.[21] Mối tương quan của chúng ta với tha nhân và môi trường phải nuôi dưỡng mối tương quan với Thiên Chúa, và mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa là quan trọng nhất, phải được nhìn thấy cụ thể trong mối tương quan của chúng ta với tha nhân và với môi trường của chúng ta.

(Xin xem tiếp Phần 3)

_______________________________________________


[13] Message of His Holiness Pope Francis for the 56th World Day of Social Communications, “Listening with the Ear of the Heart” (24 January 2022).

[14] Fratelli tutti, 63.

[15] “If we are to recognize and focus upon the truly important questions, then silence is a precious commodity that enables us to exercise proper discernment in the face of the surcharge of stimuli and data that we receive”. Message of His Holiness Pope Benedict XVI for the 46th World Communications Day, “Silence and Word: Path of Evangelization” (24 January 2012).

[16] Message of Pope Francis for the 48th World Communications Day, “Communication at the Service of an Authentic Culture of Encounter” (24 January 2014).

[17] Message of Pope Francis for the 56th World Communications Day, “Listening with the Ear of the Heart” (24 January 2022); Evangelii gaudium, 171.

[18] “When seeking true communication, the first type of listening to be rediscovered is listening to oneself, to one’s truest needs, those inscribed in each person’s inmost being. And we can only start by listening to what makes us unique in creation: the desire to be in relationship with others and with the Other”. Message of Pope Francis for the 56th World Communications Day, “Listening with the Ear of the Heart” (24 January 2022).

[19] Verbum Domini, 86-87.

[20] Laudato si’, 47.

[21] Cf. Laudato si’, 66.

_______________________________________________


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 2/6/2023]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét