Thứ Tư, 18 tháng 3, 2020

Đức Thánh Cha dâng lễ tại Santa Marta: Một cơ hội thật đẹp cho các gia đình tái khám phá lòng cảm mến (toàn văn)

Đức Thánh Cha dâng lễ tại Santa Marta: Một cơ hội thật đẹp cho các gia đình tái khám phá lòng cảm mến (toàn văn)
© Vatican Media

Đức Thánh Cha dâng lễ tại Santa Marta: Một cơ hội thật đẹp cho các gia đình tái khám phá lòng cảm mến (toàn văn)

Cầu nguyện cho các gia đình ‘tất cả bị giam hãm’ trong thời gian phong tỏa

16 tháng Ba, 2020 10:58

Hôm nay Đức Thánh Cha dâng Lễ riêng tại Nhà nguyện Casa Santa Marta tại khu ngài ở, cầu nguyện cho các nạn nhân đại dịch Coronavirus, hôm nay cầu nguyện đặc biệt cho các gia đình trong thời gian bị phong tỏa.

Những Thánh Lễ trong nhà nguyện của Đức Phanxico thường có một nhóm nhỏ các tín hữu, nhưng do những biện pháp gần đây được Vatican thực thi, hiện tại chỉ là Lễ riêng, không có người tham dự.

Trong những ngày gần đây có thông báo cho biết rằng Đức Thánh Cha sẽ có những Thánh Lễ này, trong thời điểm hiện nay, cho tất cả tín hữu trên thế giới, qua truyền hình trực tiếp trên Vatican Media, vào các ngày trong tuần, lúc 7 giờ sáng giờ Roma.

Việc này cũng diễn ra khi hội đồng giám mục Ý đã hủy tất cả các Thánh Lễ cộng đoàn chung trên toàn quốc, cho đến ít nhất là ngày 3 tháng Tư, theo sau những hướng dẫn của các nhà chức trách của Ý. Toàn quốc hiện đang trong thời gian phong tỏa.

Một lần nữa trong Thánh Lễ hôm nay, Đức Thánh Cha bày tỏ tình gần gũi với những người đau khổ, người già, và tất cả những người đang gắng sức ngăn chặn và chữa trị virus.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha phân tích các bài đọc trong ngày trích Sách Các Vua (2 V 5:1-15 và Tin mừng Thánh Lu-ca (Lc 4: 24-30), theo bản tin của Vatican News.

Đức Thánh Cha bắt đầu bài giảng rằng “Cha đang nghĩ đến các gia đình bị giam hãm trong nhà với nhau.

Khi buồn phiền về sự nghiêm trọng của virus, Đức Phanxico vẫn nhìn đến mặt sáng: “Nó là một cơ hội thật đẹp để tái khám phá lòng cảm mến.”

Ngài cầu nguyện, “Xin Chúa giúp đỡ họ tìm ra được những cách thức mới, những cách bày tỏ mới cho tình yêu, cho việc chung sống với nhau trong hoàn cảnh mới này.”

Ngài mời gọi các tín hữu hãy theo dõi ngài qua truyền hình trực tiếp và cùng thông công với ngài cầu nguyện “cho các gia đình để những mối quan hệ trong gia đình tại thời điểm này có thể luôn luôn nuôi dưỡng sự tốt lành.”

Ngoài Santa Marta, Vatican đang thực hiện những bước khác để ngăn chặn các đám đông và giữ cho mọi người an toàn. Họ đang truyền hình trực tiếp các buổi đọc Kinh Truyền Tin và Tiếp Kiến Chung mà Đức Thánh Cha thực hiện riêng từ thư viện giáo hoàng.

Thêm nữa, các Viện Bảo tàng Vatican hiện đang đóng cửa, cùng với các viện bảo tàng khác. Cũng đã có những hướng dẫn khác được áp dụng trong toàn Vatican, để ngăn chặn sự lây lan của virus.

Cho đến nay, chỉ có một người, một khách du lịch, đã được xét nghiệm dương tính với Coronavirus tại Vatican. Năm người có tiếp xúc với bệnh nhân này đang được cách ly.

Đối với những người quan tâm có thể theo dõi trực tiếp các Thánh Lễ của Đức Thánh Cha tại Santa Marta và xem lại sau trên kênh YouTube của Vatican. Dưới đây là đường dẫn đến Thánh Lễ hôm nay. Bên dưới là bản dịch (tiếng Anh) toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha:


*****


***

TOÀN VĂN BÀI GIẢNG

Trong cả hai văn bản mà Phụng vụ cho chúng ta suy niệm hôm nay có một thái độ thu hút sự chú ý của chúng ta, một thái độ của con người, nhưng không mang tinh thần tốt lành: sự tức giận. Người Na-da-rét bắt đầu lắng nghe Chúa Giê-su, họ thích cách Ngài trình bày, nhưng rồi có người lên tiếng: “Nhưng mà ông ấy học Đại học nào vậy? Ông ta là con bà Maria và ông Giu-se; ông ta chỉ là một thợ mộc! Ông ấy đến đây để nói gì với chúng ta vậy?” Và người ta khinh miệt Ngài. Họ trở nên phẫn nộ (x. Lc 4:28). Và sự giận dữ này đưa họ tới bạo lực. Và Giê-su mà họ rất khâm phục lúc đầu khi rao giảng, thì họ kéo ra ngoài và ném từ trên núi xuống (x. c. 29).

Và Na-a-man — Na-a-man là một người tốt lành, hoàn toàn tin tưởng –, nhưng khi ngôn sứ bảo ông đi tắm bảy lần trong sông Gio-đan, ông ta tức giận. Nhưng tại sao? “Ta cứ nghĩ bụng là thế nào ông ấy cũng đích thân đi ra, rồi đứng mà cầu khẩn danh Đức Chúa, Thiên Chúa của ông ta. Ông ta sẽ quơ tay lên đúng chỗ phung hủi mà chữa khỏi. Nước các sông A-va-na và Pác-pa ở Đa-mát chẳng tốt hơn tất cả nước sông ở Ít-ra-en sao? Ta lại không thể tắm ở các sông ấy để được sạch hay sao? " Ông quay lưng lại và tức tối ra đi” (2 V 5:11-12) — với sự tức giận.

Ở Na-da-rét cũng có những người tốt lành. tuy nhiên, có điều gì đó đằng sau những con người tốt lành này dẫn đưa họ đến thái độ tức giận? Và còn tệ hơn ở Na-da-rét: dẫn đến bạo lực. Cả những người trong Hội đường cũng như Na-a-man đều nghĩ rằng Thiên Chúa chỉ tỏ lộ mình theo cách phi thường, trong những điều vượt ra ngoài sự bình thường; rằng Thiên Chúa không thể nào hoạt động trong những điều thông thường, trong sự đơn sơ. Họ khinh bỉ người đơn sơ. Họ khinh bỉ; họ coi khinh những điều đơn giản. Và Thiên Chúa của chúng ta làm cho chúng ta hiểu rằng Ngài luôn luôn hoạt động trong sự đơn sơ: trong sự đơn sơ, trong căn nhà ở làng Na-da-rét, trong sự đơn sơ của công việc hàng ngày, trong sự đơn sơ của lời cầu nguyện … những điều đơn sơ. Ngược lại, tinh thần thế gian dẫn đưa chúng ta đến với tính hư ảo, đến với những hình thức bề ngoài … và cả hai đều kết thúc bằng bạo lực. Na-a-man là một người học thức, nhưng ông ta đóng sầm cửa lại trước mặt tiên tri và bỏ đi. Bạo lực, nó là một hành động bạo lực. Những người trong Hội đường bắt đầu tức giận, tức giận và họ quyết định giết Chúa Giê-su, nhưng không có ý thức, và họ đuổi Ngài ra ngoài và quăng Ngài xuống. Sự tức giận là một cám dỗ khủng khiếp và dẫn đến bạo lực.

Một vài ngày trước, người ta cho cha xem một đoạn video trên điện thoại di động quay tại cửa một tòa nhà đang bị cách ly. Có một người đàn ông, một thanh niên muốn ra ngoài. Và người bảo vệ nói với anh ta rằng không thể được. Và người người thanh niên đó đấm người bảo vệ, với sự tức giận, với sự khinh bỉ. “Nhưng mày là ai, ‘tên da đen,’ (ND: Negro: là từ khinh bỉ chỉ người da đen) mà lại ngăn không cho tao ra ngoài?” Sự tức giận là thái độ của người kiêu hãnh, nhưng là của những người kiêu hãnh … với tâm hồn nghèo nàn, những người kiêu hãnh chỉ sống với ảo tưởng vượt quá mức con người thật của họ. Những người tức giận là một “tầng lớp tinh thần”: thật vậy, những người này thường cần phải tức giận, để trút giận, để cảm thấy họ là một con người.

Điều này cũng có thể xảy ra cho chúng ta: các nhà thần học gọi nó là “gương xấu Pha-ri-sêu”, tức là, làm tôi chướng tai gai mắt với những điều thuộc tính đơn sơ của Thiên Chúa; tính đơn sơ của người nghèo, tính đơn sơ của người Ki-tô giáo, dường như nói rằng: “Đây không phải là Thiên Chúa. Không, không. Thiên Chúa của chúng ta có văn hóa hơn; Người thông thái hơn, Người quan trọng hơn. Thiên Chúa không hành động theo cách đơn giản như vậy.” Và sự tức giận này luôn dẫn người ta đến bạo lực, hoặc là bạo lực thân xác hoặc bạo lực bằng những tin đồn, nó cũng giết người giống như bạo lực thân xác.

Chúng ta hãy suy nghĩ về hai trích đoạn này: sự tức giận của những người trong Hội đường Na-da-rét và sự giận của Na-a-man, vì họ không hiểu được sự đơn sơ của Thiên Chúa.

[Bản dịch (tiếng Anh) toàn văn bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxico của ZENIT]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 17/3/2020]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét