Thứ Hai, 1 tháng 4, 2024

Lễ Vọng Phục sinh tại Vatican: “Hát mừng Chúa của sự sống, Đấng đã trỗi dậy từ trong mồ, sáng chói hơn cả ngàn mặt trời”

“Hát mừng Chúa của sự sống, Đấng đã trỗi dậy từ trong mồ, sáng chói hơn cả ngàn mặt trời”

Lễ Vọng Phục sinh

Lễ Vọng Phục sinh tại Vatican: “Hát mừng Chúa của sự sống, Đấng đã trỗi dậy từ trong mồ, sáng chói hơn cả ngàn mặt trời”

*******

Lúc 7 giờ 30 tối hôm qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự Đêm Vọng Phục sinh trọng thể tại Vương cung thánh đường Vatican.

Nghi thức bắt đầu tại sảnh của Vương cung thánh đường Thánh Phêrô với nghi thức làm phép lửa và chuẩn bị Nến Phục sinh. Đoàn rước tiến về Bàn thờ, với nến Phục sinh được thắp sáng và hát bài Exsultet, tiếp theo là Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ Rửa tội, trong đó Đức Thánh Cha ban các Bí tích khai tâm Kitô giáo cho 8 tân tòng.

Dưới đây, là bài giảng của Đức Thánh Cha sau phần công bố Tin Mừng:

____________________________________


Bài giảng của Đức Thánh Cha

Những người phụ nữ ra mộ vào lúc bình minh, nhưng họ vẫn cảm thấy bóng tối của màn đêm. Họ tiếp tục bước đi, nhưng tâm hồn họ vẫn còn ở dưới chân thập giá. Những giọt nước mắt của Thứ Sáu Tuần Thánh vẫn chưa khô; họ héo hắt vì đau buồn, lòng trĩu nặng bởi cảm giác rằng mọi sự đã hết. Một tảng đá ấn định số phận của Chúa Giêsu. Họ quan tâm đến tảng đá đó, vì họ tự hỏi: “Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi cửa mộ giùm ta đây?” (Mc 16:3). Tuy nhiên, khi đến nơi, họ sửng sốt khi thấy sức mạnh kỳ diệu của biến cố Phục Sinh: “Nhưng vừa ngước mắt lên, các bà đã thấy tảng đá lăn ra một bên rồi” (Mc 16:4).

Anh chị em thân mến, chúng ta cùng dừng lại và suy ngẫm về hai khoảnh khắc này, những khoảnh khắc đưa chúng ta đến niềm vui bất ngờ của Phục Sinh. Trước hết, những phụ nữ lo lắng tự hỏi: Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi mộ? Rồi đến khoảnh khắc thứ hai, ngước nhìn lên, họ thấy nó đã được lăn ra một bên.

Trước hết, một câu hỏi khiến tâm hồn đang đau buồn của họ phải lo ra: Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi mộ? Tảng đá đó đánh dấu sự chấm hết cho câu chuyện của Chúa Giêsu, lúc này đang bị chôn trong màn đêm của sự chết. Người, Đấng là sự sống đến cho thế gian, đã bị giết. Người, Đấng loan báo tình yêu thương xót của Chúa Cha, đã không gặp được lòng xót thương. Người là Đấng đã giải thoát các tội nhân khỏi gánh nặng của án phạt, đã bị kết án trên thập tự giá. Vị Hoàng tử Hòa bình, Người đã giải thoát một người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình khỏi vụ ném đá kinh hoàng, bây giờ được chôn sau một tảng đá lớn. Tảng đá đó, một chướng ngại vật nặng nề, tượng trưng cho những gì các phụ nữ đang cảm thấy đè nặng trong lòng. Nó tượng trưng cho sự kết thúc những hy vọng của họ giờ đây đã tan vỡ bởi bí ẩn khó hiểu và đau thương đặt dấu chấm hết cho những giấc mơ của họ.

Thưa anh chị em, nó cũng có thể xảy ra với chúng ta theo cách đó. Có những lúc chúng ta cảm thấy như có một tảng đá lớn chắn ngang cửa lòng chúng ta, bóp nghẹt cuộc sống, dập tắt hy vọng, giam cầm chúng ta trong nấm mồ của những sợ hãi và hối tiếc, và chắn lối đi của niềm vui và hy vọng. Chúng ta gặp phải những “tấm bia mộ” như vậy trên hành trình cuộc sống của chúng ta trong tất cả mọi kinh nghiệm và hoàn cảnh cướp đi lòng nhiệt thành và sức mạnh kiên trì. Chúng ta gặp chúng trong những lúc đau buồn: trong sự trống vắng sau cái chết của những người thân yêu của chúng ta, trong những thất bại và sợ hãi khiến chúng ta bị kìm hãm không thể hoàn thành những điều tốt đẹp mà chúng ta muốn làm. Chúng ta gặp phải chúng dưới mọi hình thức của tính ích kỷ bóp nghẹt động lực của lòng quảng đại và tình yêu chân thành của chúng ta, trong những bức tường bằng cao su của lòng ích kỷ và thờ ơ đang kìm hãm chúng ta nỗ lực xây dựng những thành phố và xã hội công bằng và nhân ái hơn, trong mọi khát vọng hòa bình của chúng ta đã bị phá tan bởi lòng hận thù và sự tàn ác của chiến tranh. Khi chúng ta trải qua những nỗi thất vọng này, phải chăng chúng ta cũng có cảm giác rằng tất cả những ước mơ này rồi cũng sẽ tan biến, và chúng ta cũng tự hỏi mình trong đau khổ: “Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi mồ?”

Tuy nhiên, chính những phụ nữ mang nặng bóng tối này trong lòng đã kể cho chúng ta nghe một điều thật phi thường. Nhưng vừa ngước mắt lên, các bà đã thấy tảng đá lăn ra một bên rồi, mà tảng đá ấy lớn lắm. Đây là Cuộc Vượt qua của Đức Kitô, sự mặc khải về quyền năng của Thiên Chúa: sự sống chiến thắng cái chết, ánh sáng chiến thắng bóng tối, hy vọng tái sinh giữa đống đổ nát của thất bại. Chính Chúa, Thiên Chúa của những điều không thể, đã lăn tảng đá ra mãi mãi. Cả bây giờ, Người vẫn mở cửa những nấm mồ của chúng ta để niềm hy vọng đó được sinh ra một lần nữa. Vậy thì chúng ta cũng hãy “ngước mắt nhìn” lên Người.

Khoảnh khắc thứ hai: chúng ta hãy ngước mắt lên Chúa Giêsu. Sau khi mang lấy phận con người của chúng ta, Ngài đi xuống vực thẳm của cái chết và lấp đầy nó bằng sức mạnh của sự sống nước trời của Người, cho phép một tia sáng vô tận xuyên qua mỗi chúng ta. Được Chúa Cha cho sống lại trong thân xác của Người, và của chúng ta, trong quyền năng của Chúa Thánh Thần, Người đã mở ra một trang mới trong lịch sử nhân loại. Từ nay trở đi, nếu chúng ta cho phép Chúa Giêsu nắm lấy tay chúng ta, thì không có kinh nghiệm thất bại hay đau buồn nào, dù đau đớn đến đâu, có được tiếng nói cuối cùng về ý nghĩa và số phận cuộc đời của chúng ta. Từ nay trở đi, nếu chúng ta cho phép bản thân được Chúa Phục sinh nâng lên thì không có trở ngại nào, không đau khổ nào, không cái chết nào có thể ngăn cản bước chân của chúng ta tiến tới sự sống viên mãn. Từ nay về sau, “người Kitô hữu chúng ta tuyên bố rằng lịch sử này... có ý nghĩa, một ý nghĩa bao trùm tất cả... một ý nghĩa không còn bị vấy bẩn bởi sự phi lý và bóng tối... một ý nghĩa mà chúng ta gọi là Thiên Chúa... Tất cả dòng nước biến đổi của chúng ta hội tụ về Người; chúng ta không đổ những dòng nước đó xuống vực thẳm của hư vô và phi lý... Vì ngôi mộ của Chúa đã trống rỗng và Đấng đã chết giờ đây tỏ lộ là Đấng Hằng sống.” (K. RAHNER, Wie heisst Auferstehung?).

Thưa anh chị em, Chúa Giêsu là Lễ Vượt qua của chúng ta. Người là Đấng đưa chúng ta từ bóng tối ra ánh sáng, Đấng gắn bó với chúng ta mãi mãi, Đấng giải thoát chúng ta khỏi vực thẳm của tội lỗi và sự chết, và kéo chúng ta vào vương quốc rạng ngời của sự tha thứ và sự sống đời đời. Chúng ta hãy ngước trông lên Người! Chúng ta hãy chào đón Chúa Giêsu là Chúa của sự sống đi vào cuộc đời chúng ta, và hôm nay một lần nữa hãy thưa “xin vâng” với Người. Khi đó, không có tảng đá nào chặn đường tâm hồn của chúng ta, không có ngôi mộ nào ngăn cản được niềm vui của sự sống, không có thất bại nào khiến chúng ta phải tuyệt vọng. Thưa anh chị em, chúng ta hãy ngước mắt lên Người và xin quyền năng phục sinh của Người lăn đi những tảng đá nặng nề đang đè nặng linh hồn chúng ta. Chúng ta hãy ngước mắt lên Người, Thiên Chúa Phục sinh, và tiến bước trong sự chắc chắn rằng sự sống vĩnh cửu mà Người mang đến vẫn hiện diện giữa chúng ta, dù trong bối cảnh mờ mịt của những hy vọng bị tan vỡ và cái chết của chúng ta.

Thưa anh chị em, hãy để tâm hồn anh chị em bừng lên niềm vui sướng trong đêm thánh này! Chúng ta cùng nhau hát mừng sự phục sinh của Chúa Giêsu: “Hãy hát mừng Người, hỡi những vùng đất xa xôi, sông ngòi và đồng bằng, sa mạc và núi non…Hãy hát mừng Chúa của sự sống, Đấng đã trỗi dậy từ trong mồ, sáng chói hơn ngàn mặt trời. Tất cả các dân tộc bị bủa vây bởi sự dữ và bị bất công hoành hành, tất cả các dân tộc phải tản cư và bị tàn phá: trong đêm thánh này, các bạn hãy loại bỏ những bài hát u buồn và tuyệt vọng. Con người Đau khổ không còn trong ngục tù nữa: Người đã mở một lỗ thủng trên tường; Người đang vội vã đến gặp bạn. Trong bóng tối, hãy để tiếng reo vui bất ngờ vang lừng: Người đang sống; Người đã sống lại! Và các bạn, những anh chị em của tôi, nhỏ và lớn ... những người đang rã rời với cuộc sống, những người cảm thấy không xứng được cất lên tiếng hát... hãy để một ngọn lửa mới bừng lên trong tâm hồn các bạn, hãy để giọng nói của các bạn âm vang sức sống mới. Đó là Lễ Vượt qua của Chúa; đó là bữa tiệc của Đấng Hằng sống.” (J-Y. QUELLEC, Dieu face nord, Ottignies, 1998, 85-86).


[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 31/3/2024]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét