Đức Thánh Cha công nhận các vị tử đạo Việt Nam và Congo, vị thánh người Ý và nhiều vị khác
Antoine Mekary | | ALETEIA | I.Media
Place Saint-Pierre de Rome, Vatican.
I.Media - Isabella H. de Carvalho
26/11/24
Trong sắc lệnh mới của Bộ Phong Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công nhận một vị thánh, một chân phước, hai vị tử đạo và một đấng đáng kính.
Sau cuộc họp với Đức Thánh Cha Phanxicô vào ngày 25 tháng 11 năm 2024, Đức Hồng y Marcello Semeraro, Tổng trưởng Bộ Phong thánh đã ký sắc lệnh công nhận phép lạ thứ hai do một nữ tu người Ý là Maria Troncatti thực hiện, mở đường cho việc tuyên phong thánh cho ngài.
Ngài cũng công nhận phúc tử đạo của Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp, một linh mục người Việt Nam, và một giáo dân người Congo, Floribert Bwana Chui Bin Kositi, có nghĩa là họ có thể được phong chân phước.
Đức Thánh Cha cũng công nhận việc phong chân phước “hữu hiệu tương đương” cho nữ đan viện trưởng người Tây Ban Nha, Juana de la Cruz, và các đức anh dũng của Đức Giám mục Josip Lang người Croatia.
Nữ tu Maria Troncatti (1883-1969)
Trong sắc lệnh ngày 25 tháng 11 từ cơ quan Vatican chuyên nghiên cứu và công nhận những người nam và nữ thánh thiện, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ghi nhận phép lạ thứ hai là nhờ sự chuyển cầu của nữ tu Maria Troncatti người Ý. Vị nữ tu dòng Salêdiêng này đến từ vùng Brescia là một y tá ở chiến tuyến của Áo trong Đệ nhất Thế chiến, trước khi được sai đến Ecuador vào năm 1922 để hoạt động với người Shuar (đôi khi được gọi là Jivaros) là những người sống trong rừng nhiệt đới Amazon.
Nữ tu mở một phòng khám và phục vụ người dân địa phương đang phải chịu đựng nhiều căn bệnh. Ngài cũng bảo vệ phụ nữ và trẻ em, mà đôi khi họ là những nạn nhân của các truyền thống bạo lực của tổ tiên. Ngài cũng đóng góp vào công cuộc truyền giáo đầu tiên cho dân tộc này, trong đó ngài được quý trọng cách đặc biệt. Ngài qua đời trong một vụ tai nạn máy bay vào năm 1969.
Phép lạ qua lời chuyển cầu của ngài liên quan đến một phụ nữ người Ecuador vào năm 2002. Trong tình trạng hôn mê sau một căn bệnh nghiêm trọng, người phụ nữ được đưa về nhà theo yêu cầu của cha mẹ để cô có thể qua đời tại nhà. Một linh mục dòng Salêdiêng sau đó đã yêu cầu người thân của cô cầu nguyện với Sơ Troncatti: Vài ngày sau, người phụ nữ này đã thoát khỏi tình trạng hôn mê và các triệu chứng đã hành hạ cô dần dần biến mất.
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp (1897-1946)
Bộ Phong Thánh cũng công nhận phúc tử đạo của Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp (1897-1946) người Việt Nam. Sinh tại An Giang thuộc miền Nam Việt Nam, ngài gia nhập chủng viện do Hội Truyền giáo Paris ở Phnom Penh, Campuchia điều hành và được thụ phong linh mục.
Ban đầu ngài phụ trách mục vụ chăm sóc những người di cư Việt Nam tại Campuchia, sau đó ngài được bổ nhiệm làm cha sở giáo xứ Tắc Sậy ở miền Nam Việt Nam, và ngài ở đây cho đến khi qua đời vào năm 1946. Mặc dù đã ký hiệp định đình chiến một năm trước đó với Nhật Bản, quốc gia đang chiếm đóng Đông Dương thuộc địa Pháp, ngài vẫn trở thành nạn nhân của các nhóm vũ trang Nhật tiếp tục tàn phá đất nước của ngài.
Từ chối sự bảo vệ của người Pháp để không “bỏ rơi đoàn chiên của mình”, vị linh mục cuối cùng đã bị bắt bởi một trong những nhóm vũ trang, những thành viên của nhóm này có liên hệ với Cao Đài giáo, một giáo phái hỗn hợp địa phương thù ghét người Kitô giáo. Cha bị nhốt trong một nhà kho cùng với những người Công giáo và dân làng khác; Cha hỗ trợ và động viên họ, vì cái chết của họ dường như sắp xảy ra.
Cuối cùng, người dân được tha, nhưng Cha Phanxicô Xaviê trước đó đã ra ngoài để nói chuyện với những kẻ hành quyết mình, được tìm thấy đã chết. Thi thể của ngài bên ngoài mang nhiều dấu vết của các sự ngược đãi.
Floribert Bwana Chui Bin Kositi (1981-2007)
Sắc lệnh của Bộ cũng công nhận phúc tử đạo của anh Floribert Bwana Chui Bin Kositi (1981-2007), một giáo dân từ vùng Bắc Kivu (Cộng hòa Dân chủ Congo). Người thanh niên Công giáo ngoan đạo này xuất thân từ một gia đình giàu có đã gia nhập cộng đoàn giáo dân Công giáo Sant'Egidio, trở thành một người lãnh đạo của một số hội đoàn địa phương hỗ trợ người dân của vùng này, nơi có nhiều căng thẳng nghiêm trọng.
Tham gia vào chính trị và phản đối những xung đột sắc tộc và nạn tham nhũng, anh bị bắt cóc năm 2007, và thi thể của anh được tìm thấy hai ngày sau đó với những dấu hiệu bị tra tấn. Mặc dù thủ phạm của vụ giết người vẫn chưa được biết, nhưng sau đó người ta biết rằng anh đã từ chối lời đề nghị nhận đút lót, vì đức tin Kitô giáo của mình.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã làm nổi bật anh như một tấm gương cho giới trẻ Congo khi ngài đến thăm Kinshasa vào tháng 2 năm 2023.
Nữ tu Juana de la Cruz Vázquez Gutiérrez (1481 - 1534)
Trong sắc lệnh này, Đức Thánh Cha cũng đã chấp thuận việc phong chân phước ‘hữu hiệu tương đương’ cho Nữ tu Đấng đáng kính Juana de la Cruz Vázquez Gutiérrez (1481 - 1534). Việc phong chân phước hoặc phong thánh như vậy có nghĩa là Đức Thánh Cha tuyên bố người đó là chân phước hoặc là thánh mà không cần quá trình dài như là điểm đặc thù cho việc công nhận. Khi vị chân phước hoặc vị thánh đã nhận được lòng sùng kính liên tục và tiếng tăm về các phép lạ, Đức Giáo hoàng ngay lập tức chuẩn nhận lòng sùng kính đã có từ trước đối với vị đó.
Tiến trình này thường liên quan đến những vị đã sống cách đây nhiều thế kỷ và tiếng tăm về sự thánh thiện của họ đã được duy trì qua nhiều thế kỷ. Nữ tu Juana de la Cruz, người được Đức Thánh Cha Phanxicô công bố là bậc đáng kính vào năm 2015, được công nhận là chân phước ngay lập tức mà không cần phải có Thánh lễ tuyên phong chân phước.
Là một nữ đan viện trưởng người Tây Ban Nha thuộc Dòng Ba Phanxico, ngài xuất thân trong một gia đình nông dân giàu có ở vùng Toledo của Tây Ban Nha. Ngài cảm nhận tiếng gọi đi vào đời sống đời tận hiến từ khi còn nhỏ, tuy nhiên thân phụ ngài muốn ngài lập gia đình và cuối cùng ngài đã đính hôn với một nhà quý tộc địa phương. Tuy nhiên, cô gái trẻ này khao khát đời sống tu trì đã cải trang thành đàn ông và trốn khỏi nhà gia đình để gia nhập tu viện Santa Maria de la Cruz ở Madrid và cuối cùng đã nhận được sự đồng ý của người cha.
Khấn dòng năm 1497, người nữ trẻ lấy tên là Juana de la Cruz. 38 năm của ngài trong tu viện được ghi dấu bằng những giai đoạn thần bí, bao gồm sáu tháng thinh lặng vào năm 1506. Nổi tiếng với việc rao giảng, ngài không những được vua Charles V đến thăm mà còn được tướng John of Austria, người chiến thắng trong Trận Lepanto, đến thăm.
Sau khi trở thành nữ đan viện trưởng, ngài được Đức Giáo hoàng Julius II chuẩn nhận quyền điều hành một giáo xứ với sự hỗ trợ của một vị linh mục, điều này khiến ngài không được lòng các giáo sĩ Tây Ban Nha, họ đã nhiều lần cố gắng hạ bệ ngài. Bị liệt vào cuối đời, ngài qua đời khi đã được một số người công nhận là thánh thiện, và kể từ đó thường được gọi là “Santa Juana” mặc dù không chính thức được phong thánh.
Đức Cha Josip Lang (1857-1924)
Sắc lệnh này cũng công nhận các nhân đức anh dũng của Đức Cha Josip Lang (1857-1924), Giám mục Phụ tá của Zagreb ở Croatia từ năm 1915 cho đến khi qua đời. Rất tận tụy với công tác mục vụ và xã hội, ngài qua đời khi đã nổi tiếng thánh thiện và rất được người dân thủ đô Croatia yêu mến, khi đó là một phần của Vương quốc Nam Tư.
[Nguồn: aleteia]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 29/11/2024]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét