10 con số ngạc nhiên mô tả Giáo hội Công giáo ở Mông Cổ
Kertu/Shutterstock
Một nhóm thợ săn đại bàng truyền thống của Kazakhstan phi ngựa qua vũng nước cùng với những con đại bàng vàng Ulgii Mông Cổ.
30/08/23
Những con số này giúp chúng ta hiểu được tầm mức của cộng đồng Công giáo và mối liên hệ của cộng đồng với người dân ở Mông Cổ.
Từ ngày 31 tháng Tám đến ngày 4 tháng Chín năm 2023, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến thăm Mông Cổ, quốc gia với cộng đồng Công giáo nhỏ bé. Để giúp bạn hiểu rõ hơn về chuyến đi này, I.MEDIA điểm qua tình hình thực tế của Kitô giáo tại đất nước rộng lớn có truyền thống Phật giáo này.
31: số năm người Công giáo có mặt ở đất nước này tính đến thời điểm hiện tại. Các nhà truyền giáo đầu tiên, thành viên của Dòng Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội Đức Mẹ (CICM) hay còn gọi là Dòng Scheutists, đã đến Mông Cổ vào năm 1992. Các nữ tu đầu tiên đến đây vào năm 1995. Vị giám mục đầu tiên, Đức Cha Wenceslao Selga Padilla, được thụ phong linh mục năm 2003, một năm sau đó khu truyền giáo sui iuris trước đây ở Ulaanbaatar đã được nâng lên hạt phủ doãn tông tòa.
1.500: số người Công giáo ở Mông Cổ, theo ông Matteo Bruni, Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh. Tính đến ngày 31 tháng Mười Một năm 2022, Niên giám Tòa Thánh thống kê có 1.394 người. Người Công giáo chiếm khoảng 0,04% dân số Mông Cổ, và quốc gia này trở thành một trong những quốc gia có ít người Công giáo nhất trên thế giới. Năm 1992, không có người Công giáo nào được ghi nhận chính thức trong nước. Năm 2012, có 725 người.
Tuy nhiên, Mông Cổ không phải là quốc gia có ít người Công giáo nhất mà Đức Thánh Cha Phanxicô từng đến thăm: Năm 2016, Đức Thánh Cha đến thăm Azerbaijan, quốc gia với dân số Công giáo chỉ giới hạn ở 560 người (600 người vào năm 2023).
(Niên giám Tòa Thánh 1992-2012-2016-2023)
63.600: Số người Kitô hữu ở Mông Cổ. Phần lớn là người Tin lành (36.100) và người theo phái Phúc âm hoặc các nhóm liên kết (23.000). Giáo hội Chính thống Nga có 2.650 người. Người Kitô hữu chiếm 2,1% dân số Mông Cổ, so với 3% người Hồi giáo dòng Sunni, 3% theo các tôn giáo truyền thống và 53% là Phật tử. 39% dân số còn lại là người vô thần hoặc bất khả tri.
(số liệu Tòa Thánh)
Cha Giuse Enkh-Baatar, linh mục Công giáo Mông Cổ đầu tiên được thụ phong trong thời hiện đại
25: Số linh mục chính thức ở Mông Cổ, theo Tòa thánh. Có sáu linh mục triều (nghĩa là họ không là thành viên của các dòng tu), trong đó có hai linh mục bản địa; một được thụ phong năm 2022. 19 linh mục còn lại là những nhà truyền giáo thuộc các dòng tu. Họ thuộc các dòng truyền giáo Scheutist, Consolata hoặc Salêdiêng. Giáo phận còn có các linh mục Fidei donum.
(Niên giám Tòa thánh 2023)
10: Số giáo xứ ở Mông Cổ vào năm 2023 theo Hạt phủ doãn. Thống kê của Tòa Thánh chỉ có tám, một dấu hiệu cho thấy có hai giáo xứ mới được mở gần đây, I.MEDIA đã biết được từ các nguồn tin Công giáo Mông Cổ. Giáo hội Công giáo chính thức chỉ có một nhà thờ duy nhất là Nhà thờ Thánh Phêrô và Phaolô ở Ulaanbaatar. Tuy nhiên, trên thực tế, thủ đô với 1,4 triệu dân (chiếm 43% dân số cả nước) có 5 giáo xứ khác, hai ở các thị trấn phía bắc là Darkhan và Erdenet, một ở Arvaikheer thuộc miền trung và một ở Zuunmod trong vùng ngoại ô của thủ đô.
57: Số nam nữ tu sĩ hiện diện tại Phủ doãn Tông tòa Ulaanbaatar. 24 nam tu sĩ, 33 nữ tu. Con số này bao gồm các Dòng Scheutist, Dòng truyền giáo Consolata, Dòng Salêdiêng, Dòng Tên, Dòng Thừa sai Bác ái (Mẹ Têrêsa), Dòng Nữ truyền giáo Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội Đức Mẹ (De Jacht), Dòng Nữ Thánh Phaolô de Chartres, và các nữ tu thuộc dòng INBO Hàn Quốc. Theo AsiaNews, gần một phần ba số nhà truyền giáo ở Mông Cổ là người gốc Hàn quốc. Các giáo dân người Ba Lan thuộc phong trào Promisja cũng có mặt.
54: Số lượng các hiệp hội do Giáo hội Công giáo Mông Cổ điều hành. Gần 50 — cụ thể là 48 trong số đó là các hiệp hội bác ái phục vụ những người nghèo nhất hoặc dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là người khuyết tật. Sáu hiệp hội thuộc lãnh vực giáo dục.
(Số liệu Tòa thánh)
6: Giáo phận hiện có 6 chủng sinh. Một số người đang tu học tại Hàn Quốc.
35: Số người được rửa tội ở Mông Cổ năm 2022, giảm so với năm 2012 (69). Theo một số nhà truyền giáo được I.MEDIA phỏng vấn, nguyên nhân của sự sụt giảm này là do sự cạnh tranh gay gắt từ một số nhà thờ Tin lành và Phúc âm, nhưng trên hết là do sự xuất hiện của xã hội tiêu dùng ở Mông Cổ.
(Niên giám Tòa Thánh 2012-2023)
16: Kể từ khi luật tôn giáo được thông qua vào năm 2020, các nhà truyền giáo bị cấm dạy giáo lý cho trẻ em dưới 16 tuổi mà không có sự đồng ý của cha mẹ. Ngoài ra, giáo lý phải được dạy trong các nhà thờ và các cơ sở chính thức của Giáo hội, và vì thế không được dạy trong các trường học hoặc các hiệp hội bác ái. Các linh mục không được phép thể hiện dấu hiệu nhận biết bên ngoài nhà thờ.
Theo một số nguồn tin tôn giáo Mông Cổ được I.MEDIA phỏng vấn, chính phủ đã lợi dụng thời kỳ hậu Covid để thắt chặt kiểm soát các tôn giáo “không thuộc Mông Cổ”. Tuy nhiên, ông Matteo Bruni cho biết những cuộc đàm phán giữa Tòa Thánh và chính phủ Mông Cổ đang được tiến hành để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà truyền giáo Công giáo đến.
[Nguồn: aleteia]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 1/9/2023]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét