Chủ Nhật, 17 tháng 5, 2020

Đức Benedict XVI viết thư về lòng thương xót vĩ đại của Thánh Gioan Phaolô II

Đức Benedict XVI viết thư về lòng thương xót vĩ đại của Thánh Gioan Phaolô II
CTV Screenshot

Đức Benedict XVI viết thư về lòng thương xót lớn lao của Thánh Gioan Phaolô II

Ca ngợi Đấng Tiền nhiệm đã cho thấy sự tốt lành và con đường đến với Đức Kitô

15 tháng Năm, 2020 12:04

Đức Giáo hoàng Hưu trí Benedict XVI đã viết một lá thư đặc biệt nhân kỷ niệm một trăm năm ngày sinh của Thánh Gioan Phaolô II.

Toàn văn lá thư mà Đức Benedict viết gửi cho Đức Hồng y Stanislaw Dziwisz bằng tiếng Đức được Hội đồng Giám mục Ba Lan cung cấp bản tiếng Anh cho ZENIT.

Trong thư, Đức Benedict ca ngợi ký ức, lòng thương xót, và ảnh hưởng của vị tiền nhiệm vĩ đại và là người bạn thân thiết của ngài.

Thừa nhận một trách vụ gần như bất khả thi đang chờ đợi Đức Gioan Phaolô II vừa được bầu chọn, ngài Benedict nói, “ngay từ giây phút đầu tiên, Đức Gioan Phaolô II đã khơi dậy nhiệt huyết mới cho Chúa Kitô và Giáo hội của Người.”

“Những lời của ngài trong bài giảng tại lễ mở tay trên cương vị giáo hoàng của mình: ‘Đừng sợ! Hãy mở rộng, hãy mở rộng những cánh cửa cho Đức Kitô!’ Lời kêu gọi và tinh thần này sẽ là nét đặc trưng cho toàn bộ thời gian đảm nhận ngôi vị giáo hoàng của ngài và làm cho ngài trở thành một người phục hồi tự do của Giáo hội.”

Ngài nhấn mạnh rằng điều này “bởi thực tế là vị tân Giáo hoàng đến từ một quốc gia nơi sự đón nhận của Công đồng đã rất tích cực: một sự canh tân hân hoan về mọi việc thay cho thái độ nghi ngờ và không chắc chắn trong tất cả mọi điều.”

Đức Benedict nhắc lại rằng Đức Gioan Phaolô II đã đi khắp thế giới, thực hiện 104 chuyến tông du, ngài loan báo “Tin mừng là một thông điệp niềm vui ở bất kỳ nơi nào ngài đến, bằng cách này giải thích mệnh lệnh phải bảo vệ sự Thiện và thuộc về Đức Kitô.”

Trong 14 Thông điệp, Đức Benedict XVI nói, “ngài đã trình bày một cách toàn diện đức tin của Giáo hội và giáo huấn của Giáo hội theo cách nhân văn. Qua cách làm này, chắc chắn ngài đã gây ra sự tranh cãi trong Giáo hội phương Tây, bị che phủ bởi sự hoài nghi và không chắc chắn.”

Đức Benedict bày tỏ mong muốn thêm “một nhận xét cá nhân ngắn gọn mà nó dường như là một khía cạnh quan trọng của bản chất và công cuộc của Đức Thánh Cha.”

“Ngay từ đầu, Đức Gioan Phaolô II đã được chạm đến một cách sâu sắc bởi thông điệp của chị Faustina Kowalska, một nữ tu quê ở Kraków, là người nhấn mạnh Lòng Thương Xót của Chúa là trung tâm nền tảng của đức tin Kitô giáo.”

Đức Benedict nhắc lại việc ngài đã trình bày đề xuất vẫn giữ Chúa nhật Thứ Hai Phục sinh theo đúng hình thức lịch sử, nhưng gồm thêm Lễ Lòng Chúa thương xót trong thông điệp ban đầu. “Thường có những trường hợp tương tự như vậy mà tôi rất có ấn tượng trước sự khiêm nhường của vị Giáo hoàng vĩ đại này, người phải từ bỏ những ý kiến rất yêu thích của mình vì ngài không thể tìm được sự chấp thuận của những cơ quan chính thức buộc phải được tham khảo ý kiến theo những quy phạm đã được thiết lập.”

Khi Đức Gioan Phaolô II trút hơi thở cuối cùng, thì lời kinh Giờ Kinh chiều Đầu tiên của Lễ Lòng Chúa Thương xót vừa kết thúc. Điều này làm sáng tỏ giờ lâm tử của ngài: ánh sáng lòng thương xót của Chúa trổi lên như một thông điệp an ủi trên cái chết của ngài.

Đức Benedict nhớ lại, “Trong quyển sách cuối cùng của ngài Memory and Identity (tạm dịch: Ký ức và Căn tính), là quyển sách được xuất bản ngay trong tối trước khi ngài qua đời, một lần nữa Đức Thánh Cha tóm tắt thông điệp của Lòng Chúa Thương xót.”

Trong suốt cuộc đời của Đức Gioan Phaolô II, vị Giáo hoàng hưu trí người Đức nói, ngài “tìm cách chọn lấy cho riêng mình cùng đích của đức tin Kitô giáo, giáo lý ơn cứu độ, và giúp mọi người biết chọn lấy cho riêng họ.”

Ngài giải thích, “Qua Đức Kitô sống lại, lòng thương xót của Chúa được dành cho cho tất cả mọi người. Mặc dù trung tâm này của đời sống Kitô giáo chỉ được trao ban cho chúng ta trong đức tin, nhưng nó cũng vô cùng quan trọng theo thần học, vì lòng thương xót của Chúa không phải là một cơ sở lập luận, như thế chúng ta phải tìm ra con đường của chúng ta trong một thế giới nơi không thể nhận ra sức mạnh cuối cùng của sự thiện chống lại sự dữ. Điều trọng yếu không thể thiếu được cho mọi người, vượt ra ngoài tính quan trọng thuộc lịch sử khách quan, là phải biết rằng cuối cùng lòng thương xót của Chúa thì mạnh mẽ hơn sự yếu đuối của chúng ta.”

Đức Giáo hoàng hưu trí nhận xét, “Ngoài ra, ở điểm này, có thể tìm thấy sự hiệp nhất bên trong của thông điệp của Đức Gioan Phaolô II và những ý định căn bản của Đức Thánh Cha Phanxico: Đức Gioan Phaolô II không phải là một người khắt khe về đạo đức như một số người mô tả một phần về ngài. Với vai trò trọng tâm của Lòng Thương xót của Chúa, ngài cho chúng ta cơ hội để chấp nhận yêu cầu về đạo đức đối với con người, cho dù chúng ta không bao giờ có thể đáp ứng hoàn toàn được nó. Bên cạnh đó, những nỗ lực đạo đức của chúng ta được thực hiện trong ánh sáng lòng Thương xót của Chúa, và đó là một sức mạnh chữa lành cho sự yếu đuối của chúng ta.”

Khi Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II hấp hối, Đức Benedict nhắc lại rằng Quảng trường Thánh Phêrô phủ kín người, đặc biệt có rất nhiều bạn trẻ là những người muốn nhìn thấy vị Giáo hoàng của họ lần cuối.

“Tôi không thể quên được giây phút khi Đức Tổng Giám mục loan báo tin về sự ra đi của Đức Giáo hoàng. Trên hết là giây phút khi quả chuông lớn của Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô vang lên thông điệp vẫn còn lưu lại không thể quên.”

Ngài nói, “Vào ngày lễ tang của ngài, có rất nhiều tấm áp phích với dòng chữ “Santo subito!” Đó là một tiếng khóc trổi lên từ sự gặp gỡ với Đức Gioan Phaolô II từ khắp nơi. Không chỉ từ trong quảng trường nhưng cũng từ các giới trí thức khác nhau với ý tưởng trao cho Đức Gioan Phaolô II danh hiệu “Cả” được đem ra thảo luận.”

Đức Giáo hoàng hưu trí Benedict XVI chỉ ra rằng Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II qua đời trong những giây phút đầu tiên của Lễ Lòng Chúa Thương xót mới được thành lập.

Đức Benedict kết luận, “Lạy Thánh Gioan Phaolô II, xin cầu cho chúng con!”

Dưới đây là toàn văn lá thư:


***

Nhân kỷ niệm một trăm năm ngày sinh 

của Thánh Gioan Phaolô II

(18 tháng Năm, 2020)

100 năm trước, ngày 18 tháng Năm, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II chào đời trong thị trấn nhỏ Wadowice của Ba Lan.

Sau khi bị chia cắt hơn 100 năm bởi ba cường quốc lớn láng giềng là Phổ, Nga, và Áo, Ba Lan giành lại độc lập vào cuối Đệ Nhất Thế chiến. Đó là một biến cố lịch sử khai sinh niềm hy vọng lớn lao; nhưng nó cũng đòi hỏi nhiều gian khổ khi tân Chính phủ tiếp tục phải gánh chịu sức ép của hai thế lực Đức và Nga trong tiến trình tái tổ chức. Trong hoàn cảnh bị áp bức này, và trên hết là trong hoàn cảnh mang đậm dấu ấn hy vọng, cậu thiếu niên Karol Wojtyła lớn lên. Cậu đã bị mất mẹ và anh trai lúc còn nhỏ, và cuối cùng là cả thân phụ, là người mà cậu thừa hưởng được lòng đạo đức sâu sắc và nhiệt thành. Cậu thiếu niên Karol đặc biệt bị cuốn hút bởi văn chương và kịch nghệ. Sau khi qua được kỳ thi cuối cùng bậc trung học, cậu chọn theo học các môn này.

“Để tránh bị lưu đày, mùa thu năm 1940 cậu đi làm trong một mỏ đá của nhà máy hóa chất Solvay.” (x. Gift and Mystery (tạm dịch: Ân sủng và mầu nhiệm). “Mùa thu năm 1942, cậu đưa ra quyết định cuối cùng là gia nhập Chủng viện Kraków, là chủng viện Đức Tổng Giám mục Sapieha của Kraków bí mật thiết lập trong khu ngài ở. Là một công nhân nhà máy, Karol đã bắt đầu học thần học trong các sách; và ngày 1 tháng Mười Một năm 1946, ngài được truyền chức linh mục.” (x. nt.) Dĩ nhiên, ngài Karol không chỉ học thần học trong sách nhưng cũng qua những kinh nghiệm của mình trong hoàn cảnh khó khăn mà ngài và đất nước trải qua. Việc này phần nào đó trở thành đặc tính của toàn bộ cuộc sống và công việc của ngài. Ngài học qua sách vở nhưng các vấn đề mà sách đặt ra trở thành hiện thực mà ngài trải nghiệm và sống một cách sâu sắc. Là một Giám mục trẻ – là Giám mục Phụ tá từ năm 1958 và sau đó là Tổng Giám mục Kraków từ năm 1964 – Công đồng Vatican II trở thành trường học cho toàn bộ cuộc đời và công việc của ngài. Những câu hỏi quan trọng, đặc biệt liên quan đến điều được gọi là Schema 13 mà sau đó trở thành Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, cũng đều là những câu hỏi quan trọng của riêng ngài. Những câu trả lời được Công đồng đưa ra sẽ dọn con đường sứ vụ của ngài là Giám mục, và sau này là Giáo hoàng.

Khi Đức Hồng y Wojtyła được bầu lên Đấng Kế vị Thánh Phêrô ngày 16 tháng Mười năm 1978, Giáo hội đang trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Những tranh luận của Công đồng đã được trình bày với công chúng như một sự tranh luận về đức tin, là điều dường như lấy mất của Công đồng sự chắc chắn không thể sai lầm và kiên vững của nó. Chẳng hạn, một linh mục quản xứ người Bavaria bình luận về tình hình bằng câu nói, “Cuối cùng, chúng ta đã đi vào đức tin sai lạc.” Cảm giác rằng không có điều gì còn là chắc chắn, rằng mọi sự đều phải được đặt câu hỏi, được nhen nhóm lên thậm chí nhiều hơn bởi cách thức thi hành việc cải cách phụng vụ. Cuối cùng, dường như phụng vụ có thể được tạo ra từ chính nó. Đức Phaolô VI đã đưa Công đồng đến hồi kết với nguồn năng lượng và sự quyết tâm, nhưng sau khi bế mạc, ngài phải đối mặt với những vấn đề cấp bách hơn cuối cùng dẫn đến những câu hỏi về sự tồn tại của chính Giáo hội. Vào thời điểm đó, các nhà xã hội học đã so sánh tình hình Giáo hội với tình hình của Liên Xô dưới sự cai trị của Gorbachev, trong đó cơ cấu quyền lực của Nhà nước Xô Viết sụp đổ trong quá trình cải cách.

Do đó, về bản chất, một trách vụ gần như bất khả thi đang chờ đợi vị tân Giáo hoàng. Tuy nhiên, ngay từ giây phút đầu tiên, Đức Gioan Phaolô II đã khơi dậy nhiệt huyết mới cho Chúa Kitô và Giáo hội của Người. Những lời của ngài trong bài giảng tại lễ mở tay trên cương vị giáo hoàng của mình: “Đừng sợ! Hãy mở rộng, hãy mở rộng những cánh cửa cho Đức Kitô!” Lời kêu gọi và tinh thần này sẽ là nét đặc trưng cho toàn bộ thời gian đảm nhận ngôi vị giáo hoàng của ngài và làm cho ngài trở thành một người phục hồi tự do của Giáo hội. Điều này bởi thực tế là vị tân Giáo hoàng đến từ một quốc gia nơi sự đón nhận của Công đồng đã rất tích cực: một sự canh tân hân hoan về mọi việc thay cho thái độ nghi ngờ và không chắc chắn trong tất cả mọi điều.

Đức Thánh Cha đã đi khắp thế giới, thực hiện 104 chuyến tông du, loan báo Tin mừng là một thông điệp niềm vui ở bất kỳ nơi nào ngài đến, bằng cách này giải thích mệnh lệnh phải bảo vệ sự Thiện và thuộc về Đức Kitô.

Trong 14 Thông điệp, ngài đã trình bày một cách toàn diện đức tin của Giáo hội và giáo huấn của Giáo hội theo cách nhân văn. Qua cách làm này, chắc chắn ngài đã gây ra sự tranh cãi trong Giáo hội phương Tây, bị che phủ bởi sự hoài nghi và không chắc chắn.

Điều quan trọng ngày nay là xác định được trung tâm thực sự, từ quan điểm mà chúng ta có thể đọc được thông điệp chứa đựng trong các văn bản khác nhau. Chúng ta có thể nhận thấy điều đó vào giờ lâm tử của ngài. Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II qua đời ngay những giây phút đầu tiên của Lễ Lòng Chúa Thương xót mới được thành lập. Trước hết tôi xin thêm một nhận xét cá nhân ngắn gọn mà nó dường như là một khía cạnh quan trọng của bản chất và công cuộc của Đức Thánh Cha. Ngay từ đầu, Đức Gioan Phaolô II đã được chạm đến một cách sâu sắc bởi thông điệp của chị Faustina Kowalska, một nữ tu quê ở Kraków, là người nhấn mạnh Lòng Thương Xót của Chúa là trung tâm nền tảng của đức tin Kitô giáo. Chị đã hy vọng cho việc thiết lập một ngày lễ như vậy. Sau khi tham khảo ý kiến, Đức Thánh Cha đã chọn Chúa nhật thứ Hai Phục sinh. Tuy nhiên, trước khi quyết định cuối cùng được đưa ra, ngài đã xin Bộ Giáo lý Đức tin bày tỏ quan điểm về tính phù hợp của ngày này. Chúng tôi đã phản ứng một cách không tốt, vì một ngày từ xa xưa, theo truyền thống và đầy ý nghĩa như Chúa nhật “in Albis” (Chúa nhật Áo trắng) kết thúc tuần Bát nhật Phục sinh không nên bị đè nặng với những ý tưởng hiện đại. Chắc chắn Đức Thánh Cha không dễ để chấp nhận câu trả lời của chúng tôi. Tuy nhiên, ngài đã làm điều đó với sự khiêm tốn và chấp nhận phản ứng tiêu cực của chúng tôi lần thứ hai. Cuối cùng, ngài trình bày một đề nghị là vẫn giữ Chúa nhật thứ Hai Phục sinh theo đúng hình thức lịch sử, nhưng gồm thêm Lễ Lòng Chúa thương xót trong thông điệp ban đầu. Thường có những trường hợp tương tự như vậy mà tôi rất có ấn tượng trước sự khiêm nhường của vị Giáo hoàng vĩ đại này, người phải từ bỏ những ý kiến rất yêu thích của mình vì ngài không thể tìm được sự chấp thuận của những cơ quan chính thức buộc phải được tham khảo ý kiến theo những quy phạm đã được thiết lập.

Khi Đức Gioan Phaolô trút hơi thở cuối cùng, thì lời kinh Giờ Kinh chiều Đầu tiên của Lễ Lòng Chúa Thương xót vừa kết thúc. Điều này làm sáng tỏ giờ lâm tử của ngài: ánh sáng lòng thương xót của Chúa trổi lên như một thông điệp an ủi trên cái chết của ngài. Trong quyển sách cuối cùng của ngài Memory and Identity (tạm dịch: Ký ức và Căn tính), là quyển sách được xuất bản ngay trong tối trước khi ngài qua đời, một lần nữa Đức Thánh Cha tóm tắt thông điệp của Lòng Chúa Thương xót. Ngài phân tích rằng Chị Faustina đã qua đời trước khi những sự kinh hoàng của Đệ nhị Thế chiến xảy ra nhưng đã đưa ra câu trả lời cho tất cả những cuộc chiến vượt ngoài sức chịu đựng này. Mầu nhiệm Phục sinh khẳng định rằng thiện chí cuối cùng sẽ chiến thắng, rằng sự sống sẽ chiến thắng cái chết, và tình yêu sẽ vượt qua hận thù.”

Trong suốt cuộc đời, Đức Thánh Cha tìm cách chọn lấy cho riêng mình cùng đích của đức tin Kitô giáo, giáo lý ơn cứu độ, và giúp mọi người biết chọn lấy cho riêng họ. Qua Đức Kitô sống lại, lòng thương xót của Chúa được dành cho cho tất cả mọi người. Mặc dù trung tâm này của đời sống Kitô giáo chỉ được trao ban cho chúng ta trong đức tin, nhưng nó cũng vô cùng quan trọng theo thần học, vì lòng thương xót của Chúa không phải là một cơ sở lập luận, như thế chúng ta phải tìm ra con đường của chúng ta trong một thế giới nơi không thể nhận ra sức mạnh cuối cùng của sự thiện chống lại sự dữ. Điều trọng yếu không thể thiếu được cho mọi người, vượt ra ngoài tính quan trọng thuộc lịch sử khách quan, là phải biết rằng cuối cùng lòng thương xót của Chúa thì mạnh mẽ hơn sự yếu đuối của chúng ta. Ngoài ra, ở điểm này, có thể tìm thấy sự hiệp nhất bên trong của thông điệp của Đức Gioan Phaolô II và những ý định căn bản của Đức Thánh Cha Phanxico: Đức Gioan Phaolô II không phải là một người khắt khe về đạo đức như một số người mô tả một phần về ngài. Với vai trò trọng tâm của Lòng Thương xót của Chúa, ngài cho chúng ta cơ hội để chấp nhận yêu cầu về đạo đức đối với con người, cho dù chúng ta không bao giờ có thể đáp ứng hoàn toàn được nó. Bên cạnh đó, những nỗ lực đạo đức của chúng ta được thực hiện trong ánh sáng lòng Thương xót của Chúa, và đó là một sức mạnh chữa lành cho sự yếu đuối của chúng ta.

Khi Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II hấp hối, Quảng trường Thánh Phêrô phủ kín người, đặc biệt là giới trẻ là những người muốn được nhìn thấy vị Giáo hoàng của họ lần cuối. Tôi không thể quên được giây phút khi Đức Tổng Giám mục loan báo tin về sự ra đi của Đức Giáo hoàng. Trên hết là giây phút khi quả chuông lớn của Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô vang lên thông điệp vẫn còn lưu lại không thể quên. Vào ngày lễ tang của ngài, có rất nhiều tấm áp phích với dòng chữ “Santo subito!” Đó là một tiếng khóc trổi lên từ sự gặp gỡ với Đức Gioan Phaolô II từ khắp nơi. Không chỉ từ trong quảng trường nhưng cũng từ các giới trí thức khác nhau với ý tưởng trao cho Đức Gioan Phaolô II danh hiệu “Cả” được đem ra thảo luận.

Từ “thánh” biểu thị phạm vi thuộc Thiên Chúa và từ “cả” là thuộc chiều kích con người. Theo các tiêu chí của Giáo hội, sự thánh thiện có thể được công nhận bởi hai tiêu chuẩn: các dũng đức và một phép lạ. Hai tiêu chuẩn này có mối tương liên rất gần. Từ “dũng đức” không có nghĩa là một thành tựu của Thế vận hội, nhưng là một điều trở nên hữu hình ở trong và thông qua một con người mà không phải là của riêng người đó nhưng là công việc của Thiên Chúa, là điều có thể nhận biết được ở trong và thông qua con người đó. Đây không phải là một hình thức cuộc thi đạo đức, nhưng là kết quả của sự từ bỏ tính cao cả của bản thân. Điểm then chốt đó là con người để cho Chúa thực hiện công việc nơi người đó, và vì thế công cuộc và sức mạnh của Chúa trở nên hữu hình qua người đó.

Điều tương tự cũng được áp dụng cho tiêu chuẩn của phép lạ: ở đây cũng vậy, điều quan trọng không phải là một sự việc lạ thường xảy ra nhưng là sự tỏ lộ hữu hình thiện tính chữa lành của Chúa vượt ra ngoài tất cả những khả năng riêng của con người. Thánh nhân là con người rộng mở cho Thiên Chúa và được thấm đẫm bởi Chúa. Người thánh thiện là người không hướng vào bản thân nhưng để cho chúng ta nhìn thấy và nhận biết Thiên Chúa. Về mặt pháp lý, điều tra việc này với mức độ cao nhất có thể là mục đích của hai tiến trình phong chân phước và phong thánh. Trong trường hợp của Đức Gioan Phaolô II, cả hai tiêu chuẩn đều được thực hiện một cách chặt chẽ theo những quy định áp dụng. Vì thế, bây giờ ngài đứng trước chúng ta là một người Cha, người làm cho lòng thương xót và tốt lành của Chúa trở nên hữu hình đối với chúng ta.

Còn khó khăn hơn nữa để định nghĩa đúng từ “cả”. Theo dòng lịch sử dài gần 2000 năm của các giáo hoàng, danh hiệu “Cả” chỉ được dành cho hai vị giáo hoàng: Lêô I (440 – 461) và Grêgôriô I (590 – 604). Trong cả hai trường hợp, từ “cả” mang hàm ý chính trị, nhưng đúng là vì có một điều thuộc mầu nhiệm của chính Thiên Chúa trở nên hữu hình qua sự thành công chính trị của các ngài. Qua đối thoại, Đức Lêô Cả đã có thể thuyết phục Atila, Thái tử của Rợ Hung, bỏ qua Roma – thành trì của các Tông đồ Phêrô và Phaolô. Không có vũ khí, không quân đội hoặc sức mạnh chính trị, qua sức mạnh của niềm tin vào đức tin, ngài có thể thuyết phục bạo chúa đáng sợ bỏ qua Roma. Trong cuộc chiến giữa tinh thần và quyền lực, tinh thần chứng minh mạnh mẽ hơn.

Sự thành công của Đức Grêgôriô I không nổi bật như vậy, nhưng ngài đã nhiều lần có thể bảo vệ Roma chống lại Lombard – ở đây cũng vậy, tinh thần chống lại quyền lực và chiến thắng thuộc về tinh thần.

Nếu chúng ta so sánh cả hai câu chuyện với trường hợp của Đức Gioan Phalô II thì có thể nhận thấy sự tương tự rất rõ ràng. Đức Gioan Phaolô II cũng chẳng có sức mạnh quân đội hoặc chính trị. Trong cuộc thảo luận về tương lai định hình cho Châu Âu và nước Đức vào tháng Hai năm 1945, người ta nói rằng phản ứng của Đức Thánh Cha cũng phải được xét đến. Sau đó Stalin hỏi: “Giáo hoàng có bao nhiêu phe?” Chắc chắn, ngài chẳng có phe nào. Tuy nhiên, sức mạnh đức tin trở thành một sức mạnh cuối cùng đã làm tan rã nền móng hệ thống quyền lực Xô viết vào năm 1989, và làm cho một sự khởi đầu mới trở nên khả thi. Rõ ràng, niềm tin của Đức Thánh Cha là một yếu tố then chốt trong sự sụp đổ của các thế lực. Và vì thế, sự cao cả xuất hiện nơi Đức Lêô I và Đức Grêôriô I cũng hoàn toàn trở nên hữu hình ở đây.

Chúng ta hãy bỏ ngỏ cho câu hỏi liệu rằng biệt danh “cả” sẽ thắng thế hay không. Sự thật là sức mạnh và thiện tính của Thiên Chúa đã trở nên hữu hình với tất cả chúng ta nơi Đức Gioan Phaolô II. Trong thời gian khi Giáo hội lại đang phải gánh chịu cảnh áp bức của sự dữ, ngài lại cho chúng ta một dấu chỉ của hy vọng và vững tin.

Lạy Thánh Gioan Phaolô II, xin cầu cho chúng con!

Benedict XVI

[Courtesy of the Polish Bishops’ Conference]



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 15/5/2020]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét