Thứ Tư, 16 tháng 6, 2021

Dự án của Vatican nhằm mục tiêu củng cố niềm tin thông qua không gian kỹ thuật số

Dự án của Vatican nhằm mục tiêu củng cố niềm tin thông qua không gian kỹ thuật số


Sáng kiến ‘Truyền thông Niềm tin trong Thế giới Kỹ thuật số’ được Bộ Truyền thông của Vatican tài trợ


Junno Arocho Esteves, Catholic News Service

12 tháng Sáu, 2021 05:09 AM GMT

Dự án của Vatican nhằm mục tiêu củng cố niềm tin thông qua không gian kỹ thuật số

Đức Thánh Cha Phanxicô ban phép lành cho những người tham dự buổi tiếp kiến chung ngày 9 tháng Sáu trong sân San Damaso tại Vatican. (Photo: AFP)

Những người tham gia trong một sáng kiến truyền thông của Vatican cho biết Giáo hội Công giáo có thể tạo ra nền tảng mới trong việc thúc đẩy đối thoại trong không gian rất thường bị phân cực của mạng kỹ thuật số.

Sáng kiến “Truyền thông Niềm tin trong Thế giới Kỹ thuật số,” được Bộ Truyền thông Vatican tài trợ và quy tụ 16 chuyên gia truyền thông trẻ từ khắp nơi trên thế giới để giải quyết “cách thức giáo hội có thể và nên hiện diện trên mạng internet.”

Những tham dự viên từ Hoa Kỳ được Vatican chọn bao gồm: John Grosso, giám đốc truyền thông kỹ thuật số của Giáo phận Bridgeport, tiểu bang Connecticut; Alexandra Carroll, giám đốc truyền thông về sứ mệnh xã hội của Phòng Công lý, Hòa bình và Phát triển Con người của Hội đồng giám mục Hoa Kỳ; và John Lilly, chuyên gia truyền thông của Văn phòng Các vấn đề công của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ.

Chương trình kéo dài 12 tháng, bao gồm những cuộc họp tại Rôma và trực tuyến, được thiết kế để triển khai các đề xuất nhằm giải quyết các vấn đề chính và những vấn đề mà người dùng hiện đang gặp phải trên Internet.

Bộ Truyền thông cho biết, “Cuộc khủng hoảng COVID-19 đã giúp nhiều người trong giáo hội cảm nhận tính cấp bách hơn trong việc tìm hiểu cách tiếp cận truyền thông hiệu quả và bảo đảm sự hiện diện trên mạng xã hội để làm chứng cho ‘phong cách’ rao giảng phúc âm.

Phát biểu với Catholic News Service ngày 11 tháng Sáu, Grosso nói rằng mặc dù không có một giải pháp “tất-cả-trong-một” để giải quyết sự phân cực trên web, nhưng Giáo hội Công giáo có thể giúp giảm bớt những căng thẳng bằng cách “gặp gỡ và đồng hành cùng một người trong một thời gian trên hành trình đức tin của họ trên phương tiện truyền thông kỹ thuật số.”

Carroll nói với CNS rằng cô cũng như các đồng nghiệp của cô cảm thấy gánh nặng đối với “trách nhiệm to lớn” của vai trò của họ trong việc truyền đạt tình liên đới của giáo hội với tất cả mọi người, đặc biệt là những người ở bên lề.

Cô nói, “Đó là một sự nhắc nhở tuyệt vời rằng công việc của tôi quan trọng như thế nào. Đôi khi tôi quên mất điều đó khi tôi liên tục lên lịch cho các bài đăng trên mạng xã hội và muốn hoàn thành việc lên lịch cho các bài đăng trên mạng xã hội”, nhưng cuộc họp đó nhắc nhở cô “rằng nó còn nhiều hơn thế nữa.”

Với Lilly, những bài đăng lên mạng xã hội trên các trang phổ biến, chẳng hạn như Twitter, thường có thể làm cho “mọi thứ dường như chỉ là đen và trắng, nhưng điều đó không thật, nó không phải là cách mọi điều diễn ra” trong cuộc sống.

Anh nói thêm rằng đến Rôma và gặp gỡ trực tiếp với những người làm truyền thông đã giúp “phá bỏ những bức tường đó” cũng như “định hình góc nhìn của bạn rộng hơn một chút, trong khi tôi không cho rằng bạn hiểu được điều đó trên mạng xã hội.”

Một điểm nổi bật cho ba tham dự viên người Mỹ là được gặp Đức Giáo hoàng Phanxicô vào ngày 9 tháng Sáu sau buổi tiếp kiến chung hàng tuần của ngài.

Trong khi ngỏ mấy lời ngắn gọn với nhóm, đức giáo hoàng - người thường xin mọi người cầu nguyện cho ngài - đã có cách nói khiến họ vô cùng xúc động.

Nói bằng tiếng Tây Ban Nha, Carroll nhớ lại, đức giáo hoàng đã “dừng lại - và tôi nhớ rất rõ vì ngài nhìn thẳng vào mắt tôi - và ngài chuyển sang tiếng Anh và nói, ‘Hãy cầu nguyện cho cha vì cha cần điều đó.’ Nhưng sau đó ngài nhìn vào chúng tôi và bước đi, ‘Xin đừng chống lại (cha) nhưng ủng hộ cha nhé.’”

Cô giải thích, những lời nói này đã làm cô xúc động vì chúng khiến cô nhớ đến những người thường đưa lên mạng xã hội và cáo buộc giáo hoàng gây chia rẽ.

Carroll nói với CNS: “Tôi có một người người thầy nói rằng các nhà tiên tri hoặc là được tin tưởng hoặc là bị giết. Đức Thánh Cha Phanxicô đã và đang mở rộng tầm nhìn của chúng ta và tập trung lại định hướng của chúng ta, không thay đổi bất cứ điều gì. Ngài đang kêu gọi chúng ta trở lại với tiếng gọi của Tin Mừng”, đặc biệt trong việc phục vụ nhu cầu của người nghèo và những người dễ bị tổn thương.

Grosso nói với CNS rằng ở gần đức giáo hoàng khiến anh cảm thấy như được gần gũi với một người “tỏa ra sự thánh thiện qua nụ cười và tình cảm của ngài” nhưng cũng là một người đang “mang một gánh nặng rất lớn, gánh nặng của giáo hội và của thế giới.”

Anh nói, “Bạn có thể thấy điều đó ở nơi ngài, và ngài thi hành điều đó với niềm vui và tình yêu. Vì vậy, khi ngài nhìn bạn một cách rất chân thành và nói, ‘Hãy cầu nguyện cho cha, xin đừng chống lại cha,’ tôi suy nghĩ một chút về những gì tôi đã nhìn thấy trong ít tháng qua - nhưng cũng là toàn bộ triều đại giáo hoàng của ngài - trên mạng xã hội, đó là một lời kêu gọi mà tôi đón nhận cho chính cá nhân tôi và rất nghiêm túc.”

Anh nói: “Đã có quá nhiều khó khăn và thử thách đối với Đức Thánh Cha Phanxicô, và đây là một người đang làm hết sức mình cho giáo hội, và tôi tin tưởng điều đó bằng trọn con tim mình.”


[Nguồn: ucanews]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 12/6/2021]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét