Thứ Ba, 24 tháng 6, 2025

Thông điệp của Đức Thánh Cha Lêô XIV gửi các Tham dự viên hội nghị Thường niên lần thứ II về Trí tuệ Nhân tạo, Đạo đức và Quản trị Doanh nghiệp

 Thông điệp của Đức Thánh Cha Lêô XIV gửi các Tham dự viên hội nghị Thường niên lần thứ II về Trí tuệ Nhân tạo, Đạo đức và Quản trị Doanh nghiệp

THÔNG ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA LÊÔ XIV
GỬI CÁC THAM DỰ VIÊN HỘI NGHỊ THƯỜNG NIÊN LẦN THỨ HAI VỀ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO, ĐẠO ĐỨC VÀ QUẢN TRỊ DOANH NGHIỆP

(Palazzo Piacentini, trụ sở Bộ Doanh nghiệp và Sản phẩm Ý (Mimit), đường Veneto, và Hội trường Sala Regia, Điện Tông Tòa Vatican, ngày 19–20 tháng Sáu năm 2025)


__________________________________________________



Nhân dịp Hội nghị Thường niên Lần Thứ Hai về Trí tuệ Nhân tạo tại Rome, tôi xin gửi lời cầu chúc tốt đẹp nhất đến quý vị tham dự. Sự hiện diện của quý vị là minh chứng cho nhu cầu cấp thiết phải có sự suy tư nghiêm túc và cuộc thảo luận liên tục về chiều kích đạo đức gắn liền với trí tuệ nhân tạo, cũng như việc quản lý có trách nhiệm đối với nó. Về vấn đề này, tôi rất vui khi ngày thứ hai của Hội nghị sẽ diễn ra tại Điện Tông Tòa, như một dấu chỉ rõ ràng cho thấy mong muốn của Giáo hội được tham gia vào những cuộc thảo luận đang trực tiếp ảnh hưởng đến hiện tại và tương lai của gia đình nhân loại.

Song song với tiềm năng phi thường của nó trong việc mang đến lợi ích cho gia đình nhân loại, sự phát triển quá nhanh của AI cũng đặt ra những câu hỏi sâu sắc hơn về việc sử dụng cách đúng đắn công nghệ này để xây dựng một xã hội toàn cầu thực sự nhân bản và công bằng hơn. Theo nghĩa ấy, dù rằng AI chắc chắn là một sản phẩm phi thường của thiên tài con người, nhưng “trên hết nó chỉ là một công cụ” (ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ, Diễn văn tại Phiên họp G7 về Trí tuệ Nhân tạo, ngày 14 tháng Sáu năm 2024). Theo định nghĩa, các công cụ cho thấy trí thông minh của con người đã tạo ra chúng và sức mạnh đạo đức của chúng phần lớn tùy thuộc vào ý định của những cá nhân sử dụng. Trong một số trường hợp, AI đã được sử dụng theo những cách tích cực và cao quý nhằm thúc đẩy sự bình đẳng lớn hơn; tuy nhiên, nó cũng có thể bị sử dụng sai mục đích để đạt tư lợi, gây tổn hại cho người khác, hoặc tệ hơn, bị khai thác để kích động xung đột và xâm lược.

Về phần mình, Giáo hội mong muốn đóng góp cho một cuộc thảo luận bình tĩnh và sáng suốt về các vấn đề cấp bách này, bằng cách nhấn mạnh cách đặc biệt đến sự cần thiết phải cân nhắc mọi hậu quả của AI dưới ánh sáng của “sự phát triển toàn diện của con người và xã hội” (Note Antiqua et Nova, 6). Điều này có nghĩa là phải quan tâm đến hạnh phúc của nhân vị không chỉ về mặt vật chất, mà còn về mặt trí tuệ và tinh thần; nghĩa là phải bảo vệ phẩm giá bất khả xâm phạm của mỗi nhân vị, đồng thời tôn trọng những gia tài và sự đa dạng về văn hóa và tinh thần của các dân tộc trên thế giới. Sau cùng, mọi lợi ích hay rủi ro của AI đều phải được cẩn trọng đánh giá theo tiêu chuẩn đạo đức cao cả này.

Thật đáng tiếc, như Đức Cố Giáo hoàng Phanxicô đã từng nhận định, xã hội chúng ta ngày nay đang trải qua một “sự mất mát, hoặc ít nhất là sự lu mờ, trong ý thức về bản chất con người là gì”, và điều này thách đố tất cả chúng ta suy tư sâu sắc hơn về bản chất thực sự và sự độc đáo của phẩm giá chung của con người chúng ta (Diễn văn tại Phiên họp G7 về Trí tuệ Nhân tạo, ngày 14 tháng 06 năm 2024). Trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là AI Tạo sinh (Generative AI), đã mở ra những chân trời mới trên nhiều cấp độ khác nhau, gồm cả việc thúc đẩy nghiên cứu trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và khám phá khoa học, nhưng cũng đặt ra các câu hỏi đáng lo ngại về những hậu quả có thể xảy ra đối với sự mở lòng của con người trước chân lý và cái đẹp, đối với khả năng nắm bắt và xử lý thực tại đặc biệt của chúng ta. Việc nhận biết và tôn trọng đặc tính duy nhất của nhân vị là điều vô cùng cần thiết để thảo luận về bất kỳ khuôn khổ đạo đức nào trong việc quản lý AI.

Tôi tin rằng tất cả chúng ta đều quan tâm đến trẻ em và thanh thiếu niên, cũng như về những hệ lụy có thể xảy ra khi sử dụng AI đối với sự phát triển trí tuệ và thần kinh của các em. Người trẻ của chúng ta cần được giúp đỡ, chứ không phải bị cản trở, trên hành trình trưởng thành và ý thức trách nhiệm thực sự. Các em chính là niềm hy vọng của chúng ta cho tương lai, và hạnh phúc của xã hội tùy thuộc vào việc các em có được cơ hội để phát triển những năng khiếu và khả năng Thiên Chúa ban, cũng như đáp lại những yêu cầu của thời đại và nhu cầu của tha nhân với tinh thần tự do và quảng đại. Chưa từng có thế hệ nào có thể tiếp cận nhanh chóng với lượng thông tin như hiện có nhờ vào AI như vậy. Nhưng một lần nữa, việc tiếp cận dữ liệu – dù rộng lớn đến đâu – cũng không được nhầm lẫn với trí thông minh, bởi trí tuệ tất yếu phải “bao gồm sự mở lòng của con người trước những câu hỏi nền tảng của cuộc sống và phản ánh sự quy hướng về Chân lý và Thiện hảo” (Antiqua et Nova, No. 29). Cuối cùng, sự khôn ngoan đích thực không hệ tại ở dữ liệu sẵn có, mà ở khả năng nhận ra ý nghĩa đích thực của cuộc sống.

Các bạn thân mến, trong tinh thần đó, tôi bày tỏ lòng hy vọng rằng những cuộc thảo luận của các bạn cũng sẽ xem xét AI trong bối cảnh của tiến trình huấn luyện liên thế hệ cần thiết, cho phép người trẻ hợp nhất chân lý vào đời sống đạo đức và tinh thần của họ, nhờ đó định hướng cho những quyết định trưởng thành và mở ra con đường dẫn đến một thế giới giàu tình liên đới và hiệp nhất hơn (x. ibid., 28). Nhiệm vụ đặt trước mắt các bạn không dễ dàng, nhưng đó là một nhiệm vụ có tầm quan trọng sống còn. Trong tinh thần tri ân vì những nỗ lực hiện tại và tương lai của các bạn, tôi khẩn xin Thiên Chúa tuôn đổ trên các bạn và gia đình các bạn những phúc lành của sự khôn ngoan, niềm vui và bình an.

Từ Vatican, 17 tháng Sáu, 2025

GIÁO HOÀNG LÊÔ XIV


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 21/6/2025]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét