Thứ Năm, 9 tháng 12, 2021

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Đảo Síp và Hy Lạp – Thăm người tị nạn tại “Trung tâm Tiếp nhận và Nhận dạng” của thủ phủ Mytilene, Lesvos, 05.12.2021

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Đảo Síp và Hy Lạp – Thăm người tị nạn tại “Trung tâm Tiếp nhận và Nhận dạng” của thủ phủ Mytilene, Lesvos, 05.12.2021

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Đảo Síp và Hy Lạp – Thăm người tị nạn tại “Trung tâm Tiếp nhận và Nhận dạng” của thủ phủ Mytilene, Lesvos, 05.12.2021


Thăm người tị nạn tại Trung tâm Tiếp nhận và Nhận dạng của thủ phủ Mytilene, Lesvos

Sáng nay, sau khi rời Tòa khâm sứ, Đức Thánh Cha Phanxicô di chuyển bằng ôtô đến Sân bay Quốc tế Athens, để khởi hành trên chiếc Aegean A320neo đi Mytilene, Lesvos.

Khi đến Sân bay Mytilene, Đức Giáo hoàng được Bà Katerina Sakellaropoulou, Tổng thống Cộng hòa Hy Lạp, và Đức Giám mục Josif Printezis của giáo phận, đón tiếp. Sau đó ngài di chuyển bằng ôtô đến Trung tâm Tiếp nhận và Nhận dạng để thăm những người tị nạn.

Khi đến trại, ngài đi ôtô đến địa điểm diễn ra cuộc gặp gỡ với những người tị nạn, tại đó có khoảng 200 người đang có mặt.

Sau bài thánh ca mở đầu và lời chào của Đức Giám mục, một người tị nạn và một tình nguyện viên đã làm chứng. Tiếp sau đó, Đức Giáo hoàng đọc diễn từ của ngài.

Cuối cùng, các em thiếu nhi dâng lên Đức Thánh Cha một món quà. Sau đó, Đức Giáo hoàng chuyện trò một lúc với một vài người tị nạn và đến thăm khu của họ.

Kết thúc chuyến viếng thăm, Đức Thánh Cha di chuyển bằng ô tô đến Sân bay Mytilene, sau khi tạm biệt Đức Giám mục và các nhà chức trách hiện diện, ngài lên máy bay Aegean A320neo để trở về Athens. Khi đến Sân bay Quốc tế Athens, ngài lên xe trở lại Tòa Khâm sứ, nơi ngài dùng bữa trưa một mình.

Sau đây là diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô trong chuyến thăm những người tị nạn ở Trung tâm Tiếp nhận và Nhận dạng Mytilene, Lesvos:

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Đảo Síp và Hy Lạp – Thăm người tị nạn tại “Trung tâm Tiếp nhận và Nhận dạng” của thủ phủ Mytilene, Lesvos, 05.12.2021

Diễn từ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến,

Cảm ơn vì những lời tốt đẹp của anh chị em. Thưa Tổng thống, tôi xin cảm ơn vì sự hiện diện và những lời của Bà. Thưa anh chị em, một lần nữa tôi lại ở đây để gặp các anh chị em và để đảm bảo với anh chị em về sự gần gũi của tôi. Tôi nói điều đó từ con tim. Tôi đến đây để nhìn thấy khuôn mặt và nhìn vào mắt của anh chị em. Những đôi mắt đầy sợ hãi và mong đợi, những đôi mắt chứng kiến bạo lực và nghèo đói, những đôi mắt hằn lên bởi quá nhiều nước mắt. Năm năm trước trên hòn đảo này, Đức Bartholomew, Thượng Phụ Đại Kết, người huynh đệ thân yêu của tôi, đã nói một điều làm tôi rung động: “Những người sợ hãi anh chị em không nhìn thẳng vào mắt anh chị em.” Những người sợ hãi anh chị em không nhìn vào khuôn mặt của anh chị em. Những người sợ hãi anh chị em không nhìn thấy con cái của anh chị em. Họ đã quên rằng phẩm giá và tự do vượt qua nỗi sợ hãi và chia rẽ. Họ đã quên rằng di cư không phải là một vấn đề đối với Trung Đông và Bắc Phi, đối với Châu Âu và Hy Lạp. Đó là vấn đề của thế giới” (Diễn từ, ngày 16 tháng Tư năm 2016).

Đó là một vấn đề của toàn thế giới: một cuộc khủng hoảng nhân đạo mà tất cả mọi người đều quan tâm. Đại dịch đã có một tác động toàn cầu; nó đã khiến chúng ta nhận ra rằng tất cả chúng ta đang ở trên cùng một con thuyền; nó đã làm cho chúng ta trải nghiệm ý nghĩa của việc có những nỗi sợ hãi như nhau. Chúng ta hiểu rằng các vấn đề lớn phải được đối phó cùng nhau, vì trong thế giới ngày nay, các giải pháp từng phần là không phù hợp. Tuy nhiên, trong khi chúng ta đang làm việc để tiêm chủng cho mọi người trên toàn thế giới, và mặc dù có nhiều sự chậm trễ và do dự, nhưng tiến bộ đang đạt được trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, tất cả những điều này dường như biến mất khi nói đến vấn đề di cư. Tuy nhiên, sự sống con người, những con người thực sự, đang bị đe dọa! Tương lai của tất cả chúng ta đang bị đe dọa, và tương lai đó sẽ được bình yên chỉ khi nó được hòa nhập. Chỉ khi nó được hòa giải với những người dễ bị tổn thương nhất thì tương lai mới thịnh vượng. Khi chúng ta chối bỏ người nghèo là chúng ta chối bỏ hòa bình.

Lịch sử dạy chúng ta rằng tư lợi và chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi dẫn đến những hậu quả tai hại. Thật vậy, Công đồng Vatican II đã nhận xét, “một quyết tâm mạnh mẽ tôn trọng phẩm giá của các cá nhân và các dân tộc khác cùng với việc thực thi tình yêu thương huynh đệ là điều vô cùng cần thiết để đạt được hòa bình” (Gaudium et Spes, 78). Thật là ảo tưởng khi nghĩ rằng giữ an toàn cho bản thân chúng ta là đủ, bảo vệ bản thân thoát khỏi những người thiếu thốn đang gõ cửa nhà chúng ta là đủ. Trong tương lai, chúng ta sẽ ngày càng có nhiều tiếp xúc với người khác hơn. Để hướng việc đó đến sự tốt đẹp, điều cần thiết không phải là những hành động đơn phương mà là những chính sách trên phạm vi rộng lớn. Tôi xin nhắc lại: lịch sử đã dạy bài học này, nhưng chúng ta vẫn chưa học được nó. Xin chúng ta đừng bỏ qua thực tế, đừng đổ trách nhiệm, đừng gạt vấn đề di cư cho người khác, như thể nó chẳng là vấn đề của ai, và chỉ là một gánh nặng vô nghĩa khi ai đó gánh vác!

Thưa anh chị em, những khuôn mặt và đôi mắt của anh chị em cầu xin chúng tôi đừng nhìn theo hướng khác, đừng phủ nhận tình người chung của chúng ta, nhưng hãy biến những kinh nghiệm của anh chị em thành của riêng chúng tôi và lưu tâm đến hoàn cảnh bi đát của anh chị em. Triết gia Elie Wiesel, một nhân chứng của thảm kịch lớn nhất thế kỷ trước, đã viết: “Chính vì tôi nhớ về sự khởi đầu chung của chúng ta mà tôi xích lại gần hơn với đồng loại của mình. Đó là bởi vì tôi không quên rằng tương lai của họ cũng quan trọng như tương lai của chính tôi” (Vương quốc Ký ức, Hồi tưởng, New York, 1990, 10). Vào Chúa Nhật này, tôi xin Chúa thức tỉnh chúng ta thoát khỏi sự thiếu quan tâm những người đang đau khổ, lay động chúng ta thoát khỏi chủ nghĩa cá nhân loại trừ người khác, đánh thức những tâm hồn bị điếc trước những thiếu thốn của người lân cận. Tôi xin mọi người, tất cả chúng ta, hãy chiến thắng sự tê liệt của nỗi sợ hãi, sự thờ ơ giết người, sự hoài nghi thiếu quan tâm lãnh đạm kết án tử những người đang ở ngoài lề! Chúng ta hãy chống lại từ tận gốc rễ lối suy nghĩ xoay quanh bản thân, tư lợi, cá nhân và quốc gia, và trở thành thước đo và tiêu chí của mọi thứ.

Năm năm đã trôi qua kể từ khi tôi đến thăm nơi này cùng với các hiền huynh thân yêu của tôi là Đức Bartholomew và Ieronymos. Sau tất cả thời gian đó, chúng ta thấy rằng chẳng có mấy thay đổi liên quan đến vấn đề di cư. Chắc chắn, có nhiều người đã dấn thân vào công việc chào đón và hội nhập. Tôi xin cảm ơn nhiều tình nguyện viên và tất cả những người ở mọi cấp độ – cơ quan, xã hội, bác ái và chính trị – những người đã nỗ lực rất nhiều để chăm sóc cho những cá nhân và giải quyết vấn đề di cư. Tôi cũng xin ghi nhận những nỗ lực đã được thực hiện để tài trợ và xây dựng các cơ sở tiếp nhận xứng đáng, và tôi chân thành cảm ơn người dân địa phương vì những điều tốt đẹp mà họ đã làm và nhiều hy sinh mà họ đã thực hiện. Tôi cũng cảm ơn chính quyền địa phương đã chào đón và chăm sóc những người đến với chúng ta. Cảm ơn anh chị em vì những gì anh chị em đang làm! Tuy nhiên, thật đáng tiếc, chúng ta phải thừa nhận rằng đất nước này, cũng như những quốc gia khác, tiếp tục đang gặp những khó khăn, và ở Châu Âu có những người vẫn kiên trì xem vấn đề này như một vấn đề không liên quan đến họ. Đây là bi kịch. Tôi xin nhắc lại những lời cuối mà Bà Tổng thống đã nói: “Mong rằng Châu Âu cũng có thể làm như vậy”.

Còn biết bao hoàn cảnh tồn tại không xứng đáng với con người! Có bao nhiêu điểm nóng nơi người di cư và người tị nạn sống trong những điều kiện ở biên giới, không thấy hé mở giải pháp nào ở phía trước! Tuy nhiên, sự tôn trọng đối với các cá nhân và quyền con người, đặc biệt là ở lục địa này, nơi không ngừng thúc đẩy chúng trên toàn thế giới, cần phải luôn được đề cao, và phẩm giá của mỗi con người phải được đặt lên hàng đầu. Thật buồn khi nghe đề xuất rằng quỹ chung sẽ được sử dụng để xây những bức tường và hàng rào dây thép gai như một giải pháp. Chúng ta đang ở trong thời đại của những bức tường và hàng rào thép gai. Chắc chắn, chúng ta có thể hiểu được nỗi sợ hãi và bất an của mọi người, những khó khăn và nguy hiểm liên quan cũng như cảm giác mệt mỏi và thất vọng nói chung, càng trở nên nặng nề hơn do các cuộc khủng hoảng kinh tế và đại dịch. Tuy nhiên, các vấn đề không được giải quyết và sự chung sống không được cải thiện bằng cách xây những bức tường cao hơn, mà bằng cách hợp lực quan tâm đến người khác theo khả năng thực tế của mỗi người và tôn trọng luật pháp, luôn coi trọng giá trị bất khả xâm phạm của sự sống mỗi con người. Như triết gia Elie Wiesel cũng từng nói: “Khi tính mạng con người bị đe dọa, khi phẩm giá con người bị đe dọa, biên giới quốc gia trở nên vô nghĩa” (Diễn văn nhận giải Nobel, ngày 10 tháng 12 năm 1986).

Trong các xã hội khác nhau, an ninh và đoàn kết, các mối quan tâm địa phương và phổ quát, truyền thống và sự cởi mở đang bị đối chọi về mặt ý thức hệ. Thay vì tranh cãi về các ý tưởng, tốt hơn nên bắt đầu từ thực tế: dừng lại và mở rộng tầm nhìn của chúng ta để xem xét các vấn đề của đa phần nhân loại, của tất cả những dân tộc là nạn nhân của các tình trạng khẩn cấp về nhân đạo không do họ tạo ra, nhưng lại phải gánh chịu như là chương mới nhất trong lịch sử lâu dài của sự bóc lột. Thật dễ khuấy động dư luận bằng cách gieo rắc nỗi sợ hãi cho người khác. Tuy nhiên, tại sao chúng ta lại không hăng hái nói về việc bóc lột người nghèo, về những cuộc chiến tranh ít khi được đề cập đến nhưng thường được tài trợ tốt, về những thỏa thuận kinh tế mà người dân phải trả giá, về những thương vụ mật buôn bán vũ khí, ủng hộ sự gia tăng của buôn bán vũ khí? Tại sao điều này không được nói đến? Phải tấn công những căn nguyên từ xa, chứ không phải những người dân nghèo phải gánh chịu hậu quả và thậm chí được sử dụng cho việc tuyên truyền chính trị. Để loại bỏ các nguyên nhân gốc rễ, cần nhiều điều hơn là chỉ vá víu các tình huống khẩn cấp. Cần có các hành động phối hợp. Những thay đổi quan trọng phải được tiếp cận với tầm nhìn bao quát. Không có những câu trả lời dễ dàng cho các vấn đề phức tạp; thay vào đó, chúng ta cần đồng hành với các tiến trình từ bên trong, để vượt qua sự cô lập và thúc đẩy sự hội nhập từng bước và cần thiết, để chấp nhận các văn hóa và truyền thống của người khác theo con đường của tình huynh đệ và trách nhiệm.

Trên hết, nếu chúng ta muốn bắt đầu lại, chúng ta phải nhìn vào khuôn mặt của trẻ em. Mong rằng chúng ta có can đảm để cảm thấy xấu hổ trước các bé; trong sự ngây thơ của chúng, chúng là tương lai của chúng ta. Chúng thách thức lương tâm của chúng ta và hỏi chúng ta: “Ông bà muốn để lại cho chúng tôi một thế giới như thế nào?” Chúng ta đừng vội quay lưng trước những bức ảnh kinh hoàng của các thân hình bé nhỏ nằm vô hồn trên bãi biển. Địa Trung Hải, nơi hàng thiên niên kỷ đã đem các dân tộc khác nhau và những vùng đất xa xôi lại với nhau, giờ đây đang trở thành một nghĩa trang nghiệt ngã không bia mộ. Lưu vực nước khổng lồ này, cái nôi của rất nhiều nền văn minh, giờ đây trông như một chiếc gương của thần chết. Chúng ta đừng để biển của chúng ta (mare nostrum) bị biến thành một biển chết hoang vắng (mare mortuum). Chúng ta đừng để nơi gặp gỡ này trở thành một rạp hát của xung đột. Chúng ta đừng cho phép “biển ký ức” này bị biến thành “biển lãng quên”. Xin anh chị em, chúng ta hãy ngăn chặn sự sụp đổ của nền văn minh này!

Trên bờ biển này, Thiên Chúa đã trở thành người phàm. Tại đây lời của Chúa Giêsu vang lên, công bố rằng Thiên Chúa là “Cha và là người hướng dẫn mọi dân tộc” (THÁNH GRÊGÔRIÔ NAZIANZUS, Oration VII for his brother Caesarius, 24). Thiên Chúa yêu thương chúng ta như con cái của Người; Người muốn chúng ta là anh chị em. Ngược lại, Người thấy bị xúc phạm khi chúng ta khinh thường những người nam và nữ được tạo dựng theo hình ảnh của Người, bỏ mặc họ cho lòng thương xót của những con sóng biển, trong sự thờ ơ, đôi khi được biện minh cả khi nhân danh các giá trị được cho là của Kitô giáo. Trái lại, đức tin đòi hỏi lòng trắc ẩn và lòng thương xót. Chúng ta đừng quên rằng đây là phong cách của Chúa: gần gũi, từ bi và dịu dàng. Đức tin thôi thúc chúng ta đến với lòng hiếu khách, philoxenia (yêu thương khách lạ) đã thấm đẫm vào nền văn hóa cổ điển, và sau này được tìm thấy cách diễn đạt dứt khoát trong Đức Giêsu, đặc biệt trong dụ ngôn Người Samari nhân hậu (x. Lc 10:29-37) và những câu trong Chương 25 của Tin mừng theo Thánh Matthêu (xem câu 31-46). Không phải là một hệ tư tưởng tôn giáo, nó liên quan đến nguồn gốc Kitô giáo cụ thể của chúng ta. Chúa Giêsu trịnh trọng nói với chúng ta rằng Người hiện diện trong người khách lạ, trong người tị nạn, trong những người trần truồng và đói khát. Chương trình của người Kitô giáo là nơi Chúa Giêsu ở, vì chương trình của người Kitô hữu, như Đức Bênêđictô đã viết, “là một trái tim nhìn thấy” (Deus Caritas Est, 31). Tôi không thể kết thúc bài diễn từ này mà không cảm ơn tinh thần chào đón của người dân Hy Lạp. Nhiều khi điều này trở thành vấn đề nan giải vì những người đã đến nơi này khó đi nơi khác. Thưa anh chị em, xin cảm ơn anh chị em vì lòng độ lượng của anh chị em!

Giờ đây chúng ta khẩn cầu Đức Mẹ, xin Mẹ mở mắt cho chúng ta nhìn thấy những đau khổ của anh chị em chúng ta. Mẹ Maria vội vã lên đường đến thăm người chị họ Elizabeth đang mang thai. Biết bao bà mẹ đang mang thai, hành trình vội vã, đã tìm thấy cái chết, ngay cả khi đang mang trong mình mầm sống! Xin Mẹ Thiên Chúa giúp chúng ta có cái nhìn của tình mẫu tử, coi tất cả nhân loại là con cái Thiên Chúa, là anh chị em để được chào đón, được bảo vệ, hỗ trợ và hòa nhập, và để được yêu một cách dịu dàng. Xin Mẹ Rất Thánh dạy chúng ta biết đặt thực tế của con người lên trước các ý tưởng và hệ tư tưởng, và vội vã lên đường để gặp gỡ tất cả những người đang đau khổ.

Giờ đây chúng ta cầu nguyện với Đức Mẹ.

[Kinh Truyền tin]


[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 8/12/2021]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét