Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các câu hỏi của một số nhà báo về chuyến đi vừa kết thúc đến Luxembourg và Bỉ Photo: Vatican Media
Phỏng vấn Đức Thánh Cha Phanxicô trên chuyến bay trở về Rome từ Brussels
Trên chuyến bay trở về từ Brussels, Đức Thánh Cha Phanxicô nói chuyện với các phóng viên về vụ tấn công khiến thủ lãnh Hassan Nasrallah và nhiều người khác thiệt mạng, đồng thời lặp lại lời lên án việc phá thai, khen ngợi chứng tá Kitô giáo của Vua Baudouin đã tạm thời từ nhiệm hơn là ký luật phá thai.
29 THÁNG CHÍN, 2024 07:05
ZENIT STAFF
(ZENIT News / Bruxelles, 29.09.2024). - Trên chuyến bay từ Brussels trở về Rome, Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các câu hỏi của một số nhà báo về chuyến đi vừa kết thúc tới Luxembourg và Bỉ, cũng như cuộc xâm lược vào Lebanon của Israel.
Ông Matteo Bruni, Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh: Xin chào buổi tối, tất cả mọi người. Cảm ơn Đức Thánh Cha đã dành thời gian cho chúng con vào cuối chuyến đi ngắn nhưng rất nhiều sự kiện này. Có lẽ Đức Thánh Cha muốn nói đôi lời trước khi chúng ta bắt đầu với những câu hỏi của các nhà báo.
ĐTC Phanxicô: Chào anh chị em. Tôi sẵn sàng trả lời câu hỏi của anh chị em.
Michael Merten (Luxemburger Wort): Thưa Đức Thánh Cha, Luxembourg là quốc gia đầu tiên, và nhiều người nhớ đến chuyến thăm quán cà phê của người. Con muốn hỏi ấn tượng của người về Luxembourg và không biết có điều gì khiến người ngạc nhiên không.
ĐTC Phanxicô: Cảm ơn anh, việc ghé thăm quán cà phê của tôi chỉ là một điều ngớ ngẩn. Lần tới tôi sẽ ghé một tiệm bánh pizza. Luxembourg thực sự gây ấn tượng với tôi như một xã hội cân bằng, với luật pháp được cân nhắc kỹ lưỡng, cũng như một nền văn hóa khác biệt. Điều này gây ấn tượng với tôi rất nhiều, vì tôi không quen với nó.
Ngược lại, Bỉ thì tôi biết rõ hơn vì tôi đã đến đó nhiều lần. Nhưng Luxembourg lại là một bất ngờ vì tính cân bằng và lòng hiếu khách của họ; đó là điều khiến tôi ngạc nhiên. Tôi tin rằng có lẽ thông điệp mà Luxembourg có thể mang đến cho Châu Âu chính là điều này.
Valerie Dupont (Belgian French-Language State TV): Thưa Đức Thánh Cha, cảm ơn người vì sự sẵn lòng của người. Con xin lỗi vì giọng nói, nhưng trời mưa đã làm con hơi khó chịu. Những lời của người tại mộ Vua Baldwin đã gây ra một ít kinh ngạc ở Bỉ…
ĐTC Phanxicô: Nhưng chị biết rằng kinh ngạc là khởi đầu của triết học, và điều đó không sao cả.
Valerie Dupont: Có lẽ vậy. Nhưng một số người coi đó là sự can thiệp mang tính chính trị vào đời sống dân chủ của Bỉ. Tiến trình phong chân phước cho nhà vua có liên quan đến các vị trí của ông. Và làm sao chúng ta có thể dung hòa quyền được sống và quyền bảo vệ sự sống với quyền của phụ nữ được sống mà không phải chịu đau khổ?
ĐTC Phanxicô: Chị biết đó là vấn đề về tất cả các sự sống. Nhà vua đã rất can đảm vì, khi đối mặt với luật chết, ngài đã không ký và từ chức. Điều đó đòi phải có lòng dũng cảm, phải không? Cần phải có một chính trị gia “thực thụ” để làm điều này. Cần phải có lòng dũng cảm. Thậm chí nhà vua cũng đã đưa ra một thông điệp với điều này, và ngài đã làm điều đó vì ngài là một vị thánh. Ngài là thánh và tiến trình phong chân phước sẽ tiếp tục, vì ngài đã cho tôi bằng chứng về điều này.
Phụ nữ. Phụ nữ có quyền được sống: sự sống của chính họ và sự sống của con cái họ. Chúng ta đừng quên điều này: phá thai là giết người. Khoa học cho bạn biết rằng trong vòng một tháng sau khi thụ thai, tất cả các cơ quan đã hình thành. Một con người bị giết. Và các bác sĩ tham gia thực hiện việc này là — cho phép tôi dùng cụm từ này — kẻ giết người thuê. Họ là sát thủ thuê. Điều này không cần tranh cãi. Một mạng người bị giết. Và phụ nữ có quyền bảo vệ sự sống.
Một vấn đề khác là các phương pháp tránh thai; đó là vấn đề khác. Đừng nhầm lẫn chúng. Bây giờ tôi đang nói về phá thai. Và điều này không cần tranh cãi. Thứ lỗi cho tôi, nhưng đó là sự thật.
Andrea Vreede (Flemish and Dutch Belgian TV): Thưa Đức Thánh Cha, trong chuyến viếng thăm Bỉ lần này, Đức Thánh Cha cũng đã có buổi gặp gỡ dài với một nhóm các nạn nhân bị lạm dụng tình dục. Trong lời kể của họ, thường có những tiếng kêu tuyệt vọng về sự thiếu minh bạch trong các tiến trình, những cánh cửa đóng kín, sự im lặng đối với họ, sự chậm trễ trong các biện pháp kỷ luật, sự che đậy mà hôm nay Đức Thánh Cha đã nói đến và các vấn đề về bồi thường cho những thiệt hại phải chịu. Cuối cùng, dường như mọi thứ chỉ thay đổi khi họ cố gắng nói chuyện trực tiếp với Đức Thánh Cha. Tại Brussels, các nạn nhân cũng đã đưa ra một loạt các yêu cầu. Người dự định tiến hành với những yêu cầu này như thế nào? Và có lẽ sẽ tốt hơn nếu thành lập một bộ phận chuyên trách tại Vatican, có thể là một thực thể độc lập, như một số giám mục đang yêu cầu, để giải quyết tốt hơn tệ nạn này trong Giáo hội và lấy lại lòng tin của các tín hữu?
ĐTC Phanxicô: Cảm ơn anh. Về điểm cuối cùng… Có một ban ở Vatican, đúng vậy. Có một cơ cấu; hiện tại, chủ tịch là một giám mục Colombia phụ trách các vụ lạm dụng. Có một Ủy ban, và nó được Đức Hồng y O’Malley thành lập. Nó hoạt động có hiệu quả! Mọi vấn đề đều được tiếp nhận và thảo luận tại Vatican. Ngay cả tại Vatican, tôi đã tiếp những người bị lạm dụng, và tôi động viên sức mạnh để tiến về phía trước. Đây là điểm đầu tiên.
Thứ hai, tôi lắng nghe những người bị lạm dụng. Tôi tin đó là một bổn phận. Một số người nói: số liệu thống kê cho thấy 40-42-46% những người bị lạm dụng là trong gia đình và khu xóm địa phương; chỉ có 3% trong Giáo hội. Tôi không quan tâm đến điều đó; tôi lấy những người trong Giáo hội!
Chúng ta có trách nhiệm giúp đỡ những người bị lạm dụng và chăm sóc họ. Một số người cần điều trị tâm lý; chúng ta phải giúp họ điều này. Cũng có những ý kiến về việc bồi thường vì nó nằm trong luật dân sự. Trong luật dân sự, tôi tin rằng ở Bỉ là 50.000 euro; quá thấp. Đó không phải là điều cần thiết. Tôi tin rằng con số là như vậy, nhưng tôi không chắc chắn.
Nhưng chúng ta phải chăm sóc những người đã bị lạm dụng và trừng phạt những kẻ lạm dụng, vì lạm dụng không phải là tội của ngày hôm nay mà có thể ngày mai sẽ không còn. Đó là một xu hướng; đó là một căn bệnh tâm thần, và vì lý do này, chúng ta phải cho họ sự điều trị và theo dõi.
Anh không thể để một người lạm dụng được tự do sống một cuộc sống bình thường, với những trách nhiệm trong các giáo xứ và trường học. Một số giám mục vẫn giao việc cho các linh mục đã phạm điều này sau phiên tòa và kết án, ví dụ làm trong thư viện, nhưng không được tiếp xúc với thiếu nhi trong các trường học và giáo xứ.
Nhưng chúng ta phải tiến bước trong vấn đề này. Tôi đã nói với các giám mục Bỉ rằng đừng sợ hãi và hãy phấn đấu tiến về phía trước, hãy tiến tới. Che đậy là điều xấu hổ; đây thực sự là điều xấu hổ.
Courtney Walsh (USA TV): Cảm ơn người rất nhiều vì đã dành thời gian. Sáng nay chúng con đọc được rằng 900 kg bom đã được sử dụng để ám sát có chủ đích thủ lãnh Nasrallah. Có hơn một ngàn người phải di tản, nhiều người đã chết. Đức Thánh Cha có nghĩ rằng Israel có thể đã đi quá xa đối với Lebanon và Gaza không? Và làm thế nào để giải quyết vấn đề này? Có thông điệp nào cho những người ở đó không?
ĐTC Phanxicô: Mỗi ngày tôi đều gọi điện đến giáo xứ Gaza. Có hơn 600 người ở đó, bên trong giáo xứ và trường đại học, và họ kể cho tôi nghe về những điều đang diễn ra, bao gồm cả những hành động tàn ác đang diễn ra ở đó. Những gì anh đang nói với tôi — tôi không hiểu lắm các việc đã diễn tiến như thế nào (phát triển, BTV) — nhưng phòng thủ phải luôn tương xứng với tấn công.
Khi có điều gì đó thiếu tương xứng, thì rõ ràng là có xu hướng lấn át vượt ra ngoài phạm vi đạo đức. Một quốc gia làm những việc này bằng sức mạnh của mình, — tôi đang nói về bất kỳ quốc gia nào — thực hiện những việc này theo cách “cao nhất” như vậy, thì đây là những hành động vô đạo đức.
Ngay cả trong chiến tranh, vẫn có tính đạo đức phải được bảo vệ. Chiến tranh là vô đạo đức, nhưng các quy tắc của chiến tranh chỉ ra một số điểm đạo đức. Nhưng khi điều này không được tôn trọng, anh có thể nhìn thấy “lòng thù hận” — như cách chúng tôi nói ở Argentina — của những điều này.
Annachiara Valle (Famiglia Cristiana): Xin cảm ơn Đức Thánh Cha. Hôm qua, sau buổi gặp gỡ tại Đại học Công giáo Louvain, một tuyên bố đã được đưa ra, trong đó con đọc được, “Trường đại học lấy làm tiếc về những lập trường bảo thủ mà Đức Giáo hoàng Phanxicô bày tỏ về vai trò của phụ nữ trong xã hội.” Họ nói rằng thật hạn chế khi chỉ nói về phụ nữ theo nghĩa làm mẹ, sinh nở và chăm sóc, và rằng quả thật điều này có phần phân biệt đối xử, vì đó cũng là vai trò thuộc về nam giới. Và liên quan đến vấn đề này, cả hai trường đại học đều nêu vấn đề về các thừa tác vụ chức thánh trong Giáo hội.
ĐTC Phanxicô: Trước hết, tuyên bố này được đưa ra tại thời điểm tôi đang nói. Nó đã được viết sẵn, và điều này không có đạo đức.
Về phụ nữ, tôi luôn nói về phẩm giá của phụ nữ, và trong bối cảnh này, tôi đã nói một điều mà tôi không thể nói về nam giới: Giáo hội là nữ; Giáo hội là Hôn thê của Chúa Giêsu. Nam tính hóa Giáo hội, nam tính hóa phụ nữ là không nhân ái; đó không phải là Kitô giáo. Nữ tính có sức mạnh riêng. Thật vậy, tôi luôn luôn nói rằng phụ nữ quan trọng hơn nam giới vì Giáo hội là nữ; Giáo hội là Hôn thê của Chúa Giêsu. Nếu điều này có vẻ bảo thủ đối với những quý bà đó, thì tôi là Carlo Gardell (một ca sĩ tango nổi tiếng người Argentina, BTV). Không thể hiểu được… Tôi thấy có một não trạng trì trệ không muốn nghe về điều này.
Phụ nữ bình đẳng với nam giới. Thực ra, trong đời sống Giáo hội, phụ nữ cao hơn vì Giáo hội là nữ. Về thừa tác vụ, sự huyền bí của nữ lớn lao hơn thừa tác vụ. Có một nhà thần học vĩ đại nghiên cứu về vấn đề này, đặt câu hỏi rằng thừa tác vụ nào lớn hơn: thừa tác vụ Phêrô hay thừa tác vụ Maria. Thừa tác vụ Maria lớn hơn, vì đó là thừa tác vụ hiệp nhất bao gồm các thừa tác vụ khác; còn thừa tác vụ kia là thừa tác vụ quản lý.
Bản chất làm mẹ của Giáo hội là bản chất làm mẹ của một người nữ. Thừa tác vụ là một thừa tác vụ nhỏ hơn nhiều, có nghĩa là đồng hành với các tín hữu, luôn luôn nằm trong bản chất làm mẹ. Nhiều nhà thần học đã nghiên cứu vấn đề này và nói rằng đây là một điều có thật; tôi không nói là hiện đại, nhưng là có thật; nó không lỗi thời.
Chủ nghĩa nữ quyền được cường điệu, có nghĩa phụ nữ là những người theo chủ nghĩa sô vanh, là không hiệu quả. Một đàng là chủ nghĩa nam quyền không ổn; đàng khác là chủ nghĩa nữ quyền không ổn. Điều hiệu quả là Giáo hội nữ tính lớn hơn thừa tác vụ chức thánh. Và điều này không thường được xét đến.
Cảm ơn câu hỏi của chị. Và cảm ơn tất cả anh chị em vì chuyến đi này và vì công việc anh chị em đã thực hiện. Tôi xin lỗi vì thời gian ở đây eo hẹp. Nhưng cảm ơn anh chị em, cảm ơn anh chị em rất nhiều. Tôi cầu nguyện cho anh chị em; anh chị em cầu nguyện cho tôi. Hãy cầu nguyện thay cho tôi!
(Đức Thánh Cha được nhắc đến thảm kịch năm mươi người mất tích trên biển ngoài khơi quần đảo Canary.)
Tôi thật đau đớn khi nghe tin tức về tất cả những người mất tích ở Canaries. Ngày nay, quá nhiều người di cư tìm kiếm tự do đã bị mất tích trên biển hoặc gần biển. Chúng ta có thể nghĩ đến Crotone, phải không? Cách đất nước của anh 100 mét (nói chuyện với một phóng viên, BTV). Hãy nghĩ về điều đó. Đây là điều đáng để khóc, đáng để than khóc.
[Nguồn: zenit]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 1/10/2024]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét