Thứ Hai, 17 tháng 1, 2022

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 16 tháng 1, 2022

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày 16 tháng 1, 2022

Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha Phanxicô

Quảng trường Thánh Phêrô

Chúa nhật, 16 tháng Một, 2022

_________________________

 


Anh chị em thân mến, buongiorno!

Tin Mừng của phụng vụ hôm nay thuật lại câu chuyện đám cưới tại Cana, nơi Chúa Giêsu đã biến nước thành rượu trước sự vui mừng của đôi vợ chồng. Đây là câu kết thúc bài tường thuật: “Đức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Cana miền Galilê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người.” (Ga 2:11). Chúng ta chú ý rằng thánh sử Gioan không nói về một phép lạ, nghĩa là một hành động đầy quyền năng và phi thường có thể tạo ra sự kinh ngạc. Ngài viết rằng một dấu lạ đã xảy ra tại Cana, một dấu chỉ khơi dậy đức tin của các môn đệ của Ngài. Do đó, chúng ta có thể tự hỏi: Theo Tin Mừng, “dấu chỉ” là gì?

Đó là một dấu hiệu cho thấy bằng chứng tiết lộ tình yêu của Thiên Chúa, không thu hút sự chú ý đến sức mạnh của hành động, nhưng là tình yêu đã dẫn đến hành động đó. Dấu hiệu đó dạy chúng ta về tình yêu thương của Thiên Chúa luôn ở gần, dịu dàng và thương xót. Dấu hiệu đầu tiên của Chúa Giêsu diễn ra khi một đôi vợ chồng gặp khó khăn vào ngày quan trọng nhất của cuộc đời họ. Ngay giữa bữa tiệc, yếu tố thiết yếu cho một bữa tiệc là rượu lại bị thiếu và niềm vui của họ có nguy cơ bị dập tắt vì những lời chỉ trích và không hài lòng của khách. Hãy tưởng tượng làm thế nào một tiệc cưới có thể tiếp tục chỉ với nước lã. Thật là kinh khủng! Đôi vợ chồng sẽ gây ra một ấn tượng vô cùng xấu.

Chính Đức Mẹ đã nhận thấy được vấn đề này và chuyển nó cho sự chú ý của Chúa Giêsu. Và Ngài đã can thiệp mà không cần kèn trống phô trương, gần như không để lộ ra ngoài. Mọi thứ diễn ra cách kín đáo, mọi thứ diễn ra ở “hậu trường” – Chúa Giêsu bảo các người đầy tớ đổ đầy nước vào các chum, sau đó nước trở thành rượu. Đây là cách Thiên Chúa hành động, ở gần chúng ta và cách riêng tư. Các môn đệ của Chúa Giêsu hiểu điều này: họ thấy rằng nhờ Ngài mà bữa tiệc cưới càng trở nên đẹp hơn. Và họ cũng thấy cách Chúa Giêsu hành động – cách Ngài âm thầm phục vụ (đây chính là Chúa Giêsu – Ngài trợ giúp chúng ta, Ngài phục vụ chúng ta cách âm thầm) trong khoảnh khắc đó, đến nỗi chính chú rể là người được khen vì rượu ngon. Không ai biết về điều đó, chỉ có những người hầu. Đây là cách hạt giống đức tin bắt đầu phát triển trong họ – tức là họ tin rằng Thiên Chúa, tình yêu của Thiên Chúa, hiện diện trong Chúa Giêsu.

Thật đẹp biết bao khi nghĩ rằng dấu hiệu đầu tiên mà Chúa Giêsu thực hiện không phải là một sự chữa lành ngoại thường hay một điều gì đó phi thường trong đền thờ Giêrusalem, mà là một hành động đáp ứng cho nhu cầu đơn giản và cụ thể của những con người bình thường, một cử chỉ trong gia đình. Chúng ta hãy giải thích theo cách này – một phép lạ được thực hiện cách nhanh chóng, cách riêng tư, âm thầm. Chúa Giêsu sẵn sàng giúp đỡ chúng ta, nâng chúng ta lên. Và rồi nếu chúng ta chú ý đến những “dấu hiệu” này, chúng ta sẽ bị tình yêu của Ngài chinh phục và chúng ta sẽ trở thành môn đệ của Ngài.

Nhưng có một đặc điểm khác biệt về dấu hiệu ở Cana. Nói chung, rượu được cung cấp vào cuối bữa tiệc thường là không ngon – điều này vẫn được thực hiện cho đến ngày nay. Đó là thời điểm khi mọi người không còn phân biệt được đâu là rượu ngon hay rượu đã được pha loãng một chút. Thay vào đó, Chúa Giêsu hành động theo cách để bữa tiệc kết thúc với rượu ngon hơn. Nói một cách hình tượng, điều này cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa muốn những gì tốt hơn cho chúng ta, Người muốn chúng ta được hạnh phúc. Người không đặt ra những giới hạn và Người không yêu cầu chúng ta phải có động cơ. Không có chỗ cho những lý do hay yêu cầu thầm kín đối với đôi vợ chồng. Không, niềm vui Chúa Giêsu mang đến cho tâm hồn họ là niềm vui trọn vẹn và không vụ lợi, một niềm vui không hề bị nhạt đi, không!

Vì vậy, cha muốn đề nghị cho anh chị em một bài tập sẽ rất tốt cho chúng ta. Hôm nay, chúng ta hãy thử lục lại ký ức của mình, tìm kiếm những dấu chỉ Chúa đã hoàn thành trong cuộc đời mình. Mỗi người chúng ta hãy nói: trong cuộc đời tôi, đâu là những dấu chỉ đã được Chúa đã hoàn thành? Đâu là những dấu hiệu cho thấy sự hiện diện của Ngài, những dấu hiệu Ngài đã làm để chứng tỏ rằng Ngài yêu thương chúng ta? Chúng ta hãy nghĩ về khoảnh khắc khó khăn mà Chúa cho phép tôi trải nghiệm tình yêu của Người… Và chúng ta hãy tự hỏi: đâu là những dấu hiệu kín đáo và yêu thương mà qua đó Ngài cho phép tôi cảm nhận được sự dịu dàng của Ngài? Tôi cảm nhận Chúa ở gần tôi hơn trong những thời khắc nào? Đâu là lúc tôi cảm nhận được sự dịu dàng và lòng trắc ẩn của Người nhiều hơn? Mỗi người trong chúng ta đều có những khoảnh khắc này trong lịch sử cá nhân của mình. Chúng ta hãy tìm kiếm những dấu hiệu này, chúng ta hãy ghi nhớ chúng. Tôi đã khám phá ra sự gần gũi của Người cách nào và nó đã làm tâm hồn tôi tràn ngập niềm vui sướng ra sao? Chúng ta hãy hồi tưởng lại những khoảnh khắc mà chúng ta đã cảm nghiệm sự hiện diện của Ngài và sự chuyển cầu của Mẹ Maria. Xin Mẹ, người Mẹ luôn lưu tâm quan sát như ở Cana, giúp chúng ta biết quý trọng những dấu chỉ Chúa hiện diện trong cuộc đời chúng ta.

______________________________________

Sau Kinh Truyền tin, Đức Thánh Cha tiếp tục:

Anh chị em thân mến,

Tôi xin bày tỏ sự gần gũi với những người bị ảnh hưởng bởi những trận mưa lớn và lũ lụt ở nhiều vùng khác nhau của Brazil trong những tuần qua. Tôi cầu nguyện cách đặc biệt cho các nạn nhân và gia đình của họ, và cho những người đã mất nhà cửa. Xin Chúa nâng đỡ nỗ lực của những người đang cứu trợ.

Từ ngày 18 đến ngày 25 tháng Giêng, Tuần lễ Cầu nguyện cho Hiệp nhất các Kitô hữu sẽ diễn ra. Ý tưởng năm nay phản ánh kinh nghiệm của các Đạo sĩ từ Phương Đông đến Bêlem để tôn thờ Đức Vua Đấng Mêsia. Người Kitô hữu chúng ta, trong sự đa dạng của những nền tảng tuyên xưng và truyền thống của mình, cũng là những người hành hương trên con đường hướng tới sự hiệp nhất trọn vẹn, và chúng ta sẽ tiến gần đến mục tiêu của mình khi đôi mắt chúng ta luôn hướng về Chúa Giêsu, là Thiên Chúa duy nhất của chúng ta. Trong Tuần Cầu nguyện, chúng ta hãy dâng những khó khăn và đau khổ của mình cho sự hiệp nhất của các Kitô hữu.

Cha gửi lời chào tất cả anh chị em đến từ Roma và anh chị em hành hương từ nhiều quốc gia. Cha xin gửi lời chào đặc biệt đến nhóm Girasoli della Locride đến từ Locri, cùng với gia đình và các vị lãnh đạo của họ.

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật hạnh phúc. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và arrivederci.



[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 16/1/2022]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét