“Nhưng thưa Cha, liệu có hợp lý không khi Đức Thánh Cha cứu những người tị nạn Hồi giáo thay vì Các Ki-tô hữu?”
Một linh mục đã trả lời cho một tình nguyện viên trẻ cảm thấy khó chịu khi Đức Phanxico đưa 3 gia đình không phải Ki-tô hữu từ Hy Lạp về Roma
FILIPPO MONTEFORTE / POOL / AFP
Nhiều người đã chỉ trích Đức Thánh Cha đem 3 gia đình tị nạn người Hồi giáo về Roma với ngài sau chuyến viếng thăm đảo Lesbos ở Greece.
Một số người xem đây là sự bực bội, và thậm chí còn gán cho Vatican cái nhãn hiệu vô tình giúp những người này trong khi tình hình của những Ki-tô hữu ở Iraq và Syria vẫn tiếp tục trong tình trạng kinh khủng.
Chúng ta nên lưu ý rằng Đức Thánh Cha đã cung cấp nơi ở an toàn cho 2 gia đình tị nạn người Công giáo và hơn nữa Đức Thánh Cha liên tục hỗ trợ những Ki-tô hữu ở Trung Đông (Holy See is constantly assisting the Christians in the Middle East.)
Tuy nhiên trên tất cả mọi việc, hành động của Đức Thánh Cha có hàm ý định hướng rõ ràng cho một Phương Tây thiếu quan tâm, một Phương Tây giấu mình sau những dị biệt về chủng tộc hay tôn giáo nhằm đóng cửa các biên giới của họ.
Nếu vị đứng đầu Giáo hội Công giáo mang về những người tị nạn của một tôn giáo khác, Phương Tây còn lý do gì để bào chữa nữa không? Ông bà của chúng ta có những câu nói đậm tính Ki-tô giáo trong đó, “Hacer el bien y no mirar a quien” (Hãy cứ làm điều tốt bất kể ai là người thụ hưởng điều tốt chúng ta làm.)
Chúng ta phải mở cửa tâm hồn chúng ta, hãy hiểu rằng — trước khi nghĩ đến những con số, những con số của tôn giáo này hay tôn giáo kia — những người tị nạn là con người, có mặt mũi thân hình, có tên, có lịch sử của họ.
Một bạn trẻ tình nguyện viên rất sốt sắng với công việc trong nhà thờ đi quyên góp để giúp những Ki-tô hữu đang bị bách hại hỏi cha Damian, cha xứ của bạn trẻ đó, với giọng hơi phẫn uất: “Có hợp lý không khi Đức Thánh Cha Phanxico trở về sau chuyến đi đến đảo Lesbos mang theo 12 người tị nạn trên máy bay của ngài mà tất cả đều là người Hồi giáo? Thế còn những Ki-tô hữu đang bị bách hại thì sao? Họ không có quyền ưu tiên hơn để nhận được sự giúp đỡ này sao?”
Vị linh mục nhìn vào đôi mắt của bạn trẻ với sự trìu mến và kể lại câu chuyện sau:
Những trận mưa tầm tã đổ trên một quần đảo. Tại đây có một số ngư dân sinh sống và làm việc. Các gia đình thuộc nhiều tôn giáo khác nhau chờ đợi trên các mái nhà hy vọng may mắn được cứu sống. Các căn nhà được làm bằng tre và sậy không thể chống chọi lại được với sức mạnh của trận bão. Một trong những ngư dân, mặc dù biết rằng ông không thể cứu được tất cả mọi người, vội vã lên chiếc thuyền của mình chèo chống trước cơn bão dữ.
Giữa trận cuồng phong, người đàn ông chợt thấy mình ở gần một gia đình đang cố chống chọi để ngoi đầu lên khỏi mặt nước đang ngập lên đến cổ của họ. Ông liền hỏi người cha của gia đình đang cố giữ cho đứa con nhỏ nhất trong nhà nổi lên bên trên mặt nước, “Này ông anh, anh có phải người Ki-tô hữu không?”
Và một lần nữa, giọng của ông ta lại trổi lên trong tiếng gầm rú của đại dương, “Anh có phải người Ki-tô không?”
Trước câu hỏi như vậy, người cha tuyệt vọng không biết phải trả lời sao, vì nước đã ngập vào miệng của ông và toàn bộ sức lực của ông dồn vào cố gắng tuyệt vọng để cứu đứa con. Ngay sau đó, cả hai cha con biến mất, bị nuốt chửng trong cơn gió giật của đại dương.
Đi xa hơn một tí, ông ta nhìn thấy một phụ nữ đang bám vào mép của mái lều của bà nhảy vội xuống nước, chỉ quan tâm đến sự an nguy của con bà và người chồng đang vùng vẫy trong nước, và rồi người ngư phủ này không nhìn thấy gia đình đó nữa.
Người ngư dân quay thuyền lại với một sự quyết tâm hơn bao giờ hết tìm cho bằng được những người Ki-tô hữu để cứu họ.
Ngay sau đó một cơn sóng lớn hất chiếc xuồng của ông ta lên và các mái chèo đập vào đầu ông.
Người ngư phủ này bắt đầu chìm và một luồng ánh sáng từ trên trời mở ra và một giọng nói trong đám mây gọi ông ta, “Ông có phải là người Ki-tô hữu không?”
Choáng váng sau một cú đánh của cơn sóng dữ, người ngư phủ cố hết sức bình sinh hét thật to, “Vâng con là người Ki-tô hữu. Con là người Ki-tô hữu! Lạy Chúa, con là người Ki-tô hữu!”
Và giọng nói từ trời vang vọng trong đầu ông ta, “Tại sao ngươi không cứu những người anh em của ngươi? Tại sao ngươi lại để cho họ chết chìm?”
Và ông ta nhìn thấy từ xa xa một con tàu đang rẽ các cơn sóng đến để cứu ông ta khỏi cái chết cận kề. Một bàn tay chai sạn của người thủy thủ với xuống chộp lấy cổ của ông ta, cứu ông ta thoát khỏi cái chết trong gang tấc.
Người ngư phủ hét lên vì vui sướng, “Anh là một người Ki-tô hữu tốt! Chúa đã gửi anh đến đây.”
Người thủy thủ râu ria quay lại ngạc nhiên nhìn người ngư phủ. “Tôi không phải là người Ki-tô hữu.” Và anh ta nói thêm, “Nhưng tôi chắc chắn ở cương vị của ông, ông cũng làm như tôi.”
Và người ngư phủ bật khóc nức nở.
Khi cha Damian kết thúc câu chuyện, bạn trẻ tình nguyện viên ngồi lặng thinh suy nghĩ. Vị linh mục ôm bạn trẻ và nói, “Con hãy nhớ đến người Samari nhân lành.”
Được dịch từ phiên bản tiếng Tây Ban Nha.
[Dịch từ phiên bản tiếng Anh: TRI KHOAN 27/04/2016]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét