Thứ Ba, 21 tháng 2, 2023

Huấn từ của Đức Thánh Cha về Mục tử và Giáo hữu: Khám phá những cách thức tham gia

Diễn từ của Đức Thánh Cha về Mục tử và Giáo hữu: Khám phá những cách thức tham gia

Presidents And Leaders Of The Episcopal Commissions For The Laity. Photo Vatican Media

Huấn từ của Đức Thánh Cha về Mục tử và Giáo hữu: Khám phá những cách thức tham gia

Diễn từ của Đức Thánh Cha với những tham dự viên Hội nghị do Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống tổ chức.

18 tháng Hai, 2023 16:18

ZENIT STAFF



Vào sáng thứ Bảy, ngày 18 tháng Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ các tham dự viên Hội nghị Quốc tế dành cho Chủ tịch và Người đại diện của các Ủy ban Giám mục về Giáo dân tại Khán phòng Thượng Hội đồng Giám mục trong Thành Vatican. Hội nghị diễn ra từ ngày 16 đến ngày 18 tháng Hai và tập trung vào chủ đề “Các mục tử và giáo hữu được kêu gọi đồng hành với nhau”.

Sau đây là diễn từ của Đức Thánh Cha.

_____________________________________________


Tôi cảm ơn Đức Hồng Y Farrell và tôi xin chào anh chị em là những đại diện các Ủy ban Giám mục về Giáo dân, các nhà lãnh đạo của những Hiệp hội và Phong trào Giáo hội, các vị chức sắc của Bộ và tất cả anh chị em hiện diện.

Anh chị em đến từ nhiều quốc gia khác nhau để suy tư về trách nhiệm chung của các Mục tử và tín hữu giáo dân trong Giáo hội. Tiêu đề Hội nghị của anh chị em nói lên một “lời kêu gọi” để “cùng nhau tiến về phía trước”, do đó đặt chủ đề này trong bối cảnh rộng lớn hơn của sự hiệp hành. Con đường mà Thiên Chúa đang chỉ ra cho Giáo hội chính là con đường của một kinh nghiệm hiệp thông và đồng hành với nhau cách mạnh mẽ và cụ thể hơn. Người yêu cầu Giáo hội bỏ lại phía sau những con đường hành động tách biệt, trên những đường song song không bao giờ gặp nhau. Giáo sĩ tách rời khỏi giáo dân, những người thánh hiến tách rời khỏi giáo sĩ và tín hữu; đức tin trí tuệ của một số giới tinh hoa nào đó tách biệt với đức tin của người dân thường; Giáo triều Rôma tách biệt với các Giáo hội địa phương, các Giám mục tách biệt với các linh mục; người trẻ tách biệt khỏi người già, vợ chồng và gia đình tách thoát ly khỏi đời sống cộng đoàn, các Phong Trào Đặc Sủng tách biệt khỏi giáo xứ, v.v. Đây là sự cám dỗ tồi tệ nhất ở thời điểm hiện tại. Giáo Hội còn một chặng đường dài phía trước để sống như một thân thể, như một dân tộc đích thực được hiệp nhất bởi cùng một niềm tin vào Chúa Kitô Đấng Cứu Thế, được làm sống động bởi cùng một Thần Khí thánh thiện và được hướng đến cùng một sứ vụ loan báo tình yêu thương xót của Thiên Chúa là Cha chúng ta.

Một dân tộc hiệp nhất trong sứ vụ

Khía cạnh cuối cùng này rất quan trọng: một dân tộc hiệp nhất trong sứ vụ. Đây là cái nhìn sâu sắc mà chúng ta phải luôn coi trọng: Giáo hội là Dân thánh trung thành của Thiên Chúa, như Hiến chế Lumen Gentium khẳng định trong các số 8 và 12. Giáo hội không theo chủ nghĩa dân túy cũng không theo chủ nghĩa tinh hoa, mà là Dân thánh trung thành của Thiên Chúa. Chúng ta không thể học điều này theo lý thuyết, nhưng thông qua kinh nghiệm sống. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể tìm được cách giải thích tốt nhất có thể; nhưng nếu chúng ta không sống điều đó, chúng ta không thể giải thích nó. Một dân tộc hiệp nhất trong sứ vụ. Hiệp hành có nguồn gốc và mục đích tối hậu của nó trong sứ vụ: nó được sinh ra từ sứ vụ và hướng tới sứ vụ. Chúng ta hãy nghĩ đến những ngày đầu tiên, khi Chúa Giêsu sai các Tông đồ đi và tất cả các ông đều vui mừng trở về, vì ma quỷ “đã chạy trốn khỏi các ông”: chính sứ vụ đã mang lại ý nghĩa đó cho Giáo hội. Chia sẻ sứ vụ đưa các Mục tử và giáo hữu xích lại gần nhau hơn; nó xây dựng một sự hiệp nhất về mục đích, thể hiện sự liên kết giữa các đặc sủng khác nhau và do đó khơi dậy trong mọi người ước muốn cùng nhau tiến bước. Chúng ta thấy điều này được minh họa nơi chính Chúa Giêsu, ngay từ đầu đã tập trung một nhóm các môn đệ vây quanh Người, nam cũng như nữ, và cùng với họ thi hành sứ vụ công khai của Ngài. Không bao giờ một mình. Khi sai Nhóm Mười Hai đi công bố Nước Thiên Chúa, Ngài sai họ đi “từng nhóm hai người”. Chúng ta cũng thấy điều tương tự nơi thánh Phaolô, người luôn loan báo Tin Mừng với những người cộng tác, kể cả giáo dân và các cặp vợ chồng, chứ không bởi mình ngài. Đây là trường hợp xảy ra vào những thời kỳ canh tân và truyền giáo lớn trong lịch sử Giáo hội: các Mục tử và tín hữu cùng nhau. Không phải là những cá nhân biệt lập, mà là một dân tộc rao giảng Tin Mừng, là Dân thánh trung thành của Thiên Chúa!

Trách nhiệm chung trong việc đào tạo giáo dân

Tôi biết rằng anh chị em cũng đã thảo luận về việc đào tạo giáo dân, điều không thể thiếu khi thực hiện trách nhiệm chung. Ở đây cũng vậy, tôi muốn nhấn mạnh rằng việc đào tạo đó phải hướng tới sứ vụ, chứ không chỉ hướng tới những lý thuyết, bằng không chúng sẽ rơi vào hệ tư tưởng. Và đó là một tai họa khủng khiếp: hệ tư tưởng trong Giáo hội giống như bệnh dịch. Để tránh điều này, việc đào tạo phải được định hướng theo sứ vụ, không mang tính học thuật, bị giới hạn trong các ý tưởng mang tính lý thuyết, nhưng phải thực hành. Nó phải phát xuất từ việc nghe Kerygma, được nuôi dưỡng bằng lời Chúa và các Bí tích, giúp mọi người phát triển nhận thức, với tư cách cá nhân và cộng đoàn, và tham gia ngay từ đầu vào hoạt động tông đồ và dưới nhiều hình thức làm chứng tá, dù rất đơn sơ, để có thể dẫn đến sự gần gũi với người khác. Việc tông đồ của giáo dân trước hết là việc làm chứng! Chứng tá của kinh nghiệm và lịch sử của bản thân, chứng tá của lời cầu nguyện, chứng tá của việc phục vụ những người thiếu thốn, chứng tá của sự gần gũi với người nghèo và những người bị lãng quên, và chứng tá của sự chào đón, nhất là về phía các gia đình. Đó là sự đào tạo đúng cách cho sứ vụ: bước ra ngoài đến với người khác, học hỏi “tại chỗ”. Đồng thời, một phương tiện hiệu quả để phát triển thiêng liêng.

Ngay từ đầu, tôi đã nói rằng “tôi mơ ước về một Giáo hội truyền giáo” (x. Tông huấn Evangelii Gaudium, 27; 32). “Tôi mơ ước về một Giáo hội truyền giáo”. Ở đây, một hình ảnh trong Sách Khải Huyền hiện lên trong trí, khi Chúa Giêsu nói: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai [...] mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy” (Kh 3:20). Bi kịch hôm nay trong Giáo hội là Chúa Giêsu cứ gõ cửa, nhưng từ phía bên trong, để chúng ta cho Ngài ra ngoài! Cuối cùng, chúng ta thường trở thành một Giáo hội “giam mình trong tù”, một Giáo hội không cho Chúa ra ngoài, Giáo hội giữ Ngài như “của riêng mình”, trong khi Chúa đến để thi hành sứ vụ và muốn chúng ta trở thành những nhà thừa sai …

Chính trong viễn cảnh này mà chúng ta có thể tiếp cận cách thích đáng đối với vấn đề trách nhiệm chung đối với giáo dân trong Giáo hội. Nhu cầu nâng cao vai trò của giáo dân không phải dựa trên một điểm mới lạ nào đó về thần học, hoặc do thiếu linh mục, càng không phải là khát khao bù đắp cho sự sao lãng của họ trong quá khứ. Thay vào đó, nó dựa trên tầm nhìn đúng đắn về Giáo hội, là Dân Thiên Chúa, trong đó người giáo dân, cùng với các thừa tác viên chức thánh, hoàn toàn là một thành phần. Do đó, các thừa tác viên chức thánh không phải là ông chủ, họ là những người phục vụ: là những mục tử, không phải là những ông chủ.

Điều này có nghĩa là phải phục hồi một “giáo hội học toàn diện”, giống như giáo hội của các thế kỷ đầu tiên, khi mọi sự được hiệp nhất nhờ tư cách thành viên trong Chúa Kitô và nhờ sự hiệp thông siêu nhiên với Thiên Chúa và với anh chị em của chúng ta. Nó có nghĩa là hãy bỏ lại đằng sau một tầm nhìn xã hội học phân biệt các giai cấp và địa vị xã hội, và cuối cùng dựa trên “quyền lực” được gán cho mỗi nhóm. Cần nhấn mạnh đến sự hiệp nhất chứ không phải sự tách biệt hay phân biệt. Giáo dân không chỉ là một người “không thuộc hàng giáo sĩ” hay “không phải tu sĩ”; người đó phải được coi như một người đã được rửa tội, một thành viên của Dân thánh Chúa, vì đó là Bí tích mở ra mọi cánh cửa. Trong Tân Ước không xuất hiện từ “giáo dân”; chúng ta nghe nói về “người tin”, “môn đệ”, “anh em” và “các thánh”, những thuật ngữ được áp dụng cho tất cả mọi người: tín hữu giáo dân cũng như các thừa tác viên thánh chức, Dân Chúa cùng nhau hành trình.

Trong một Dân tộc của Thiên Chúa duy nhất là Giáo Hội này, yếu tố cơ bản là chúng ta thuộc về Đức Kitô. Trong các trình thuật đầy cảm xúc của Sách Công vụ của các vị tử đạo thời sơ khai, chúng ta thường thấy một lời tuyên xưng đức tin đơn sơ: “Tôi là một người thuộc về Chúa Kitô”, và họ nói, “và do đó tôi không thể hy sinh cho ngẫu tượng”. Chẳng hạn, đây là những lời được nói bởi Đức Cha Polycarp, Giám mục Smyrna, và bởi Justin và những người bạn đồng hành của ngài là những giáo dân. Những vị tử đạo này không nói: “Tôi là Giám mục”, hay “Tôi là giáo dân” — Tôi thuộc Công giáo Tiến hành,” “Tôi thuộc Dòng Đức Mẹ, tôi là thành viên của Phong trào Focolare.” Không, họ chỉ nói đơn giản: “Tôi là một người của Chúa Kitô.” Ngày nay cũng vậy, trong một thế giới ngày càng bị tục hóa, điều thật sự phân biệt chúng ta là Dân Chúa đó là niềm tin của chúng ta vào Chúa Kitô, chứ không phải bậc sống của chúng ta. Chúng ta là những người đã được rửa tội; chúng ta là người Kitô hữu; chúng ta là môn đệ của Chúa Giêsu. Mọi điều khác chỉ là thứ yếu. “Nhưng thưa cha, kể cả một linh mục sao?” — “Đúng, điều đó cũng chỉ là thứ yếu” — “Còn Giám mục thì sao?” — “Đúng, là thứ yếu” — “Ngay cả một Hồng y sao?” — “Cũng chỉ là thứ yếu.”

Việc chúng ta cùng thuộc về Đức Kitô khiến tất cả chúng ta trở thành anh chị em với nhau. Như Công đồng Vatican II tuyên bố, “khi được Thiên Chúa ưu ái ban cho Đức Kitô như một người Anh cả, … giáo dân cũng là anh chị em với những người đã lãnh nhận thừa tác vụ thánh, … để coi sóc gia đình Thiên Chúa qua việc giảng dạy” (Hiến chế Lumen Gentium, 32). Là anh chị em với Đức Kitô, là anh chị em với các linh mục, tình huynh đệ với mọi người.

Một tầm nhìn thống nhất về Giáo hội

Trong tầm nhìn thống nhất này về Giáo hội, nơi chúng ta trước hết và trên hết là những Kitô hữu đã được rửa tội, là giáo dân sống giữa thế giới và đồng thời thuộc về Dân tộc trung thành của Thiên Chúa. Tài liệu Puebla đã diễn tả điều này cách rất đẹp: giáo dân là những người nam nữ “của Giáo hội giữa lòng thế giới,” và những người nam nữ “của thế giới trong lòng Giáo hội”. Thực vậy, người giáo dân được kêu gọi sống sứ vụ của họ chính giữa những thực tại trần thế mà mỗi ngày họ phải hòa mình vào. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là họ không có những khả năng, những đặc sủng và năng lực để đóng góp vào đời sống của Giáo hội: trong việc phục vụ phụng vụ, trong việc dạy giáo lý và giáo dục, trong các cơ cấu quản trị, quản lý tài sản, lập kế hoạch và thực hiện các dự án mục vụ, v.v. Vì lý do này, ngay từ khi còn ở chủng viện, các Mục tử cần được đào tạo để cộng tác làm việc với giáo dân, để sự hiệp thông, như một kinh nghiệm sống động, sẽ được phản ánh trong hoạt động của họ như một điều gì đó rất tự nhiên, không phải là khác thường và không thường xuyên. Một điều tồi tệ nhất mà một người mục tử có thể làm là quên đi dân tộc nơi người mục tử đã xuất thân, thiếu ký ức đó. Chúng ta có thể lặp đi lặp lại với người mục tử đó thật nhiều lần lời trong Kinh thánh: “Hãy nhớ”. “Hãy nhớ anh từ đâu đến, đàn chiên mà anh đã từ đó được đưa ra để trở về phục vụ nó, hãy nhớ đến cội nguồn của mình” (x. 2 Tm, 1).

Chia sẻ trách nhiệm giữa Giáo dân và Mục tử

Kinh nghiệm chia sẻ trách nhiệm này giữa người giáo dân và mục tử sẽ giúp vượt qua sự phân tách, sợ hãi và thiếu tin tưởng lẫn nhau. Bây giờ là lúc để các Mục tử và giáo dân cùng nhau tiến bước, trong mọi lĩnh vực của đời sống Giáo hội và ở mọi nơi trên thế giới! Giáo dân không phải là “khách” trong Giáo hội; đó là nhà của họ và họ cũng được kêu gọi chăm sóc Giáo hội như vậy. Giáo dân, và đặc biệt là phụ nữ, phải được đánh giá cao hơn về các kỹ năng cũng như về các ơn thuộc về con người và thiêng liêng mà họ mang lại cho đời sống của các giáo xứ và giáo phận. Họ có thể hỗ trợ bằng ngôn ngữ “thường nhật” của họ trong việc loan báo Tin Mừng bằng cách tham gia vào các hình thức rao giảng khác nhau. Họ có thể hợp tác với các linh mục trong việc đào tạo thiếu nhi và thanh thiếu niên, giúp đỡ các cặp đính hôn chuẩn bị cho hôn nhân, và đồng hành với các đôi vợ chồng trong đời sống hôn nhân và gia đình. Phải luôn hỏi ý kiến họ bất cứ khi nào các sáng kiến mục vụ mới được lên kế hoạch ở mọi cấp độ, địa phương, quốc gia và toàn cầu. Họ phải có tiếng nói trong các hội đồng mục vụ của các Giáo hội địa phương và nên có mặt trong các văn phòng giáo phận. Họ có thể hỗ trợ trong việc đồng hành thiêng liêng với các giáo dân khác và đóng góp vào việc đào tạo các chủng sinh và tu sĩ. Có lần tôi nghe thấy một câu hỏi: “Thưa cha, một giáo dân có thể làm linh hướng được không?” Quả thực đó là một đặc sủng giáo dân! Một vị linh hướng có thể là một linh mục, nhưng đặc sủng không hoàn toàn thuộc linh mục như vậy; đồng hành thiêng liêng, nếu Chúa ban cho bạn khả năng thiêng liêng để làm như vậy, thì là một đặc sủng giáo dân. Cùng với các Mục tử, người giáo dân phải đưa chứng tá Kitô giáo đi vào đời sống thế tục: vào các thế giới việc làm, văn hóa, chính trị, nghệ thuật và truyền thông xã hội.

Chúng ta có thể diễn đạt theo cách này: giáo hữu và Mục tử cùng nhau trong Giáo hội, người giáo dân và Mục tử cùng nhau trên thế giới.

Tôi nhớ đến những trang cuối cùng trong quyển sách của linh mục Henri de Lubac, Méditation sur l'Église. Trong đó, ngài giải thích rằng điều tồi tệ nhất có thể xảy ra với Giáo hội là chủ nghĩa thế tục thiêng liêng mang tên chủ nghĩa giáo quyền, điều “sẽ vô cùng tai hại hơn bất kỳ chủ nghĩa đạo đức thế tục nào”. Nếu anh chị em có thời gian, hãy đọc ba hoặc bốn trang cuối của quyển Méditation sur l'Église của Cha de Lubac. Trích dẫn nhiều tác giả khác nhau, ngài cho thấy rằng chủ nghĩa giáo quyền là điều tồi tệ nhất có thể xảy ra với Giáo hội, thậm chí còn tồi tệ hơn cả những thời kỳ giáo hoàng có nhân tình. Chủ nghĩa giáo quyền phải bị “xua đuổi”. Một linh mục hay một Giám mục rơi vào thái độ này sẽ gây tổn hại rất lớn cho Giáo hội. Nhưng đó là một căn bệnh truyền nhiễm: vì giáo dân bị giáo quyền hóa là một bệnh dịch tồi tệ hơn trong Giáo hội, thậm chí còn tồi tệ hơn cả các linh mục hoặc Giám mục đã rơi vào chủ nghĩa giáo quyền. Xin hãy nhớ rằng giáo dân là giáo dân.

Các bạn thân mến, với vài nhận xét này, tôi muốn chỉ ra một lý tưởng, một nguồn cảm hứng để giúp chúng ta tiến bước. Tôi vô cùng ước ao rằng tất cả chúng ta có thể giữ trong tâm trí và trong lòng tầm nhìn đầy yêu thương này về Giáo Hội! Một Giáo hội hướng tới sứ mệnh, nơi mọi người hiệp lực và cùng nhau bước đi loan báo Tin Mừng. Một Giáo hội mà điều gắn kết chúng ta lại với nhau đó là chúng ta là những Kitô hữu đã được rửa tội, chúng ta thuộc về Chúa Giêsu. Một Giáo hội được ghi dấu bằng tình huynh đệ giữa người giáo hữu và các Mục tử, khi tất cả cùng làm việc với nhau mỗi ngày trong mọi lĩnh vực của đời sống mục vụ, vì tất cả họ đều đã được rửa tội.

Tôi khuyến khích anh chị em hãy cổ võ trong các Giáo hội của anh chị em tất cả những gì anh chị em nhận được trong những ngày này, để cùng nhau tiếp tục canh tân Giáo hội và sứ vụ của Giáo hội. Tôi chúc lành cho tất cả anh chị em và những người thân yêu của anh chị em, và tôi xin anh chị em hãy cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn anh chị em.


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 21/2/2023]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét