Thứ Ba, 3 tháng 5, 2016

Lòng trắc ẩn là một đặc tính quan trọng của Lòng Chúa Thương Xót

Đức Thánh Cha Phanxico “Lòng trắc ẩn là một đặc tính quan trọng của Lòng Chúa Thương Xót”

Đức Thánh Cha Phanxico trong Triều Yết Chung Quảng trường thánh Phê-rô
Đức Thánh Cha Phanxico đến buổi Triều yết chung hàng tuần của ngài tại Quảng Trường Thánh Phê-rô hôm 27 tháng 4, 2016 - AP
27/04/2016 10:21
(Vatican Radio)  Câu chuyện người Samari nhân lành và bài học rút từ đó “hãy yêu thương người anh em cạnh mình” là trọng tâm của bài giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxico trong buổi Triều yết chung hôm thứ Tư 27 tháng 4.
Xin chúng ta đừng quên: chúng ta không thể đứng nhìn một cách bàng quan khi có quá nhiều người xung quanh chúng ta bị chết dần mòn vì đói, vì bạo lực và bất công: đó là lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxico cho người Ki-tô hữu hãy trở nên những người Samari nhân lành trong cuộc sống hàng ngày, “Làm ngơ trước nỗi đau của anh em là làm ngơ Chúa,” Đức Thánh Cha nhắc lại đoạn Phúc Âm trong đó thầy Lê-vi và Thầy cả đi qua người đàn ông bị cướp tấn công nằm hấp hối bên cạnh đường.
Đức Phanxico nói, cả hai người đều là chức sắc của đền thờ, nhưng thái độ làm ngơ bỏ đi của họ trái ngược lại với Luật của Thiên Chúa. Luật Chúa bắt buộc chúng ta dừng lại và giúp đỡ bất kỳ ai đang lâm cảnh khốn cùng. Và ở đây, đoạn trích Phúc Âm cho chúng ta một bài học: “không phải tất cả những người năng lui tới nhà Chúa và ý thức về Lòng Thương Xót của Người đều biết cách yêu anh em.”
Người Samari, một người Do thái ly khai, bị khinh miệt thời Chúa Giê-su như là “một người ở bên lề, một người ngoại đạo, một kẻ ô uế,” Đức Thánh Cha nói. Và đương nhiên người Samari đó vẫn có nhiều việc bận rộn phải làm – nhưng anh nhìn thấy người đàn ông bị thương nặng, anh đã không bỏ đi như 2 người kia. Anh dừng lại và “thể hiện lòng trắc ẩn với người kia.”
“Lòng trắc ẩn là một đặc tính quan trọng của Lòng Chúa thương xót,” và “qua cách thể hiện và hành động của người Samari nhân lành, chúng ta nhận ra được hoạt động của Lòng Chúa thương xót xuyên suốt lịch sử cứu độ.”
“Đó cũng là lòng trắc ẩn giống với những gì Thiên Chúa thể hiện nơi mỗi người chúng ta: Người không bỏ rơi chúng ta. Người nhận ra nỗi đau của chúng ta. Người biết khi nào chúng ta cần cứu giúp và an ủi. Người đến gần chúng ta và không bao giờ để chúng ta cô đơn.”
Đức Thánh Cha nhất mạnh, người Samari đã hành động theo đúng nghĩa lòng thương xót: anh đã băng bó vết thương cho người đàn ông, đưa ông vào nhà trọ, và “tự mình chăm sóc người kia.”
Đức Thánh Cha nói, tất cả những điều này dạy chúng ta hiểu rằng lòng trắc ẩn và tình yêu không phải là những tình cảm “mơ hồ”; nhưng nghĩa là “quan tâm chăm sóc đến người khác tới mức hy sinh bản thân.” Ngài nói thêm, nếu chúng ta có trái tim đầy trắc ẩn như Giê-su, chúng ta có thể gần gũi với bất kỳ ai đang cần sự giúp đỡ ...
Dưới đây chúng tôi trích thông điệp của Đức Thánh Cha gửi tới những người hành hương nói tiếng Anh có mặt tại Quảng trường Thánh Phê-rô:
Thưa anh chị em:
Trong tinh thần của huấn giáo Năm thánh Lòng thương xót này, chúng ta chuyển sang đoạn Tin Mừng nói về người Samari nhân lành. Đức Giê-su đã dạy chúng ta một điều răn lớn là mến Chúa và yêu anh em mình. để trả lời cho câu hỏi “Ai là anh em của tôi?”, Người đã kể câu chuyện một Thầy Cả và thầy Lê-vi đã làm lơ đi qua một người đang cần được giúp đỡ ở ven đường. Lòng sùng đạo của họ rốt cuộc chỉ là sự giả tạo, vì nó không tìm được cách thể hiện sự phục vụ anh em. Đức Ki-tô đã nói với chúng ta, tình yêu không bao giờ là lý thuyết và viển vông xa rời thực tế; tình yêu là “nhìn thấy” và hành động. Lòng trắc ẩn của người Samari là một hình ảnh của Lòng Chúa thương xót vô biên. Người luôn nhìn thấy những nhu cầu của chúng ta và đưa lại gần chúng ta trong tình yêu. Vậy thì, mệnh lệnh mến Chúa và yêu anh em phải mang tính rất thực tế, nó đòi buộc chúng ta phải quan tâm chăm sóc người khác thậm chí tới mức độ hy sinh bản thân. Ở cuối đoạn Tin Mừng, chúng ta mới vỡ lẽ ra rằng “người anh em” không chỉ là người đang cần sự giúp đỡ, mà hơn thế nữa là người sẵn sàng cứu giúp những ai đang cần với lòng nhân ái. Giê-su dạy tất cả chúng ta hãy trở nên anh em với nhau theo ý nghĩa này: “Hãy đi và làm như vậy”. Chính Người là một mẫu gương của người Samari nhân hậu; chúng ta hãy thể hiện mình thực sự là những người môn đệ của Chúa bằng cách bắt chước tình yêu và lòng trắc ẩn của Người.
Cha xin chào thăm tất cả các anh chị em nói tiếng Anh tham dự buổi Triều yết chung hôm nay, đặc biệt là những anh chị em hành hương đến từ nước Anh, Thụy Điển, Slovakia, Trung Quốc, Indonesia, Singapore, Sri Lanka, Viet nam, Philippines, Canada và Hoa Kỳ. Trong niềm vui của Đức Ki-tô Phục Sinh, cha nguyện xin cho anh chị em và gia đình luôn được hưởng tình thương của Lòng Chúa thương xót. Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả anh chị em!

[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 28/04/2016]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét