Thứ Ba, 21 tháng 3, 2023

Đi theo Đường mòn Chúa Giêsu từ Nadarét đến Caphácnaum

Đi theo Đường mòn Chúa Giêsu từ Nadarét đến Caphácnaum

Đi theo Đường mòn Chúa Giêsu từ Nadarét đến Caphácnaum

Inma Alvarez - Daniel Esparza

18/03/23


Đường mòn Chúa Giêsu là một tuyến đường hành hương chạy từ Nadarét đến Caphácnaum, theo những bước chân cuộc đời công khai của Chúa Giêsu.

Khách du lịch lang thang quanh Thánh địa thường đi bằng xe buýt. Họ đến thăm một số địa danh, xuống xe buýt, ngắm cảnh xung quanh, cầu nguyện, mua một ít quà lưu niệm, và trở lại chỗ ngồi của mình. Việc đó chẳng có gì sai, nhưng kinh nghiệm của Chúa Giêsu lại hoàn toàn khác. Tin mừng theo Thánh Matthêu nói rằng Ngài “đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền”. Khi đó không có xe buýt, nên việc ngài đi bộ qua khắp các vùng đất là điều đương nhiên – đó là trải nghiệm mà Đường mòn Chúa Giêsu dự định mang đến.

Có điều gì đó hoàn toàn giống như trong Kinh thánh khi đi bộ từ thị trấn này sang thị trấn khác. Nó bao hàm việc gặp gỡ những con người trên đường – và không chỉ đến thăm các địa điểm cụ thể, tuy nhiên chúng có thể rất quan trọng. Trên thực tế, người Kitô giáo cũng như những người không phải Kitô giáo thường háo hức muốn biết thêm về con Người đã đi bộ từ thị trấn này sang thị trấn khác để rao giảng thông điệp về tình yêu và sự tha thứ – cũng như về những nơi Ngài đã đến thăm.

Đó là trường hợp của hai chuyên gia leo núi Maoz Inon (một người Do Thái gốc Israel) và Dave Landis (một Kitô hữu người Mỹ). Họ cùng nhau bắt đầu một trải nghiệm độc đáo ở Đất Thánh: Đường mòn Chúa Giêsu, một tuyến đường hành hương chạy từ Nadarét đến Caphácnaum, theo những dấu chân trong cuộc đời công khai của Chúa Giêsu.


Vista del Mar de Galilea desde el Monte Arbel, Jesus Trail

Ý tưởng ra đời sau khi Inon và Landis đi bộ trên Đường mòn Quốc gia của Israel, một tuyến đường băng qua đất nước từ bắc xuống nam, có rất nhiều điểm nhắc đến và địa danh trong Kinh thánh. Trong một cuộc phỏng vấn với Aleteia, họ đã giải thích tầm nhìn chung của họ:

“Chúng tôi muốn tạo ra một tuyến đường để mọi người có thể đi trên những con đường mà chính Chúa Giêsu đã đi. Nghe có vẻ hơi đơn giản phải không? Nhưng có điều là người hành hương thường đến Thánh địa trên một chiếc xe buýt du lịch, có hướng dẫn viên. Bạn xuống xe, bạn đi bộ đến địa điểm, và trở lại xe buýt. Bạn bước vào trong xe có điều hòa nhiệt độ. Bạn thực sự không được gặp những con người, kết nối với người dân địa phương. Và tôi nghĩ về điều mà cả hai chúng tôi đều cảm nhận được trong chuyến đi của mình là chúng tôi có thể tạo ra điều gì đó để mọi người không chỉ bước đi trên đường mà còn hiểu biết về con người, những khác biệt, những đặc điểm của họ – đó là một cách khác để tìm hiểu địa điểm, và liên hệ bản thân với lịch sử lâu dài, phức tạp của nó.”


Đường mòn Chúa Giêsu: Không chỉ Nadarét và Caphácnaum

Lộ trình đi theo con đường mà chắc hẳn Chúa Giêsu đã hơn một lần sải những bước chân từ quê hương của Người đến quê hương của Thánh Phêrô – nghĩa là từ Nadarét đến Capharnaum. Con đường dài 64 kilômét (40 dặm), tất cả đều được gắn biển chỉ dẫn thích hợp, và đi qua một số địa điểm không chỉ thân thương với người Kitô giáo mà còn với các truyền thống theo tổ phụ Abraham khác: Zippori, Mash'da (địa điểm truyền thống cho là nơi sinh của tiên tri Giôna) , Magdala, Tabga (nơi phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều diễn ra), Núi Bát Phúc, đến tận Caphácnaum, băng qua thung lũng Yizreel màu mỡ, đồi Arbel, sừng Hattin, cho đến tận miền tây bắc bờ biển hồ Galilê. Dự án được hỗ trợ bởi Ủy ban Đường mòn Israel thuộc Hiệp hội Bảo vệ Thiên nhiên ở Israel (ASPNI) và vùng Galilê Hạ.


Một đường mòn bao trùm cuộc đời công khai của Chúa Giêsu

Còn có một con đường mòn khác do Bộ Du lịch Israel mở, đi theo lộ trình tương tự – Đường mòn Tin mừng. Tuy nhiên, trải nghiệm mà hai cung đường này mang đến rất khác nhau. Như Landis giải thích, “những người chọn Đường mòn Chúa Giêsu vì nó mang lại cơ hội khá đặc biệt: cơ hội gặp gỡ những người giống như Chúa Giêsu đã gặp, ở nơi Ngài đã gặp.”

“Khi đi ngang qua những khu vườn ô-liu ở Galilê, bạn sẽ nhìn thấy những người chăn chiên đang chăm sóc đàn chiên của họ. Bạn thấy một gia đình địa phương đang có buổi dã ngoại, và bạn có cảm giác đang nhìn thấy những điều mà Chúa Giêsu đã thấy khi Ngài đi qua các vùng đất, gặp gỡ những người từ các cộng đồng khác nhau, từ các tầng lớp xã hội khác nhau. Chắc chắn chúng khác nhau về thời gian, nhưng trải nghiệm vẫn giống nhau. Nó là cùng một cảm giác, cùng địa điểm, cùng một sự hào hứng, cùng một câu chuyện. Đó là ý nghĩa của nó đối với tôi,” Inon giải thích.

“Tôi nghĩ về việc Chúa Giêsu sẽ gặp kẻ thù của Người, và đó là phần quan trọng nhất trong tất cả. Vâng, có lẽ Ngài đã hành động nguy hiểm vì yêu thương kẻ thù và đón nhận lòng hiếu khách của những người lạ,” Landis nói thêm.



[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 20/3/2023]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét