Thông điệp video của Đức Thánh Cha Phanxicô
nhân dịp Kỳ họp thứ 16 của Diễn đàn GLOBSEC Bratislava
(15-17 tháng Sáu, 2021)
Thưa ông Chủ tịch,
Cảm ơn ông đã mời tôi tham gia qua thông điệp video này, trong Kỳ họp thường niên thứ 16 của Diễn đàn GLOBSEC Bratislava, tập trung vào chủ đề: “Tái xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn”.
Tôi xin chào quý vị, tất cả những người tổ chức và người tham dự hội nghị này. Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đối với nền tảng mà Diễn đàn Bratislava đưa ra cho cuộc tranh luận quan trọng về việc tái thiết lại thế giới của chúng ta sau kinh nghiệm của đại dịch, nó buộc chúng ta phải đối mặt với một loạt các vấn đề nghiêm trọng về kinh tế-xã hội, sinh thái và chính trị liên quan đến chúng.
Về vấn đề này, tôi muốn cung cấp cho quý vị một số ý tưởng, lấy cảm hứng từ phương pháp tam thức: nhìn thấy - đánh giá - hành động.
Nhìn thấy
Đối với tôi, một phân tích nghiêm túc và trung thực về quá khứ, trong đó bao gồm việc thừa nhận những sự thiếu sót mang tính hệ thống, những sai lầm đã mắc phải và sự thiếu trách nhiệm đối với Đấng Tạo hóa, đối với người lân cận và tạo vật, là điều cần thiết để phát triển một ý tưởng phục hồi không chỉ nhằm mục đích xây dựng lại những gì đã có, nhưng để sửa chữa những gì không có hiệu quả trước khi Coronavirus xuất hiện, và đã góp phần làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng. Bất cứ người nào muốn đứng dậy từ vấp ngã đều phải đương đầu với hoàn cảnh suy sụp của chính mình và nhận ra những yếu tố thuộc trách nhiệm.
Do đó, tôi thấy một thế giới đã bị đánh lừa bởi cảm giác an toàn ảo tưởng dựa trên sự đói khát lợi lộc.
Tôi thấy một mô hình đời sống kinh tế và xã hội, mang đậm nét của quá nhiều sự bất bình đẳng và ích kỷ, trong đó một thiểu số ít của dân số thế giới sở hữu phần lớn tài sản, thường không ngần ngại bóc lột con người và tài nguyên.
Tôi thấy một lối sống không quan tâm đủ đến môi trường. Chúng ta đã quen với việc tiêu thụ và phá hủy tùy ý những gì thuộc về mọi người và phải được bảo vệ một cách tôn trọng, tạo ra một “món nợ sinh thái” mà trên hết là những người nghèo và các thế hệ tương lai phải gánh chịu.
Đánh giá
Bước thứ hai là đánh giá những gì đã thấy. Khi chào mừng những vị cộng tác của tôi trong Giáo triều Rôma nhân dịp Giáng sinh năm ngoái, tôi đã đưa ra suy tư ngắn về ý nghĩa của cuộc khủng hoảng. Cuộc khủng hoảng mở ra những khả năng mới: thực chất là một thách thức mở rộng để đối mặt với tình hình hiện tại, để biến thời gian thử thách thành một thời điểm cho sự lựa chọn. Trên thực tế, một cuộc khủng hoảng buộc bạn phải lựa chọn thiện hay ác. Từ một cuộc khủng hoảng, như tôi đã nhắc đi nhắc lại, bạn không thoát ra và trở về như trước: hoặc là bạn trở nên tốt hơn hoặc là trở nên xấu hơn. Nhưng không bao giờ trở về như trước.
Đánh giá những gì chúng ta đã nhìn thấy và trải nghiệm sẽ khuyến khích chúng ta cải thiện. Chúng ta hãy tận dụng thời gian này để có những bước tiến về phía trước. Cuộc khủng hoảng tấn công tất cả mọi người nhắc nhở chúng ta rằng không ai được cứu thoát một mình. Cuộc khủng hoảng mở ra cho chúng ta một tương lai biết chân nhận quyền bình đẳng thực sự của mỗi con người: không phải là sự bình đẳng trừu tượng, nhưng là một sự bình đẳng cụ thể, mang đến cho mọi người và mọi dân tộc những cơ hội công bằng và thật sự để phát triển.
Hành động
Những người không hành động sẽ lãng phí các cơ hội do cuộc khủng hoảng đưa đến. Hành động trước những bất công và gạt bỏ ra bên lề xã hội đòi hỏi một mô hình phát triển đặt “mọi người và toàn bộ con người” vào trung tâm “làm trụ cột căn bản để tôn trọng và bảo vệ, áp dụng một phương pháp luận bao gồm đạo đức của tình liên đới và “bác ái chính trị” (Thông điệp gửi Bà Audrey Azoulay, Giám đốc UNESCO, 24 tháng Ba, 2021).
Mọi hành động đều cần một tầm nhìn, một tầm nhìn toàn diện và hy vọng: một tầm nhìn như của tiên tri Isaia trong Kinh thánh, người đã nhìn thấy gươm đao biến thành cuốc thành cày, giáo mác thành liềm thành hái (xem Is 2: 4). Hành động vì sự phát triển của tất cả mọi người là thực hiện công cuộc hoán cải. Và trên hết là những quyết định chuyển sự chết thành sự sống, biến vũ khí thành lương thực.
Nhưng tất cả chúng ta cũng cần phải thực hiện sự hoán cải sinh thái. Quả thật, tầm nhìn toàn diện bao gồm viễn cảnh của tạo vật được hiểu là một “ngôi nhà chung” và cần hành động cấp bách để bảo vệ nó.
Các bạn thân mến, được thúc đẩy bởi niềm hy vọng từ Thiên Chúa, tôi hy vọng rằng những cuộc trao đổi của các bạn trong những ngày này sẽ góp phần vào một mô hình phục hồi có khả năng tạo ra các giải pháp bền vững và toàn diện hơn; một mô hình phát triển dựa trên sự chung sống hòa bình giữa các dân tộc và hòa hợp với tạo vật. Chúc mừng các bạn, và cảm ơn bạn!
_____________________________________________
[Nguồn: vatican.va]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 25/6/2021]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét