Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2016

Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxico trong buổi canh thức cầu nguyện “lau khô những giọt lệ” chuẩn bị mừng trọng thể Lễ Chúa lên trời

‘Tại chân mỗi cây thập giá, Mẹ của Giê-su luôn có mặt ở đó.’
5 tháng 5, 2016
Đức Thánh Cha Phanxico canh thức cầu nguyện
Dưới đây là bản dịch của Vatican toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxico cho buổi canh thức cầu nguyện “hãy lau khô những giọt nước mắt” được tổ chức để Chuẩn bị Mừng trọng thể Lễ Chúa Lên Trời tại Quảng trường Thánh Phê-rô:
* * *
Anh chị em thân mến,
Sau những lời chứng nhân đau khổ đầy cảm xúc mà chúng ta đã được nghe, và trong ánh sáng của Lời Chúa làm cho những đau khổ của chúng ta trở nên có ý nghĩa, trước hết chúng ta hãy nguyện xin Chúa Thánh Thần cùng ở với chúng ta. Xin Người soi sáng cho tâm trí chúng ta để tìm ra được những cách nói phù hợp có thể mang đến sự an ủi. Xin Người mở rộng tâm hồn chúng ta để chúng ta xác tín rằng Thiên Chúa luôn luôn hiện diện và không bao giờ bỏ rơi chúng ta trong những thời khắc gian nguy. Chúa Giê-su đã hứa với các tông đồ rằng Người không bao giờ để họ một mình, nhưng trong suốt mọi thời điểm của cuộc sống Người vẫn luôn ở cạnh các ông bằng cách sai Thánh Thần, Đấng Ủi An (cf.Jn14:26) đến để nâng đỡ, để củng cố và để an ủi các ông.
Trong những lúc buồn chán, đau khổ và bệnh tật, giữa những nỗi thống khổ của sự bách hại và đau buồn, mọi người đều tìm đến chữ an ủi. Chúng ta thấu hiểu được sự cần thiết mạnh mẽ có một ai đó ở gần thể hiện sự thương cảm cho chúng ta. Chúng ta trải nghiệm và cảm nhận được ý nghĩa như thế nào khi bị mất phương hướng, bị xáo trộn, bị thất vọng hơn là chúng ta tưởng. Chúng ta quay qua quay lại hoang mang, cố gắng tìm một ai đó có thể hiểu được nỗi đau của chúng ta. Các câu hỏi nằm đầy trong đầu những người đang chịu khổ nhưng thường lại không có câu trả lời. Chỉ lý do thôi thì chưa đủ để giải thích được nỗi đau sâu thẳm của những ai đang phải gánh chịu, nó không cảm thấu được nỗi đau chúng ta đang phải chịu và không thể đưa ra những câu trả lời mà chúng ta đang tìm kiếm. Trong những lúc như vậy, hơn bao giờ hết chúng ta cần lý lẽ của con tim, mà chỉ mình nó thôi mới có thể giúp chúng ta hiểu được sự bí ẩn đang ôm ấp lấy sự cô đơn của chúng ta.
Có bao sự buồn bã chúng ta nhìn thấy trên rất nhiều khuôn mặt xung quanh chúng ta! Có bao giọt nước mắt phải rơi xuống trong mỗi giây phút trên thế giới; mỗi giọt nước mắt đều khác nhau nhưng chúng kết hợp lại, như bản chất của nó, tạo thành một đại dương hiu quạnh lên tiếng kêu than xin lòng thương xót, sự an ủi và cảm thông. Những giọt nước mắt cay đắng nhất là những giọt do con người gây ra: những giọt nước mắt của ai phải chứng kiến người thân yêu của mình bị bạo lực cướp mất; những giọt nước mắt của ông bà, của mẹ cha, của con cái; Những đôi mắt mãi nhìn vào bóng hoàng hôn và thấy quá khó để có thể nhìn được ánh bình minh của một ngày mới. Chúng ta cần lòng thương xót, sự an ủi đến từ Thiên Chúa. Tất cả chúng ta đều cần nó. Đây là sự thiếu thốn của chúng ta nhưng cũng là sự vĩ đại của chúng ta: nài xin sự an ủi của Thiên Chúa, với lòng nhân hậu Người đến để lau khô những giọt lệ trên đôi mắt của chúng ta (Is 25:8; Rev 7:17; 21:4).
Trong nỗi đau của chúng ta, chúng ta không cô đơn. Chính Chúa Giê-su biết rõ ý nghĩa của của những giọt lệ cho sự mất mát của một người thân yêu. Ở một trong những trang cảm động nhất của Tin Mừng, Chúa Giê-su nhìn thấy Maria đang khóc vì cái chết của em trai mình là Lazaro. Người cũng không cầm được nước mắt. Người quá đỗi xúc động và bắt đầu khóc (Jn 11:33-35). Tác giả Tin mừng Gio-an, khi mô tả việc này, muốn cho thấy Chúa Giê-su đã chia sẻ nỗi buồn và sự đau khổ của những người bạn của Người biết là bao nhiêu. Những giọt lệ của Chúa Giê-su đã làm bối rối nhiều nhà thần học qua nhiều thế kỷ, nhưng không chỉ vậy, những giọt lệ đó đã tắm mát bao nhiêu tâm hồn và xoa dịu biết bao nỗi đau. Chính Chúa Giê-su cũng đã trải nghiệm trong chính con người của Chúa nỗi sợ hãi đau khổ và cái chết, sự thất vọng và chán nản trước sự phản bội của Giu-đa và Phê-rô, và sự đau buồn trước cái chết của bạn của Người là Lazaro. Giê-su “không bỏ rơi những người Ngài yêu” (Thánh Augustine, In Joh., 49, 5). Nếu Chúa còn có thể khóc, thì cha cũng có thể khóc được, vì biết rằng Người hiểu cha. Những giọt lệ của Đức Ki-tô như một liều thuốc giải cho sự thờ ơ của cha trước những nỗi đau của người anh em và chị em. Những giọt nước mắt của Người dạy cha biết biến những nỗi đau của người khác thành nỗi đau của riêng mình, để biết chia sẻ những lúc ngã lòng và đau buồn của những ai đang trong những hoàn cảnh đau thương. Những giọt nước mắt đó cho cha nhận ra được nỗi đau buồn và tuyệt vọng của những ai phải chứng kiến thân xác của người thân yêu của mình bị đem đi khỏi họ, và những ai không còn có một nơi để tìm sự an ủi.Những giọt nước mắt của Giê-su không thể rơi xuống mà không có sự đồng cảm về phía những ai tin theo Người. Vì Người an ủi, chúng ta cũng được kêu gọi để ủi an anh em.
Trong những giây phút sợ hãi và mất hết tinh thần thì Đức Ki-tô đến với Chúa Cha trong lời cầu nguyện. Cầu nguyện là phương thuốc thật cho những nỗi đau khổ của chúng ta. Trong lời cầu nguyện, chúng ta có thể cảm nhận sự hiện diện của Thiên Chúa. Lòng nhân hậu của Người là nguồn an ủi chúng ta; quyền năng của Lời Người là điểm tựa cho chúng ta và cho chúng ta sự hy vọng. Đức Giê-su, đứng trước mộ của Lazaro cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, con cảm tạ Cha vì đã lắng nghe con. Con biết rằng Người luôn lắng nghe tiếng con” (Jn 11:41-42). Chúng ta nữa cũng cần phải chắc chắn rằng Chúa Cha nghe thấy chúng ta và đến cứu giúp chúng ta. Tình yêu Thiên Chúa rót đổ vào con tim của chúng ta, để chúng ta có thể lên tiếng rằng khi chúng ta yêu, không điều gì và không ai có thể chia cách chúng ta ra khỏi những người chúng ta yêu. Thánh Phaolo tông đồ kể cho chúng ta điều này với những từ ngữ an ủi lớn lao: Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? … Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta.

38 Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào,39trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta.(Rom8:35, 37-39). Sức mạnh của tình yêuđã biến sự đau khổ thành niềm vinh quang của Đức Ki-tô, và chúng ta được kết hiệp với Người, và trong hy vọng rằng một ngày kia chúng ta sẽ lại được ở cùng Người và sẽ mãi mãi hưởng nhan Thánh của Thiên Chúa Ba Ngôi, suối nguồn sự sống và tình yêu vĩnh hằng.
Dưới chân mỗi cây Thập giá, Mẹ của Giê-su luôn luôn ở đó. Với sự bảo trợ của Mẹ, Mẹ lau khô những giọt nước mắt cho chúng ta. Với vòng tay mở rộng của Mẹ, Mẹ giúp chúng ta trỗi dậy và Mẹ đồng hành với chúng ta trên con đường hy vọng.
[Văn bản chính: Tiếng Ý] [Bản dịch của Vatican cung cấp]

[Nguồn: https://zenit.org]

[Dịch từ tiếng Anh: TRI KHOAN 06/05/2016]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét