Thứ Năm, 5 tháng 11, 2020

Đức Thánh Cha tiếp tục các buổi Tiếp Kiến Chung được phát trực tuyến do sự tái bùng phát của COVID19 (TOÀN VĂN)

Đức Thánh Cha tiếp tục các buổi Tiếp Kiến Chung được phát trực tuyến do sự tái bùng phát của COVID19 (TOÀN VĂN)

© Vatican Media

Đức Thánh Cha tiếp tục các buổi Tiếp Kiến Chung được phát trực tuyến do sự tái bùng phát của COVID19 (TOÀN VĂN)

Cầu nguyện cho những người mắc bệnh COVID & Nhân viên chăm sóc sức khỏe, một lần nữa Đức Thánh Cha gọi việc truyền phát trực tuyến là ‘điều đáng tiếc’ nhưng mang tính trách nhiệm

 04 tháng Mười Một, 2020 10:58

DEBORAH CASTELLANO LUBOV


Do số ca nhiễm COVID19 gia tăng từng ngày, và số ca tử vong ngày càng tăng trên khắp thế giới và ở Ý, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trở lại việc truyền trực tuyến các buổi Tiếp Kiến Chung Thứ Tư của ngài bắt đầu từ hôm nay 4 tháng Mười Một năm 2020, trong khi ở Ý, số ca nhiễm mới hàng ngày là khoảng 30.000, và khoảng 300 ca tử vong mỗi ngày.

Động thái quay trở lại với việc truyền hình trực tuyến trong tuần này đã được thông báo trong một thông cáo ngắn ngày 29 tháng Mười, do Văn phòng Báo chí Tòa Thánh gửi đến các nhà báo được chính thức công nhận.

Thông cáo mở đầu, “Kể từ Thứ Tư tới, ngày 4 tháng Mười Một năm 2020, những Buổi Tiếp Kiến Chung của Đức Thánh Cha sẽ lại được phát sóng từ Thư viện của Điện Tông tòa. Điều này theo sau việc xác định một trường hợp dương tính với COVID-19 trong buổi Tiếp kiến Chung vào Thứ Tư, ngày 21 tháng Mười” và được thực hiện “để tránh mọi rủi ro trong tương lai đối với sức khỏe của những người tham dự.” 

Hiện tại, không có thay đổi nào đối với giờ Kinh Truyền Tin của Đức Thánh Cha tại Quảng trường Thánh Phêrô vào trưa Chúa nhật, vẫn đang diễn ra tuân thủ các quy định y tế cần thiết.

Ngài bắt đầu huấn từ của mình với những người theo dõi rằng thật “đáng tiếc” khi không được xuất hiện với công chúng do sự tái bùng phát của COVID, nhưng nói rằng đó là trách nhiệm phải hành động theo những khuyến cáo của nhà chức trách đối với việc tập trung đông người.

Sáng nay, Đức Thánh Cha tiếp tục bài giáo lý về việc cầu nguyện và đặc biệt đối với Chúa Giêsu là vị thầy dạy cầu nguyện, và đời sống cầu nguyện của Ngài mô tả cho tất cả những gì Chúa làm.

Đức Thánh Cha nhắc nhở, “Cầu nguyện liên lỷ tạo ra một sự biến đổi tiến bộ, giúp chúng ta mạnh mẽ trong lúc hoạn nạn, cho chúng ta ơn được hỗ trợ bởi Đấng yêu thương chúng ta và luôn bảo vệ chúng ta.”

Kết thúc buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha cũng mời gọi rằng trong tháng Mười Một này, “chúng ta hãy cầu nguyện đặc biệt cho những người thân yêu đã qua đời của chúng ta, và cho tất cả những người đã qua đời, để với lòng thương xót Chúa sẽ đón họ đến dự bữa tiệc của sự sống đời đời. Cha khẩn xin niềm vui của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đổ xuống trên anh chị em và gia đình.”

Dưới đây là toàn văn huấn từ của Đức Thánh Cha, văn bản của Vatican (ND: bản tiếng Anh):

***

Bài Giáo lý về việc cầu nguyện – 13. Chúa Giêsu, vị thầy dạy cầu nguyện

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Thật đáng tiếc, chúng ta phải quay lại với việc tổ chức tiếp kiến chung riêng tư trong thư viện, để tự bảo vệ bản thân trước sự lây nhiễm của Covid. Điều này cũng dạy chúng ta biết rằng chúng ta phải hết sức chú ý đến những quy định của các nhà chức trách, các nhà chức trách chính trị và y tế, để tự bảo vệ mình trước đại dịch này. Chúng ta hãy dâng lên Chúa sự cách ly hôm nay giữa chúng ta, vì lợi ích của tất cả mọi người, và chúng ta hãy suy nghĩ, chúng ta hãy suy nghĩ nhiều về những người bệnh, về những người đã bị gạt ra bên lề khi họ vào bệnh viện, chúng ta hãy nghĩ đến các bác sĩ, các y tá, các tình nguyện viên, rất nhiều người làm việc với người bệnh vào thời điểm này: họ liều mạng sống của họ nhưng họ làm vì yêu thương người lân cận, như một ơn gọi. Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ.

Trong suốt cuộc đời công khai của Ngài, Chúa Giêsu không ngừng tận dụng sức mạnh của lời cầu nguyện. Các sách Tin mừng cho chúng ta thấy điều này khi Ngài lui vào những nơi vắng vẻ để cầu nguyện. Đây là những [thời khắc] trang nghiêm và riêng tư, cho phép chúng ta hình dung về những cuộc đối thoại cầu nguyện đó. Tuy nhiên, chúng cho thấy rất rõ rằng ngay cả những lúc dành nhiều thời gian hơn cho người nghèo và người bệnh, nhưng Chúa Giêsu không bao giờ sao lãng việc đối thoại mật thiết với Chúa Cha. Càng quan tâm đến những nhu cầu của con người, Ngài càng thấy cần phải kết hiệp trong sự Hiệp thông Ba Ngôi, để trở về với Chúa Cha và Thần Khí.

Do đó, có một sự thầm kín trong cuộc đời của Chúa Giêsu, không hiện ra trước mắt của con người, là điểm tựa của mọi điều khác. Sự cầu nguyện của Chúa Giêsu là một thực tại huyền nhiệm, mà chúng ta chỉ có một chút hiểu biết qua trực giác, nhưng nó cho phép chúng ta giải thích toàn bộ sứ mạng của Ngài theo quan điểm đúng đắn. Trong những giờ ở một mình đó – trước bình minh hoặc vào ban đêm – Chúa Giêsu đã đắm mình trong sự mật thiết với Chúa Cha, nghĩa là trong Tình Yêu mà mọi linh hồn đều khao khát. Đây là điều xuất hiện ngay từ những ngày đầu tiên trong sứ vụ công khai của Ngài.

Chẳng hạn vào một ngày Sabát, thành Caphácnaum biến thành một “bệnh viện dã chiến”: sau khi mặt trời lặn, người ta mang tất cả những người bệnh đến với Chúa Giêsu, và Ngài đã chữa lành họ. Tuy nhiên, trước bình minh, Chúa Giêsu biến mất: Ngài rút lui vào một nơi thanh tịnh và cầu nguyện. Simon và những người khác tìm kiếm Ngài và khi họ tìm thấy Ngài, họ nói: “Mọi người đang tìm Thầy đấy!” Chúa Giêsu trả lời thế nào? “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó” (xem Mc 1: 35-38). Chúa Giêsu luôn đi xa hơn một chút, xa hơn trong lời cầu nguyện với Chúa Cha, và xa hơn nữa, đến những làng mạc khác, những chân trời khác, để đi rao giảng cho các dân tộc khác.

Cầu nguyện là bánh lái dẫn lối đường đi của Chúa Giêsu. Nó không phải là sự thành công, nó không phải là sự đồng thuận, nó không phải là câu nói đầy quyến rũ “mọi người đang tìm kiếm Thầy đấy” đọc ra các giai đoạn của sứ mạng của Ngài. Con đường mà Chúa Giêsu vạch ra là con đường ít thoải mái nhất, nhưng đó là con đường mà Ngài đã tuân theo sự soi dẫn của Chúa Cha, mà Chúa Giêsu đã nghe và chào đón trong lời cầu nguyện riêng tư của Ngài.

Sách Giáo lý nói rằng “Khi Chúa Giêsu cầu nguyện là Ngài dạy chúng ta cách cầu nguyện” (số 2607). Do đó, chúng ta có thể rút ra một số nét đặc trưng của lời cầu nguyện của Kitô giáo từ mẫu gương của Chúa Giêsu.

Điều đầu tiên và quan trọng nhất, nó mang tính ưu việt: nó là ước muốn đầu tiên trong ngày, là điều được thực hiện vào lúc bình minh, trước khi thế giới thức giấc. Nó phục hồi một linh hồn mà nếu không có sẽ không có hơi thở. Một ngày sống không cầu nguyện có nguy cơ biến thành một trải nghiệm khó chịu hoặc tẻ nhạt: tất cả những gì xảy ra với chúng ta có thể biến thành một định mệnh tồi tệ và không lối thoát. Thay vì vậy Chúa Giêsu dạy cách tuân theo thực tại và từ đó lắng nghe. Cầu nguyện trước hết là lắng nghe và gặp gỡ Thiên Chúa. Vì vậy, những vấn đề của cuộc sống hàng ngày không trở thành những chướng ngại, nhưng là những lời kêu gọi từ chính Thiên Chúa để lắng nghe và gặp gỡ những người đang ở trước mặt chúng ta. Vì thế, những thử thách trong cuộc sống biến thành những cơ hội để trưởng thành trong đức tin và đức ái. Hành trình mỗi ngày, gồm cả những khó khăn, đạt được viễn cảnh của một “ơn gọi”. Cầu nguyện có sức mạnh để biến đổi những gì bị lên án trong cuộc sống trở thành điều tốt đẹp; cầu nguyện có sức mạnh khai mở tâm trí và rộng mở tâm hồn đến một chân trời rộng lớn.

Thứ hai, cầu nguyện là một nghệ thuật cần được thực hành một cách kiên trì. Chúa Giêsu nói với chúng ta: hãy gõ, hãy gõ cửa, hãy gõ cửa. Chúa Giêsu nói với chúng ta: hãy gõ, hãy gõ cửa, hãy gõ cửa. Tất cả chúng ta có thể thỉnh thoảng cầu nguyện, chỉ nổi lên theo cảm xúc nhất thời; nhưng Chúa Giêsu dạy chúng ta một cách cầu nguyện khác: cách cầu nguyện theo kỷ luật, một bài thực hành, nằm trong quy luật của cuộc sống. Cầu nguyện liên lỷ tạo ra một sự biến đổi tiến bộ, giúp chúng ta mạnh mẽ trong lúc hoạn nạn, cho chúng ta ơn được hỗ trợ bởi Đấng yêu thương chúng ta và luôn bảo vệ chúng ta.

Một đặc điểm khác của việc cầu nguyện của Chúa Giêsu là sự riêng tư. Những người cầu nguyện không trốn khỏi thế gian, nhưng chọn những nơi vắng vẻ. Ở đó, trong sự tĩnh lặng, nhiều tiếng nói có thể trỗi dậy mà chúng ta giấu kín trong sâu thẳm tâm hồn mình: những khao khát bị kìm nén nhất, những sự thật mà chúng ta cố nài đến ngột ngạt, v.v. Và trên hết, Thiên Chúa nói trong sự tĩnh lặng. Mỗi người cần dành một không gian cho mình để có thể trau dồi đời sống nội tâm, là nơi các hành động tìm được ý nghĩa. Không có đời sống nội tâm, chúng ta trở nên hời hợt, kích động và lo âu – lo âu làm hại chúng ta biết bao nhiêu! Đây là lý do tại sao chúng ta phải cầu nguyện; không có đời sống nội tâm, chúng ta lẩn trốn thực tại, và chúng ta lẩn trốn khỏi chính bản thân mình, chúng ta là những người luôn luôn chạy trốn.

Cuối cùng, việc cầu nguyện của Chúa Giêsu là nơi mà chúng ta nhận thức rằng mọi sự đều đến từ Thiên Chúa và trở về với Người. Đôi khi con người chúng ta tin rằng chúng ta là ông chủ của mọi thứ, hoặc ngược lại, chúng ta đánh mất hết lòng tự trọng, chúng ta đi từ phía này sang phía khác. Cầu nguyện giúp chúng ta tìm ra chiều kích thích hợp trong mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa là Cha của chúng ta, và với mọi tạo vật. Và cuối cùng, lời cầu nguyện của Chúa Giêsu có nghĩa là phó dâng mình trong tay Chúa Cha, giống như Chúa Giêsu trong vườn cây dầu, trong nỗi thống khổ đó: “Lạy Cha, nếu được … xin để ý Cha được thực hiện”. Phó dâng mình trong tay Chúa Cha. Điều đó thật tốt đẹp khi chúng ta bị giao động, có chút lo lắng, và Chúa Thánh Thần biến đổi chúng ta từ bên trong và dẫn dắt chúng ta biết phó thác bản thân trong tay Chúa Cha: “Lạy Cha, xin để ý Cha được thực hiện”.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy khám phá Chúa Giêsu Kitô là vị thầy dạy cầu nguyện trong Tin mừng và đặt mình vào trường học của Ngài. Cha chắc chắn rằng chúng ta sẽ tìm thấy niềm vui và sự bình an.

________________________________________________

LỜI KÊU GỌI

Trong những ngày cầu nguyện cho người đã qua đời, chúng ta đã nhớ đến và tiếp tục nhớ đến những nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố đang ngày càng leo thang về tính hung ác của nó trên khắp Châu Âu. Đặc biệt, cha đang nghĩ đến vụ tấn công nghiêm trọng ở Nice trong những ngày gần đây, tại một nơi thờ phụng, và một vụ tấn công khác ngày hôm trước trên đường phố Vienna, gây ra sự thất vọng và phẫn nộ trong dân chúng và những người yêu mến hòa bình và đối thoại. Cha phó dâng cho lòng thương xót của Chúa những người đã ra đi một cách đau thương và cha bày tỏ sự gần gũi tinh thần với gia đình của họ và với tất cả những người đau khổ do hậu quả của những biến cố đáng lên án này, nó tìm cách làm tổn hại sự hợp tác huynh đệ giữa các tôn giáo bằng bạo lực và hận thù.

___________________________________________

Lời chào đặc biệt

Cha xin thân ái chào các tín hữu nói tiếng Anh. Trong tháng Mười Một này, chúng ta hãy cầu nguyện đặc biệt cho những người thân yêu đã qua đời của chúng ta, và cho tất cả những người đã qua đời, để với lòng thương xót Chúa sẽ đón họ đến dự bữa tiệc của sự sống đời đời. Cha khẩn xin niềm vui của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đổ xuống trên anh chị em và gia đình. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em!

[Bản dịch (tiếng Anh) của Vatican]


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 5/11/2020]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét