6 lời khuyên của Đức Thánh Cha giúp gia đình bạn giao tiếp với nhau
©ServizioFotograficoOR / CPP
Ngày 27 tháng Chín năm 2015 : Đức Thánh Cha Phanxicô chụp tấm ảnh gia đình với, Catire Walker, bên trái, Noel Zemboiran, thứ hai từ phải, và các con của họ, từ trái sang, Cala, Dimas, Mia và Carmin trong một cuộc gặp gỡ tại Chủng viện Thánh Charles Borromeo Seminary, ở Philadelphia.
07/07/21
Nếu các bạn đang dành cho nhau nhiều thời gian hơn bình thường, hãy cân nhắc về những gợi ý hữu ích sau đây.
Trong cuộc sống hôn nhân và gia đình, chúng ta muốn trải nghiệm tình yêu, chúng ta muốn thể hiện tình yêu, và chúng ta muốn thăng tiến tình yêu. Đức Thánh Cha Phanxicô nói: để đạt được ba điều đó thì giao tiếp và đối thoại là điều cần thiết.
Nhưng đối thoại không hề dễ dàng. Đức Thánh Cha nói, trên thực tế nó cần “một thời gian học việc lâu dài và đòi hỏi khắt khe.”
Tuy nhiên, giao tiếp là ơn gọi của chúng ta trong vai trò là vợ chồng và gia đình. Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Gia đình là hình ảnh của Thiên Chúa, là sự hiệp thông của mọi người. Các ngôi vị của Ba ngôi Thiên Chúa thông truyền liên tục và vĩnh viễn.
Chúng ta phát triển sự giao tiếp trong gia đình như thế nào? Sáu gợi ý sau đây của Đức Thánh Cha Phanxicô có thể trợ giúp.
1. DÙNG THỜI GIAN CHẤT LƯỢNG. TẠO KHÔNG GIAN
Sẵn sàng kiên nhẫn lắng nghe mọi điều người kia muốn nói.
Để làm được điều này, chúng ta cần phải tu dưỡng một khoảng lặng tâm hồn, để có thể lắng nghe mà không bị phân tán tinh thần hoặc cảm xúc.
2. TRAO TẦM QUAN TRỌNG THẬT SỰ CHO NGƯỜI KIA
Điều này có nghĩa là: quý trọng người kia, và công nhận quyền sống của họ, quyền suy nghĩ như họ muốn nghĩ, và quyền được hạnh phúc.
Đừng hạ thấp những gì người kia nói hoặc suy nghĩ, ngay cả khi bạn không đồng ý hay cần phải bày tỏ quan điểm riêng của mình.
Mỗi người đều có một điều gì đó để đóng góp vì họ có những kinh nghiệm, những mối quan tâm, quan điểm, và sự hiểu biết riêng.
3. SUY NGHĨ “THOÁNG”
Hãy sẵn sàng thay đổi hoặc mở rộng tư tưởng và quan điểm của bạn! Tất cả chúng ta không nhất thiết phải giống nhau. Sự kết hợp của hai cách suy nghĩ khác nhau có thể dẫn đến một sự tổng hợp làm phong phú cho cả hai.
4. CẨN THẬN LỰA CHỌN TỪ NGỮ
Nói lên những gì mình suy nghĩ mà không xúc phạm người khác là một kỹ năng. Hãy thực hành nó!
Đừng bao giờ gây tổn thương khi đưa ra một quan điểm. Nhiều bất đồng trong gia đình không phải là vấn đề đang hiện hữu, nhưng là giọng nói hoặc thái độ khi thể hiện điều đó.
5. THỂ HIỆN TÌNH CẢM VÀ SỰ QUAN TÂM
Khi chúng ta cảm thấy được yêu thương bởi một người nào đó, chúng ta có thể hiểu rõ hơn những gì họ đang cố gắng truyền đạt. Không bao giờ chỉ nhắm đến việc chiến thắng trong cuộc tranh luận hoặc chứng minh là đúng khi thể hiện lập trường của một người.
6. GHI NHỚ: ĐỂ GIAO TIẾP, CHÚNG TA CẦN CÓ ĐIỀU GÌ ĐÓ ĐỂ NÓI!
Khi giao tiếp, chúng ta đang cho đi chính mình. Chúng ta hãy làm phong phú cho bản thân để có thể trao tặng từ sự phong phú của tâm hồn được nuôi dưỡng qua việc đọc sách, suy tư cá nhân, cầu nguyện và mở lòng với thế giới xung quanh. Điều này sẽ giữ nhịp cuộc sống gia đình và sự giao tiếp không trở nên tầm thường, nhàm chán hoặc ngột ngạt.
~ Tất cả 6 lời khuyên này có trong phần mở rộng của các số từ 136-141 trong Tông huấn Amoris Laetitia.
[Nguồn: aleteia]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 10/7/2021]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét