Thứ Hai, 20 tháng 7, 2020

Đức Thánh Cha Phanxico giải thích dụ ngôn người gieo giống và kẻ thù

Đức Thánh Cha Phanxico giải thích dụ ngôn người gieo giống và kẻ thù
Vatican Media Screenshot

Đức Thánh Cha Phanxico giải thích dụ ngôn người gieo giống và kẻ thù

‘Kẻ thù đó có một tên gọi là ma quỷ’

19 tháng Bảy, 2020 13:02
 
Ngày 19 tháng Bảy Đức Thánh Cha suy tư về Tin mừng trong ngày trích chương 13 của Thánh Mátthêu, đặc biệt về người chủ ruộng gieo hạt giống tốt trong ruộng của mình — và kẻ thù đến gieo cỏ lùng.

Những lời giáo huấn của Đức Thánh Cha trước giờ đọc Kinh Truyền tin với các tín hữu tập trung trong Quảng trường Thánh Phêrô, con số giới hạn để phòng đại dịch.

Đức Thánh Cha giải thích, “Chúng ta có thể đọc thấy một cách nhìn vào lịch sử trong dụ ngôn này. Bên cạnh Thiên Chúa – người chủ ruộng – là người chỉ gieo và luôn luôn gieo hạt giống tốt, còn có một kẻ thù, là người gieo hạt cỏ lùng để cản trở sự phát triển của lúa mì. Người chủ làm việc giữa ban ngày dưới trời rộng mở, và mục tiêu của ông là một vụ mùa tốt. Ngược lại, kẻ thù lợi dụng bóng tối của màn đêm và thực hiện sự ghen tị và thù địch để phá hỏng mọi thứ.

“Kẻ thù đó có một tên gọi – kẻ thù mà Chúa Giêsu đề cập đến có một tên gọi: đó chính là ma quỷ, một đối thủ xảo quyệt của Thiên Chúa. Ý định của ma quỷ là cản trở công trình cứu chuộc, là ngăn chặn Nước Thiên Chúa qua những người làm việc xấu xa, những người gieo rắc chuyện bê bối. Thật vậy, hạt giống tốt và cỏ lùng không tượng trưng cho người xấu và tốt về mặt lý thuyết, không; nhưng con người chúng ta có thể theo Chúa hoặc theo ma quỷ.”


Dưới đây là toàn văn huấn từ của Đức Thánh Cha, văn bản của Vatican (bản tiếng Anh):

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong Tin mừng hôm nay (x Mt 13:24-43) một lần nữa chúng ta lại gặp gỡ Chúa Giêsu trình bày cho đám đông về Nước Thiên Đàng bằng những dụ ngôn. Cha chỉ suy tư về dụ ngôn thứ nhất, là dụ ngôn về cỏ lùng, qua đó Chúa Giêsu giúp chúng ta hiểu được sự kiên nhẫn của Thiên Chúa, để mở rộng tâm hồn chúng ta với niềm hy vọng.

Chúa Giêsu kể rằng, trong thửa ruộng mà hạt giống tốt được gieo cũng có cỏ lùng mọc lên. Thuật ngữ này chỉ chung tất cả những loại cây cỏ độc hại phá hoại đất đai. Với chúng ta, chúng ta có thể nói rằng thậm chí ngày nay đất đai đã bị tàn phá bởi quá nhiều thuốc diệt cỏ và trừ sâu hại, nhưng cuối cùng lại gây hại cho cỏ, cho cả đất đai, và cho sức khỏe của chúng ta. Câu này nằm trong dấu ngoặc đơn. Sau đó những người thợ đến gặp ông chủ để tìm hiểu xem hạt cỏ từ đâu đến. Ông trả lời: “Kẻ thù đã làm đó!” (c. 28). Vì chúng ta đã gieo hạt giống tốt! Một kẻ thù, một ai đó đang ganh đua, đến thực hiện công việc này. Họ [những người thợ] muốn nhổ bỏ chúng ngay lập tức, tức là những hạt cỏ lùng đang mọc lên. Nhưng ông chủ lại nói không, vì như vậy có nguy cơ nhổ cả những loài thực vật khác – cỏ lùng bị nhổ lên cùng với lúa mì. Cần phải đợi đến mùa thu hoạch: chỉ khi đó thì cỏ lùng sẽ bị phân loại ra và đốt đi. Đây cũng là một câu truyện hợp lý.

Chúng ta có thể đọc thể một cách nhìn vào lịch sử trong dụ ngôn này. Bên cạnh Thiên Chúa – người chủ ruộng – là người chỉ gieo và luôn luôn gieo hạt giống tốt, còn có một kẻ thù, là người gieo hạt cỏ lùng để cản trở sự phát triển của lúa mì. Người chủ làm việc giữa ban ngày dưới trời rộng mở, và mục tiêu của ông là một vụ mùa tốt. Ngược lại, kẻ thù lợi dụng bóng tối của màn đêm và thực hiện sự ghen tị và thù địch để phá hỏng mọi thứ. Kẻ thù đó có một tên gọi – kẻ thù mà Chúa Giêsu đề cập đến có một tên gọi: đó chính là ma quỷ, một đối thủ xảo quyệt của Thiên Chúa. Ý định của ma quỷ là cản trở công trình cứu chuộc, là ngăn chặn Nước Thiên Chúa qua những người làm việc xấu xa, những người gieo rắc chuyện bê bối. Thật vậy, hạt giống tốt và cỏ lùng không tượng trưng cho người xấu và tốt về mặt lý thuyết, không; nhưng con người chúng ta có thể theo Chúa hoặc theo ma quỷ. Rất nhiều lần chúng ta nghe được những câu chuyện rằng một gia đình êm ấm bắt đầu có chiến tranh, hoặc ganh tị … một khu xóm trước đây yên bình, rồi những chuyện khó chịu bắt đầu xảy ra … Và chúng ta đã quen với câu nói: “Này, có kẻ nào đó đến và gieo hạt xấu vào đó,” hoặc “có người trong gia đình đó đã gieo hạt xấu bằng chuyện đồn thổi.” Sự phá hủy luôn bắt đầu bằng cách gieo sự dữ. Ma quỷ luôn luôn là kẻ làm điều này hoặc là những cám dỗ của chúng ta: khi chúng ta rơi vào cám dỗ buôn chuyện để phá hủy người khác.

Ý định của những người thợ là ngay lập tức loại trừ sự dữ, tức là những con người làm điều ác. Nhưng ông chủ thông thái hơn, ông nhìn xa hơn. Họ phải chờ đợi vì sự bắt bớ và sự thù địch là một phần của ơn gọi Kitô giáo. Chắc chắn phải loại bỏ sự dữ, nhưng cần phải có lòng kiên nhẫn đối với những người làm điều dữ. Đây không có nghĩa là một hình thức khoan dung giả nhân giả nghĩa để giấu đi tính mơ hồ; nhưng hơn thế, công bằng được tôi luyện bởi lòng thương xót. Nếu Chúa Giêsu đến để tìm kiếm tội nhân hơn là người công chính, để chữa lành người bệnh hơn là người khỏe mạnh (x Mt 9:12-13), thì hành động của các môn đệ Ngài không được tập trung vào việc tiêu diệt kẻ xấu, nhưng cứu thoát họ. Sự kiên nhẫn nằm ở đó.

Tin mừng hôm nay trình bày hai cách hành động và sống lịch sử: về một mặt, tầm nhìn của ông chủ là người nhìn xa trông rộng; về mặt khác, tầm nhìn của những người thợ chỉ thấy được vấn đề. Điều những người thợ quan tâm là một cánh ruộng không có cỏ lùng; ông chủ lại quan tâm đến lúa mì tốt. Chúa mời gọi chúng ta đón nhận tầm nhìn của Người, một tầm nhìn tập trung vào lúa mì tốt, một tầm nhìn biết cách bảo vệ nó ngay giữa đám cỏ dại. Những người chỉ luôn săn tìm các giới hạn và thiếu sót của người khác không cộng tác tốt với Thiên Chúa, nhưng là những người biết cách nhận ra những việc thiện âm thầm mọc lên trong thửa ruộng của Giáo hội và lịch sử, vun trồng nó cho đến khi trưởng thành. Và rồi, sẽ đến Thiên Chúa, và chỉ mình Người sẽ ban thưởng cho người lành và xử phạt kẻ xấu. Xin Mẹ Maria Đồng trinh giúp chúng ta hiểu được và bắt chước sự kiên nhẫn của Chúa, là Đấng không muốn một đứa con nào của Ngài bị mất, những đứa con mà Ngài yêu thương bằng tình yêu của một người Cha.


___________________________________________

Sau Kinh Truyền tin, Đức Thánh Cha tiếp tục:

Anh chị em thân mến,

Trong thời gian này khi đại dịch chưa cho thấy những tín hiệu chấm dứt, cha xin bảo đảm sự gần gũi của cha với tất cả những người chịu đau khổ do căn bệnh và hậu quả về kinh tế và xã hội của nó để lại. Tâm tư của cha đặc biệt hướng về những người dân mà sự đau khổ của họ trở nên nặng nề hơn do tình hình xung đột. Căn cứ trên cơ sở của nghị quyết Liên Hợp quốc gần đây, tôi lặp lại lời kêu gọi ngừng bắn trên toàn cầu và ngay lập tức, để cho phép hòa bình và sự an toàn không thể thiếu được nhằm giúp cho việc cung cấp hỗ trợ nhân đạo cần thiết.

Đặc biệt, tôi đang theo dõi và rất lo lắng về những căng thẳng vũ trang mới trong những ngày qua ở vùng Caucus giữa Armenia và Azerbaijan. Tôi cầu nguyện cho các gia đình đã bị mất những người thân yêu trong các vụ đụng độ, và tôi hy vọng rằng, với sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, và thông qua đối thoại và thiện chí, sẽ có thể có một giải pháp hòa bình dài lâu vì ích lợi cho các dân tộc thân yêu đó.

Cha xin gửi lời chào chân thành đến anh chị em thành viên của cộng đoàn tín hữu Roma và anh chị em hành hương đến từ nước Ý và những quốc gia khác.

Cha chúc tất cả anh chị em một Chúa nhật hạnh phúc. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng, và arrivederci.

© Libreria Editrice Vatican



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 20/7/2020]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét