Câu chuyện một người sống sót của Holocaust gặp gỡ Đức Thánh Cha Phanxico
Một con số được xăm trên bắp tay của Lidia Maksimovic Bocarova, một người sống sót của trại tập trung Auschwitz-Birkenau. Ảnh: Alan Holdren/CNA.
Alan Holdren và Kevin J. Jones
Bielsko-Biala, Ba lan, 29 tháng 7, 2016 / 05:02 chiều (CNA/EWTN News).- Một người sống sót của trại tập trung Auschwitz chào đón chuyến viếng thăm hôm thứ Sáu của Đức Thánh Cha Phanxico và kêu gọi thế giới hãy nhớ đến những đau khổ xảy ra ở đó.
“Nó rất quan trọng với tôi và tôi cảm thấy thật phấn khởi,” Lidia Maksimovic, 75 tuổi , nói với các phóng viên tại trại hôm 29 tháng 7. “Không thể nào quên được những điều kinh khủng này, và cũng rất quan trọng nếu mọi người đến đây và nhìn thấy được và biết được những gì đã xảy ra. Để những gì đã xảy ra ở đây sẽ không bao giờ tái diễn lại.”
Maksimovic là một người sống sót của trại tập trung Auschwitz-Brikenau của Đức Quốc xã ở Ba lan. Khoảng 1,5 triệu người đã chết tại khu phức hợp Auschwitz này, trong đó có Thánh Maximilian Kolbe.
Hôm thứ Sáu Đức Thánh Cha thăm nhiều địa điểm trong khu phức hợp này. Ngài đã cầu nguyện trong thinh lặng nhiều phút tại sân trong của trại chính, được gọi là Auschwitz I. Sau đó ngài được xe chở đến tòa nhà Khu 11 ô nhục. Tại đó, ngài được Thủ tướng Ba lan, Beata Szydlo, đón tiếp.
Ngài cầu nguyện một lát trong thinh lặng.
Trong số những người có mặt trong chuyến viếng thăm của ngài là một nhóm các ông các bà đã sống sót sau cuộc tàn sát Holocaust, trong đó có Maksimovic.
Gia đình của bà gốc Nga sống trong vùng chiếm đóng của Đức Quốc xã. Đức Quốc xã nghi ngờ họ có liên lạc với Liên Bang Xô viết, và họ bị chuyển đến Auschwitz cùng với 1.500 người dân khác.
Bà bị lột hết quần áo và xăm một con số lên cánh tay. Bà lúc đó 3 tuổi.
“Tôi bị đánh số vào cánh tay trái như một tù nhân. Tôi đã có nó từ bé,” bà nói với CNA.
Một phần của trại này được dùng như một phòng nghiên cứu cho bác sĩ Đức Quốc xã Josef Mengele làm những thí nghiệm về người.
“Chúng tôi bị chia thành 2 nhóm. Tôi thuộc về một nhóm các trẻ khỏe mạnh để bác sĩ Mengele tự tay chọn các trẻ vào những mục tiêu nghiên cứu y khoa,” Maksimovic nói.
“Thời gian khó khăn nhất cho chúng tôi, cho các người mẹ và các con là lúc bị xăm số và chia tách,” bà nói. “Họ tách những đứa trẻ ra khỏi mẹ. Những người mẹ ôm con và không muốn rời con, nhưng các bé bị lôi ra khỏi vòng tay của họ và quăng ra ngoài như những con vật. Tất cả các phụ nữ đều kêu khóc. Đấm đá họ, Đức quốc xã bắt họ phải ra ngoài tới những trại đã được chuẩn bị đặc biệt.”
“Chúng tôi, những đứa trẻ nhìn thấy mẹ của mình bị lột hết quần áo rồi bị cạo trọc đầu. Những đứa trẻ chúng tôi không thể nhận ra được mẹ mình vì chúng tôi chưa bao giời nhìn thấy họ trong tình trạng như vậy,” bà nói.
“Rồi các người mẹ phải mặc những bộ quần áo như anh nhìn thấy ở đây trưng trong bảo tàng. Nó là bộ đồng phục xanh xám và những đôi guốc.”
Trẻ em được chuyển đến các trại dành cho trẻ.
“Chúng tôi nhìn vào những đứa trẻ khác, nhìn vào nơi các trẻ đang sống và thật là kinh khủng, không phải như anh nhìn thấy bây giờ đâu,” bà nói. “Bây giờ mọi cái sạch sẽ rồi … lúc đó hả, nó bẩn, và xú uế của người khắp nơi. Không có toilet hay nước sạch.”
Phải mất 20 năm bà mới đoàn tụ được với mẹ của bà sau khi các trại được giải phóng bởi các lực lượng Đồng minh.
Đức Thánh Cha Phanxico đã giữ thinh lặng cầu nguyện và không có diễn văn tại Auschwitz.
Maksimovic cho rằng đây là một chọn lựa tốt.
“Nơi này là nơi của sự im lặng,” bà nói. “Nếu ai đó có thể nói điều gì, thì họ chỉ có thể nói rằng con người đã đau khổ ở đây và bị đẩy xuống tận cùng vực sâu.”
[Nguồn: catholicnewsagency]
[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 30/07.2016]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét