Thứ Hai, 26 tháng 8, 2024

Huấn từ kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 25.08.2024: “Qua các bí tích và lời cầu nguyện, chúng ta khám phá ra rằng chỉ có Chúa Giêsu là sự sống đời đời”

“Qua các bí tích và lời cầu nguyện, chúng ta khám phá ra rằng chỉ có Chúa Giêsu là sự sống đời đời”

Huấn từ kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha

Huấn từ kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 25.08.2024

Vatican Media

*******

Trưa Chúa Nhật, ngày 25 tháng 8 năm 2024, Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc trong Điện Tông Tòa Vatican để đọc kinh Truyền Tin với khoảng 12.000 tín hữu và khách hành hương tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Hôm nay, cũng như hôm qua, không dễ dàng hiểu được cách thức hành động của Chúa Giêsu. Đức Phanxicô giải thích rằng chúng ta cũng có kinh nghiệm này giống như các tông đồ, nhưng chúng ta càng gần gũi với Người qua các bí tích và lời cầu nguyện, chúng ta càng khám phá ra rằng chỉ có Chúa là sự sống đời đời.

Dưới đây là huấn từ của Đức Thánh Cha trước giờ đọc kinh kính Đức Mẹ:

________________________


Anh chị em thân mến, chúc anh chị em Chúa nhật hạnh phúc!

Hôm nay, Tin Mừng phụng vụ (Ga 6:60-69) kể lại cho chúng ta câu trả lời nổi tiếng của Thánh Phêrô thưa với Chúa Giêsu rằng: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6:68). Đây là một cách diễn đạt rất đẹp làm chứng cho tình bạn và thể hiện lòng tin gắn kết ông với Đức Kitô, cùng với các môn đệ khác. “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời”. Thật đẹp vô cùng.

Phêrô nói những lời này vào một thời điểm vô cùng quan trọng. Chúa Giêsu vừa kết thúc bài giảng trong đó Chúa nói rằng Người là “bánh từ trời xuống” (x. Ga 6:41). Đây là ngôn ngữ khó hiểu đối với mọi người và nhiều người, ngay cả các môn đệ đang theo Chúa, đã bỏ Người vì họ không hiểu.

Tuy nhiên, Nhóm Mười Hai vẫn ở lại với Chúa. Họ ở lại vì nơi Ngài, họ tìm thấy “Lời ban sự sống đời đời.” Họ nghe Chúa rao giảng, họ thấy những phép lạ Người thực hiện, và họ tiếp tục chia sẻ với Người những khoảnh khắc công khai và sự mật thiết của cuộc sống hằng ngày (x. Mc 3:7-19).

Các môn đệ không phải lúc nào cũng hiểu được những điều Thầy nói và làm. Đôi lúc họ phải đấu tranh để chấp nhận những nghịch lý trong tình yêu của Người (x. Mt 5:38-48), những đòi hỏi tột cùng của lòng thương xót của Người (x. Mt 18:21-22), bản chất triệt để trong cách Chúa trao ban chính mình cho tất cả mọi người. Thật không dễ hiểu đối với họ, nhưng họ vẫn trung thành. Những lựa chọn của Chúa Giêsu thường vượt ra ngoài suy nghĩ thông thường, vượt ra ngoài ngay cả những luật lệ của tôn giáo và truyền thống theo thể chế đến mức tạo ra những tình huống khiêu khích và gây khó xử (x. Mt 15:12). Theo Chúa thì không dễ.

Tuy nhiên, trong số rất nhiều bậc thầy thời đó, Phêrô và các tông đồ khác tìm thấy duy nhất nơi Chúa Giêsu câu trả lời cho cơn khát sự sống, khát niềm vui, khát tình yêu đang thôi thúc các ông. Chỉ nhờ Người, họ mới trải nghiệm được sự sống viên mãn mà họ tìm kiếm, vượt qua những giới hạn của tội lỗi và thậm chí là cái chết. Vì vậy, họ không bỏ đi. Thật vậy, tất cả trừ một người, cho dù nhiều lần vấp ngã và những lần ăn năn họ sẽ ở lại với Người cho đến cùng (x. Ga 17:12).

Và, thưa anh chị em, điều này cũng liên quan đến chúng ta. Cả với chúng ta cũng không dễ để theo Chúa, để hiểu cách thức Người hành động, để biến các tiêu chuẩn và gương mẫu của Chúa thành của chúng ta. Điều đó không dễ đối với chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta càng gần gũi Người – chúng ta càng gắn bó với Phúc âm của Chúa, đón nhận ân sủng của Người trong các Bí tích, ở bên Người trong lời cầu nguyện, noi gương Người trong sự khiêm nhường và bác ái – chúng ta càng cảm nghiệm được nét đẹp của việc có Chúa là Người Bạn của chúng ta và nhận ra rằng chỉ có Chúa mới có “lời ban sự sống đời đời”.

Vậy chúng ta hãy tự hỏi bản thân: Chúa Giêsu hiện diện trong cuộc sống của tôi ở mức độ nào? Tôi cho phép bản thân được chạm đến và cảm động bởi Lời Chúa tới mức độ nào? Tôi có nói rằng những lời đó cũng là “lời ban sự sống đời đời” đối với tôi không? Thưa anh chị em, cha hỏi anh chị em câu này: đối với anh chị em – cũng như đối với cha – Lời của Chúa Giêsu có phải là lời ban sự sống đời đời không?

Xin Mẹ Maria, Đấng đã đón rước Chúa Giêsu, Ngôi Lời của Thiên Chúa, trong thân xác của Mẹ, giúp chúng ta lắng nghe Chúa và không bao giờ rời xa Ngài.

________________________________________________


Sau kinh Truyền tin Đức Thánh Cha tiếp tục:

Anh chị em thân mến!

Tôi xin bày tỏ tình liên đới với hàng ngàn người bị ảnh hưởng bởi căn bệnh Mpox (bệnh đậu mùa khỉ), hiện đang là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu. Tôi cầu nguyện cho tất cả những người bị nhiễm bệnh, đặc biệt là người dân Cộng hòa Dân chủ Congo đang phải chịu đựng rất nhiều. Tôi xin bày tỏ sự cảm thông với các Giáo hội địa phương tại những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi căn bệnh này và tôi khuyến khích các chính phủ và các ngành công nghiệp tư nhân chia sẻ công nghệ và phương pháp điều trị hiện có để không ai thiếu sự chăm sóc y tế thích đáng.

Gửi đến những người dân Nicaragua thân yêu: cha khuyến khích anh chị em hãy đổi mới niềm hy vọng của mình vào Chúa Giêsu. Hãy nhớ rằng Chúa Thánh Thần luôn hướng dẫn lịch sử đến những dự án cao hơn. Xin Đức Trinh nữ Vô Nhiễm bảo vệ anh chị em trong những lúc chịu thử thách và giúp anh chị em cảm nhận được sự dịu dàng hiền mẫu của Mẹ. Xin Đức Mẹ đồng hành cùng những người dân Nicaragua thân yêu.

Tôi tiếp tục theo dõi cuộc chiến tranh ở Ukraine và Liên bang Nga với sự đau buồn. Và khi nghĩ về luật mới được thông qua ở Ukraine, tôi lo sợ cho sự tự do của những người cầu nguyện, bởi vì những người thực sự cầu nguyện luôn cầu nguyện cho tất cả mọi người. Một người không phạm tội vì cầu nguyện. Nếu ai đó phạm tội chống lại dân tộc mình, người đó sẽ có tội vì điều đó, nhưng anh ta không thể phạm tội vì anh ta cầu nguyện. Vì vậy, hãy để cho những người muốn cầu nguyện được phép cầu nguyện trong những nơi mà họ coi là Giáo hội của họ. Không một Giáo hội Kitô nào bị bãi bỏ cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Không được đụng đến các Giáo hội!

Và chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện cho sự chấm dứt chiến tranh ở Palestine, ở Israel, ở Myanmar và ở mọi khu vực khác. Người dân đang cầu xin hòa bình! Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho tất cả chúng ta hòa bình.

Cha gửi lời chào tất cả anh chị em, người dân Rome và những anh chị em hành hương đến từ nước Ý và nhiều quốc gia. Cha chào cách đặc biệt các tân chủng sinh của Cao đẳng Bắc Mỹ và chúc các con một hành trình đào tạo tốt đẹp; và cha cũng chúc các con sống chức tư tế trong niềm vui, vì lời cầu nguyện chân thành mang lại cho chúng ta niềm vui. Cha chào các bạn trẻ khuyết tật về vận động và nhận thức đang tham gia cuộc “tiếp sức hòa nhập” để khẳng định rằng các rào cản có thể được vượt qua. Cha chào những người bạn của cha, các bạn trẻ Immaculata.

Và cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật tốt lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và arrivederci!



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/8/2024]


Video Nhà thờ Đức Bà Paris cho thấy tiến độ, vẻ đẹp đáng kinh ngạc

Video Nhà thờ Đức Bà Paris cho thấy tiến độ, vẻ đẹp đáng kinh ngạc

Video Nhà thờ Đức Bà Paris cho thấy tiến độ, vẻ đẹp đáng kinh ngạc

Rebâtir Notre- Dame de Paris

Notre-Dame de Paris restaurée de l'intérieur.

Cécile Séveirac

17/08/24



Trong một đoạn video do tổ chức công phụ trách việc trùng tu Nhà thờ Đức Bà Paris công bố, nhà thờ chánh tòa được tiết lộ có màu trắng tuyệt đẹp ở bên trong.

“Lộng lẫy và uy nghi” là những từ ngữ hiện lên trong đầu. Không thể không ngỡ ngàng trước những hình ảnh bên trong Nhà thờ Đức Bà Paris đã được phục hồi, năm tháng trước ngày mở cửa trở lại được mong đợi từ lâu. Được quay phim bằng máy quay drone của công ty công Rebuilding Notre-Dame de Paris, nhà thờ chánh tòa tiết lộ tất cả những bí mật của nó, và những hình ảnh đẹp đến nỗi chúng dường như là hư ảo và khiến bạn phải nín thở.

Trắng tinh tuyền, Nhà thờ Đức Bà trông như thể vừa bước ra từ nước trời. Những viên đá được lau sạch, cửa sổ kính màu và những bức tranh đầy màu sắc rực rỡ... Không có gì bị bỏ sót mà không được phục hồi.


Sự phục hồi ngoạn mục này là thành quả của nỗ lực lâu dài và tỉ mỉ của những người thợ thủ công và các kiến ​​trúc sư từ khắp nước Pháp, và một số người từ nước ngoài, những con người với kỹ năng hàng đầu. Sau khi bị trận hỏa hoạn tàn phá nghiêm trọng vào năm 2019, Nhà thờ Đức Bà đang dần được phục hồi lại vẻ huy hoàng trước đây.

Video Nhà thờ Đức Bà Paris cho thấy tiến độ, vẻ đẹp đáng kinh ngạc

David Bordes - Rebâtir Notre- Dame de Paris

Cùng với phần bên trong, các đặc điểm bên ngoài cũng được phục hồi, bao gồm cây thánh giá, tháp Viollet-le-Duc và hòm thánh tích hình con gà trống. Mặc dù một số người hy vọng rằng địa danh thiêng liêng và lịch sử này sẽ được mở cửa trở lại đúng thời gian Thế vận hội Olympic được tổ chức tại Paris, nhưng không thể hoàn thành với tốc độ nhanh như vậy. Thay vào đó, nhà thờ mang tính biểu tượng này sẽ mở cửa trở lại cho công chúng vào ngày 8 tháng 12, một ngày mang tính tượng trưng vì đây là ngày lễ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội. Một ngày vô cùng phù hợp hơn với chủ đề!

Các bạn xem thêm những hình ảnh bên trong nhà thờ ở dưới. Những hình ảnh này không phải là mới nhất, vì vậy công việc phục hồi chưa được hoàn chỉnh như hiện tại, nhưng vẻ đẹp của Nhà thờ Đức Bà trong quá trình tái sinh vẫn tỏa sáng!

Video Nhà thờ Đức Bà Paris cho thấy tiến độ, vẻ đẹp đáng kinh ngạc

Độ sáng chưa từng có

Bên trong, việc vệ sinh tường, kính màu, mái vòm và các đồ trang trí gần như đã hoàn tất, mang đến cho nhà thờ chánh tòa một độ sáng chưa từng thấy trong ký ức của mọi người.

Video Nhà thờ Đức Bà Paris cho thấy tiến độ, vẻ đẹp đáng kinh ngạc

Mái vòm sạch tinh

Trong bản hợp xướng của nhà thờ chánh tòa, giàn giáo đang dần được dỡ bỏ, để lộ những mái vòm tuyệt đẹp.

Video Nhà thờ Đức Bà Paris cho thấy tiến độ, vẻ đẹp đáng kinh ngạc

Các đầu cột với những chi tiết tinh xảo

Giống như một cuốn sách mở, việc lau chùi nhà thờ giúp chúng ta tái khám phá sự phong phú của các chi tiết trang trí trong đó.

Video Nhà thờ Đức Bà Paris cho thấy tiến độ, vẻ đẹp đáng kinh ngạc

Khôi phục sàn nhà hình bàn cờ đen trắng

Việc phục hồi sàn nhà theo hình bàn cờ đen trắng và các đồ nội thất nghệ thuật dự kiến ​​sẽ hoàn thành vào mùa hè.

Video Nhà thờ Đức Bà Paris cho thấy tiến độ, vẻ đẹp đáng kinh ngạc

Vẻ thanh nhã của các thiên thần

Chiêm ngưỡng sự tinh tế của những chi tiết bằng gỗ của bục giảng, được phục hồi nhờ công sức tỉ mỉ của những người thợ mộc và các nhà điêu khắc.

Video Nhà thờ Đức Bà Paris cho thấy tiến độ, vẻ đẹp đáng kinh ngạc

Lưới hàng rào sắt

Việc phục hồi các lưới sắt rèn bao quanh khu vực của ca đoàn nhà thờ gần như đã hoàn tất. Lưu ý rằng chúng được khắc tên của vua Louis XIV và Napoleon III!

Video Nhà thờ Đức Bà Paris cho thấy tiến độ, vẻ đẹp đáng kinh ngạc

Đại phong cầm và các ống của đàn

Cây đại phong cầm phủ đầy bụi chì đã được vệ sinh và 8.000 ống của nó được lắp ráp lại từng cái một. Việc chỉnh cao độ cho các ống phải mất sáu tháng.

Video Nhà thờ Đức Bà Paris cho thấy tiến độ, vẻ đẹp đáng kinh ngạc

Đá cẩm thạch khảm

Một nhân viên phục chế đang làm việc tại khu khảm đá cẩm thạch ở giữa sàn cho ban hợp xướng của nhà thờ.

Video Nhà thờ Đức Bà Paris cho thấy tiến độ, vẻ đẹp đáng kinh ngạc

Sự tuyên thệ của vua Louis XIII

Trong khu vực của ban hợp xướng của nhà thờ, bức tượng Vua Louis XIII dâng vương miện lên Đức Mẹ đang dần được phục hồi.

Video Nhà thờ Đức Bà Paris cho thấy tiến độ, vẻ đẹp đáng kinh ngạc

Bàn thờ chính lộng lẫy

Những nhân viên phục chế đang làm việc với bàn thờ chính của nhà thờ, có niên đại từ thời Viollet-le-Duc, để lấy lại vẻ huy hoàng trước đây của bàn thờ.

Video Nhà thờ Đức Bà Paris cho thấy tiến độ, vẻ đẹp đáng kinh ngạc

Những màu sắc rực rỡ

24 nhà nguyện phụ đã được khôi phục hoàn toàn lấy lại vẻ đẹp tráng lệ trước đây.

Video Nhà thờ Đức Bà Paris cho thấy tiến độ, vẻ đẹp đáng kinh ngạc

Ánh sáng rực rỡ

Được rọi sáng bởi một tia nắng mặt trời, nhà thờ đã từng bị hoen ố qua nhiều thế kỷ trước vụ hỏa hoạn lại hiện ra rực rỡ với ánh sáng.


[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 25/08/2024]


Thứ Hai, 19 tháng 8, 2024

Huấn từ kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 18.08.2024

Mình và Máu là nhân tính của Chúa Giêsu, chính mạng sống của Người được hiến dâng làm lương thực cho chúng ta

Huấn từ kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha

Huấn từ kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 18.08.2024

Vatican Media


*******

Trưa Chúa Nhật, ngày 18 tháng 8 năm 2024, Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc trong Điện Tông Tòa Vatican để đọc kinh Truyền Tin với khoảng 12.000 tín hữu và khách hành hương tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô.

“Ta là bánh hằng sống từ trời xuống” (Ga 6:51) với bài Tin Mừng Chúa Nhật tuần này, trước giờ Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha phân tích về phép lạ Thánh Thể, phép lạ mà ngày nay cũng tạo nên “sự kinh ngạc và lòng tri ân”.

Sau đây là huấn từ của Đức Thánh Cha trước giờ đọc kinh kính Đức Mẹ:

_____________________________________


Huấn từ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chúc anh chị em Chúa nhật hạnh phúc!

Hôm nay, Tin Mừng kể cho chúng ta về Chúa Giêsu, Đấng nói đơn giản rằng: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống” (Ga 6:51). Trước đám đông, Con Thiên Chúa đồng nhất mình với lương thực vô cùng thông thường và phổ biến nhất - bánh: “Tôi là bánh”. Trong số những người đang lắng nghe Ngài, một số người bắt đầu tranh luận với nhau (x. câu 52): làm sao Giêsu lại có thể ban cho chúng ta chính thịt của ông ấy để ăn? Ngay cả hôm nay, chúng ta cũng tự hỏi chính mình câu hỏi này, nhưng với sự ngạc nhiên và tâm tình biết ơn. Sau đây là hai thái độ để suy ngẫm: kinh ngạc và biết ơn trước phép lạ Thánh Thể.

Trước hết: kinh ngạc, vì lời của Chúa Giêsu làm chúng ta ngạc nhiên. Nhưng Chúa Giêsu luôn làm chúng ta ngạc nhiên, luôn luôn! Ngay cả hôm nay, trong cuộc sống của mỗi người chúng ta, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục làm chúng ta ngạc nhiên. Bánh từ Trời là một món quà vượt quá mọi sự mong đợi. Những ai không hiểu được con đường của Chúa Giêsu thì vẫn còn hoài nghi: gần như là không thể, thậm chí là dã man khi ăn thịt người khác (x. c. 54). Tuy nhiên, thịt và máu là nhân tính của Đấng Cứu Thế, chính mạng sống của Người ban tặng cho chúng ta như một nguồn lương thực nuôi sống.

Và điều này đưa chúng ta đến thái độ thứ hai: lòng biết ơn. Thứ nhất là kinh ngạc. Bây giờ là lòng biết ơn, bởi vì chúng ta nhận biết Chúa Giêsu ở nơi Người hiện diện với chúng ta và ở cùng với chúng ta. Người biến mình thành bánh cho chúng ta. “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy” (x. c. 56). Đức Kitô, là người thật sự, biết rõ rằng con người phải ăn để sống. Nhưng Ngài cũng biết rằng như vậy là không đủ. Sau phép lạ hóa bánh của trần gian ra nhiều (x. Ga 6:1-14), Chúa chuẩn bị một món quà còn lớn lao hơn nhiều: Chính Chúa trở thành của ăn và của uống đích thực (x. c. 55). Thưa Chúa Giêsu, cảm tạ Chúa! Chúng ta cùng đồng thanh nói “Cảm tạ Chúa, cảm tạ Người” với tất cả tấm lòng.

Bánh của nước Trời từ Chúa Cha đến chính là Chúa Con đã nhập thể vì chúng ta. Của ăn này còn vượt hơn cả sự cần thiết vì nó thỏa mãn cơn đói hy vọng, cơn đói sự thật và cơn đói ơn cứu độ mà tất cả chúng ta đều cảm nhận không phải trong dạ dày, mà là trong con tim của chúng ta. Mỗi người chúng ta đều cần Thánh Thể!

Chúa Giêsu chăm sóc nhu cầu lớn lao nhất: Ngài cứu thoát chúng ta, nuôi dưỡng sự sống của chúng ta bằng chính sự sống của Ngài, và Ngài sẽ làm điều này luôn mãi. Và chính nhờ Ngài mà chúng ta có thể sống trong tình hiệp thông với Thiên Chúa và với nhau. Do đó, bánh hằng sống và bánh thật chứ không phải là thứ gì đó của phép thuật, không phải. Nó không phải là thứ sẽ giải quyết ngay lập tức mọi vấn đề, nhưng chính Thánh Thể Chúa Kitô mang lại nguồn hy vọng cho người nghèo khó và vượt qua sự kiêu ngạo của những kẻ ăn uống vô độ với cái giá của chính những người nghèo.

Thưa anh chị em, chúng ta hãy tự hỏi bản thân: tôi có đói khát ơn cứu độ không chỉ cho riêng cho bản thân, mà còn cho tất cả anh chị em tôi không? Khi tôi lãnh nhận Mình Thánh, là phép lạ của lòng thương xót, tôi có kính sợ trước Nhiệm Thể Chúa, Đấng đã chết và sống lại vì chúng ta không?

Chúng ta hãy cùng cầu nguyện với Đức Trinh Nữ Maria, xin Mẹ giúp chúng ta biết chào đón món quà nước Trời qua dấu chỉ bánh này.

________________________________________


Sau Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến!

Hôm nay, tại Uvira, Cộng hòa Dân chủ Congo, các nhà truyền giáo người Ý thuộc Dòng Thánh Phanxicô Xaviê Luigi Carrara, Giovanni Didoné và Vittorio Faccin, cùng với Cha Albert Joubert, một linh mục người Congo, đã được phong chân phước. Các ngài đã bị giết tại đất nước đó vào ngày 28 tháng 11 năm 1964. Sự tử đạo của họ đã tôn vinh một cuộc đời dành cho Chúa và cho anh chị em của họ. Xin cho tấm gương và lời chuyển cầu của các ngài thúc đẩy con đường hòa giải và hòa bình vì lợi ích của người dân Congo. Chúng ta hãy dành một tràng pháo tay cho các vị Chân phước mới!

Và chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện để con đường hòa bình có thể được tìm thấy ở vùng Trung Đông — Palestine, Israel — cũng như ở Ukraine, Myanmar đang đau khổ và mọi khu vực bị chiến tranh tàn phá, thông qua đối thoại và đàm phán, kiềm chế các hành động bạo lực và phản ứng bạo lực.

Cha gửi lời chào tất cả anh chị em, các tín hữu thân yêu của Rome và những anh chị em hành hương đến từ nước Ý và nhiều quốc gia khác. Đặc biệt, cha chào anh chị em đến từ tiểu bang São Paulo ở Brazil; và các Nữ tu Dòng Thánh Elizabeth.

Cha gửi lời chào và những lời lành đến các phụ nữ và thanh thiếu nữ tập trung tại Đền thánh Đức Mẹ Piekary Śląskie ở Ba Lan, và cha động viên họ làm chứng cho Phúc Âm cách hân hoan trong gia đình và xã hội. Và cha chào các bạn trẻ Immacolata.

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật hạnh phúc. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha, Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng, và arrivederci!


[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 19/8/2024]


Trong một phỏng vấn, Đức Giáo hoàng Phanxicô nói về những đòi hỏi trong cương vị Giáo hoàng như thế nào, ước mơ đến Trung Quốc của ngài và cách ngài xử lý những chỉ trích

Trong một phỏng vấn, Đức Giáo hoàng Phanxicô nói về những đòi hỏi trong cương vị Giáo hoàng như thế nào, ước mơ đến Trung Quốc của ngài và cách ngài xử lý những chỉ trích

Trong một phỏng vấn, Đức Giáo hoàng Phanxicô nói về những đòi hỏi trong cương vị Giáo hoàng, ước mơ đến Trung Quốc của ngài và cách ngài xử lý những chỉ trích

Đức Thánh Cha gửi cho người dân Trung quốc một thông điệp hy vọng, công nhận rằng đức tin và sự kiên cường họ là một minh chứng hùng hồn cho sự dâng hiến và lòng tin tưởng của họ vào Chúa.


15 tháng 8, 2024 07:19



(ZENIT News / Rome, 15.08.2024). - Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 5 năm ngoái, và mãi đến tháng 8 năm nay mới được công bố, Đức Giáo hoàng Phanxicô chia sẻ mong muốn được đến thăm Trung Quốc và đặc biệt là cầu nguyện tại Đền thờ Đức Mẹ Sheshan, gần Thượng Hải. Mong muốn này phản ánh sự tôn trọng và khâm phục sâu sắc của ngài đối với người Công giáo Trung Quốc đã giữ vững đức tin bất kể những nghịch cảnh mà họ phải đối mặt trong nhiều năm.

Về mặt lịch sử, mối quan hệ giữa Vatican và Trung Quốc đã trở nên phức tạp, được đánh dấu bằng sự ngờ vực của Chính phủ Trung Quốc đối với ảnh hưởng của Công giáo. Tuy nhiên, đã có những tiến bộ đáng kể vào năm 2018, khi cả hai bên ký một Thỏa thuận, điều chỉnh việc bổ nhiệm Giám mục trong nước, giúp các giám mục có thể được cả cộng đồng Công giáo địa phương cũng như Giáo hoàng chấp thuận. Mặc dù Thỏa thuận này đã được ký lại hai lần, vào năm 2020 và 2022, nhưng việc thực hiện Thỏa thuận này không tránh khỏi những căng thẳng, với các rắc rối trong đó Chính quyền Trung Quốc đơn phương đưa ra những quyết định bổ nhiệm các Giám mục, thách thức tinh thần của Thỏa thuận.

Trong cuộc phỏng vấn phát sóng trên kênh YouTube của Tỉnh Dòng Tên Trung Quốc, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nhắc đến lòng kiên nhẫn và khả năng chờ đợi của người Trung Quốc, mô tả họ là “bậc thầy” trong các nhân đức này. Đề cập đến những thách thức mà người Công giáo phải đối mặt ở Trung Quốc, Đức Thánh Cha gửi đến họ một thông điệp hy vọng, công nhận rằng lòng tin và tính kiên cường của người dân Trung Quốc là một minh chứng hùng hồn về sự dâng hiến và tin tưởng của họ vào Chúa.

Những đòi hỏi trong cương vị của một Giáo hoàng và cách xử lý những chỉ trích

Đức Giáo hoàng cũng phản ánh về các nhu cầu cấp thiết trong vai trò là người lãnh đạo Giáo hội Công giáo. Ở tuổi 87, ngài cho biết rằng khả năng giải quyết một chương trình nghị sự căng thẳng như vậy là nhờ vào đời sống có trật tự và sự hỗ trợ của những vị cộng sự đáng tin cậy. Tuy nhiên, ngài thừa nhận rằng những chỉ trích, cho dù đôi khi khó khăn, nhưng là điều cần thiết cho sự phát triển cá nhân ngài cũng như cho Giáo hội nói chung. Ngay cả khi phải đối mặt với sự phản đối trực tiếp, Đức Giáo hoàng Phanxicô vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng của sự kiên nhẫn và suy tư, ngài nhắc lại rằng một số sự chống đối có thể chứa đựng những chỉ trích mang tính xây dựng có lợi cho Giáo hội.



Đối mặt với những khủng hoảng và thách thức toàn cầu

Đức Thánh Cha không né tránh những thách thức mà ngài phải đối mặt trong suốt thời gian làm giáo hoàng, từ đại dịch đến các cuộc chiến tranh hiện nay. Nói về những thách thức này, ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của tính hài hước và cầu nguyện, đề cập đến việc hàng ngày nhiệt thành với lời cầu nguyện của Thánh Thomas More là người xin được ban cho khiếu hài hước. Thái độ này đã giúp ngài luôn bình an và tìm kiếm giải pháp thông qua đối thoại và kiên nhẫn.

Lời kêu gọi tránh chủ nghĩa giáo quyền và thế tục

Nhìn về tương lai, Đức Giáo hoàng cảnh báo về những nguy hiểm của chủ nghĩa giáo sĩ và tính thế tục thiêng liêng, coi chúng là những mối đe dọa lớn nhất đối với Giáo hội, thậm chí còn tồi tệ hơn những bê bối trong quá khứ. Liên quan đến điều này, ngài thúc giục Người kế nhiệm tương lai của ngài duy trì đời sống cầu nguyện liên lỉ, nhắc nhở rằng chính trong cầu nguyện, Chúa truyền đạt và hướng dẫn.

Cuộc phỏng vấn với Cha Peter Chia, được ghi hình tại thư viện của Điện Tông Tòa Vatican, cung cấp một tầm nhìn ​​sâu sắc về Đức Giáo hoàng Phanxicô, một nhà lãnh đạo luôn vững niềm tin không thể lay chuyển vào khả năng vượt qua những khó khăn của Giáo hội, cho dù có những thách thức mà ngài phải đối mặt.Thông điệp của ngài gửi đến người Công giáo Trung Quốc và thế giới rất rõ ràng: niềm hy vọng, lòng kiên nhẫn, khiếu hài hước và cầu nguyện là chìa khóa để vượt qua những thời điểm khó khăn và tiếp tục tiến về phía trước với lòng can đảm và sự tín thác vào Chúa.



[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 18/8/2024]


Thứ Sáu, 16 tháng 8, 2024

Huấn từ giờ đọc kinh kính Đức Mẹ của Đức Thánh Cha: “Mẹ Maria đi trước chúng ta trên hành trình gặp Chúa”

“Mẹ Maria đi trước chúng ta trên hành trình gặp Chúa”

Huấn từ trước giờ đọc kinh kính Đức Mẹ của Đức Thánh Cha

Huấn từ giờ đọc kinh kính Đức Mẹ của Đức Thánh Cha: “Mẹ Maria đi trước chúng ta trên hành trình gặp Chúa”

Vatican Media

*******

Trưa hôm nay, Lễ trọng Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của ngài trong Điện Tông Tòa Vatican để đọc kinh Truyền Tin với gần 10.000 tín hữu và khách hành hương tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô. Đức Phanxicô khuyên chúng ta hãy hướng mắt về Đấng “luôn theo bước Chúa Giêsu”. Đức Thánh Cha cầu nguyện rằng, “Xin Đức Trinh Nữ giúp chúng ta tiến đến cuộc gặp gỡ với Chúa”.

Dưới đây là huấn từ của Đức Thánh Cha trước giờ đọc kinh kính Đức Mẹ:

_______________________________________


Huấn từ của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, buongiorno!

Hôm nay chúng ta mừng lễ trọng kính Đức Trinh Nữ Maria Hồn Xác Lên Trời. Trong Tin Mừng phụng vụ, chúng ta chiêm ngưỡng cô gái trẻ của làng Nadaret, vừa nhận được lời loan báo của Thiên thần, vội lên đường đi thăm người chị họ.

Câu miêu tả này trong Phúc Âm thật đẹp: “Bà Maria vội vã lên đường” (Lc 1:39). Điều đó có nghĩa là Mẹ Maria không coi tin vui mà Mẹ nhận được từ Thiên sứ là một đặc ân, nhưng ngược lại, Mẹ rời nhà và lên đường với sự vội vã của một người muốn loan báo niềm vui đó cho người khác và với sự háo hức muốn phục vụ người chị họ. Trên thực tế, hành trình đầu tiên này là phép ẩn dụ cho toàn bộ cuộc đời của Mẹ, bởi vì từ giây phút đó trở đi, Mẹ Maria sẽ luôn luôn theo bước chân của Chúa Giêsu như một môn đệ của Nước Trời. Và cuối cùng, cuộc lữ hành nơi dương thế của Mẹ kết thúc bằng việc Mẹ được rước lên trời, nơi Mẹ cùng với Con của Mẹ hưởng niềm vui của sự sống đời đời.

Anh chị em thân mến, chúng ta đừng hình dung Đức Maria “như một bức tượng sáp bất động,” nhưng chúng ta nhìn thấy nơi Mẹ một “người chị em … với đôi dép cũ sờn … và với bao mệt mỏi” (C. Carretto, Beata te che hai creduto, Rome 1983, tr. 13), vì đã theo bước chân của Chúa và gặp gỡ anh chị em, kết thúc cuộc hành trình của Mẹ trong vinh quang Nước Trời. Như vậy, Đức Trinh Nữ Maria là Người đi trước chúng ta trên hành trình, nhắc nhở tất cả chúng ta rằng cuộc sống của chúng ta cũng là một hành trình liên tục hướng tới chân trời của cuộc gặp gỡ sau cùng. Chúng ta hãy cầu xin Đức Mẹ giúp chúng ta trên hành trình này hướng tới cuộc gặp gỡ với Chúa.

____________________________________


Sau kinh Truyền tin Đức Thánh Cha tiếp tục

Anh chị em thân mến,

Một lần nữa tôi phó dâng cho Đức Maria Nữ Vương Hoà Bình, Đấng mà chúng ta chiêm ngưỡng hôm nay trong vinh quang của Thiên Đàng, những âu lo và đau thương của những người ở rất nhiều nơi trên thế giới đang phải chịu đựng những căng thẳng xã hội và chiến tranh. Tôi đặc biệt nghĩ đến những người tử đạo ở Ukraine, Trung Đông, Palestine, Israel, Sudan và Myanmar. Xin Mẹ trên trời ban cho mọi người sự an ủi và một tương lai thanh bình và hòa hợp!

Tôi tiếp tục theo dõi với sự quan ngại về tình hình nhân đạo rất nghiêm trọng ở Gaza, và một lần nữa tôi kêu gọi ngừng bắn trên mọi mặt trận, thả con tin và viện trợ cho người dân đã rất kiệt quệ. Tôi động viên mọi người nỗ lực hết sức để bảo đảm rằng xung đột không leo thang và các con đường đàm phán được theo đuổi để thảm kịch này sớm kết thúc! Chúng ta đừng quên: chiến tranh là một thất bại.

Lúc này suy nghĩ của tôi hướng về Hy Lạp, trong những ngày gần đây đã phải chiến đấu với trận hỏa hoạn tàn khốc bùng phát ở phía đông bắc Athens. Hàng chục ngàn người đã được sơ tán, nhiều gia đình đã mất nhà cửa, hàng ngàn người đang phải đối mặt với tình trạng khó khăn rất lớn, và ngoài sự thiệt hại rất lớn về vật chất thì thảm họa môi trường đang xuất hiện. Tôi cầu nguyện cho các nạn nhân và những người bị thương, tôi thể hiện sự gần gũi với tất cả những người đang phải chịu đựng tình hình nghiêm trọng này, tin tưởng rằng họ có thể được trợ giúp với tình liên đới chung.

Và cha gửi lời chào tất cả anh chị em người dân Rome và những anh chị em hành hương đến từ nhiều quốc gia khác nhau, đặc biệt là các Hướng đạo sinh AGESCI của Cornedo Vicentino và các bạn trẻ Immacolata. Cha cảm ơn sự hiện diện của các con. Cha chúc tất cả anh chị em ngày Lễ mừng Đức Mẹ Lên Trời hạnh phúc. Và anh chị em thân mến, xin anh chị em đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và arriveerci!



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 16/8/2024]


Huấn từ kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 11.08.2024: “Chúng ta hãy chuẩn bị tâm hồn để lắng nghe những điều Chúa muốn nói với chúng ta”

“Chúng ta hãy chuẩn bị tâm hồn để lắng nghe những điều Chúa muốn nói với chúng ta”

Huấn từ kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha

Huấn từ kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 11.08.2024: “Chúng ta hãy chuẩn bị tâm hồn để lắng nghe những điều Chúa muốn nói với chúng ta”

*******

Trưa hôm nay (ND: 11/08/2024), Đức Thánh Cha Phanxicô đã xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của Điện Tông Tòa Vatican để đọc Kinh Truyền Tin cùng khoảng 12 ngàn tín hữu và khách hành hương tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Đức Giáo hoàng mời gọi chúng ta đừng giam mình trong pháo đài bất khả xâm phạm của những niềm tin và kế hoạch cứng nhắc của riêng mình, thực hiện những nghi lễ tôn giáo chỉ để khẳng định những gì chúng ta đã nghĩ, nhưng hãy chuẩn bị tâm hồn lắng nghe những gì Chúa muốn nói với chúng ta.

Sau đây là huấn từ của Đức Thánh Cha trước giờ đọc kinh kính Đức Mẹ:

___________________________________


Anh chị em thân mến, chúc anh chị em Chúa nhật hạnh phúc!

Hôm nay, Tin Mừng phụng vụ (Ga 6:41-51) kể cho chúng ta về phản ứng của dân Do Thái trước lời tuyên bố của Chúa Giêsu: “Tôi là bánh từ trời xuống” (Ga 6:38). Họ thấy chướng tai.

Họ xầm xì với nhau: “Ông này chẳng phải là ông Giêsu, con ông Giuse đó sao? Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả, sao bây giờ ông ta lại nói: ‘Tôi từ trời xuống?’” (Ga 6:42). Và họ xầm xì như vậy. Chúng ta hãy chú ý đến những gì họ nói. Họ tin rằng Giêsu không thể từ trời xuống, vì Ngài là con trai của một người thợ mộc và vì mẹ của Ngài cùng bà con họ hàng của Ngài là những người bình thường, quen thuộc, những người rất bình thường, giống như bao người khác. Họ nói, “Làm sao Thiên Chúa có thể biểu lộ Người theo cách bình thường như vậy?”. Đức tin của họ bị cản trở bởi những định kiến về lai lịch tầm thường của Ngài và họ bị cản trở bởi những giả định, do đó, họ không học hỏi được điều gì từ Ngài. Những quan niệm cố hữu và những giả định, chúng gây ra biết bao tác hại! Chúng ngăn cản sự đối thoại chân thành, ngăn chặn việc đến với nhau của những người anh chị em: hãy cẩn thận với những quan niệm cố hữu và những giả định. Họ có những tư duy cứng nhắc, và tâm hồn không có chỗ cho những gì không phù hợp với họ, không có chỗ cho những gì họ không thể phân loại và lưu trữ trong những ngăn kệ bụi bặm của sự an toàn của họ. Và điều này là đúng: những sự an toàn của chúng ta thường xuyên bị khóa chặt, bụi bặm, giống như những cuốn sách cũ.

Nhưng họ là những người tuân giữ lề luật, họ bố thí, giữ chay nghiêm nhặt và các thời gian cầu nguyện. Quả thật, Đức Kitô đã thực hiện nhiều phép lạ (x. Ga 2:1-11,4,43-54; 5:1-9; 6:1-25). Tại sao tất cả những điều này không giúp họ nhận ra Ngài là Đấng Messia? Tại sao nó không giúp ích được họ? Bởi vì họ thực hiện những nghi lễ tôn giáo không phải để lắng nghe Chúa, mà đúng hơn là để khẳng định những gì họ nghĩ. Họ khóa chặt trước Lời Chúa và tìm cách củng cố cho những suy nghĩ của riêng họ. Điều này được chứng minh bằng thực tế là họ thậm chí không buồn hỏi Chúa Giêsu để được giải thích; họ chỉ giới hạn trong việc lầm bầm với nhau về Chúa (x. Ga 6:41), như thể để trấn an nhau về những gì họ tin chắc, và họ tự nhốt mình, họ khóa chặt bản thân trong một pháo đài bất khả xâm phạm. Và vì vậy, họ không thể tin. Việc khóa chặt cửa lòng: nó gây biết bao tai hại, bao nhiêu tai hại!

Chúng ta hãy chú ý đến tất cả những điều này, bởi vì đôi khi điều tương tự cũng có thể xảy ra với chúng ta, trong cuộc sống và trong lời cầu nguyện của chúng ta: nó có thể xảy ra với chúng ta, nghĩa là thay vì thực sự lắng nghe những gì Chúa muốn nói với chúng ta, chúng ta chỉ hướng về Ngài và những người khác nhằm khẳng định những gì chúng ta nghĩ, khẳng định niềm tin, khẳng định những xét đoán của chúng ta, đó là những định kiến. Nhưng cách nói với Chúa như vậy không giúp chúng ta gặp gỡ được Chúa, không thực sự gặp được Ngài, cũng không giúp chúng ta mở lòng đón nhận ơn đó là ánh sáng và ân sủng của Ngài, để lớn lên trong sự tốt lành, để thực hiện ý muốn của Ngài và vượt qua những thất bại và khó khăn. Anh chị em thân mến, đức tin và lời cầu nguyện, sẽ mở rộng tâm trí và con tim khi chúng là chân thành, không khép kín. Khi thấy một người khép kín trong tâm trí, trong lời cầu nguyện của họ, thì đức tin và lời cầu nguyện đó không chân thật.

Vậy chúng ta hãy tự hỏi bản thân: trong đời sống đức tin của tôi, tôi có khả năng thinh lặng thực sự trong lòng và lắng nghe tiếng Chúa không? Tôi có sẵn lòng chào đón tiếng nói của Người, vượt ra ngoài não trạng của riêng tôi, và vượt qua nỗi sợ hãi của mình với sự giúp đỡ của Người không?

Xin Mẹ Maria giúp chúng ta biết lắng nghe tiếng Chúa bằng đức tin và can đảm thực hiện ý định của Người.

_____________________________________


Sau Kinh Truyền tin

Anh chị em thân mến!

Trong những ngày này, chúng ta tưởng niệm ngày ném bom nguyên tử ở hai thành phố Hiroshima và Nagasaki. Chúng ta tiếp tục phó thác cho Chúa những nạn nhân của các biến cố đó, và của tất cả các cuộc chiến tranh, chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện tha thiết cho hòa bình, đặc biệt là cho Ukraine, Trung Đông, Palestine, Israel, Sudan và Myanmar đang gặp rất bất ổn.

Chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho các nạn nhân của vụ tai nạn hàng không bi thảm ở Brazil.

Và cha gửi lời chào tất cả anh chị em người Rome và anh chị em hành hương đến từ nước Ý và nhiều quốc gia, đặc biệt là nhóm sinh viên đến từ tiểu chủng viện Bergamo đã đi bộ từ Assisi, trong cuộc hành hương kéo dài nhiều ngày. Các con có mệt không? Không hả? Tốt quá. Các con giỏi thật!

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật hạnh phúc. Và cha chúc Chúa nhật hạnh phúc tới tất cả các bạn trẻ Immacolata! Và xin đừng quên cầu nguyện cho cha; cả các anh chị em người Brazil nữa, cha có thể thấy rõ anh chị em. Cảm ơn tất cả anh chị em! Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng, và arrivederci!



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 12/8/2024]


Thứ Hai, 5 tháng 8, 2024

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 04.08.2024: “Bác ai chia sẻ mọi thứ, không giữ lại điều gì cho riêng mình”

“Bác ai chia sẻ mọi thứ, không giữ lại điều gì cho riêng mình”

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha

Huấn từ Kinh Truyền tin của Đức Thánh Cha ngày 04.08.2024

*******

Trưa hôm nay (ND: 4/8/2024), Đức Thánh Cha Phanxicô xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của ngài trong Điện Tông Tòa Vatican để đọc kinh Truyền Tin cùng khoảng 12.000 tín hữu và khách hành hương tập trung tại Quảng trường Thánh Phêrô.

Sau đây là huấn từ của Đức Thánh Cha trước giờ đọc kinh kính Đức Mẹ:

__________________________________________


Anh chị em thân mến, chúc anh chị em Chúa nhật hạnh phúc!

Hôm nay, Tin Mừng kể cho chúng ta về việc Chúa Giêsu mời gọi đám đông đang tìm kiếm Người, sau phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều, suy ngẫm về những gì đã xảy ra để hiểu rõ ý nghĩa của việc đó (x. Ga 6:24-35).

Họ đã ăn thức ăn được chia sẻ và thấy rằng, dù với rất ít nguồn lương thực, tất cả mọi người đều được ăn no thỏa nhờ lòng quảng đại và dũng cảm của một cậu bé đã chia sẻ những gì mình có với những người khác (x. Ga 6:1-13). Dấu chỉ rất rõ ràng: nếu mọi người đều cho người khác những gì mình có, và với sự trợ giúp của Chúa, thì ngay cả với con số ít ỏi mọi người vẫn có thể có được một thứ gì đó. Chúng ta đừng quên điều này: nếu mọi người đều cho người khác những gì mình có, và với sự trợ giúp của Chúa, thì ngay cả với con số ít ỏi mọi người vẫn có thể có được một thứ gì đó.

Đám đông đã không hiểu: họ tưởng rằng Chúa Giêsu là một nhà ảo thuật nên quay lại tìm Người, hy vọng Chúa sẽ thực hiện lại phép lạ như thể đó là phép thuật (x. c. 26).

Họ là những nhân vật chính của một trải nghiệm trong hành trình của họ, nhưng họ không nắm bắt được ý nghĩa của nó: sự chú ý của họ chỉ tập trung vào những chiếc bánh và những con cá, lương thực hiện tại đã hết ngay lập tức. Họ không nhận ra rằng đây chỉ là một công cụ mà Chúa Cha, khi làm thỏa mãn cơn đói của họ, đã mạc khải cho họ điều quan trọng hơn rất nhiều. Và Chúa Cha mạc khải cho họ điều gì? Con đường của sự sống đời đời và hương vị của lương thực làm thỏa mãn vượt ra ngoài mọi thước đo. Tóm lại, lương thực đích thực đó là Chúa Giêsu, Người Con yêu dấu của Chúa Cha đã trở thành người phàm (x. c. 35), Đấng đến để chia sẻ sự nghèo khó của chúng ta, dẫn chúng ta vượt qua nó để tiến đến niềm vui của sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa và với anh chị em của chúng ta (x. Ga 3:16).

Vật chất không mang lại sự viên mãn cho cuộc sống. Chúng giúp chúng ta tiến lên và là quan trọng, nhưng chúng không làm cho cuộc sống của chúng ta được viên mãn. Chỉ có tình yêu mới có thể làm được việc đó (x. Ga 6:35). Và để điều này xảy ra thì con đường phải đi là con đường bác ái, không giữ lại điều gì cho riêng mình, nhưng chia sẻ mọi thứ. Tình yêu chia sẻ mọi thứ.

Và điều này xảy ra ngay trong chính gia đình chúng ta. Chúng ta có thể nhìn thấy điều đó. Chúng ta hãy nghĩ đến những bậc cha mẹ đã vật lộn cả cuộc đời để nuôi dạy con cái cho thật tốt và để lại cho chúng một thứ gì đó cho tương lai. Thật đẹp biết bao khi thông điệp này được thấu hiểu, và những đứa con ghi nhớ công ơn và về phần các con, chúng lại hỗ trợ nhau như anh chị em! Ngược lại, thật buồn vô cùng khi các con tranh giành quyền thừa kế – tôi đã thấy rất nhiều trường hợp và điều đó thật buồn vô cùng – và giữa họ nổ ra cuộc chiến và không thèm nói chuyện với nhau trong nhiều năm! Thông điệp của cha mẹ, di sản quý giá nhất của cha mẹ, không phải là tiền bạc. Đó là tình yêu mà họ dành cho con cái mình mọi thứ họ có, giống như Chúa đã làm với chúng ta, và bằng con đường này, họ dạy chúng ta cách yêu thương.

Vậy chúng ta hãy tự hỏi mình: tôi có mối quan hệ như thế nào với vật chất? Tôi có phải là nô lệ của vật chất không, hay tôi sử dụng chúng một cách tự do như những công cụ để trao tặng và đón nhận tình yêu? Tôi có khả năng nói lời “cảm ơn” với Chúa và với anh chị em tôi về những món quà tôi đã nhận được không? Và tôi có biết cách chia sẻ những món quà đó với người khác không?

Xin Mẹ Maria, Đấng đã hiến dâng trọn cuộc đời Mẹ cho Chúa Giêsu, dạy chúng ta biết biến mọi sự thành khí cụ của tình yêu.

_________________________________________________


Sau giờ đọc kinh Truyền tin Đức Thánh Cha tiếp tục:

Anh chị em thân mến!

Thứ sáu tuần trước tại Bkerke, Li Băng, Đức Thượng phụ Estephan El Douaihy đã được phong chân phước. Với sự khôn ngoan, ngài đã lãnh đạo Giáo hội Maronite từ năm 1670 đến năm 1704 trong thời kỳ khó khăn mang đậm dấu ấn của sự bách hại. Là một người thầy của đức tin và một mục tử tận tâm, ngài là một chứng nhân của hy vọng luôn gần gũi với mọi người. Ngay cả ngày nay, người dân Li Băng vẫn phải chịu quá nhiều đau khổ! Đặc biệt, tôi nghĩ đến gia đình các nạn nhân vụ nổ tại Cảng Beirut. Tôi hy vọng rằng công lý và sự thật sẽ sớm được thực thi. Xin vị tân Chân phước củng cố đức tin và niềm hy vọng cho Giáo hội tại Li Băng, và chuyển cầu cho đất nước thân yêu này. Chúng ta hãy dành một tràng pháo tay cho vị Chân phước mới!

Tôi theo dõi với sự quan ngại sâu sắc những gì đang diễn ra ở Trung Đông, và tôi hy vọng rằng cuộc xung đột, vốn đã vô cùng đẫm máu và bạo lực, sẽ không lan rộng hơn nữa. Tôi cầu nguyện cho tất cả các nạn nhân, đặc biệt là những trẻ em vô tội, và bày tỏ sự cảm thông với cộng đồng người Druze ở vùng Đất Thánh và người dân ở Palestine, Israel và Li Băng. Chúng ta đừng quên Myanmar. Chúng ta hãy can đảm nối lại đối thoại để có lệnh ngừng bắn ngay lập tức ở dải Gaza và trên mọi chiến tuyến, những con tin được giải thoát và người dân được hỗ trợ viện trợ nhân đạo. Các cuộc tấn công, ngay cả những cuộc tấn công có mục tiêu, và giết người không bao giờ là giải pháp. Chúng không giúp bước đi trên con đường của công lý, con đường hòa bình, mà còn gây thêm nhiều hận thù và báo thù hơn nữa. Đủ rồi, thưa anh chị em! Đủ rồi! Đừng bóp nghẹt lời của Thiên Chúa Hòa bình, nhưng hãy để lời đó trở thành tương lai của Đất Thánh, của Trung Đông và toàn thế giới! Chiến tranh là một thất bại!

Tôi cũng rất quan tâm đến Venezuela, nơi đang trải qua tình hình khủng hoảng. Tôi tha thiết kêu gọi tất cả các bên hãy tìm kiếm sự thật, kiềm chế, tránh mọi hình thức bạo lực, giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại, đặt lợi ích thực sự của người dân lên hàng đầu chứ không phải lợi ích đảng phái. Chúng ta hãy phó dâng đất nước cho sự chuyển cầu của Đức Mẹ Coromoto, được người dân Venezuela vô cùng yêu mến và tôn kính, và phó thác cho lời sự chuyển cầu của Chân phước José Gregorio Hernandez, người mà chứng tá của ngài đã đoàn kết tất cả chúng ta.

Tôi bày tỏ sự gần gũi với người dân Ấn Độ, đặc biệt là bang Kerala, nơi người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi những trận mưa như trút nước, gây ra nhiều vụ lở đất, khiến nhiều người thiệt mạng, nhiều người phải di dời và thiệt hại lớn. Tôi mời gọi anh chị em cùng tôi cầu nguyện cho những người đã chết và cho tất cả những người bị ảnh hưởng bởi thảm họa tàn khốc này.

Hôm nay là lễ nhớ Thánh Curé d’Ars, một số quốc gia mừng “lễ của cha xứ”. Tôi bày tỏ sự gần gũi và cũng như lòng biết ơn của tôi đối với tất cả các cha xứ với lòng nhiệt thành và quảng đại, đôi khi phải trải qua nhiều đau khổ, đã hiến dâng cho Chúa và cho mọi người. Chúng ta dành một tràng pháo tay cho các cha xứ của chúng ta!

Cha gửi lời chào anh chị em, người dân Rome và anh chị em hành hương đến từ nước Ý và nhiều quốc gia, đặc biệt là nhóm đến từ Cộng hòa Séc, các bạn đồng hành của Thánh Ursula, các tín hữu đến từ Chiusa Sclafani và Siderno, các bạn trẻ đến từ San Vito dei Normanni, các bạn trẻ từ giáo xứ Sacro Cuore ở Padua và những người đi xe đạp từ Sambuceto. Với niềm hân hoan, cha gửi lời chào đến những người tham dự Đại hội giới trẻ đầu tiên của Bồ Đào Nha đang được tổ chức tại Fatima. Các bạn trẻ thân yêu, cha thấy rằng trải nghiệm đầy nhiệt huyết của năm ngoái tại Lisbon vẫn tiếp tục đơm hoa kết trái. Tạ ơn Chúa! Cha cầu nguyện cho các con và xin các con hãy cầu nguyện cho cha tại Nhà nguyện Hiện ra.

Cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật hạnh phúc. Cà xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng. Arrivederci!



[Nguồn: exaudi]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 5/8/2024]


50.000 lễ sinh Châu Âu gặp gỡ Đức Thánh Cha tại Vatican

50.000 lễ sinh Châu  u gặp gỡ Đức Thánh Cha tại Vatican

Mặc dù đang trong kỳ nghỉ hè, Đức Thánh Cha vẫn cố gắng hết sức để tham gia cuộc họp mặt quan trọng này. Ảnh: Vatican Media


50.000 lễ sinh Châu Âu gặp gỡ Đức Thánh Cha tại Vatican


Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ lời cảm ở đối với các em lễ sinh trẻ vì sự tận tụy và vì đã thực hiện chuyến hành hương đến Rome để cử hành đức tin của mình. “Các bạn trẻ thân yêu, cảm ơn các con. Chúc các con có một hành trình tuyệt vời với Chúa Giêsu!” ngài kết thúc bằng tiếng Đức


31 tháng Bảy, 2024 17:57

ZENIT STAFF


(ZENIT News / Vatican City, 07.31.2024). - Trong một sự kiện trọng đại, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chào đón khoảng 50.000 lễ sinh từ khắp Châu Âu đến Vatican vào hôm thứ Ba, ngày 30 tháng 7. Đây là cuộc họp mặt đầu tiên sau sáu năm, mang đến cảm giác sâu sắc về sự gắn kết với Giáo hội Công giáo toàn cầu và cơ hội khám phá thành phố lịch sử Rome cho các bạn trẻ tham dự.

50.000 lễ sinh Châu  u gặp gỡ Đức Thánh Cha tại Vatican

Phần lớn các lễ sinh tham dự đến từ những quốc gia nói tiếng Đức, tạo ảnh hưởng đến các diễn biến của sự kiện. Những lời cầu nguyện và bài hát chủ yếu bằng tiếng Đức, và bài giáo lý của Đức Thánh Cha được dịch sang tiếng Đức. Đức Thánh Cha Phanxicô thậm chí còn phát biểu trước đám đông bằng tiếng Đức, hồi tưởng về thời gian của ngài ở Đức trong những năm 1980.

Sự kiện khai mạc lúc 4:00 chiều với chương trình ca hát và cầu nguyện đầy sức sống, tạo cơ hội cho các lễ sinh trẻ chia sẻ kinh nghiệm của mình với những người bạn đồng trang lứa từ nhiều quốc gia khác nhau. Không khí bừng lên sôi động khi Đức Thánh Cha Phanxicô đến sớm hơn dự kiến ​​lúc 5:40 chiều, được chào đón bằng tràng pháo tay vang rền và một biển mũ hành hương đầy màu sắc. Mặc dù đang trong kỳ nghỉ hè, Đức Thánh Cha vẫn cố gắng hết sức để tham gia cuộc họp mặt quan trọng này.

50.000 lễ sinh Châu  u gặp gỡ Đức Thánh Cha tại Vatican

Trong bài giáo lý, Đức Thánh Cha Phanxicô suy tư về chủ đề của cuộc hành hương lần thứ 13 của các lễ sinh: “Với Người”. Ngài nhấn mạnh rằng việc phục vụ trong phụng vụ làm Thiên Chúa nổi bật lên như là nhân vật trung tâm của chủ đề “Với Người” này. Ngài nhắc nhở các bạn trẻ bằng câu trích dẫn lời Chúa Giêsu, “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ”. Ngài nhấn mạnh rằng sự hiện diện này trở nên hiện thực trọn vẹn trong Bí tích Thánh Thể, nơi Thiên Chúa trở nên hữu hình trong Mình và Máu Chúa Kitô.

50.000 lễ sinh Châu  u gặp gỡ Đức Thánh Cha tại Vatican

Đức Thánh Cha khuyến khích các bạn trẻ tham dự hãy thể hiện khẩu hiệu “Với Người” của Chúa Giêsu trong cuộc sống hàng ngày, thúc giục họ yêu thương và phục vụ tha nhân và gạt bỏ mọi định kiến ​​hay loại trừ. Ngài kêu gọi họ đồng cảm sâu sắc, khóc với người khóc và vui với những người vui, nuôi dưỡng những kết nối vững chắc và chân thành. Ngài nói, “Nhờ Chúa Giêsu, chúng ta có thể nói với người lân cận của mình: ‘Tôi ở với bạn,’ không chỉ bằng lời, mà còn bằng hành động và xuất từ con tim”.

50.000 lễ sinh Châu  u gặp gỡ Đức Thánh Cha tại Vatican

Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ lòng biết ơn đối với các em lễ sinh trẻ vì sự tận tụy và vì đã thực hiện chuyến hành hương đến Rome để cử hành đức tin của mình. “Các bạn trẻ thân yêu, cảm ơn các con. Chúc các con có một hành trình tuyệt vời với Chúa Giêsu!” ngài kết thúc bằng tiếng Đức, nhấn mạnh tầm quan trọng vai trò của các em như là những người mang tình yêu thương của Đức Kitô và là người chữa lành những trái tim bị tổn thương.

Cuộc gặp gỡ lịch sử này không chỉ củng cố đức tin và ý thức cộng đồng giữa những lễ sinh trẻ tuổi người Châu Âu mà còn nhấn mạnh vai trò quan trọng của các em trong Giáo hội và thế giới.

Dưới đây là lời chào của Đức Thánh Cha với những người có mặt tại buổi tiếp kiến:

________________________


Lời chào của Đức Thánh Cha

Các bạn trẻ thân yêu, chào các con!

Quảng trường Thánh Phêrô vốn là một nơi rất đẹp, nhưng sự hiện diện của các con làm cho nó thậm chí còn đẹp hơn nữa! Cảm ơn các con đã đến Rome, với một số bạn trong các con có lẽ đây là lần đầu tiên. Chào mừng các con!

Chủ đề cuộc hành hương, Với Người, của các con gây ấn tượng lớn cho cha. Các con có biết tại sao không? Bởi vì nó nói lên tất cả mọi điều trong hai từ. Thật là đẹp, và nó tạo không gian để tìm kiếm và tìm ra những ý nghĩa có thể.

Với Người. Đây là một cách diễn đạt tóm lược mầu nhiệm sự sống của chúng ta, mầu nhiệm của tình yêu. Khi một con người được thụ thai trong bụng mẹ, người mẹ nói với bào thai, “Đừng sợ, mẹ ở với con”. Nhưng người mẹ cũng cảm nhận cách huyền nhiệm rằng đứa bé này đang nói với bà rằng, “Con ở cùng mẹ”. Điều này cũng xảy ra với người cha theo một cách khác.

Khi cha nghĩ về các con, và nhìn thấy các con ở đây, cụm từ “Với Người” này mang những ý nghĩa mới! Để cha nói cho các con biết về những ý nghĩa mà cha thấy đẹp và quan trọng nhất.

Kinh nghiệm phục vụ phụng vụ của các con nhắc cha nhớ rằng chủ thể đầu tiên, tác nhân của cụm từ “Với Người”, là Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã nói: “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18:20). Việc này xảy ra trước hết trong Thánh lễ, trong Bí tích Thánh Thể, nơi Thiên Chúa “ở cùng anh chị em” trở thành sự hiện diện thực sự và cụ thể trong Mình và Máu Chúa Kitô. Linh mục nhìn thấy mầu nhiệm này diễn ra mỗi ngày trên đôi tay của mình; và các con cũng thấy điều đó khi phục vụ tại bàn thờ. Khi chúng ta đón nhận Mình Thánh, chúng ta cảm nhận rằng Chúa Giêsu “ở cùng chúng ta” cả về mặt tinh thần và thể xác. Người nói với các con: “Ta ở cùng con”, nhưng không phải bằng lời nói, mà Chúa làm như vậy bằng cử chỉ đó, hành động yêu thương đó, tức là Bí tích Thánh Thể. Các con cũng vậy, khi rước lễ hãy thưa với Chúa Giêsu: “Con ở cùng Người”, không phải bằng lời nói, mà bằng cả tâm hồn và thân xác của các con, bằng tình yêu của các con. Chính vì Chúa Giêsu ở cùng chúng ta nên chúng ta có thể thực sự ở cùng Người.

Các bạn trẻ thân yêu! Đó là điểm then chốt. Cha hy vọng cha đã giải thích rõ cụm từ “Với Người” mà chúng ta có thể chia sẻ với người khác. Theo cách này, chúng ta có thể thực hiện lệnh truyền của Chúa Kitô là “hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Nếu các con phục vụ với trí lòng sốt sắng, với cả tâm hồn và thể xác, giống như Mẹ Maria, thì mầu nhiệm của Thiên Chúa ở cùng các con sẽ ban cho các con khả năng ở bên người khác theo một cách thức mới. Nhờ Chúa Giêsu, luôn luôn nhờ Người và chỉ nhờ Người – các con cũng có thể nói với người lân cận của mình rằng “tôi ở cùng bạn”, không phải bằng lời nói, mà bằng hành động, bằng cử chỉ, bằng trái tim, bằng sự gần gũi cụ thể – các con đừng quên sự gần gũi cụ thể này. Các con có thể làm việc đó bằng cách khóc với người khóc, vui với người vui, không phán xét, không định kiến, không ích kỷ và không loại trừ bất kỳ ai. Ngay cả với những người mà chúng ta có thể không ưa thích; với những người khác biệt với chúng ta; với những người ngoại kiều; với những người mà chúng ta cảm thấy họ không hiểu chúng ta; với những người không bao giờ đến nhà thờ; với những người nói rằng họ không tin vào Chúa.

Các bạn trẻ thân mến, một mầu nhiệm lớn lao như thế được chứa đựng trong hai từ nhỏ bé này, Với Người! Chúng ta hãy cảm ơn những người đã chọn cụm từ đó, và cha đặc biệt cảm ơn các con đã đến đây như những người hành hương để chia sẻ niềm vui được thuộc về Chúa Giêsu, được làm người phục vụ tình yêu Người, làm người phục vụ trái tim bị đâm thâu của Người, là trái tim chữa lành những vết thương của chúng ta, giải thoát chúng ta khỏi cái chết, và ban cho chúng ta sự sống đời đời.

Các bạn trẻ thân yêu, cảm ơn các con. Chúc các con có một hành trình tuyệt vời với Chúa Giêsu!! Cảm ơn, cảm ơn các con rất nhiều!


[Nguồn: zenit]; [vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 3/8/2024]