Agnolo Gaddi - Public Domain
Bị thất lạc nhiều lần và rồi được tái khám phá, bị phân ra nhiều phần và phân tán, thánh tích quý báu đã trải qua nhiều hành trình.
Thật khó để dò lại một cách chính xác con đường Thập giá thật của Chúa Giêsu đã đi qua kể từ khi được Thánh Helena khám phá trong chuyến hành hương đến Thánh địa năm 326. Tại thời điểm hành hương, Giáo hội đang phát triển nhanh chóng. Sau một thời gian dài bị bách hại, người Kitô hữu đã có thể tự do thực hành tôn giáo của họ, và có thể tìm kiếm lưu giữ những thánh tích tôn kính của họ. Thánh Helena, cùng với những người trung thành của Đức Kitô, và với con trai của thánh nhân là Hoàng đế La Mã Constantine I, và ở tuổi 80, ra đi để tìm kiếm thánh tích được săn lùng nhiều nhất: Thập giá của Chúa Giêsu.
Lần thất lạc thứ nhất
Sau cái chết của Chúa Giêsu, truyền thống nói rằng những người cố gắng ngăn chặn sự truyền bá Kitô giáo vội vã làm cho tất cả những đồ vật có liên quan đến cuộc đóng đinh biến mất, trong nỗ lực ngăn chặn những người muốn lấy lại bất kỳ thánh tích nào. Truyền thống cũng nói rằng, tại đồi Gôngôtha, thập giá đã bị ném xuống một cái hố sâu trong lòng đất, cùng với hai thập giá mà hai kẻ trộm đã bị đóng đinh trên đó. Đến Đất Thánh 300 năm sau, Hoàng hậu cuối cùng đã tìm thấy ba cây thập giá, nhưng thập giá nào là của Chúa? Để tìm ra, đức giám mục của Giêrusalem có ý kiến: ngài cho một người phụ nữ bệnh nặng, trước đó không thể chữa khỏi, chạm vào những cây gỗ và khi chạm vào một trong ba thập giá bà ta được chữa lành ngay lập tức. Thánh Helena không còn nghi ngờ gì: thánh nữ đã tìm thấy thánh giá của Chúa Giêsu. Thánh nữ ngay lập tức ra lệnh xây dựng một nhà thờ tại nơi thập giá được phát hiện – thánh nhân đặt tên nhà thờ là Nhà thờ Phục sinh – và lên đường về Roma. Theo truyền thống Kitô giáo, thánh tích được bảo tồn rất tốt cho đến năm 614 và rất nhiều người Kitô hữu đến kính viếng thánh giá.
Lần thất lạc thứ hai
Sau đó, thập giá biến mất trong tay người Ba Tư. Thánh tích trở thành “vật trao đổi” trong trường hợp có bất kỳ cuộc đàm phán nào với Đế quốc Đông La Mã (Byzantines). Nhưng vào năm 630, Heraclius, Hoàng đế của Đế quốc Byzantine, đã có một chiến thắng vang dội trước người Ba Tư, và hân hoan trả lại một phần Thánh giá cho Giêrusalem — phần còn lại được giữ ở Constantinople — nơi chính ông dựng thập giá tại Canvê. Biến cố này được Giáo hội nhớ vào ngày 14 tháng Chín, được tuyên bố là ngày lễ “Vinh quang của Thập giá” hoặc “Suy tôn Thánh giá.”
Lần thất lạc thứ ba
Tuy nhiên, ít năm sau đó, cuộc chinh phạt của Ả Rập bắt đầu và Giêrusalem nằm dưới sự cai trị của Hồi giáo. Cho đến thế kỷ thứ 10, những người đến tôn thờ Thánh Giá thật vẫn được phép tiếp tục mà không phải chịu nhiều thiệt hại. Họ thậm chí còn gia tăng trong những lãnh thổ trước đó là Kitô giáo; đặc biệt là Constantinople. Khi những khó khăn xảy đến và người Kitô hữu bị bắt bớ, Thánh giá được rút khỏi vị trí của nó và một lần nữa bị thất lạc. Chín mươi năm sau (năm 1099), thập giá xuất hiện trở lại và được đặt trong Vương cung Thánh đường Mộ Thánh. Thập giá trở thành biểu tượng của Vương quốc Thập tự chinh Giêrusalem.
Lần thất lạc thứ tư
Tuy nhiên, việc đó chỉ được một thời gian, vì vào năm 1187, Thánh giá thật một lần nữa biến mất, và lần này là mãi mãi, trên chiến trường Hattin bên cạnh Hồ Tiberius ở Galilê. Thập tự quân đã mang thập giá theo để mang lại chiến thắng chống lại Hồi vương Saladin. Tuy nhiên, họ đã thua trận, và Giêrusalem rơi vào tay Hồi vương. Thánh giá biến mất không để lại dấu vết. Truyền thuyết kể rằng Đức Giáo hoàng Urban III khi nghe tin này, đã ngã mà chết.
Sự phân tán
Năm 1203, phần thánh giá được bảo tồn ở Constantinople đã chịu những tác động của cuộc Thập tự chinh thứ tư, họ rời khỏi Cộng hòa Venice trong nỗ lực khôi phục Giêrusalem, nhưng được chuyển đến Constantinople để lật đổ Đế quốc Byzantine và thành lập ở đó một Đế chế Đông La Mã. Các thánh tích của Nhà nguyện Palatine của Pharos đã bị chia sẻ giữa người Venice và đế quốc mới. Tuy nhiên, tân đế quốc bị đe dọa từ mọi phía và trên bờ vực khánh kiệt, đã phải bán những kho báu của họ. Vào năm 1238, Vua Thánh Louis đã mua hai phần của Thánh giá, sau đó vào năm 1242 là các thánh tích khác, được coi là những dụng cụ trong cuộc Thương khó (mão gai, cây đòng thánh, miếng bọt biển thánh ... ), và vua bảo quản trong Sainte-Chapelle, được xây dựng cho mục đích này trên Île de la Cité, ở Paris. Nhưng trong cuộc Cách mạng Pháp (1794), những phần Thánh giá đã biến mất. Chỉ còn lại một vài mảnh vỡ và một cây đinh thánh, và ngày nay được bảo tồn trong kho tàng của phòng lưu giữ đồ thánh của Nhà thờ Đức Bà.
Lignum Crucis
Trong nhiều thế kỷ tất cả các mảnh gỗ bị phân tán hoặc bán như thánh tích trên toàn cầu (đặc biệt từ thời Trung cổ) đã được bảo tồn một cách cung kính trong một số nhà thờ. Theo nhiều phân tích và điều tra khác nhau, trong tất cả những mảnh vỡ được cho là “thật” của thập giá Chúa Giêsu, chỉ có một phần mười là của Thánh giá; tất cả những miếng còn lại được xác định từ nguồn nghi vấn. Chúng tôi nói đến những thánh tích đáng tin như là Lignum Crucis (“gỗ Thập giá”). Mảnh vỡ lớn nhất được bảo tồn trong tu viện Núi Athos ở Hy Lạp; các mảnh khác ở Roma, Brussels, Venice, Ghent và Paris.
Mời bạn xem loạt ảnh dưới để khám phá những Thánh tích của Đức Kitô.
Mão gai
Thánh tích này tạo nên một phần gia tài của Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Paris từ năm 1806. Ban đầu nó được Thánh Louis đưa về Pháp vào thế kỷ 13, khi ngài ra lệnh xây dựng một đền thờ lộng lẫy đặc biệt cho thánh tích: Sainte Chapelle. Mão gai được các tín hữu tôn kính vào mỗi Thứ Sáu đầu tháng, và các Thứ Sáu trong suốt Mùa Chay.
Tấm Khăn liệm Turin
Từ năm 1898, khi Secondo Pia công bố công khai một tấm ảnh trong đó âm bản chân dung của Đức Kitô hiện lên một cách chính xác đến kỳ lạ, tấm khăn liệm bằng vải lanh này dài 4 thước Anh (hơn 3,6m) là chủ điểm của những tranh cãi khoa học và gợi lên lòng tôn sùng rộng khắp đối với người tín hữu.
Máng cỏ
Được trưng bày trong một hòm thánh tích trong suốt ngay giữa Vương cung Thánh đường Thánh Mary Major, ở Roma, là những miếng gỗ được cho là lấy từ máng cỏ của Chúa Giêsu.
Áo choàng
Trưng bày cho công chúng 50 một lần, tấm áo choàng được bảo tồn trong Vương cung Thánh đường Thánh Denis Argenteuil ở Pháp. Nó được cho là tấm áo khoác Chúa Giêsu Kitô đã mặc trên đường lên đồi Canvê.
Khăn trùm đầu Cahors
Vào thời Chúa Giêsu, đầu người qua đời được trùm bằng một miếng vải. Được cho là các tông đồ đã giữ lại sau Phục sinh, thánh tích này lưu lại Giêrusalem gần 800 năm trước khi được trao tặng cho Hoàng đế Charlemagne, sau đó Hoàng đế trao cho đức giám mục Cahors, Pháp. Ngày nay, thánh tích được lưu giữ trong nhà nguyện Thánh Gausbert ở Cahors.
Vương miện Iron Lombardy
Biểu tượng quý giá của hoàng gia Ý, Vương miện Iron được làm năm 591. Vòng đai bên trong được rèn từ chất liệu sắt của một cây đinh lấy từ Thập giá thật, được Thánh Helena khám phá. Các vua từ Charlemagne đến Ferdinand I của Áo, bao gồm cả Charles V và Napoleon đã đội vương miện này trong thời họ trị vì.
Mũi đòng thánh
Mũi đòng thánh, rất quý báu vì nó đã đâm thâu cạnh sườn Đức Kitô khi Ngài chịu đóng đinh, được cho là đã chu du khắp nơi ở Châu Âu - từ Antioch đến Roma; từ Armenia đến Đế quốc La Mã. Trong thế kỷ 13, vua Louis mua một phần của nó và đặt trong Nhà nguyện Saint Chapelle ở Paris. Nó bị thất lạc trong thời Cách mạng. Từ năm 1492, một phần khác của nó ở Roma.
Chén Thánh mà Đức Kitô đã dùng trong Bữa Tiệc ly có thể ở Valencia, Tây Ban nha. Sau khi được cất giấu bởi một người tín hữu trong thời Nội chiến Tây Ban nha, Chén Thánh được sự tôn kính đặc biệt năm 1982 trong chuyến thăm của Đức Gioan Phaolô II, ngài đã dùng chén này để dâng Lễ sau khi tôn kính thánh tích trong nhà nguyện.
Cột đá để đánh đòn
Cột này được cho là cột Chúa Giêsu đã bị trói vào trong cuộc Thương Khó. Nó chứng kiến hình phạt đánh đòn của Chúa. Ngày nay, nó được trưng bày một phần cho công chúng trong Vương cung Thánh đường Thánh Praxedes ở Roma.
Dây cương Thánh Carpentras
Thánh Helena được cho là đã tìm thấy những cây Đinh Thánh khi thánh nữ phát hiện Thánh giá, và địa điểm được cho là khu vực đóng đinh. Cây đinh đóng vào bàn tay phải của Chúa Giêsu trên thập giá được rèn thành một đoạn ngắn sử dụng cho ngựa của Hoàng đế Constantine. Hoàng đế giữ nó cho đến khi nó bị thất lạc, và sau đó được tìm thấy tại Carpentras, trong vùng Vaucluse thuộc miền nam nước Pháp. Do đó, Dây cương Thánh này đã trở thành huy hiệu chính của thành phố đó từ năm 1260.
Tấm khăn của bà Veronica
Thánh nhan là một ảnh thánh “acheiropoieta”, nghĩa là “không được tác tạo bằng bàn tay con người”; tấm ảnh được tạo ra một cách thần kỳ khi bà Veronica dùng khăn của bà để lau mặt của Đức Kitô trên đường Ngài lên đồi Canvê. Tấm khăn Manoppello, được lưu giữ trong đền thờ mang chính tên của tấm khăn tại Ý, được cho là tấm ảnh của Thánh Nhan. Nó được dùng như một mẫu cho những phiên bản trình bày về sau. Đức Benedict XVI đã đến viếng Đền Manoppello khi ngài còn là giáo hoàng.
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/6/2020]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét