Thứ Tư, 18 tháng 9, 2024

Toàn văn cuộc phỏng vấn với Đức Thánh Cha Phanxicô sau chuyến đi mục vụ tới Indonesia, Papua, Timor và Singapore

Toàn văn cuộc phỏng vấn với Đức Thánh Cha Phanxicô sau chuyến đi mục vụ tới Indonesia, Papua, Timor và Singapore

Đức Thánh Cha Phanxicô nói chuyện với các nhà báo tháp tùng trong chuyến tông du của ngài tới Châu Á và Châu Đại Dương.

Toàn văn cuộc phỏng vấn với Đức Thánh Cha Phanxicô sau chuyến đi mục vụ tới Indonesia, Papua, Timor và Singapore

Trên chuyến bay từ Singapore về Rome, Đức Thánh Cha Phanxicô nói chuyện với các nhà báo về thảm kịch đối với dân thường trong cuộc chiến ở Gaza và việc người dân Mỹ cần phải lựa chọn giữa hai ứng viên Harris và Trump theo lương tâm. Ngài lên án phá thai và việc từ chối người di dân, và bày tỏ quan điểm tích cực về thỏa thuận với Trung Quốc, gọi đất nước này là lời hứa và hy vọng cho Giáo hội.

13 THÁNG 9, 2024 14:25

ZENIT STAFF



(ZENIT News – Vatican Media / Chuyến bay về Rome,13.09.2024). - Trên chuyến bay từ Singapore trở về Rome, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói chuyện với các nhà báo tháp tùng trong chuyến Tông du của ngài tới Châu Á và Châu Đại Dương.

Ngài nói về tình hình bi thảm ở vùng Đất Thánh, khi số nạn nhân ở Gaza đã vượt quá 41.000.

Một câu hỏi liên quan đến cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ và sự lựa chọn mà người Công giáo phải đối mặt. Đức Thánh Cha cũng bày tỏ sự cởi mở về Trung Quốc, mô tả đất nước này là “một lời hứa và hy vọng cho Giáo hội”.

Sau đây là bản ghi chép buổi họp báo:

_______________________________________


Ông Matteo Bruni: Xin chào Đức Thánh Cha. Cảm ơn người vì những ngày vừa qua của chuyến đi này, và đã giúp chúng con cảm nhận được niềm vui của mọi người nhiều hơn là sự mệt mỏi của chính chúng con. Các nhà báo đi cùng Đức Thánh Cha có một số câu hỏi.

ĐTC Phanxicô: Trước tiên, tôi cảm ơn tất cả anh chị em vì công việc và sự đồng hành của anh chị em trong chuyến đi này; chuyến đi rất quan trọng đối với tôi. Và tôi cũng xin chúc mừng chị Valentina ‘trưởng khoa’, [Alazraki], vì chuyến đi này đánh dấu chuyến thứ 160 của chị. Tôi sẽ không nói chị hãy nghỉ hưu, mà ngược lại tôi hy vọng chị sẽ tiếp tục. Bây giờ, hãy bắt đầu đặt câu hỏi và cảm ơn anh chị em!

Pei Ting Wong (The Straits Times): Thưa Đức Thánh Cha Phanxicô, con rất vui... Con hy vọng cha tận hưởng chuyến thăm Singapore và có thể đã thử đồ ăn địa phương. Cha đã quan sát được điều gì về văn hóa và con người Singapore? Cha có ngạc nhiên về điều gì không? Singapore có thể học được gì từ ba quốc gia khác mà chúng ta đã đến thăm? Cụ thể là thông điệp của cha về mức lương công bằng cho những người di cư bị trả thấp đã được nhiều người Singapore đồng tình. Điều gì đã truyền cảm hứng cho thông điệp đó và cha nghĩ gì về nó? Cuối cùng, cha nói rằng Singapore có vai trò đặc biệt trên trường quốc tế. Singapore có thể làm gì trong một thế giới đang có chiến tranh, và Vatican có thể đóng góp gì về mặt ngoại giao?

ĐTC Phanxicô: Cảm ơn. Trước hết, tôi không ngờ Singapore lại như vậy. Họ gọi nơi này là “New York của phương Đông”, một đất nước phát triển, sạch sẽ với những con người lịch sự, những tòa nhà chọc trời và một nền văn hóa tôn giáo tuyệt vời. Cuộc gặp gỡ liên tôn của tôi là một mô hình của tình anh em.

Về người di cư, tôi thấy những tòa nhà chọc trời sang trọng, và rồi là những tòa nhà khác, tuy không lớn bằng, nhưng vẫn sạch sẽ và được bảo dưỡng tốt, và tôi đánh giá cao điều này. Tôi không cảm thấy có sự phân biệt đối xử. Tôi ấn tượng bởi nền văn hóa, đặc biệt là với các sinh viên. Ví dụ, ngày cuối cùng tôi rất có ấn tượng bởi văn hóa đó.

Và tiếp đến là vai trò quốc tế của Singapore. Đúng, tôi thấy tuần tới sẽ có một cuộc đua Thể thức 1. Vai trò quốc tế của một thủ phủ thu hút nhiều văn hóa khác nhau; đó là một thủ phủ tuyệt vời. Tôi không ngờ lại tìm thấy điều gì đó như thế.

H: Đức Thánh Cha đã học được gì?

Chị biết đấy, luôn luôn có điều gì đó để học, bởi vì mỗi con người và mỗi quốc gia đều có những sự phong phú khác nhau. Đó là lý do tại sao tình huynh đệ trong giao tiếp lại quan trọng đến vậy. Ví dụ, ở Timor-Leste, tôi thấy có rất nhiều trẻ em, nhưng ở Singapore thì không nhiều như vậy. Có lẽ đó là điều cần học… Tương lai nằm ở trẻ em; hãy cân nhắc điều này. À, một điều nữa: người dân Singapore các bạn rất thân thiện — luôn mỉm cười!

Delfim De Oliveira (GMN TV): Cuối Thánh lễ ở Taci Tolu, Đức Thánh Cha lưu ý đến sự có mặt của những con cá sấu. Cha có ý gì khi nói như vậy?

Tôi đã sử dụng hình ảnh những con cá sấu đang lên bờ. Timor-Leste có một nền văn hóa gia đình giản dị, vui tươi. Có rất nhiều trẻ em, rất nhiều! Khi tôi nói về cá sấu là tôi ám chỉ đến những ý tưởng từ bên ngoài có thể phá hỏng sự hòa hợp mà các bạn đang có. Cho phép tôi nói với chị điều này: tôi yêu Timor-Leste. Còn điều gì khác không?

Ở Timor-Leste, người Công giáo chiếm đa số, nhưng có sự phát triển của các giáo phái. Thuật ngữ “cá sấu” có ám chỉ đến họ không?

Có thể; Tôi không nói về điều đó — Tôi không thể — nhưng có lẽ. Bởi vì tất cả các tôn giáo đều phải được tôn trọng, nhưng phải phân biệt giữa tôn giáo và giáo phái. Tôn giáo là phổ quát, bất kể đó là gì. Một giáo phái thì hạn chế; đó là một nhóm nhỏ luôn có chương trình hoạt động khác nhau. Cảm ơn chị, và tôi có lời khen ngợi đất nước của chị!

Francisca Christy Rosana (Tempo Media Group): Cảm ơn, Đức Thánh Cha Phanxicô. Người dân Indonesia, không chỉ người Công giáo, đã rất háo hức chờ đợi chuyến thăm của cha từ lâu. Câu hỏi của con là: cha có biết rằng đất nước này vẫn đang đấu tranh với nền dân chủ của mình không? Cha nhìn vấn đề này như thế nào và thông điệp của cha dành cho chúng con là gì? Ngoài ra, Indonesia cũng phải đối mặt với những vấn đề như Papua New Guinea, nơi các ngành công nghiệp khai thác chỉ có lợi cho các nhà tài phiệt trong khi người dân địa phương và người bản địa không nhận được lợi ích gì. Cha nghĩ thế nào và chúng con có thể làm gì?

Đây là một vấn đề phổ biến ở các quốc gia đang phát triển. Đó là lý do tại sao, như Học thuyết xã hội của Giáo hội nói, điều quan trọng là phải bảo đảm sự hiệp thông giữa các khu vực khác nhau của xã hội. Chị nói rằng Indonesia là một quốc gia đang phát triển, và một lĩnh vực có lẽ cần phát triển là mối quan hệ xã hội. Tôi rất thích chuyến viếng thăm của tôi; nó thật tuyệt vời!

Ông Matteo Bruni: Thưa Đức Thánh Cha, báo chí Papua New Guinea đã theo dõi chặt chẽ chuyến đi của cha, nhưng thật không may, họ không thể cử một nhà báo lên chuyến bay. Con xin hỏi không biết cha có muốn chia sẻ điều gì về Papua New Guinea không, đặc biệt là Vanimo là nơi dường như Cha muốn đích thân đến thăm.

Tôi thích đất nước này và nhìn thấy một quốc gia mạnh mẽ, đang phát triển. Tôi muốn đến Vanimo để gặp gỡ một nhóm các linh mục và nữ tu Argentina làm việc ở đó, và tôi nhìn thấy một tổ chức rất đẹp. Ở tất cả các quốc gia, nghệ thuật đều rất phát triển: nhảy múa và cách biểu đạt nghệ thuật… Nhưng sự biểu đạt nghệ thuật ở Papua New Guinea, và ở Vanimo, thì rất ấn tượng. Nó tạo ấn tượng sâu sắc với tôi. Các nhà truyền giáo đi sâu vào rừng để làm hoạt động. Tôi thích Vanimo và cả đất nước này nói chung.

Stefania Falasca (Tianouzhiku): Xin chào Đức Thánh Cha. Chúng ta vừa rời khỏi Singapore, nơi có dân số chủ yếu là người Hoa, và đây là mô hình chung sống hòa bình. Về vấn đề hòa bình, con muốn biết suy nghĩ của Đức Thánh Cha, đặc biệt là khi xét đến vị trí của Singapore gần Trung Quốc đại lục, về những nỗ lực của Trung Quốc nhằm đạt được lệnh ngừng bắn tại các khu vực xung đột như Gaza. Vào tháng 7, Tuyên bố Bắc Kinh đã được ký kết để chấm dứt sự chia rẽ của người Palestine. Liệu có thể có những lĩnh vực hợp tác về hòa bình giữa Trung Quốc và Tòa thánh không? Và cuối cùng, chúng ta đang tiến tới việc gia hạn thỏa thuận giữa Trung Quốc và Tòa thánh về vấn đề bổ nhiệm các giám mục. Cha có hài lòng với kết quả và cuộc đối thoại cho đến nay không?

Về điểm cuối cùng, có, tôi hài lòng với các cuộc đối thoại với Trung Quốc. Kết quả là tốt. Ngay cả với việc bổ nhiệm các giám mục, mọi việc đang tiến triển với thiện chí. Tôi đã nói chuyện với Phủ Quốc vụ khanh, và tôi hài lòng với cách mọi việc đang diễn ra. Đối với Trung Quốc, tôi coi Trung Quốc là một “ilusión” (khát vọng), nghĩa là tôi muốn đến thăm Trung Quốc. Đó là một đất nước vĩ đại, và tôi ngưỡng mộ và tôn trọng Trung Quốc.

Đây là một quốc gia có nền văn hóa cổ xưa, có khả năng đối thoại để hiểu nhau, vượt ra ngoài các hệ thống chính quyền khác nhau mà quốc gia này từng có.

Tôi tin rằng Trung Quốc là một lời hứa và hy vọng cho Giáo hội. Sự hợp tác là có thể, và chắc chắn là có thể đối với các cuộc xung đột. Đức Hồng y Zuppi đang làm việc trong lĩnh vực này, và ngài có các mối liên hệ với Trung Quốc.

Anna Matranga (CBS News): Thưa Đức Thánh Cha, ngài luôn lên tiếng bảo vệ phẩm giá của sự sống. Ở Timor-Leste, nơi có tỷ lệ sinh cao, cha nói rằng cha cảm thấy sự sống đang rộn rã và bùng nổ với rất nhiều trẻ em. Ở Singapore, cha bảo vệ người lao động nhập cư. Với cuộc bầu cử sắp tới của Hoa Kỳ, cha sẽ đưa ra lời khuyên gì cho cử tri Công giáo khi phải đối mặt với một ứng cử viên ủng hộ việc chấm dứt thai kỳ và một ứng cử viên khác muốn trục xuất 11 triệu người nhập cư?

Cả hai đều chống lại sự sống: một thì đuổi người di cư và một thì giết trẻ em. Cả hai đều chống lại sự sống. Tôi không thể quyết định; tôi không phải người Mỹ và sẽ không đi bỏ phiếu ở đó. Nhưng hãy nói cho rõ ràng: từ chối khả năng làm việc và nhận được lòng hiếu khách đối với người di cư là một tội, một tội nặng. Cựu Ước nhắc đi nhắc lại về trẻ mồ côi, góa phụ và người ngoại kiều — người di cư. Đây là ba đối tượng mà dân Israel phải quan tâm. Không quan tâm người di cư là một tội, một tội chống lại sự sống và nhân loại.

Tôi cử hành Thánh lễ tại biên giới, gần giáo phận El Paso. Có rất nhiều giày dép của di dân, những người đã kết thúc cuộc sống nghèo khổ ở đó. Ngày nay, có một dòng người di cư trong Trung Mỹ, và nhiều khi họ bị đối xử như nô lệ vì mọi người lợi dụng tình hình. Di cư là một quyền, và nó đã có trong Kinh Thánh và Cựu Ước. Người ngoại kiều, trẻ mồ côi và góa phụ — đừng quên điều này.

Rồi đến vấn đề phá thai. Khoa học nói rằng một tháng sau khi thụ thai, tất cả các cơ quan của con người đều hình thành đủ. Mọi cơ quan. Phá thai là giết chết một con người. Cho dù chị có thích từ ngữ này hay không, thì đó là giết người. Giáo hội không phải là bảo thủ vì cấm phá thai; Giáo hội cấm phá thai vì đó là giết người. Đó là giết người; đó là sát nhân!

Và chúng ta cần phải rõ ràng về điều này: việc đuổi những người di cư đi, không cho họ phát triển, không cho họ có cuộc sống là điều sai trái, đó là sự tàn ác. Việc tống khứ một đứa trẻ ra khỏi bụng mẹ là giết người vì đã có sự sống. Và chúng ta phải nói rõ ràng về những điều này. “Không, nhưng tuy nhiên…” Không “nhưng tuy nhiên.” Cả hai điều đều rõ ràng. Trẻ mồ côi, người ngoại kiều và góa phụ — đừng quên điều này.

Theo Đức Thánh Cha, liệu có trường hợp nào được phép về mặt đạo đức khi bỏ phiếu cho một ứng cử viên ủng hộ phá thai không?

Trong đạo đức chính trị, người ta thường nói rằng không bỏ phiếu là xấu, là không tốt. Người ta phải bỏ phiếu. Và người ta phải chọn ít sự dữ hơn. Đâu là ít sự dữ hơn? Quý bà kia hay quý ông kia? Tôi không biết; mỗi người phải suy nghĩ và quyết định theo lương tâm của mình.

Mimmo Muolo (Avvenire): Có nguy cơ xung đột ở Gaza sẽ lan sang Bờ Tây. Một vụ nổ xảy ra cách đây vài giờ đã giết chết 18 người, bao gồm một số nhân viên Liên Hợp Quốc. Cảm xúc của Đức Thánh Cha lúc này thế nào và người sẽ nói gì với các bên tham chiến? Có khả năng nào để Tòa thánh có thể làm trung gian nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn và hòa bình lâu dài không?

Tòa Thánh đang làm việc về vấn đề này. Để tôi cho anh biết một điều: Tôi gọi điện đến Gaza hàng ngày; có một giáo xứ ở đó, và bên trong trường học của họ có 600 người — người Kitô giáo và Hồi giáo — sống như anh chị em. Họ kể cho tôi nghe những câu chuyện khủng khiếp, những điều khó khăn.

Tôi không thể nói liệu cuộc chiến này có quá đẫm máu hay không, nhưng khi anh nhìn thấy xác các trẻ em bị giết, khi anh nghe nói các trường học bị đánh bom vì có thể có du kích ở bên trong thì thật kinh hoàng. Thật kinh khủng, thật khủng khiếp.

Đôi khi người ta nói rằng đây là một cuộc chiến phòng vệ, nhưng nhiều lúc tôi tin rằng đó là chiến tranh… quá nhiều, quá nhiều. Tôi xin lỗi vì đã nói điều này, nhưng tôi không thấy có bước tiến nào hướng tới hòa bình.

Ví dụ, ở Verona, tôi đã có một kinh nghiệm đẹp. Một người đàn ông Do Thái có vợ bị chết trong một vụ đánh bom, và một người đàn ông từ Gaza với người con gái đã chết, cả hai đều nói về hòa bình, ôm nhau và làm chứng cho tình anh em. Tôi xin nói điều này: tình anh em quan trọng hơn việc giết hại lẫn nhau. Tình anh em, bắt tay nhau. Cuối cùng, bất kỳ ai chiến thắng trong cuộc chiến sẽ tìm thấy một thất bại lớn. Chiến tranh luôn là một thất bại, luôn luôn, không có ngoại lệ. Và chúng ta không được quên điều đó. Đây là lý do tại sao mọi điều việc thực hiện vì hòa bình đều quan trọng. Và tôi muốn nói một điều, đây có vẻ là tôi hơi tham gia vào chính trị một chút: Tôi rất, rất biết ơn Quốc vương Jordan. Ngài là một con người của hòa bình. Đức Vua Abdullah là một người tốt lành.

Lisa Weiss (ARD): Thưa Đức Thánh Cha, trong chuyến đi này, người đã nói rất thẳng thắn về các vấn đề của mỗi quốc gia, không chỉ về cái đẹp. Do đó, chúng con tự hỏi tại sao Đức Thánh Cha không đề cập đến vấn đề Singapore vẫn còn án tử hình?

Đúng vậy; tôi không nghĩ ra. Án tử hình không hiệu quả. Chúng ta cần phải xóa bỏ nó, dần dần. Nhiều quốc gia có luật nhưng không thi hành án. Hoa Kỳ cũng vậy… Nhưng án tử hình phải được dừng lại. Nó không đúng; nó không đúng.

Simone Leplatre (Le Monde): Thưa Đức Thánh Cha, trước hết, xin cảm ơn Đức Thánh Cha vì chuyến đi thú vị này. Ở Timor-Leste, Đức Thánh Cha đã đề cập đến các nạn nhân trẻ tuổi bị lạm dụng tình dục. Rõ ràng, chúng con nghĩ đến Giám mục Belo. Ở Pháp, chúng con có một trường hợp tương tự với linh mục Abbé Pierre, người sáng lập phong trào Emmaus, người được bầu là nhân vật được yêu mến nhất của Pháp trong nhiều năm. Trong cả hai trường hợp, sức thu hút của họ khiến người ta khó tin vào những lời buộc tội. Con muốn hỏi rằng: Vatican biết được những gì về trường hợp linh mục Abbé Pierre? Và Đức Thánh Cha có thể nói gì với các nạn nhân và công chúng nói chung, những người thấy khó tin rằng một người đã làm rất nhiều điều tốt đẹp như thế cũng phạm tội ác? Và nói về nước Pháp, chúng con cũng muốn biết: Đức Thánh Cha có đến Paris để dự lễ khánh thành Nhà thờ Đức Bà vào tháng 12 không?

Tôi sẽ trả lời câu hỏi cuối: Tôi sẽ không đến Paris; Tôi sẽ không đến Paris. Với câu hỏi đầu, anh đã đụng chạm đến một điểm rất đau đớn và tế nhị. Đây là những con người giỏi giang, những người đã làm việc tốt, như linh mục Abbé Pierre. Với tất cả những điều tốt đẹp đã làm, người ta phát hiện ra rằng người này là một người tội lỗi nặng nề. Đây là tình trạng con người của chúng ta.

Chúng ta không được nói: hãy che đậy để không ai nhìn thấy. Tội trống là tội phạm công khai và phải bị lên án. Ví dụ, linh mục Abbé Pierre là một người đã làm nhiều việc tốt nhưng cũng là một tội nhân. Chúng ta phải nói rõ ràng về những điều này và không che giấu. Cuộc chiến chống lạm dụng tính dục là vấn đề mà tất cả chúng ta phải tham gia. Và không chỉ chống lại lạm dụng tình dục mà còn chống lại mọi hình thức lạm dụng: lạm dụng xã hội, lạm dụng giáo dục, thao túng tâm trí của mọi người, tước đi quyền tự do của họ.

Đối với tôi, lạm dụng là thuộc về ma quỷ vì nó phá hủy phẩm giá của con người. Mọi hình thức lạm dụng đều cố gắng phá hủy con người chúng ta: hình ảnh của Thiên Chúa. Tôi rất vui khi những trường hợp này được đưa ra ánh sáng.

Tôi nói với anh một điều mà tôi có thể đã đề cập trước đây: năm năm trước, chúng tôi đã có một cuộc họp với các chủ tịch Hội đồng Giám mục về vấn đề lạm dụng tình dục và các hình thức lạm dụng khác. Chúng tôi đã có một số liệu thống kê rất rõ ràng, tôi tin là từ Liên hợp quốc: 42-46% lạm dụng được đưa ra (xảy ra) trong gia đình hoặc khu xóm… Tóm lại, lạm dụng tình dục trẻ em, trẻ vị thành niên, là một tội ác và là một sự ô nhục.

(…)

Có một điều tôi không trả lời: Vatican biết gì về linh mục Abbé Pierre? Tôi không biết Vatican biết về vấn đề đó khi nào; tôi không biết. Tôi không biết vì tôi không ở đây, và trước đây tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc điều tra sự việc này, nhưng rõ ràng sau khi ông qua đời, điều đó đã được phát hiện, nhưng trước đó, tôi không biết.

Elisabetta Piqué (La Nación): Trước hết, xin cảm ơn Đức Thánh Cha vì chuyến đi rất đẹp này đến tận cùng trái đất. Đây là chuyến đi dài nhất trong triều đại giáo hoàng của cha. Nói về những chuyến viếng đi dài ngày, nhiều đồng nghiệp đã hỏi con: chúng ta có đến Argentina không? Đó là câu hỏi thứ nhất: chúng ta sẽ đến Argentina hay không? Câu hỏi thứ hai là ở Venezuela, tình hình rất bi thảm. Trong những ngày vừa qua khi người đang đi tông du, vị tổng thống đắc cử về mặt lý thuyết đã phải lưu vong ở Tây Ban Nha. Đức Thánh Cha sẽ gửi thông điệp gì đến người dân Venezuela?

Tôi không theo dõi tình hình ở Venezuela, nhưng thông điệp tôi muốn gửi đến các nhà lãnh đạo là hãy tham gia đối thoại và tìm kiếm hòa bình. Những chế độ độc tài chẳng có ích gì và luôn kết thúc tồi tệ, sớm hay muộn. Hãy đọc lịch sử của Giáo hội… Tôi muốn nói rằng chính phủ và người dân phải làm mọi cách có thể để tìm ra con đường dẫn đến hòa bình ở Venezuela. Tôi không thể đưa ra ý kiến về mặt ​​chính trị vì tôi không biết chi tiết. Tôi biết rằng các giám mục đã lên tiếng, và thông điệp của họ là tốt. Còn về việc đi Argentina, vẫn chưa có quyết định. Tôi muốn đi; đó là đất nước của tôi. Tôi muốn đi, nhưng vẫn chưa có quyết định nào được đưa ra. Có một số điều cần phải giải quyết trước.

Nếu Đức Thánh đi, có thể ngài sẽ dừng chân ở quần đảo Canary không?

Chị đọc được suy nghĩ của tôi, đúng không? Tôi đang nghĩ đến việc đến Quần đảo Canary, vì có những hoàn cảnh người di cư đến bằng đường biển, và tôi muốn gần gũi với các nhà lãnh đạo và người dân ở đó.

Josie Bonifasius Susilo (Kompas.id): Cảm ơn Đức Thánh Cha. Một số quốc gia đang bắt đầu xa rời những cam kết của họ đối với Thỏa thuận Paris vì lý do kinh tế, đặc biệt là sau đại dịch. Một số quốc gia đang do dự trong việc chuyển đổi sang năng lượng xanh và tránh sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Đức Thánh Cha nghĩ gì về những vấn đề này?

Tôi nghĩ vấn đề khí hậu là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng. Kể từ khi Hiệp định Paris (COP21 năm 2015), là đỉnh điểm, các cuộc họp về khí hậu đã giảm bớt. Nói thì rất nhiều, nhưng hành động thì ít. Đó là ấn tượng của tôi. Tôi đã đề cập đến vấn đề này trong hai tài liệu: Laudato si’ và Laudate Deum.

Ông Matteo Bruni: Chúng con xin cảm ơn Đức Thánh Cha.

ĐTC Phanxicô: Cảm ơn anh chị em, hãy tiếp tục tiến về phía trước và can đảm! Hy vọng họ cho chúng ta ăn ngay bây giờ! (cười).


[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 17/9/2024]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét