Thứ Hai, 18 tháng 11, 2024

Huấn từ kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 17.11.2024: “Lời của Chúa Giêsu tồn tại mãi mãi”


“Lời của Chúa Giêsu tồn tại mãi mãi”

Huấn từ kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha

Huấn từ kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 17.11.2024: “Lời của Chúa Giêsu tồn tại mãi mãi”

Vatican Media


*******

Trưa hôm nay, Chúa Nhật thứ 33 Mùa Thường Niên, Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc tại Điện Tông Tòa Vatican để đọc Kinh Truyền Tin với khoảng 25.000 tín hữu và khách hành hương tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Kết thúc giờ Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha dự bữa tiệc mừng được tổ chức nhân Ngày Thế giới Người nghèo lần thứ VIII tại Hội trường Phaolô VI. Khi ngồi vào bàn, Đức Thánh Cha ban phép lành và chào hỏi những người hiện diện.

Sau đây là huấn từ của Đức Thánh Cha trước giờ đọc kinh kính Đức Mẹ:

_______________________________________


Huấn từ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chúc anh chị em Chúa nhật hạnh phúc!

Trong Tin Mừng phụng vụ hôm nay, Chúa Giêsu mô tả một cơn đại nạn: “mặt trời sẽ ra tối tăm, và mặt trăng không còn chiếu sáng” (Mc 13:24). Trước sự đau khổ này, nhiều người có thể nghĩ đến ngày tận thế, nhưng Chúa nắm lấy cơ hội để đưa ra một cách giải thích khác, nói rằng: “Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu” (Mc 13:31).

Chúng ta cùng xét kỹ hơn câu nói này: điều gì sẽ qua đi và điều gì sẽ còn lại.

Trước tiên, điều gì sẽ qua đi. Đứng trước một số hoàn cảnh trong cuộc sống, khi chúng ta trải qua sự khủng hoảng hoặc một thất bại nào đó, cũng như khi chúng ta nhìn thấy xung quanh mình những đau khổ do chiến tranh, bạo lực, thiên tai gây ra, chúng ta có cảm giác rằng mọi thứ đang đi đến hồi kết, và chúng ta thấy rằng ngay cả những điều đẹp đẽ nhất rồi cũng sẽ qua đi. Tuy nhiên, những khủng hoảng và thất bại dù là đau đớn, nhưng lại quan trọng, vì chúng dạy chúng ta phải biết coi trọng mọi thứ, không trói chặt trái tim mình vào những thực tại của thế giới này, vì chúng sẽ qua đi: chúng chắc chắn sẽ trôi qua.

Đồng thời, Chúa Giêsu nói đến những gì sẽ còn lại. Mọi thứ đều qua đi, nhưng lời của Người sẽ không qua đi: Lời của Chúa Giêsu sẽ còn lại mãi mãi. Do đó, Người mời gọi chúng ta hãy tin vào Phúc Âm, trong đó chứa đựng lời hứa về ơn cứu độ và sự trường tồn, để không sống dưới sự đau khổ của cái chết. Vì trong khi mọi thứ qua đi, Đức Kitô vẫn còn. Trong Người, trong Chúa Kitô, một ngày nào đó chúng ta sẽ tìm lại được những thứ, những người đã qua đi và đã đồng hành cùng chúng ta trong cuộc sống nơi dương thế này. Dưới ánh sáng của lời hứa phục sinh này, mọi thực tại đều mang một ý nghĩa mới: mọi thứ đều chết và một ngày nào đó chúng ta cũng sẽ chết, nhưng chúng ta sẽ không mất đi những gì chúng ta đã xây dựng và yêu thương, bởi vì cái chết sẽ là khởi đầu của một đời sống mới.

Anh chị em thân mến, ngay cả trong những tai họa, trong những cơn khủng hoảng, trong thất bại, Tin Mừng mời gọi chúng ta hãy nhìn vào cuộc sống và lịch sử mà không lo sợ mất đi những gì sẽ phải qua đi, nhưng với niềm vui với những gì sẽ còn tồn tại. Chúng ta đừng quên rằng Thiên Chúa đang chuẩn bị cho chúng ta một tương lai của sự sống và niềm vui.

Và vì vậy, chúng ta hãy tự hỏi mình: chúng ta có gắn bó với những thứ thuộc trần gian, những thứ sẽ qua đi, trôi qua nhanh chóng, hay gắn bó với Lời của Chúa, Lời vẫn tồn tại và hướng dẫn chúng ta đến sự trường tồn? Chúng ta hãy đặt câu hỏi này cho bản thân. Nó sẽ giúp ích cho chúng ta.

Và chúng ta hãy dâng lời cầu nguyện lên Đức Trinh nữ Maria, Đấng hoàn toàn phó thác mọi sự cho Lời Chúa, để xin Mẹ chuyển cầu cho chúng ta.

________________________________


Sau kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến,

Hôm qua tại thành phố Shkodra, hai vị tử đạo đã được phong chân phước: Cha Luigi Palić, linh mục của Dòng Anh Em Hèn Mọn, và Cha Gjon Gazulli, linh mục giáo phận, nạn nhân của cuộc đàn áp tôn giáo của thế kỷ XX. Và hôm nay, tại thành phố Freiburg im Breisgau, một vị tử đạo khác đã được phong chân phước, linh mục Max Josef Metzger, người sáng lập Tu hội đời Chúa Kitô Vua, bị Đức Quốc xã đàn áp vì cam kết của Tu hội ủng hộ hòa bình. Mong rằng tấm gương của những vị tử đạo này an ủi rất nhiều Kitô hữu đang bị phân biệt đối xử vì đức tin của họ trong thời đại chúng ta. Chúng ta cùng dành một tràng pháo tay cho các vị Chân phước mới!

Hôm nay chúng ta cử hành Ngày Thế giới Người nghèo, có chủ đề: “Kẻ nghèo vừa mở miệng cầu khẩn là Chúa lắng tai nghe” (Hc 21:5). Tôi cảm ơn những anh chị em trong các giáo phận và giáo xứ đã tổ chức các sáng kiến ​​liên đới với những người thua thiệt nhất. Và vào ngày này, chúng ta cũng hãy tưởng nhớ tất cả các nạn nhân bị tai nạn giao thông: chúng ta hãy cầu nguyện cho họ, cho người thân của họ và nỗ lực ngăn ngừa tai nạn.

Cha đặt một câu hỏi; tất cả anh chị em hãy tự hỏi mình câu hỏi này: tôi có từ bỏ một thứ gì đó để cho người nghèo không? Khi tôi bố thí, tôi có chạm vào tay người nghèo và nhìn vào mắt họ không? Anh chị em thân mến, chúng ta đừng quên rằng người nghèo không thể chờ đợi!

Tôi cùng với Giáo hội Ý ngày mai tiếp tục tổ chức Ngày cầu nguyện cho các nạn nhân và người sống sót sau lạm dụng. Mỗi sự lạm dụng là một sự phản bội lòng tin, một sự phản bội sự sống! Cầu nguyện là điều không thể thiếu để “xây dựng lại lòng tin”.

Tôi cũng nhớ đến tất cả những ngư dân, nhân Ngày Nghề cá Thế giới, sẽ diễn ra vào thứ năm tuần tới: xin Đức Maria Sao Biển bảo vệ những người đánh cá và gia đình họ.

Và cha thân ái chào tất cả anh chị em người Rome và khách hành hương. Đặc biệt là các tín hữu đến từ Ponta Delgada và Zagabria; Escolanía del Monasterio de San Lorenzo de El Escorial và cộng đồng Ecuador tại Roma đang mừng lễ Virgen del Quinche. Cha chào các nhóm đến từ Chioggia và Caorle; đội cứu hỏa từ Romeno, Trento và ca đoàn giáo xứ đến từ Nesso, Como.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy cầu nguyện cho hòa bình; tại Ukraine đang bị đau khổ, tại Palestine, Israel, Lebanon, Myanmar và Sudan. Chiến tranh làm mất nhân tính của chúng ta, nó khiến chúng ta dung túng cho những tội ác không thể chấp nhận được. Mong các nhà lãnh đạo hãy lắng nghe tiếng kêu của những người đang cầu xin hòa bình.

Cha gửi lời chào các bạn trẻ của phong trào Immacolata. Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật tốt lành. Và xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và arrivederci!


[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 18/11/2024]


Đức Thánh Cha Phanxicô: Lời kêu gọi bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta tại hội nghị COP29

Đức Thánh Cha Phanxicô: Lời kêu gọi bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta

Tại hội nghị COP29

Đức Thánh Cha Phanxicô: Lời kêu gọi bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta tại hội nghị COP29

*******

Trong khuôn khổ hội nghị COP29 sẽ được tổ chức tại Baku (Azerbaijan), Đức Thánh Cha Phanxicô phản ánh về tác động của biến đổi khí hậu và nhu cầu cấp thiết phải có các biện pháp bảo vệ hành tinh. Vào đêm trước khai mạc hội nghị thượng đỉnh, Đức Giáo hoàng nhắc lại các sáng kiến đã ​​được khởi động kể từ khi công bố thông điệp Laudato si’, làm nổi bật công việc đã được thực hiện trong ba năm qua để đối mặt với cuộc khủng hoảng sinh thái. Trong bối cảnh này, ngài bày tỏ hy vọng rằng hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc sẽ là một bước tiến quan trọng trong việc bảo vệ “ngôi nhà chung của chúng ta”.


Lặp lại lời kêu gọi cho các nạn nhân của núi lửa Lewotobi

Đức Thánh Cha cũng nhớ đến những người dân bị ảnh hưởng bởi vụ phun trào núi lửa Lewotobi Laki-Laki trên đảo Flores, Indonesia. Ít nhất mười người đã thiệt mạng, trong đó có một nữ tu truyền giáo là Sơ Nikolin Padjo. Đức Thánh Cha cầu nguyện cho các nạn nhân, cho gia đình của họ và những người phải di dời, bày tỏ sự gần gũi với tất cả những người bị ảnh hưởng bởi thảm kịch này.


Tình liên đới với các nạn nhân lũ lụt ở Tây Ban Nha

Đức Thánh Cha không quên các nạn nhân của trận lũ lụt gần đây ở Valencia và các vùng khác của Tây Ban Nha. Trong thông điệp, ngài kêu gọi các tín hữu hãy suy nghĩ đến những hành động cụ thể mà họ có thể thực hiện để giúp đỡ những người bị ảnh hưởng. Đức Thánh Cha nhắc lại lời kêu gọi trước đó, trong đó ngài đặt câu hỏi cho cộng đoàn rằng họ có đang cầu nguyện và giúp đỡ các nạn nhân hay không. Hành động liên đới này trở thành khoảng thời gian suy ngẫm cho tất cả những người có mặt.


Thông điệp cho hòa bình ở Mozambique

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nói về tình hình ở Mozambique, nơi các cuộc biểu tình về cáo buộc gian lận trong cuộc bầu cử tháng 10 đã khiến ít nhất 30 người chết. Đức Thánh Cha kêu gọi hòa bình và đối thoại, kêu gọi tất cả những người liên quan hãy tìm kiếm các giải pháp công bằng và thúc đẩy dân chủ và công bằng trong nước.


Cầu nguyện cho hòa bình trên thế giới

Trong thông điệp, Đức Thánh Cha nhắc nhở các tín hữu về nhu cầu cấp thiết phải cầu nguyện cho hòa bình ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là ở Ukraine, Palestine, Israel, Li Băng, Myanmar và Sudan. Ngài thúc giục mọi người cùng hiệp lời cầu nguyện cho hòa bình, trong thời điểm phức tạp hiện nay đối với nhân loại.


Biết ơn ngành nông nghiệp

Nhân Ngày Lễ Tạ ơn được tổ chức tại Ý vào ngày 10 tháng 11, Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ lòng biết ơn đối với những người làm nông. Trong thông điệp, ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của việc canh tác đất đai một cách có trách nhiệm, bảo đảm sự màu mỡ của đất cho các thế hệ tương lai và nhấn mạnh vai trò quan trọng của ngành nông nghiệp trong việc bảo tồn thiên nhiên và phúc lợi của nhân loại.


[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 17/11/2024]


Thứ Hai, 11 tháng 11, 2024

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha: Chúa Giêsu nói về quyền bính theo nghĩa từ bỏ chính mình và khiêm nhường phục vụ

Chúa Giêsu nói về quyền bính theo nghĩa từ bỏ chính mình và khiêm nhường phục vụ

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha: Chúa Giêsu nói về quyền bính theo nghĩa từ bỏ chính mình và khiêm nhường phục vụ

*******

Lúc 12 giờ trưa nay (ND: 10/11/2024), Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của Điện Tông tòa Vatican để đọc kinh Truyền tin với gần 18.000 tín hữu và khách hành hương tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Đức Phanxicô nhấn mạnh đến thái độ đạo đức giả của một số kinh sư mà Chúa Kitô lên án. Họ là những người “đằng sau bề ngoài đạo mạo và theo chủ nghĩa duy luật” đã chiếm lấy các đặc quyền và hành xử “như những kẻ hủ hóa”, lợi dụng sau lưng những người khác, “thực hiện những điều bất công và bảo đảm việc không bị trừng phạt”. Ngược lại, Đức Thánh Cha nói rằng giữ các vai trò quyền lực đồng nghĩa với việc hy sinh bản thân, giúp mọi người vươn lên, đặc biệt là những người thiếu thốn nhất.

Sau đây là huấn từ của Đức Thánh Cha trước giờ đọc kinh kính Đức Mẹ:

______________________________________


Huấn từ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chúc anh chị em Chúa nhật tốt lành!

Hôm nay, Tin Mừng phụng vụ (x. Mc 12:38-44) kể cho chúng ta việc Chúa Giêsu ở trong đền thờ Giêrusalem trước dân chúng đã tố cáo thái độ giả hình của một số kinh sư (x. cc. 38-40).

Các kinh sư được giữ một vai trò quan trọng trong cộng đồng Israel: họ đọc, ghi chép lại và giải thích Kinh thánh. Do đó, họ rất được trọng vọng và mọi người kính trọng họ.

Tuy nhiên, ngoài vẻ bề ngoài, hành vi của họ thường không tương ứng với những gì họ dạy. Họ không nhất quán. Trên thực tế, một số người dựa vào uy tín và quyền lực mà họ có được đã khinh khi người khác, nhìn người khác “từ trên cao” – ngạo nghễ nhìn người khác từ trên cao là điều rất xấu – họ tỏ vẻ ngạo nghễ, và đằng sau bề ngoài đạo mạo và theo chủ nghĩa duy luật đã chiếm lấy các đặc quyền và thậm chí còn đi xa hơn khi thực hiện những hành vi đánh cắp cách trắng trợn gây thiệt hại cho những người yếu đuối nhất, chẳng hạn như các bà góa (x. c. 40). Thay vì dùng vai trò mà họ được giao để phục vụ người khác, họ biến nó thành công cụ cho sự kiêu ngạo và thao túng. Và đối với họ điều đó dẫn đến nguy cơ rằng ngay cả khi cầu nguyện, khi đó cũng không còn là khoảnh khắc để gặp gỡ Chúa, mà là một dịp để phô trương sự trọng vọng và lòng đạo đức giả tạo, rất hữu ích để thu hút sự chú ý của mọi người và tìm kiếm sự chấp thuận (x. nt.). Chúng ta hãy nhớ lại những điều Chúa Giêsu nói về lời cầu nguyện của người thu thuế và người Pharisêu (x. Lc 18:9-14).

Họ – không phải tất cả – đã hành xử như những kẻ hủ hóa, nuôi dưỡng một hệ thống xã hội và tôn giáo trong đó việc lợi dụng sau lưng người khác là điều bình thường, đặc biệt là những người yếu đuối nhất, gây ra những bất công và bảo đảm việc không bị trừng phạt cho bản thân.

Chúa Giêsu cảnh báo phải tránh xa những người này, phải “coi chừng” họ (x. c. 38), không làm như họ. Thật vậy, như chúng ta đã biết, bằng lời nói và tấm gương, Chúa dạy những điều rất khác về quyền bính. Người nói về quyền bính theo nghĩa hy sinh bản thân và phục vụ cách khiêm nhường (x. Mc 10:42-45), theo nghĩa dịu dàng của hiền mẫu và hiền phụ đối với mọi người (x. Lc 11:11-13), đặc biệt là những người đang cần đến nhất (Lc 10:25-37). Người mời gọi những người được trao giữ thẩm quyền hãy nhìn người khác từ vị thế quyền bính của họ, không phải để hạ nhục người khác, mà là để nâng họ lên, trao cho họ hy vọng và sự trợ giúp.

Vì vậy, thưa anh chị em, chúng ta hãy tự hỏi bản thân: tôi có cách cư xử thế nào trong những phạm vi trách nhiệm của mình? Tôi có hành động với sự khiêm nhường không, hay tôi khoe khoang địa vị của mình? Tôi có đại lượng và tôn trọng mọi người không, hay tôi đối xử với họ một cách thô lỗ và độc đoán? Và với những anh chị em yếu đuối nhất, tôi có gần gũi với họ không, tôi có biết cách cúi xuống để giúp nâng họ lên không?

Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta chiến thắng cám dỗ của tính giả hình trong chính mình – Chúa Giêsu nói rằng họ là những kẻ giả hình, giả hình là một cám dỗ rất lớn – và giúp chúng ta làm việc thiện một cách đơn sơ và không phô trương.

_____________________________________


Sau Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến!

Cha Don Giuseppe Torres Padilla, người đồng sáng lập Dòng Nữ tu Thánh giá, đã được phong Chân phước tại Seville ngày hôm qua. Ngài sống tại Tây Ban Nha vào thế kỷ 19, và đã thể hiện mình là một linh mục của tòa giải tội và hướng dẫn tinh thần, làm chứng cho lòng bác ái lớn lao cho những người đang cần đến. Xin tấm gương của ngài nâng đỡ các linh mục trong sứ vụ của họ. Chúng ta dành một tràng pháo tay cho vị Chân phước mới!

Ba năm trước, Laudato si’ Action Platform đã được ra mắt. Tôi cảm ơn những người làm việc để hỗ trợ sáng kiến ​​này. Về vấn đề này, tôi hy vọng rằng Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP29, sẽ bắt đầu vào ngày mai tại Baku, có thể đưa ra những đóng góp hiệu quả cho việc bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta.

Cha gần gũi với người dân Đảo Flores ở Indonesia, nơi bị ảnh hưởng bởi sự phun trào núi lửa; cha cầu nguyện cho các nạn nhân, cho người thân của họ và những người phải di tản. Và một lần nữa cha nhớ đến những người dân Valencia và các vùng khác của Tây Ban Nha đang phải đối mặt với các hậu quả của lũ lụt. Cha hỏi anh chị em một câu hỏi: anh chị em đã cầu nguyện cho Valencia chưa? Anh chị em đã nghĩ đến việc đóng góp một số tiền để giúp đỡ những người dân đó chưa? Đây chỉ là một câu hỏi.

Tin tức đến từ Mozambique thật đáng lo ngại. Tôi mời mọi người hãy tham gia đối thoại, khoan dung và kiên trì tìm kiếm các giải pháp công bằng. Chúng ta hãy cầu nguyện cho toàn thể người dân Mozambique để tình hình hiện tại không khiến họ mất niềm tin vào con đường dân chủ, công lý và hòa bình.

Và xin chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện cho Ukraine đang bị đau khổ, nơi mà ngay cả các bệnh viện và các tòa nhà dân sự khác cũng đã bị tấn công; và chúng ta hãy cầu nguyện cho Palestine, Israel, Li Băng, Myanmar và Sudan. Chúng ta hãy cầu nguyện cho hòa bình trên toàn thế giới.

Hôm nay, Giáo hội Ý kỷ niệm Ngày Lễ Tạ ơn. Tôi bày tỏ lòng biết ơn đối với ngành nông nghiệp và khuyến khích canh tác đất đai theo cách bảo tồn độ phì nhiêu của đất cho các thế hệ tương lai.

Cha chào thân ái tất cả anh chị em người Rome và những anh chị em hành hương, và các bạn trẻ Immacolata. Đặc biệt là các tín hữu đến từ Kazakhstan, Moscow, New York, Bastia ở Corsica, Beja và Algarve ở Bồ Đào Nha, Warsaw, Lublin và các vùng khác của Ba Lan. Tôi chào Ủy ban thúc đẩy Hiệp ước Giáo dục Toàn cầu, cùng với đại diện của nhiều trường đại học Công giáo; Cha chào những tình nguyện viên từ Ngân hàng Thực phẩm và Ban nhạc Ý của Quân đoàn Vận tải và Vật liệu. Chúng ta hãy hy vọng rằng ban nhạc sẽ chơi một bản nhạc tuyệt vời cho chúng ta!

Và cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật tốt lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng, và arrivederci!



[Nguồn: vatican]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 11/11/2024]


Một bó hoa violet: tái khám phá tình yêu xung quanh chúng ta

Một bó hoa violet: tái khám phá tình yêu xung quanh chúng ta

Cách để nhận biết và trân trọng những cử chỉ yêu thương nhỏ bé trong các mối quan hệ của chúng ta, để không lãng quên những người thực sự quan trọng đối với mình

Một bó hoa violet: tái khám phá tình yêu xung quanh chúng ta

Pexels - Pixabay


*******

Cho dù trái tim chúng ta đang ở Valencia, chúng ta cũng có thể nhìn lại, sống lại trong ký ức bài hát mang tính biểu tượng của Cecilia, “Một bó hoa violet” (A bunch of violets). Bạn còn nhớ không? Bài hát kể về câu chuyện của một người phụ nữ, cứ đến ngày 9 tháng 11 cô lại nhận được một bó hoa violet mà không có thiệp. Cô ấy hớn hở, tưởng tượng xem tình yêu bí mật này sẽ là ai. Trong khi đó, chồng cô là người khá kín đáo và trang nghiêm, lặng lẽ nhìn cô, mỉm cười. Anh là người viết những câu thơ ẩn danh đó cho cô; anh chính là tình yêu bí mật đó.

Chúng ta đang sống trong thời đại mà có thể tất cả chúng ta đều đều mắc phải một chút “hội chứng hoa violet”: chúng ta quên mất việc trân quý những người bên cạnh mình, những người bạn đồng hành trong cuộc sống. Có lẽ cách tốt nhất để tránh điều này là học lấy từ bài học mà Gary Chapman để lại cho chúng ta trong quyển sách The Five Love Languages (Năm ngôn ngữ tình yêu) ​​của ông.

Chapman giải thích rằng mỗi người đều có cách trao và đón nhận tình yêu riêng biệt, độc đáo, và việc nhận ra được điều này có thể củng cố vững chắc những mối quan hệ của chúng ta. Có người coi trọng thời gian dành cho nhau, dừng cả thế giới lại vì bạn. Tuy nhiên, người khác lại thể hiện tình yêu của họ qua các hành động phục vụ, làm những công việc mà chúng ta ít muốn làm nhất, chẳng hạn như đổ rác hoặc đưa xe đi bảo dưỡng, những cử chỉ nhỏ này thường không được chú ý, nhưng lại chứa đầy tình cảm. Những người thể hiện tình cảm theo cách này thường không được đánh giá cao. Cũng có những người tìm thấy quà tặng là một cách để thể hiện tình cảm to lớn của họ khi họ cảm thấy lời nói là không đủ.

Có những người cảm thấy được yêu thương qua những lời nói trìu mến: một tin nhắn yêu thương, một lời khen ngợi hoặc sự công nhận khiến họ cảm thấy được coi trọng. Tuy nhiên, với những người khác thì việc tiếp xúc thể lý lại là quan trọng; họ cần những cái ôm, sự vuốt ve và gần gũi để cảm thấy được yêu thương và thể hiện tình yêu của họ.

Hiểu rõ bản thân, biết rõ những người chúng ta yêu thương và cách họ cảm nhận được yêu như thế nào là vô cùng quan trọng, nhận biết điều đó khi họ trao cho chúng ta một bài thơ âm thầm qua những hành động phục vụ, khi họ cần chia sẻ một khoảnh khắc đặc biệt, hoặc mua một món quà nhỏ vào một ngày ngớ ngẩn nào đó. Chúng ta đừng để mình phải đau khổ như người phụ nữ trong bài hát của Cecilia; chúng ta không phải gánh chịu “hội chứng bó hoa violet” vào ngày 9 tháng 11. Tại sao lại không tránh điều đó?


[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 11/11/2024]


Thứ Năm, 7 tháng 11, 2024

Đức Thánh Cha Phanxicô: “Tưởng nhớ” là mang theo trong tim

Đức Thánh Cha Phanxicô: “Tưởng nhớ” là mang theo trong tim

Thánh lễ tưởng nhớ các Hồng y và Giám mục đã qua đời trong năm

Đức Thánh Cha Phanxicô: “Tưởng nhớ” là mang theo trong tim

*******

Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành Thánh lễ vào sáng Thứ Hai để tưởng nhớ bảy vị Hồng y và hơn 120 Giám mục đã qua đời trong năm qua. Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã suy ngẫm về lời của người trộm lành đã bị đóng đinh bên cạnh Chúa Giêsu: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!”

Dưới đây là bài giảng của Đức Thánh Cha sau khi công bố Tin Mừng:

______________________________


Bài giảng của Đức Thánh Cha

“Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” (Lc 23:42). Đây là những lời cuối cùng của một trong hai người bị đóng đinh cùng với Chúa nói với Người. Đó không phải là lời của một trong những môn đệ của Chúa Giêsu đã theo Người trên những nẻo đường của xứ Galilê và cùng chia sẻ bánh với Người trong Bữa Tiệc ly. Ngược lại, người nói những lời đó với Chúa là một tên tội phạm, một người chỉ được gặp Chúa vào giây phút cuối cùng của cuộc đời, một người mà chúng ta thậm chí còn không biết tên.

Tuy nhiên, trong Phúc Âm, những lời nói cuối cùng của “người ngoài cuộc” này khởi đầu một cuộc đối thoại sự thật. Ngay cả khi Chúa Giêsu bị “liệt vào hàng tội nhân” (Is 53:12) như Tiên tri Isaia đã nói trước thì một giọng nói bất ngờ vang lên, nói rằng: “Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!” (Lc 23:41). Đúng như vậy. Kẻ tội phạm bị kết án đó đại diện cho tất cả chúng ta; mỗi người chúng ta có thể thay cái tên của anh ta bằng tên của chúng ta. Tuy nhiên, quan trọng hơn nữa là chúng ta hãy biến lời cầu xin của anh ta thành lời cầu xin của chúng ta: “Lạy Chúa Giêsu, xin nhớ đến con”. Xin hãy giữ con sống mãi trong ký ức của Chúa. “Xin đừng quên con”.

Chúng ta hãy suy ngẫm về chữ đó: nhớ. Nhớ (ricordare) có nghĩa là “dẫn đưa trở về trái tim (cor)”, mang theo trong tim. Con người đó, bị đóng đinh bên cạnh Chúa Giêsu, đã biến nỗi đau khủng khiếp của mình thành lời cầu nguyện: “Ông Giêsu ơi, xin hãy nhớ đến tôi trong trái tim Ngài”. Những lời của anh không phản ánh sự thống khổ và thất bại, mà là niềm hy vọng. Kẻ tội phạm này trong giờ sau cùng đã chết như một người môn đệ, chỉ mong muốn một điều: tìm được trái tim chào đón. Đó là tất cả những gì quan trọng đối với anh khi anh ta thấy mình không có khả năng tự vệ trước cái chết. Chúa lắng nghe lời cầu nguyện của kẻ tội nhân, ngay cả vào giờ phút cuối cùng, như Người vẫn luôn làm. Trái tim của Chúa Kitô – một trái tim rộng mở, không khép kín – bị đâm thâu bởi sự đau đớn, đã mở ra để cứu thế giới. Khi Chúa chết, Người đã mở lòng ra trước tiếng nói của một người đang hấp hối. Chúa Giêsu chết với chúng ta vì Người đã chết vì chúng ta.

Bị đóng đinh mặc dù vô tội, Chúa Giêsu đã đáp lại lời cầu nguyện của một người bị đóng đinh vì tội của anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23:43). Ký ức của Chúa Giêsu luôn hiệu quả vì nó giàu lòng thương xót. Khi cuộc đời của một người kết thúc, tình yêu của Thiên Chúa ban ơn giải thoát khỏi sự chết. Người bị kết án giờ đây đã được cứu chuộc. Người ngoài cuộc trở thành người bạn đồng hành; một cuộc gặp gỡ ngắn ngủi trên thập giá dẫn đến sự bình an đời đời. Điều này khiến chúng ta phải suy ngẫm một chút. Tôi gặp gỡ Chúa Giêsu như thế nào? Hoặc suy ngẫm cách tốt hơn nữa là: tôi để cho bản thân được Chúa Giêsu đến gặp gỡ như thế nào? Tôi có cho phép mình được gặp gỡ hay tôi khép mình lại trong sự ích kỷ, trong nỗi đau, trong sự tự mãn của mình? Tôi có cảm nhận được tội lỗi của mình và cho phép bản thân được Chúa gặp gỡ không, hay tôi cảm thấy mình công chính và nói: “Chúa không cần ở đây để phục vụ tôi. Hãy đến chỗ khác”?

Chúa Giêsu nhớ đến những người bị đóng đinh bên cạnh Người. Lòng trắc ẩn của Chúa cho đến hơi thở cuối cùng khiến chúng ta nhận ra rằng có nhiều cách khác nhau để nhớ đến mọi người và mọi vật. Chúng ta có thể nhớ đến những lỗi lầm, những công việc còn dang dở, những bạn bè và kẻ thù của mình. Anh chị em thân mến, trước hình ảnh này trong Phúc Âm hôm nay chúng ta hãy tự hỏi bản thân: chúng ta mang theo mọi người trong lòng mình như thế nào? Chúng ta nhớ đến những người đã ở bên cạnh chúng ta trong các biến cố của cuộc đời mình như thế nào? Tôi có phán xét không? Tôi có chia rẽ không? Hay tôi chào đón họ?

Anh chị em thân mến, khi hướng về trái tim của Thiên Chúa, tất cả mọi người của thời đại hôm nay và mọi thời đại có thể tìm thấy niềm hy vọng của ơn cứu độ, ngay cả khi “bọn ngu si coi họ như đã chết rồi” (Kn 3: 2). Toàn bộ lịch sử được lưu giữ trong ký ức của Chúa. Ký ức được giữ ở nơi an toàn. Người là vị thẩm phán nhân từ và thương xót của lịch sử. Chúa gần gũi với chúng ta như một vị thẩm phán; Người gần gũi, nhân từ và thương xót. Đây là ba thái độ của Chúa. Tôi có gần gũi với mọi người không? Tôi có trái tim nhân hậu không? Tôi có nhân từ không? Với sự bảo đảm này, chúng ta cầu nguyện cho các Hồng y và Giám mục đã qua đời trong mười hai tháng qua. Hôm nay, sự tưởng nhớ của chúng ta trở thành lời cầu nguyện chuyển cầu cho những người anh em thân yêu của chúng ta. Là những thành viên được tuyển chọn của Dân Chúa, họ đã được rửa tội trong cái chết của Chúa Kitô (x. Rm 6: 3) để được sống lại với Người. Họ là những người chăn chiên và là hình mẫu cho đoàn chiên của Chúa (x. 1 Pr 5: 3). Sau khi hoàn thành việc bẻ bánh sự sống trên dương thế, xin cho họ giờ đây được ngồi vào bàn tiệc của Người. Họ yêu mến Giáo Hội, mỗi người theo cách riêng, nhưng tất cả đều yêu mến Giáo Hội. Chúng ta hãy cầu nguyện để họ có thể hân hoan trong sự hiệp thông vĩnh cửu với các thánh. Với niềm hy vọng vững chắc, chúng ta cũng hãy mong đợi được hưởng niềm hân hoan với họ trên thiên đàng. Và tôi mời anh chị em cùng tôi nói ba lần: “Lạy Chúa Giêsu, xin nhớ đến chúng con!”, “Lạy Chúa Giêsu, xin nhớ đến chúng con!”, “Lạy Chúa Giêsu, xin nhớ đến chúng con!”


[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 6/11/2024]


Sơ Clare: nữ diễn viên trẻ người Ireland đã trở thành nữ tu chuẩn bị được tôn kính trên bàn thờ

Sơ Clare: nữ diễn viên trẻ người Ireland đã trở thành nữ tu chuẩn bị được tôn kính trên bàn thờ
Một Tuần Thánh tĩnh tâm Ở Tây Ban Nha đã thay đổi cuộc đời Sơ. Photo: Our Sunday Visitor

Sơ Clare: nữ diễn viên trẻ người Ireland trở thành nữ tu sắp được tôn kính trên bàn thờ

Với việc mở hồ sơ phong thánh tại Madrid, Sơ Clare sẽ được công bố là “Tôi tớ Chúa”, đánh dấu giai đoạn đầu tiên của quá trình xem xét kỹ lưỡng về cuộc đời và sự phục vụ của Sơ. Việc bổ nhiệm một cáo thỉnh viên phong thánh và phó cáo thỉnh viên sẽ bảo đảm câu chuyện của Sơ đến Vatican với sự nghiên cứu cẩn thận.


05 tháng 11, 2024 13:14

COVADONGA ASTURIAS



(ZENIT News / Madrid, 05.11.2024). - Derry, Ireland – Sơ Clare Crockett, một người nữ trẻ với hành trình đi từ thế giới giải trí đến đời sống tu trì đã truyền cảm hứng cho hàng ngàn người, đang chuẩn bị tiến gần hơn đến bậc thánh. Đầu năm 2025 sẽ đánh dấu việc chính thức mở án tiến trình phong thánh của Sơ, một động thái được mong chờ với niềm vui lớn lao nơi quê hương và những người theo dõi Sơ trên toàn thế giới.

Con đường đến với đức tin của Sơ Clare không gì khác ngoài sự phi thường. Khi còn trẻ, Sơ không mấy quan tâm đến tôn giáo, chỉ theo đuổi sự nghiệp diễn xuất đầy hứa hẹn. Tuy nhiên, vào năm 2000, cuộc tĩnh tâm Tuần Thánh ở Tây Ban Nha đã thay đổi sâu sắc cuộc đời của Sơ. Sơ đã trải qua sự hoán cải mạnh mẽ và cảm nhận tiếng gọi gia nhập đời sống tu trì không thể chối từ với các Nữ tu Dòng Servant Sisters of the Home of the Mother. Câu chuyện của Sơ — từ một “đứa con hoang dã” như Sơ tự gọi mình trở thành người phụ nữ với niềm tin không lay chuyển — tiếp tục truyền cảm hứng cho mọi người qua nhiều thế hệ và châu lục.

Đức tin của một phụ nữ Ireland trở thành nguồn cảm hứng toàn cầu

Sinh năm 1982 trong bối cảnh xã hội hỗn loạn của Bắc Ireland, Sơ Clare lớn lên tại Derry, một thành phố được cả thế giới biết đến với chương trình truyền hình nổi tiếng “Derry Girls”. Nhưng câu chuyện của Sơ Clare lại mang đến một góc nhìn khác về linh hồn của thành phố Derry: một tâm hồn kiên cường, sức mạnh tinh thần và sự tận tụy với cộng đồng. Cuộc đời của Sơ đã có một bước ngoặt biến đổi, đưa Sơ từ cuộc sống trên sàn diễn đến công cuộc truyền giáo trên khắp thế giới, cuối cùng là đến Ecuador, nơi Sơ phục vụ giới trẻ và cộng đồng cho đến khi cuộc đời của Sơ bị cắt ngang cách bi thương trong trận động đất năm 2016.

Cha Gerard Mongan, một linh mục tại giáo xứ của Sơ ở khu phố Bogside của thành phố Derry, miêu tả thông báo về án phong thánh của Sơ là “vô cùng vui mừng”. Cha cho biết tiến trình này sẽ chính thức bắt đầu ngày 12 tháng 1 tại Madrid, phản ánh ảnh hưởng lâu dài của Sơ Clare và đã làm bừng lên cảm giác mong đợi sâu sắc đối với người dân Derry đang háo hức muốn nhìn thấy một người của họ được công nhận là “Tôi tớ Chúa”.

Cha Mongan chia sẻ: “Chúng tôi đang chứng kiến khoảnh khắc phi thường đối với thành phố của chúng tôi. Sơ đã truyền cảm hứng cho một thế hệ thanh thiếu niên ở đây và những nơi khác làm bừng sáng lại đức tin của họ và tìm thấy niềm vui và mục đích trong đó.”




Di sản của sự hân hoan phục vụ và lòng trắc ẩn

Sau tiếng gọi ban đầu, Sơ Clare gia nhập tu viện và bắt đầu một hành trình trải dài qua nhiều quốc gia. Sau lần tuyên khấn đầu tiên vào năm 2006, Sơ phục vụ tại nhiều cộng đoàn khác nhau, và công việc của Sơ là hoạt động với các bạn trẻ đang phải đối mặt với hoàn cảnh gia đình khó khăn ở Belmonte, Tây Ban Nha. Nổi tiếng với lòng nhiệt thành và niềm vui bất tận, Sơ Clare nhanh chóng trở thành hình mẫu cho giới trẻ và là nguồn an ủi và cảm hứng cho những người xung quanh. Sứ mệnh của Sơ cuối cùng đã đưa Sơ đến Jacksonville, Florida, nơi Sơ tiếp tục công việc mục vụ của mình tại Giáo xứ và Trường Assumption.

Cha Frederick Parke, một linh mục cùng phục vụ với Sơ ở Florida và qua đời vào năm 2021, nhớ lại sự nhiệt tình dễ lan tỏa của Sơ. “Niềm vui của Sơ là vô cùng lôi cuốn; những người trẻ có thể thấy được tình yêu của Sơ dành cho Thánh Thể, và chính họ cũng cảm thấy bị cuốn hút đến với Thánh Thể. Sơ là ngọn hải đăng của hy vọng và lòng tốt.”

Sức mạnh của một đời sống được biến đổi

Câu chuyện của Sơ Clare đã thu hút được nhiều người theo dõi, đặc biệt là những người trẻ Công giáo, những người coi Sơ là một mẫu gương dễ đồng cảm nhưng phi thường về sự biến đổi tâm linh. Hội dòng của Sơ, Dòng Servant Sisters of the Home of the Mother, đã thực hiện một phim tài liệu, “All or Nothing”, ghi lại cuộc đời của Sơ, thu hút hơn 2,5 triệu lượt xem trên YouTube. Ngoài ra, quyển sách “Sister Clare Crockett: Alone with Christ Alone”, xuất bản năm 2020, cung cấp một cái nhìn sâu sắc vào hành trình thiêng liêng của Sơ thông qua các bài viết cá nhân, thư từ và lời chứng của những người biết Sơ.

Suy ngẫm về kinh nghiệm hoán cải của bản thân, Sơ Clare viết về tác động sâu sắc của Thứ Sáu Tuần Thánh năm 2000. Sơ kể lại: “Không có đoàn hợp xướng các thiên thần nào cả, nhưng tôi biết Ngài ở trên thập giá vì tôi. Niềm tin đó đã trở thành tiếng gọi.”

Những bước nên thánh bắt đầu ở Madrid

Với việc mở hồ sơ phong thánh tại Madrid, Sơ Clare sẽ được công bố là “Tôi tớ Chúa”, đánh dấu giai đoạn đầu tiên của quá trình xem xét kỹ lưỡng về cuộc đời và sự phục vụ của Sơ. Việc bổ nhiệm một cáo thỉnh viên phong thánh và phó cáo thỉnh viên sẽ đảm bảo câu chuyện của Sơ đến được Vatican với sự nghiên cứu cẩn thận.

Đối với gia đình, bạn bè và nhiều người mà Sơ đã truyền cảm hứng, triển vọng Sơ được phong thánh là một giấc mơ thành hiện thực. Cha Mongan bày tỏ hy vọng rằng biến cố này sẽ cho phép nhiều người hơn nữa được tiếp cận ​​di sản của Sơ Clare về lòng trắc ẩn, sự khiêm nhường và sự hân hoan phục vụ.

Cha Mongan nói: “Sơ Clare đã đưa không biết bao nhiêu người trở về với đức tin của họ. Khoảnh khắc này là lời nhắc nhở mạnh mẽ về tinh thần của Sơ — một ngọn hải đăng hy vọng cho một thế giới đang rất cần nó. Chúng tôi chờ đợi với trái tim rộng mở.”


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 6/11/2024]


Thứ Hai, 4 tháng 11, 2024

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 3.11.2024: “Chúng ta cần quay trở về với bản chất của cuộc sống và đức tin”

“Chúng ta cần quay trở về với bản chất của cuộc sống và đức tin”

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 3.11.2024: “Chúng ta cần quay trở về với bản chất của cuộc sống và đức tin”

Vatican Media - Angelus


*******


Trưa Chúa Nhật ngày 3 tháng 11 năm 2024, Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của ngài trong Điện Tông Tòa Vatican để đọc kinh Truyền Tin với gần 30.000 tín hữu và khách hành hương tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng điều quan trọng không phải là những cách thực hành theo hình thức bên ngoài, mà là cách chúng ta yêu thương nhau.

Sau đây là huấn từ của Đức Thánh Cha trước giờ đọc kinh kính Đức Mẹ:

___________________________________________


Huấn từ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chúc anh chị em Chúa nhật tốt lành!

Tin Mừng phụng vụ hôm nay (Mc 12:28-34) kể cho chúng ta về một trong nhiều cuộc tranh luận của Chúa Giêsu tại đền thờ Giêrusalem. Một người kinh sư tiến đến gần Chúa Giêsu và hỏi Người: “Trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu?” (câu 28). Chúa Giêsu trả lời bằng cách ghép nối hai điều căn bản trong luật Môsê: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi” và “Ngươi phải yêu người thân cận” (câu 30-31).

Người kinh sư tìm kiếm “điều răn đầu tiên” bằng câu hỏi của ông ta, tức là một nguyên tắc làm nền tảng cho mọi điều răn; người Do Thái có nhiều giới răn và tìm kiếm nền tảng cho tất cả những giới răn này, một điều răn làm cơ sở; họ cố gắng thống nhất về một giới răn nền tảng, và đã có cuộc những tranh luận giữa họ, những cuộc thảo luận tốt đẹp vì họ đang tìm kiếm sự thật. Và câu hỏi này cũng vô cùng quan trọng đối với chúng ta, cho cuộc sống của chúng ta và cho hành trình đức tin của chúng ta. Quả thật, có những lúc chúng ta cũng cảm thấy bị lạc giữa rất nhiều điều, và tự hỏi bản thân: vậy cuối cùng, điều quan trọng nhất trong tất cả là gì? Tôi có thể tìm thấy trung tâm của cuộc sống, trung tâm của đức tin của mình ở đâu? Chúa Giêsu cho chúng ta câu trả lời, kết hợp hai điều răn trọng yếu: yêu mến Thiên Chúa và yêu thương người thân cận. Và đây chính là cốt lõi của đức tin chúng ta.

Như chúng ta biết, tất cả chúng ta cần phải quay trở về với trái tim của đời sống và đức tin, bởi vì trái tim là “nguồn gốc căn bản của sức mạnh, của niềm tin đối với cuộc sống và đức tin” (Tông huấn Dilexit nos số 9). Và Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng nguồn gốc của mọi sự là tình yêu, rằng chúng ta không bao giờ được tách rời Thiên Chúa khỏi con người. Chúa nói với các môn đệ thuộc mọi thời đại rằng: trong hành trình của mình, điều quan trọng không phải là những cách thực hành theo hình thức bên ngoài, chẳng hạn như lễ toàn thiêu và hy lễ (câu 33), mà là trái tim của chúng ta sẵn sàng rộng mở ra với Thiên Chúa và với anh chị em trong tình yêu thương. Anh chị em thân mến, chúng ta có thể làm nhiều việc, nhưng nếu chỉ làm cho bản thân và làm mà không có sự yêu thương, thì điều này sẽ không có hiệu quả; chúng ta làm với trái tim thờ ơ hoặc thậm chí với một trái tim khép kín, và việc điều này sẽ không dẫn đến kết quả tốt. Tất cả mọi việc phải được thực hiện với tình yêu.

Chúa sẽ đến, và Người sẽ hỏi chúng ta trước hết về tình yêu: “Con đã yêu như thế nào?”. Vậy điều quan trọng là phải khắc ghi trong lòng chúng ta điều răn quan trọng nhất. Đó là gì? Hãy yêu mến Đức Chúa là Thiên Chúa của chúng ta và yêu thương người lân cận như chính mình. Đồng thời hãy thực hiện việc xét mình mỗi ngày và tự hỏi: tình yêu dành cho Thiên Chúa và người lân cận có phải là trung tâm đời sống của tôi không? Lời cầu nguyện của tôi với Thiên Chúa có thúc đẩy tôi bước ra ngoài đến với anh chị em mình và yêu thương họ một cách nhưng không không? Tôi có nhận ra sự hiện diện của Chúa trên khuôn mặt của người khác không?

Xin Đức Trinh Nữ Maria, Đấng đã ghi khắc lề luật của Thiên Chúa trong trái tim vô nhiễm của Mẹ, giúp chúng ta biết yêu mến Chúa và yêu thương anh chị em mình.

__________________________________________


Sau Kinh Truyền tin

Cha chào tất cả anh chị em, người dân Rome và những anh chị em hành hương đến từ nước Ý và nhiều quốc gia khác!

Cha gửi lời chào các Nữ tu Dòng Truyền giáo Cát Minh Chúa Thánh Thần đang kỷ niệm 25 năm thành lập Hội dòng tại thế của họ; Cha chào các tín hữu ở Venice, Pontassieve, Barberino del Mugello, Empoli và Palermo, và ở Santa Maria alle Fornaci tại Rome; cũng như các thiếu niên ở Catanzaro cùng các nhà giáo trong giáo xứ của các em.

Tôi chào những người hiến máu đến từ Coccaglio, Brescia và nhóm Emergency Rome South cam kết làm sống lại Điều 11 của Hiến pháp Ý, trong đó ghi rằng: “Nước Ý phản đối chiến tranh như một công cụ để tấn công chống lại quyền tự do của các dân tộc khác và như một phương tiện để giải quyết các tranh chấp quốc tế”. Hãy ghi nhớ Điều này! Anh chị em hãy tiến bước!

Và ước mong rằng nguyên tắc này có thể được thực hiện trên toàn thế giới: mong rằng chiến tranh được xóa bỏ và các vấn đề được giải quyết thông qua luật pháp và đàm phán. Hãy làm cho vũ khí im tiếng và dành không gian cho đối thoại. Chúng ta hãy cầu nguyện cho Ukraine, Palestine, Israel, Myanmar và Nam Sudan đang bị hành hạ.

Và chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện cho Valencia, và các cộng đồng khác ở Tây Ban Nha, đang phải chịu đựng nhiều đau khổ trong những ngày này. Tôi có thể làm gì cho người dân Valencia? Tôi cầu nguyện? Hay tôi đóng góp gì không? Anh chị em hãy suy nghĩ về câu hỏi này.

Và cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật tốt lành. Và xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng, và arrivederci.



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 4/11/2024]


Vatican: Ngai tòa Thánh Phêrô sẽ được trưng bày để tôn kính tại Vương cung thánh đường Vatican

Vatican: Ngai tòa Thánh Phêrô sẽ được trưng bày để tôn kính tại Vương cung thánh đường Vatican


Trong nhiều thế kỷ “Cathedra Sancti Petri Apostoli” được coi là ngai tòa giám mục của Thánh Phêrô Ảnh: AP

Vatican: Ngai tòa Thánh Phêrô sẽ được trưng bày để tôn kính tại Vương cung thánh đường Vatican

Từ Chúa Nhật, ngày 27 tháng 10 đến ngày 8 tháng 12 năm 2024


25 THÁNG MƯỜI, 2024 11:28

ZENIT STAFF



(ZENIT News / Vatican City, 25.10.2024). - “Ghế Thánh Phêrô”, ngai tòa bằng gỗ tượng trưng cho quyền tối thượng của Thánh Phêrô, sẽ được trưng bày cho công chúng tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô. Thánh tích sẽ được trưng bày từ cuối Thánh lễ vào Chúa Nhật, ngày 27 tháng 10, và sẽ được đưa đến Bàn thờ Tuyên xưng Đức tin của Vương cung thánh đường Vatican, khi bế mạc Thượng hội đồng giám mục. Đây sẽ là lần đầu tiên mái tán che được mở ra sau thời gian khôi phục.

Trong nhiều thế kỷ “Cathedra Sancti Petri Apostoli” đã được coi là Ngai tòa Giám mục của Thánh Phêrô: một ngai vàng bằng gỗ với các tấm bảng ngà tượng trưng cho các Kỳ công của Hercules và sáu chòm sao. Thánh tích được tôn kính này đã được di chuyển ra khỏi “hòm thánh tích” bằng đồng vàng đồ sộ của Bernini để có thể trùng tu lại gian cung thánh của Vương cung thánh đường, trong khuôn khổ các công trình trùng tu do nhóm Fabric of Saint Peter thực hiện, hướng đến Năm Thánh vào năm tới. Nó sẽ trải qua một loạt các nghiên cứu chẩn đoán và theo kiến thức cách tỷ mỷ, được thực hiện trong sự hợp tác và phối hợp với Văn phòng Nghiên cứu Khoa học Ứng dụng đối với Tài sản Văn hóa của Bảo tàng Vatican. Trên thực tế, cần phải lấy chiếc Ghế gỗ quý báu này ra để đánh giá tình trạng bảo tồn của nó sau năm mươi năm kể từ lần lấy ra gần đây nhất (1969-1974).

Nhiều người tin rằng Chiếc ghế gỗ này là ngai vàng của Hoàng đế Charles the Bald, Vua của người Frank, người được Đức Giáo hoàng Gioan VIII đội vương miện tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô cũ vào ngày 25 tháng 12 năm 875. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng chiếc ghế hoàng tộc thế kỷ thứ 9 này sau đó đã chứa tấm bảng tượng trưng cho các Kỳ công của Hercules, có lẽ ám chỉ đến một chiếc ghế giáo hoàng trước đó và lâu đời hơn.

Ngày 2 tháng 10 vừa qua, trước Thánh lễ khai mạc Đại hội đồng lần thứ 16 của Thượng hội đồng giám mục, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có thể chiêm ngắm cận cảnh Ngai tòa thánh Phêrô cổ kính và được tôn kính — cùng với Đức Hồng y Mauro Gambetti, Giám quản Vương cung thánh đường – trong Phòng thánh Ottoboni của Vương cung thánh đường Thánh Phêrô. Đức Thánh Cha sau đó quyết định rằng ngai tòa này phải được trưng bày để các tín hữu tôn kính khi kết thúc Thượng hội đồng giám mục.

Có thể tôn kính và chiêm ngưỡng chiếc Chiếc ghế gỗ trong Bàn thờ Tuyên xưng cho đến Lễ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội vào ngày 8 tháng 12 sắp tới. Đức Hồng y Gambetti giải thích: “Nhà thờ chính tòa muốn mừng kính thánh tích cũ này như là Ngai tòa Tình yêu. Quả thật, Đấng Chăn Chiên lành, Đấng đã hiến mạng sống mình cho đoàn chiên của Người, biết từng con chiên và biết tên của chúng, đã hỏi Phêrô: ‘Con có mến Thầy hơn những anh em này không?’ Và chỉ trong sức mạnh của tình yêu đó, Điều răn đầu tiên và quan trọng nhất, Chúa Giêsu trao cho Phêrô nhiệm vụ chăn dắt chiên của Người, đặt Phêrô là Đại diện của Người trên mặt đất và đứng đầu các Tông đồ. Chiếc ghế cũ của Thánh Phêrô là Ngai tòa Tình yêu vì nó cho chúng ta thấy rằng chỉ có tình thương yêu nhau mới có thể sinh ra một cộng đoàn Kitô hữu đích thực, mang tính hiệp hành đích thực.”

Đức Hồng y Gambetti nói thêm: “Chúng ta hãy trở lại với bầu không khí đã được hít thở trong cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên. Ngai Tòa Thánh Phêrô nói với chúng ta về một cuộc họp, được tập hợp chung, của một Giáo hội hiệp nhất xung quanh Mục tử của mình, nơi mỗi người được kêu gọi theo Chúa Giêsu theo cách riêng, nhưng trên một con đường không bao giờ mang tính cá nhân, mà luôn được chia sẻ và soi sáng bởi anh em.” Cha Enzo Fortunato, Giám đốc Truyền thông của Vương cung thánh đường Thánh Phêrô nói thêm: “Ngai Tòa dạy chúng ta rằng đời sống không phải là quyền lực, mà là phục vụ”.


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 29/10/2024]


Thứ Hai, 28 tháng 10, 2024

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 27.10.2024: Chúa Giêsu nhìn thấy người ăn xin và lắng nghe anh ta, bằng đôi tai của cơ thể và đôi tai của trái tim.

Chúa Giêsu nhìn thấy người ăn xin và lắng nghe anh ta, bằng đôi tai của cơ thể và đôi tai của trái tim.

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 27.10.2024: Chúa Giêsu nhìn thấy người ăn xin và lắng nghe anh ta, bằng đôi tai của cơ thể và đôi tai của trái tim.

Vatican Media


*******

Trưa nay, cuối Thánh lễ do Đức Thánh Cha chủ tế tại Vương cung thánh đường Vatican để bế mạc Phiên họp thứ hai của Đại hội đồng thường kỳ XVI của Thượng hội đồng giám mục (từ ngày 2 đến 27 tháng 10 năm 2024) về chủ đề: “Vì một Giáo hội hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ vụ”, Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của Điện Tông tòa Vatican để đọc kinh Truyền tin với khoảng 30.000 tín hữu và khách hành hương tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô như thường lệ vào Chúa Nhật.

Sau đây là huấn từ của Đức Thánh Cha trước giờ đọc kinh kính Đức Mẹ:

____________________________________


Huấn từ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chúc anh chị em Chúa nhật tốt lành!

Hôm nay, Tin Mừng phụng vụ (Mc 10:46-52) kể cho chúng ta việc Chúa Giêsu chữa lành một người mù. Tên anh ta là Batimê, nhưng đám đông trên phố không để ý đến anh: anh ta là một người ăn xin nghèo khổ. Những người đó không để mắt đến người mù; họ để mặc anh ta, họ không để ý đến anh ta. Không một ánh mắt quan tâm, không một cảm giác thương xót. Batimê cũng không nhìn thấy, nhưng anh ta nghe thấy và anh ta làm cho mình được lắng nghe. Anh ta kêu lớn, anh ta kêu lớn tiếng, “Lạy Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!” (câu 48). Chúa Giêsu nghe thấy và nhìn thấy anh ta. Người sẵn sàng giúp đỡ và hỏi, “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” (câu 51).

“Anh muốn tôi làm gì cho anh?” Trước một người mù thì câu hỏi này có vẻ như là một sự trêu chọc, nhưng thực ra, nó là một thử thách. Chúa Giêsu đang hỏi Batimê rằng anh ta thực sự đang tìm kiếm ai, và vì lý do gì. Ai là “Con vua Đavít” đối với anh? Và từ đó, Chúa bắt đầu mở mắt cho người mù. Chúng ta hãy xem xét ba khía cạnh của cuộc gặp gỡ này, những điều làm thành một cuộc đối thoại: tiếng kêu, lòng tin, cuộc hành trình.

Trước hết, tiếng kêu của Batimê, không chỉ là lời cầu xin giúp đỡ. Đó là lời khẳng định về bản thân. Người mù đang nói rằng, “Tôi ở đây, hãy nhìn tôi. Tôi không thấy Ngài, thưa ông Giêsu. Ngài có thấy tôi không?” Có, Chúa Giêsu nhìn thấy người ăn xin, và Người lắng nghe anh ta bằng đôi tai của cơ thể và đôi tai của trái tim. Hãy nghĩ đến chính chúng ta, khi chúng ta đi ngang qua một người ăn xin trên phố: đã bao nhiêu lần chúng ta quay mặt nhìn chỗ khác, đã bao nhiêu lần chúng ta phớt lờ người đó, như thể anh ta không tồn tại? Và chúng ta có nghe thấy tiếng kêu của những người ăn xin không?

Điểm thứ hai: lòng tin. Chúa Giêsu nói gì? “Anh hãy đi; lòng tin của anh đã cứu anh” (câu 52). Batimê nhìn thấy vì anh tin; Đức Kitô là ánh sáng của đôi mắt anh. Chúa quan sát cách Batimê nhìn Người. Cách tôi nhìn một người ăn xin như thế nào? Tôi có lờ anh ta không? Tôi có nhìn người ăn xin như Chúa Giêsu không? Tôi có khả năng hiểu được những nhu cầu, hiểu được tiếng kêu cứu giúp của anh ta không? Khi anh chị em làm phúc bố thí, anh chị em có nhìn vào mắt người ăn xin không? Anh chị em có chạm vào tay người đó để cảm nhận da thịt anh ta không?

Cuối cùng, cuộc hành trình. Batimê được chữa lành, liền “đi theo Người trên con đường Người đi” (câu 52). Nhưng mỗi người chúng ta cũng là Batimê, mù lòa bên trong, đi theo Chúa Giêsu khi Người tiến đến với anh ta. Khi anh chị em đến gần một người nghèo và cho người đó cảm nhận được sự gần gũi của mình, thì chính Chúa Giêsu đến gần anh chị em trong con người của người nghèo khó đó. Xin đừng nhầm lẫn: làm phúc bố thí không phải là sự phân phát bố thí. Người nhận được nhiều ân sủng nhất từ ​​việc làm phúc bố thí là người cho đi, vì người đó được Chúa nhìn thấy.

Chúng ta cùng dâng lời cầu nguyện lên Mẹ Maria, là bình minh của ơn cứu độ, để Mẹ bảo vệ con đường của chúng ta trong ánh sáng của Chúa Kitô.

_______________________________________________________


Sau Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến!

Hôm nay chúng ta kết thúc Thượng Hội đồng Giám mục. Chúng ta hãy cầu nguyện để mọi điều chúng ta đã làm trong tháng này có thể tiến triển vì lợi ích của Giáo hội.

Ngày 22 tháng 10 này đánh dấu kỷ niệm năm mươi năm thành lập Ủy ban Đặc trách về Quan hệ với Người Do Thái của Thánh Phaolô VI, và ngày mai sẽ là kỷ niệm sáu mươi năm Tuyên ngôn Nostra aetate của Công đồng chung Vatican II. Đặc biệt trong thời gian đau khổ và căng thẳng rất lớn này, tôi động viên những người đang tham gia đối thoại vì hòa bình ở cấp địa phương.

Ngày mai, một Hội nghị quốc tế quan trọng của Hội Hồng Thập tự và Trăng lưỡi liềm đỏ sẽ khai mạc tại Geneva, bảy mươi lăm năm sau Công ước Geneva. Mong rằng sự kiện này sẽ đánh thức lương tâm để trong các cuộc xung đột vũ trang, mạng sống và phẩm giá của con người và các dân tộc, cũng như sự toàn vẹn của các công trình dân sự và nơi thờ phượng, được tôn trọng theo luật nhân đạo quốc tế. Thật đáng buồn khi chứng kiến ​​các bệnh viện và trường học bị phá hủy trong chiến tranh ở một số nơi.

Tôi cùng với Giáo hội San Cristóbal de las Casas thân yêu, tại tiểu bang Chiapas của Mexico, thương tiếc linh mục Marcelo Pérez Pérez, bị sát hại hôm Chúa Nhật tuần trước. Một người tôi tớ nhiệt thành của Tin Mừng và của Dân trung thành của Chúa, xin cho sự hy sinh của ngài, cũng như sự hy sinh của các linh mục khác bị giết vì lòng trung thành với thừa tác vụ, trở thành hạt giống của hòa bình và đời sống Kitô giáo.

Tôi gần gũi với người dân Philippines, đang bị một cơn bão mạnh tấn công. Xin Chúa nâng đỡ dân tộc với đức tin mạnh mẽ này.

Cha chào tất cả anh chị em, người Rome và anh chị em hành hương. Đặc biệt, cha chào Hội đoàn Señor de los Milagros, của người Peru tại Roma, cha cảm ơn vì chứng tá của họ và động viên họ tiếp tục trên con đường đức tin.

Tôi chào nhóm các vị cao niên đến từ Loiri Porto San Paolo, các ứng viên chuẩn bị lãnh nhận bí tích Thêm sức từ Assemini, Cagliari, “Những người hành hương vì sức khỏe” từ Piacenza, các tu sĩ dòng Xitô tại Đền thánh Cotrino và Liên đoàn Hiệp sĩ nghèo Thánh Bernard ở Chiaravalle.

Và xin chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện cho hòa bình, đặc biệt là ở Ukraine, Palestine, Israel và Li Băng, để tình trạng leo thang có thể được dừng lại và tôn trọng sự sống con người, vốn là thánh thiêng, được đặt lên hàng đầu! Những nạn nhân đầu tiên là dân thường: chúng ta thấy điều này hàng ngày. Quá nhiều nạn nhân vô tội! Mỗi ngày chúng ta thấy hình ảnh trẻ em bị tàn sát. Quá nhiều trẻ em! Chúng ta hãy cầu nguyện cho hòa bình.

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật tốt lành. Và xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng, và arrivederci!



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 28/10/2024]


Tông huấn mới của Đức Thánh Cha về Thánh Tâm Chúa Giêsu: “Ngài yêu thương chúng ta”

Tông huấn mới của Đức Thánh Cha về Thánh Tâm Chúa Giêsu: “Ngài yêu thương chúng ta”

Lời mời gọi tái khám phá bản chất của tình yêu Thiên Chúa qua Thánh Tâm Chúa Giêsu

Tông huấn mới của Đức Thánh Cha về Thánh Tâm Chúa Giêsu: “Ngài yêu thương chúng ta”

*******

Với tựa đề Dilexit nos, thông điệp thứ tư của Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta tái khám phá tình yêu thương con người và nước trời của Thánh Tâm Chúa Giêsu Kitô. Tài liệu này không chỉ tiếp nối truyền thống phong phú của lòng sùng kính Thánh Tâm, mà còn nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc sống đức tin với sự dịu dàng, niềm vui và lòng nhiệt thành truyền giáo. Thánh Tâm Chúa Giêsu không chỉ thúc đẩy chúng ta yêu thương, mà còn sai chúng ta đi phục vụ anh chị em mình.


Một tình yêu không thể quên

Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta: “Người đã yêu thương chúng ta,” một lời tuyên bố cho chúng ta thấy rằng không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu đó (Rm 8:39). Đây là mở đầu của tông huấn, nhấn mạnh rằng Trái tim Chúa Kitô chờ đợi chúng ta vô điều kiện, không đòi hỏi điều kiện tiên quyết để yêu thương chúng ta. Nhờ Người, chúng ta đã biết và tin vào tình yêu mà Thiên Chúa dành cho chúng ta (1 Ga 4:16).


Tình yêu của Chúa Kitô trong một thế giới đang rất cần

Trong bối cảnh khi nhiều hình thức của lòng mộ đạo phát triển mạnh mẽ, tách biệt khỏi mối tương quan cá nhân với Thiên Chúa, Đức Thánh Cha chỉ ra rằng chúng ta thường quên mất “sự dịu dàng của đức tin, niềm vui phục vụ và lòng nhiệt thành của sứ vụ”. Vì lý do này, ngài mời gọi chúng ta đào sâu hơn vào tình yêu của Chúa Kitô được biểu lộ qua Thánh Tâm của Người, nơi chúng ta có thể tìm thấy bản chất của Tin Mừng và học cách yêu thương thực sự.

Đức Phanxicô nhấn mạnh rằng khi gặp gỡ tình yêu của Chúa Kitô, chúng ta có khả năng tạo ra các mối liên kết huynh đệ và nhận biết phẩm giá của mỗi người. Trước Trái Tim Chúa Giêsu, chúng ta cầu xin Người thương xót trái đất bị thương tổn của chúng ta và xin Người ban cho chúng ta ánh sáng và tình yêu cần thiết để đối mặt với những thách thức hiện tại, từ chiến tranh đến chủ nghĩa tiêu dùng và việc sử dụng công nghệ vô trách nhiệm. Tông huấn này ra đời vào thời điểm quan trọng, khi chúng ta kỷ niệm 350 năm ngày Thánh Tâm Chúa được mặc khải cho Thánh Margaret Mary Alacoque.


Trở về với trái tim trong những thời điểm khủng hoảng

Được chia thành năm chương, tông huấn này khám phá lòng sùng bái Thánh Tâm Chúa Giêsu và di sản thiêng liêng phong phú của nó. Trong chương đầu tiên, có tựa đề “Tầm quan trọng của trái tim”, Đức Thánh Cha thúc giục chúng ta hãy quay trở lại với điều cốt yếu trong một thế giới thường xô đẩy chúng ta đến với chủ nghĩa tiêu dùng. Kinh Thánh trình bày trái tim như là cốt lõi của bản thể chúng ta, một nơi khả tín mà những câu hỏi thực sự quan trọng đặt ra: Tôi muốn mang lại ý nghĩa gì cho cuộc sống của mình? Tôi là ai trước mặt Chúa?

Đức Phanxicô chỉ trích việc gạt bỏ trái tim trong triết học đương đại, vốn coi trọng lý trí và ý chí hơn tình yêu. Ngài nhắc nhở chúng ta rằng bản sắc tinh thần của chúng ta nằm ở trái tim, nơi hiệp nhất chúng ta với người khác và cho phép chúng ta thiết lập các mối quan hệ đích thực.


Biến đổi thế giới từ trái tim

Trong chương thứ hai, Đức Thánh Cha phân tích về “những cử chỉ và lời nói yêu thương” của Chúa Kitô cho chúng ta thấy được sự gần gũi và lòng thương xót của Người. Qua những cuộc gặp gỡ với nhiều người khác nhau, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy rằng sự chú ý của Người tập trung vào những mối quan tâm và đau khổ của chúng ta. Tình yêu của Chúa được biểu lộ trên thập giá, nơi sự hy sinh của Người trở thành chứng tá mạnh mẽ nhất về tình yêu của Người.


Một trái tim đã quá yêu thương

Chương thứ ba tập trung vào “Trái tim đã yêu thương quá nhiều”, nhắc lại cách thức Giáo hội suy niệm về mầu nhiệm Thánh Tâm Chúa Giêsu. Ở đây, Đức Phanxicô giải thích rõ rằng lòng sùng kính Thánh Tâm không chỉ giới hạn ở việc tôn thờ một cơ quan của cơ thể, mà đó là việc nhận biết trong trái tim rộng mở đó tình yêu Thiên Chúa và con người hiệp nhất chúng ta. Tình yêu này là sự tổng hợp của Phúc Âm, một lời kêu gọi canh tân đức tin của chúng ta giữa nhiều chiều hướng tâm linh đang phổ biến trong xã hội.


Lòng sùng kính đưa chúng ta đến hành động

Những chương cuối của tông huấn nhấn mạnh mối liên hệ giữa kinh nghiệm thiêng liêng cá nhân và sự dấn thân cộng đoàn. Trong chương thứ tư, “Tình yêu cho chúng ta suối nguồn”, chúng ta được nhắc nhở rằng Thánh Tâm Chúa Kitô là nguồn tình yêu làm dịu cơn khát và thanh tẩy những điều ô uế của chúng ta. Qua chứng tá của các thánh, chúng ta học cách nhìn nhận Thánh Tâm như một nơi gặp gỡ cá nhân với Chúa.

Cuối cùng, chương “Yêu thương vì yêu” khuyến khích chúng ta sống chiều kích truyền giáo của lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Kitô. Khi chúng ta đến gần Chúa Cha hơn, chúng ta được sai đi để yêu thương anh chị em mình, trở thành tác nhân của nền văn minh tình yêu.


Lời cầu nguyện của Đức Phanxicô

Tông huấn kết thúc bằng lời cầu nguyện của Đức Thánh Cha: “Tôi xin Chúa Giêsu ban những dòng nước hằng sống tuôn đổ từ Thánh Tâm của Người cho tất cả chúng ta, chữa lành vết thương của chúng ta và củng cố khả năng yêu thương và phục vụ của chúng ta.” Với lời mời gọi này, Đức Phanxicô kêu gọi chúng ta sống một tình yêu biến đổi thế giới từ trái tim.

Tải xuống Tông huấn theo định dạng sau: PDF


[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 27/10/2024]